Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bất động sản VN 'chờ giải cứu'

.Bất động sản

Nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam nằm im lìm do không tìm được đầu ra trong lúc chủ đầu tư khó khăn vì đói vốn.

viet property

 

Thị trường bất động sản Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn vì nợ xấu và tình trạng ứ đọng, mặc dù nhu cầu mua vẫn tăng.

 

Cổng thông tin chính phủ ngày 17/12 công bố kết quả khảo sát thị trường, trong đó cho thấy từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ đầu tư bất động sản đã giảm từ 80% xuống còn 10%, trong khi cùng thời gian trên, tỷ lệ khách hàng có nhu cầu thực lại tăng mạnh từ 20% lên 90% thị trường.

Trong phiên họp giữa Bộ tài chính với doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/12, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố cho biết hiện khối lượng hàng tồn kho bất động sản trên địa bàn đang ở mức 30 nghìn tỷ đồng, nợ xấu trên 4 nghìn tỷ đồng.

Ông Châu cũng cho biết thêm nhiều doanh nghiệp trong nước đã giảm giá bán từ 30-40% nhưng vẫn không có người mua.

Trả lời trong một phiên chất vấn trước Quốc hội cách đây không lâu về nguyên nhân tình trạng tồn kho hiện nay của thị trường bất động sản, Bộ trưởng xây dựng ông Trịnh Đình Dũng cho rằng số lượng các dự án hiện tại là quá nhiều, vượt xa với mức nhu cầu thực của xã hội và thị trường do quá trình phát triển các công trình bất động sản tự phát, phong trào và thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch.

Ông Dũng cũng cho rằng cơ cấu bất động sản là bất hợp lý khi các căn hộ cao cấp, trung bình thì chiếm tỷ lệ quá lớn mà bất động sản đáp ứng nhu cầu người dân có thu nhập thấp vẫn thiếu.

Cổng thông tin chính phủ cho biết hiện nay, nhu cầu với căn hộ giá cả phải chăng vẫn rất lớn; bằng chứng là các chủ đầu tư với các dự án vừa phải, giá bán từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng vẫn đạt được con số bán rất khả quan.

Điều này cho thấy cơ cấu thị trường đang chuyển dần sang các dự án đáp ứng đúng nhu cầu thực của người mua.

Khi nào chạm đáy?

viet central bank

 

Ngân hàng Nhà nước

Áp lực lãi suất ngân hàng đang khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản hạ giá mạnh vào thời điểm cuối năm

 

Áp lực lãi suất ngân hàng và tâm lý tiêu dùng cuối năm đang thúc đẩy các chủ đầu tư bất động sản tiếp tục hạ giá ồ ạt.

Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng giá bất động sản sẽ không tiếp tục giảm vào năm 2013.

Trả lời báo chí trong nước, ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng giám đốc Hải Phát, chủ đầu tư dự án chung cư Phúc Thịnh cho rằng giá bán vẫn phải dựa vào chi phí đầu tư và điều này sẽ khiến chủ đầu tư không thể tiếp tục giảm giá trong năm 2013.

“Nếu giảm giá mà lỗ thì không chủ đầu tư nào dám làm”, ông Thái nói.

Trái với ý kiến của ông Thái; phát biểu trong hội thảo "Triển vọng bất động sản Việt Nam năm 2013" hôm 11/12, Tiến sỹ Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý Trung Ương cho rằng thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng và xu hướng giảm giá có thể sẽ tiếp diễn đối với các dự án quy mô lớn và vừa. Trong khi đó các dự án có diện tích nhỏ, giá rẻ có nhiều triển vọng hơn.

Một ý kiến khác của kinh tế gia Phạm Đỗ Chí thì cho rằng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khó khăn trong năm tới vì lượng hàng tồn kho rất lớn, giá bất động sản vẫn chưa chạm đáy và sẽ còn giảm từ 30 – 40% trong thời gian tới.

"Đã có cách cứu"

  Trước kiến nghị của các đại diện doanh nghiệp  có mặt trong buổi họp ngày 15/12, Bộ trưởng Bộ tài chính ông Vương Đình Huệ cho biết hiện Bộ này đã khảo sát thị trường ở ba miền Bắc, Trung, Nam và đang xây dựng đề án giải cứu cho thị trường bất động sản tại Việt Nam.

Trang web Bộ tài chính trong tin đăng ngày 16/12 dẫn lời ông Huệ nói “Hiện kịch bản giải cứu cho nền kinh tế, cho bất động sản chúng tôi đã có trong tay rồi. Bất động sản sẽ được cứu bằng giải pháp tài chính."

Ông Huệ cũng cho biết Bộ tài chính đã thống nhất với đề xuất giảm thuế để tăng thu cho doanh nghiệp, cụ thể là thuế thu nhập doanh nghiệp đang được xem xét để giảm từ mức 25% xuống còn 23%; riêng doanh nghiệp dưới 200 lao động và doanh thu dưới 20 tỷ đồng có thể được áp dụng mức thuế 20% từ năm 2014 hoặc sớm hơn.

Ngoài ra, thuế ưu đãi cho nhà ở xã hội sẽ là 10%. Tiền thuê đất tiếp tục cho giảm 50%.

Bộ cũng đề xuất tiếp tục giãn thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2013 và các doanh nghiệp bất động sản sẽ được cho giãn thuế nhiều hơn và thống nhất tiếp thu việc cho phép nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ.

Cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, cần phải tác động thị trường vật liệu xây dựng, cụ thể thông qua việc đề nghị gói hỗ trợ lãi suất 0% cho các hoạt động liên quan đến khu vực này, nhằm gián tiếp khơi thông thị trường bất động sản.

Ngoài ra, Bộ tài chính cũng cho biết sắp tới sẽ phối hợp địa phương để phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đẩy nhanh vốn trái phiếu chính phủ nhằm huy động đầu tư vào giao thông.

Nợ chạy đi đâu?

Chinese workers

 

Xây dựng

 

Bộ Tài chính cho rằng cần đẩy mạnh thị trường vật liệu xây dựng để gián tiếp tác động thị trường bất động sản

Khẳng định rằng chính phủ đang gấp rút xem xét giải cứu cho khu vực bất động sản, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ tài chính cũng đặt nghi vấn cho độ chính xác của thông số nợ của khu vực này.

“Dư nợ cho vay bất động sản trên 66.000 tỷ đồng trong khi tồn kho chỉ có 30.000 tỷ đồng thì số tiền kia chạy đi đâu? Chưa kể vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư còn bỏ tiền ra nữa”, ông Huệ bình luận về thống kê nợ của khu vực thành phố Hồ Chí Minh.

“Theo tôi biết, hiện nay doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 30%, đi vay 70%, sau hai năm làm bán không được nhà coi như mất hết. 66.000 tỷ đồng vốn vay, cộng vốn chủ sở hữu nữa, phải trên 100.000 tỷ đồng, như vậy nói tồn kho 30.000 tỷ đồng thì 70.000 tỷ đồng chạy đi đâu?"

Ông cũng nhận xét thêm nếu số nợ xấu chỉ có 4.145 tỷ đồng thì quá nhỏ và không đáng lo, do đó cần phải "xác định chính xác, nếu không đánh giá đúng thì khó bắt bệnh được”.

Switch mode views: