Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-11-2012

OBAMA  ASEAN -cambot-2012

 


Tổng thống Mỹ Barack Obama và những người đồng nhiệm Noda,Susilo Bambang Yudhoyono, Hassanal Bolkiah, Hun Sen, Ôn Gia Bảo, Julia Gillard tại thượng đỉnh ASEAN.
REUTERS/Damir Sagolj

 

Chuyến công du Châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục thu hút chú ý của báo chí Pháp hôm nay 20/11/2012 với nhiều bài phân tích cặn kẽ. Nhật báo Libération cũng có bài phản ánh sự kiện này với điểm nhấn là trạm dừng chân tại Cam Bốt của ông Obama.

Sau khi thăm Thái Lan và Miến Điện, Tổng thống Obama đã đến Cam Bốt để tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nước ASEAN. Libération cho rằng chuyến công du này là « một hành trình rủi ro » của ông Obama bởi vì tình trạng nhân quyền tại Cam Bốt mấy năm gần đây ngày càng tệ hại. Nhất là trong năm nay, nhiều nhà đấu tranh dân chủ và nhiều nhà báo đã bị xét xử, phe đối lập tại Cam Bốt thì bị buộc im hơi lặng tiếng.

Tình hình đến mức mà hôm qua khi hội kiến với Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, Tổng thống Obama đã không ngần ngại nêu rõ rằng những vi phạm nhân quyền tại Cam Bốt chính là bước cản trong quan hệ giữa hai nước.

Mục đích của Tổng thống Obama đến Cam Bốt có phải chỉ vì nhân quyền hay không ?

Nên nhớ rằng ông đến Cam Bốt là để dự thượng đỉnh Đông Á. Libération nhắc lại việc Washington đã chuyển hướng chiến lược đến vùng Châu Á -Thái Bình Dương.

Hồi tháng Bảy rồi, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton đã tuyên bố : «Chúng tôi làm việc với ASEAN về những vấn đề cốt lõi đối với Hoa Kỳ, bắt đầu bằng hồ sơ an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân và tăng trưởng kinh tế ».

Bà Ngoại trưởng cũng khẳng định : « Chúng tôi hiện đầu tư trong khối ASEAN nhiều hơn ở Trung Quốc ». Một câu tuyên bố có chủ đích, và Libération đã nói rõ chủ đích này là : Hoa Kỳ muốn làm đối trọng với sự lớn mạnh của Trung Quốc trong một khu vực đang nóng bỏng hồ sơ tranh chấp lãnh thổ.

Obama đến Miến Điện để giảm ảnh hưởng của Trung Quốc

Chia sẻ quan điểm với Libération, nhật báo Công Giáo La Croix đăng bài « Tại sao ông Obama ưu tiên đến Miến Điện ? ».

Tờ báo cho rằng, việc Tổng thống Obama tỏ ra ưu ái với Miến Điện và chính phủ Miến Điện thì tỏ ra mặn nồng với Hoa Kỳ, ấy là bởi vì việc tăng tăng cường hợp tác song phương rất phù hợp với nguyện vọng hiện tại của hai nước.

Kể từ khi bị phương Tây bao vây kinh tế, từ mấy chục năm nay Miến Điện có đồng minh thân cận nhất là Trung Quốc. Thế nhưng hiện tại nước này muốn dần thoát khỏi sự lệ thuộc quá mức vào Trung Quốc, và dĩ nhiên Hoa Kỳ là lựa chọn tốt nhất.

Còn đối với Hoa Kỳ, chính sách trở lại Châu Á -Thái Bình Dương của Tổng thống Obama đang cần sự ủng hộ của các nước trong khu vực. Việc Miến Điện tiến hành cải cách kịp thời giúp cho Tổng thống Obama như diều gặp gió để danh chánh ngôn thuận tiếp tục chính sách Châu Á khi vừa được tái cử nhiệm kỳ hai.

La Croix cũng nói thêm, vùng Châu Á -Thái Bình Dương là khu vực có nền kinh tế năng động nhất thế giới, các nước trong khu vực cũng muốn tìm đối trọng để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Về phần mình, Le Figaro đăng bài « Obama đánh cược trên vấn đề dân chủ Miến Điện ».

Tờ báo dùng từ « đánh cược » bởi vì con đường cải cách tại Miến Điện vẫn còn dài. Tổng thống Obama quyết định đến thăm Miến Điện với lý do được công bố là để cổ vũ cho tiến trình dân chủ ở đất nước này.

Thế nhưng, theo Le Figaro, chuyến thăm có lợi ích chiến lược to lớn đối với Hoa Kỳ : Mỹ muốn khẳng định rằng mình đóng vai trò chủ chốt trong tiến trình dân chủ tại Miến Điện. Điều đó có lợi cho chính sách hướng về vùng Châu Á -Thái Bình Dương của Tổng thống Obama và mở đường cho các nhà đầu tư Mỹ đến khai thác Miến Điện.

Bàn về tiềm năng của Miến Điện, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết, đất nước này dồi dào nguồn tài nguyên có giá trị như khí đốt, dầu hỏa và đá quý.

Kinh tế vùng Đông Nam Á sẽ tiếp tục phát triển

Bên cạnh kinh tế Miến Điện, Les Echos còn có bài nhìn tổng thể nền kinh tế Đông Nam Á với hàng tựa:

«Kinh tế Đông Nam Á sẽ phồn thịnh trong năm năm tới ».

Les Echos cho hay, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển Châu Âu (OEEC) tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Cam Bốt, trong giai đoạn 2013 - 2017, kinh tế của 10 nước thành viên ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỉ lệ bình quân là 5,5%/năm.

Các động lực tăng trưởng, theo báo cáo đó là những nước này có nguồn nhân lực trẻ, có chính sách thu hút đầu tư hợp lý và nhất là có mức cầu nội địa ngày càng tăng.

Đi sâu vào mức cầu nội địa, báo cáo cho rằng, ở hầu hết những nước này tầng lớp trung lưu đang phát triển. Tầng lớp này chi tiêu nhiều cho tiêu dùng, cho xe hơi và cho bất động sản. Ngoài ra khi có tiền nhiều hơn thì yêu cầu về giáo dục và y tế của họ cũng cao hơn.

Liên quan đến Việt Nam, báo cáo nhận định, Việt Nam đã thành công trong việc rút ngắn khoảng cách với các nước giàu có nhất khối ASEAN đồng thời cũng đã giảm được những bất bình đẳng xã hội.

Bắc Triều Tiên : Dùng thủ đoạn buộc người dân về nước

Đến với Bắc Triều Tiên, Le Figaro có bài « Bắc Triều Tiên đã giăng bẫy những người trốn chạy như thế nào ? ».

Những người trốn chạy ở đây là chỉ những công dân Bắc Triều Tiên bí mật rời khỏi đất nước với ước mơ đổi đời tại Hàn Quốc. Mỗi năm có hàng ngàn người như vậy tìm đến phía Nam qua đường Trung Quốc.

Theo tờ báo, kể từ khi kế nhiệm cha mình hồi cuối năm ngoái, ông Kim Jong Un đã tăng cường biện pháp buộc những người thuộc thành phần nói trên về nước. Kết quả là năm 2012, số người vượt biên đến Hàn Quốc đã giảm đến phân nửa.

Nói về biện pháp buộc người dân về nước, Le Figaro chỉ rõ đó là : gây sức ép và hăm dọa. Khi trốn chạy khỏi Bắc Triều Tiên, dĩ nhiên người trốn chạy vẫn còn thân nhân ở lại trong nước. Và Bình Nhưỡng đã dùng tính mạng những người này để đe dọa những người vượt biên.

Khi người vượt biên về nước, Bình Nhưỡng lại buộc họ phải xuất hiện trên truyền hình quốc gia thừa nhận sai lầm và phải tố cáo « xã hội tư bản » của Hàn Quốc là « thối nát, bất công và nhũng nhiễu ».

Theo Le Figaro, từ khi lên nắm quyền đến nay, chính quyền Kim Jong Un đã tiến hành ba vụ buộc xuất hiện trước công chúng tố cáo miền Nam theo kiểu nêu trên. Đây là một biện pháp tuyên truyền nhằm che lấp những yếu kém trong phát triển của chế độ đối với người dân, từ đó hạn chế dòng người vượt biên sang Hàn Quốc.

Pháp : Cánh hữu chia rẽ sâu sắc

Nhìn sang trời Âu, hầu hết báo Pháp hôm nay đều dành bài xã luận về sự chia rẽ sâu sắc của cánh hữu nước này.

Nhật báo Le Monde chạy dòng tít lớn trên trang nhất «Hỗn loạn trong đảng UMP » và dành bài xã luận cảnh báo «Cánh hữu rạn nứt : Nguy hiểm ! ».

UMP (Đảng Liên minh vì Phong trào Nhân dân) hiện là đảng lớn nhất trong cánh hữu, và cũng là đảng đối lập chính tại Pháp.

Vừa rồi, trong cuộc bầu chọn người đứng đầu đảng, hai ứng viên Jean-François Copé và cựu Thủ tướng François Fillon đã đấu đá nhau quyết liệt, đến mức mà sau bầu cử, dù chưa có kết quả chính thức nhưng hai ông mạnh ai nấy tuyên bố là người chiến thắng và chỉ trích đối thủ gian lận.

Hiện tại đã có kết quả chính thức, ông Copé thắng sít sao với gần 100 phiếu hơn đối thủ, thế nhưng hậu quả mà hai ông để lại cho Đảng UMP và cho cả cánh hữu là rất nghiêm trọng.

Le Monde nhận định, cuộc đấu đá này quá khốc liệt, sẽ để lại những vết thương trầm trọng, và dù ai thắng đi nữa, thì người chiến thắng vẫn là chiến thắng trong « sự nghi ngờ ».

Tờ báo nhắc lại, mục tiêu của UMP vốn là : xây dựng một đảng cánh hữu lớn và hiện đại, có khả năng tập hợp mọi tư tưởng của cánh hữu Pháp để có thể nắm quyền lực lâu dài và để đối phó với sự lớn mạnh của làn sóng cực hữu, mà đại diện là Đảng Mặt trận Quốc gia (FN). Thế nhưng, tình hình hiện tại cho thấy UMP đã thất bại trong mục tiêu này.

Sự kiện Copé-Fillon cho thấy UMP thiếu một tư tưởng lãnh đạo thật sự, đang chưa thống nhất về thái độ và chiến lược cho tương lai của UMP. Đối với nước Pháp, khủng hoảng UMP có nguy cơ đào sâu thêm những rạn nứt chính trị và xã hội trong nước, làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và mang đến nhiều lợi ích cho phe cực hữu tại Pháp.

Đánh giá về sự việc này, tờ báo cánh hữu Le Figaro đăng bài xã luận kêu gọi : «Hãy nhanh chóng sang trang mới ».

Le Figaro thừa nhận rằng sự việc vừa qua đã tạo ra hình ảnh tệ hại nhất của một đảng phái chính trị dành cho cử tri của mình. Thế nhưng tờ báo không quá bi quan về tương lai của UMP.

Theo tờ báo, sự đổ vỡ của UMP là khó có thể xảy ra, bởi vì giữa hai ông Copé và Fillon và giữa những người ủng hộ hai ông không phải là hoàn toàn khác biệt.

Tờ báo cho rằng, cuộc đấu đá ác liệt vừa rồi đã khiến cho người ta quên rằng hai ông này từng cùng tham gia một chính phủ dưới thời Nicolas Sarkozy, và có một giai đoạn dưới thời Jacques Chirac. Điều đó khẳng định giữa hai ông và những người ủng hộ hai ông cũng chia sẻ chung nhiều giá trị. Trong bối cảnh đó, Le Figaro kêu gọi UMP nên nhanh chóng lật qua trang sử u ám vừa rồi để tiến lên phía trước.

Về phần mình, nhật báo cánh tả Pháp Libération có bài xã luận « Sự hợm hĩnh ».

Tờ báo nhắc lại rằng, UMP từng chỉ trích cánh tả không có khả năng lãnh đạo đất nước, không có khả năng tổ chức trọn vẹn một cuộc bầu cử vì mấy năm qua đảng Xã hội của đương kim tổng thống François Hollande cũng không ngừng có đấu đá nội bộ, ấy thế nhưng sự việc vừa qua của UMP quả thật khiến người ta phải phát cười.

Tờ báo cho rằng, cuộc bầu chọn lãnh đạo UMP vừa rồi đã cho thấy những giả dối và rạn nứt ý thức hệ trong hàng ngũ của đảng này. Libération cảnh báo : « Sắp tới, UMP sẽ phải xoay quanh một điểm đen, mà điểm đen đó mang tên Đảng Mặt trận Quốc gia (FN) ».

Nhật báo Cộng Sản L’Humanité thì dành trang nhất chạy dòng tựa lớn « UMP Copé bị chẻ làm hai » và một bài xã luận về chủ đề này.

Tờ báo không ngần ngại gọi cuộc chạy đua vừa rồi cuộc hai ông Copé và Fillon là « chiến tranh giành quyền kế thừa » của đảng UMP.

Về phần mình, nhật báo Công giáo La Croix cho rằng : không ai có lợi qua sự việc vừa rồi, kể cả đảng Xã hội cầm quyền, bởi vì qua đó hình ảnh đời sống chính trị của Pháp đã bị tổn hại, một hình ảnh gắn với lợi ích cá nhân và thù hận.

Trẻ em không nên tiếp xúc quá sớm màn hình

Trong lĩnh vực y tế, Le Figaro có bài cảnh báo « Trẻ em được bảo vệ kém trước làn sóng xuất hiện các màn hình ».

Màn hình ở đây muốn chỉ những phương tiện hiện đại như máy vi tính, iPhone hay iPad. Nhiều bé ở tuổi chưa biết nói, chưa biết đi đã được cha mẹ cho tiếp xúc với các loại phương tiện hiện đại này. Và hậu quả thì chưa được các bậc phụ huynh chú ý đúng mức.

Le Figaro cho hay, nhân ngày Quyền trẻ em 20/11, một nhà hoạt động bảo vệ quyền trẻ em tại Pháp đã đệ trình lên Tổng thống Pháp bản báo cáo trong đó có nêu những nguy cơ mà trẻ em có thể gặp phải nếu tiếp xúc màn hình quá sớm, như : chậm biết đứng, chậm khả năng cầm nắm, mất ngủ và thiếu tập trung.

Bên cạnh đó còn có những sản phẩm độc hại như video không thích hợp lứa tuổi mà các bé vô tình tìm được nếu bố mẹ bỏ chúng chơi một mình với iPad hay iPhone. Trên cơ sở đó, báo cáo đề nghị không nên cho trẻ em tiếp xúc màn hình trước ba tuổi.

Switch mode views: