Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ-Nhật siết chặt liên minh quân sự

USA Japon


Từ trái sang: Bộ trưởng Quốc phỏng Mỹ Chuck Hagel, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thủ tướng Shinzo Abe, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera tại Tokyo ngày 3/10/2013.
REUTERS/Koji Sasahara/Pool


 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel hôm nay 03/10/2013 bàn bạc với hai người đồng nhiệm Nhật Bản về một liên minh quân sự chặt chẽ hơn.
Đây là vấn đề chủ yếu đối với Washington trong bối cảnh căng thẳng khu vực, khiến châu Á-Thái Bình Dương trở thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Sau khi đặt vòng hoa tại nghĩa trang quốc gia Chidori ga Fuchi tưởng niệm những người Nhật thiệt mạng trong Đệ nhị Thế chiến, hai ông Kerry và Hagel sẽ gặp gỡ Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera trong hội nghị « 2+2 » lần đầu tiên được tổ chức trên đất Nhật.

Trung tâm của cuộc thảo luận là vấn đề an ninh khu vực, trong lúc Nhật Bản đang quan ngại trước sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc nhất là trên biển. Bên cạnh đó, chính sách phiêu lưu về hạt nhân của Bắc Triều Tiên vẫn là ưu tư lớn của cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản, hai nước bị vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng đe dọa.

Đối với ông John Kerry, cuộc gặp ở Tokyo cần phải « đặt ra nền tảng cho quan hệ an ninh Mỹ-Nhật tại khu vực trong 15 đến 20 năm tới ». Hai nước thỏa thuận là Nhật Bản sẽ « tăng cường vai trò » trong liên minh này.

Gần đây Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã nói rõ ý định của Tokyo đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh khu vực, mà ông gọi là « chủ nghĩa hòa bình tích cực ».

Nhắc nhở rằng hiệp định hợp tác quân sự song phương chưa được xem xét lại từ năm 1997, ông Kerry nhấn mạnh từ đó đến nay « đã có rất nhiều thay đổi, với những mối đe dọa mới dưới những hình thức khác nhau ».
Trước tình hình đó, hai nước đã đề ra việc hợp tác trong « những lãnh vực chiến lược như không gian và thế giới ảo ».

Theo Ngoại trưởng Mỹ, « liên minh này là một nhân tố trọng yếu trong chiến lược an ninh khu vực ».

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Mỹ-Nhật « trong lúc tình hình an ninh khu vực đang căng thẳng hơn ».
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đặt thẳng vấn đề « các đe dọa khác nhau từ Bắc Triều Tiên » và sự kiện « các nước châu Á có quan hệ rất căng với Trung Quốc, đặc biệt về vấn đề chủ quyền biển đảo ».

Từ hơn một năm qua, quan hệ Bắc Kinh – Tokyo vẫn lạnh giá vì hồ sơ Senkaku/Điếu Ngư.
Ông Onodera cho rằng « sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Đông Á rất quan trọng » cho hòa bình khu vực.

Washington và Tokyo thỏa thuận sẽ thiết trí tại miền trung nước Nhật một hệ thống radar phòng vệ thứ hai chống hỏa tiễn đạn đạo.

 Tuần rồi, Lầu Năm Góc đã báo cáo với Quốc hội về dự thảo hợp đồng gần một tỉ đô la để hiện đại hóa các máy bay radar của Nhật.
Hôm nay, hai bên cũng đồng ý về việc rút khoảng 5.000 quân Mỹ đóng tại đảo Okinawa sau năm 2020, và lần đầu tiên sẽ triển khai tại Nhật Bản « từ hai đến ba » phi cơ thám sát không người lái Global Hawk.

Dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Nhật trong chiến dịch xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương : Washington sẽ triển khai các máy bay trinh sát biển P-8 Poseidon từ tháng 12 tới (lần đầu tiên hoạt động ngoài nước Mỹ) và phi cơ tiêm kích F-35 từ năm 2017.

Một viên chức cao cấp Mỹ cho biết : « Cho dù phải đối phó với khó khăn ngân sách ở Washington, chúng tôi vẫn tiếp tục dành ưu tiên cho châu Á để có được các thiết bị quân sự tiên tiến nhất ».

 Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đánh giá quan hệ Washington-Tokyo là « trụ cột cho thịnh vượng và an ninh khu vực ».

Một sự trùng hợp là bên bề cuộc hội đàm Mỹ-Nhật, một viên chức Mỹ loan báo tuần tới sẽ có cuộc tập trận chung trên biển giữa hai nước và Hàn Quốc ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.


Switch mode views: