Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-09-2013
- Thứ Hai, 30 tháng Chín năm 2013 00:25
- Tác Giả: Minh Anh
Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường
Vườn Quốc gia Cát Tiên
Vyacheslav Stepanyuchenko/Wikipedia
Tại Việt Nam, một số trí thức trẻ bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường, mà ví dụ minh chứng là một làn sóng nhỏ đang nổi lên phản đối dự án xây đập thủy điện tại Cát Tiên. Đối với tác giả bài viết trên tờ The New York Times, được tuần san Courrier International trích dịch lại qua hàng tựa “Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường ”, sự việc cho thấy có thay đổi dần dần trong tâm thức người dân ở một đất nước quá quen thuộc với quan niệm « Cha chung không ai khóc ».
« Vì lợi ích mười năm, phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm, phải trồng người ». Đây là câu châm ngôn rất phổ biến của Hồ Chí Minh, xuất hiện tại hầu hết các lớp học ở Việt Nam. Thế nhưng, ngày càng có nhiều trí thức trong nước bắt đầu tự vấn phải chăng là vế đầu của câu châm ngôn đó đã không được quan tâm đúng mức.
Như ý thức được vấn đề đó, một số trí thức trẻ bắt đầu quan tâm đến vấn đề môi trường, mà ví dụ minh chứng là một làn sóng nhỏ đang nổi lên phản đối dự án xây đập thủy điện tại Cát Tiên.
Đối với tác giả bài viết trên tờ The New York Times, được tuần san Courrier International trích dịch lại qua hàng tựa “Việt Nam bắt đầu có ý thức bảo vệ môi trường ”, sự việc cho thấy có thay đổi dần dần trong tâm thức người dân ở một đất nước cộng sản quá quen thuộc với quan niệm là « Cha chung không ai khóc ».
Tác giả ký tên Liên Hoàng (một nữ ký giả và là nhà văn Việt Nam sinh sống tại New York) cho biết vừa qua tại Việt Nam, hơn 4700 người đã ký vào một bản kiến nghị trên trang mạng change.org, đề nghị chính phủ Việt Nam ngăn cấm dự án xây dựng hai đập thuỷ điện do tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư.
Vấn đề ở chỗ là để thực hiện dự án trên, tập đoàn này phải cho san bằng khoảng 400 ha đất rừng thuộc khuôn viên vườn quốc gia Cát Tiên, cách thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía đông bắc. Đây lại là một khu bảo tồn thiên nhiên có hệ sinh thái đa dạng nhất tại Việt Nam, nơi trú ngụ nhiều loài sinh vật quý hiếm như các loại lan rừng và gấu mã lai.
Từ năm 2006, nhà nước Việt Nam đã vận động để UNESCO xếp khu vực này vào danh mục Di sản Thế giới. Những người phản đối còn gởi một thư ngỏ lên chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Phong trào phản đối còn nhận được sự ủng hộ từ nhiều chính quyền địa phương cũng như báo giới trong nước.
Xét từ bên ngoài, sự việc cũng có vẻ rất tầm thường : Một doanh nghiệp lớn đe dọa nguồn tài nguyên thiên nhiên, các nhà bảo vệ môi sinh phản đối, và chính phủ phải chọn lựa giữa lợi nhuận và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, người Việt Nam còn có một đặc tính khá đặc biệt, họ chỉ phàn nàn về các vấn đề môi trường nếu có đụng chạm đến quyền lợi của mình.
Cuộc chiến bảo vệ rừng Cát Tiên khác hẳn trước đây
Thế nhưng, sự việc lần này mang một sắc thái khác hẳn hoàn toàn. Cuộc chiến bảo vệ rừng Cát Tiên ít mang tính chất thực dụng, hướng đến tương lai nhiều hơn : Đó là bảo vệ đa dạng sinh thái. Đối với tác giả, cuộc chiến đấu này đánh dấu một bước ngoặc mới về bản chất của sự đấu tranh dân sự. Đối với họ, dù có thất bại hay không, điều đó không quan trọng.
Vấn đề là người dân quan tâm nhiều đến vấn đề phát triển môi trường bền vững, theo như quan điểm của anh Nguyễn Huỳnh Thuật, một trong những người đứng đầu phong trào phản đối.
Cũng theo anh Thuật, cần phải đưa lại khái niệm trách nhiệm tập thể. Người Việt có thói quen giữ nhà cửa rất ngăn nắp sạch sẽ, nhưng lại xem nhẹ vệ sinh nơi công cộng như vứt rác bừa bãi hay tiểu tiện bậy trên hè phố. Đó cũng là do bởi quan niệm « cha chung không ai khóc ».
Tình trạng này đang được dần cải thiện. Ngày nay, giới trẻ có điều kiện đi du học nước ngoài và ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi những điều kiện sống ở các nước tân tiến. Nếu như trước đây, đối với người dân trong nước, bàn về các vấn đề môi trường là một sự xa xỉ do bởi cuộc sống còn quá nghèo nàn, giờ đây đã đổi khác. Ngày càng có nhiều người khá giả hơn.
Do vậy, ngày càng có nhiều người cảm thấy có trách nhiệm với môi trường và xã hội, theo như giải thích của anh Bùi Việt Hà, một cựu du học sinh. Bài viết kết luận, như vậy là sẽ ngày càng có nhiều người Việt Nam từ từ bắt đầu khóc cho cha chung rồi phải không ?
Tương lai kinh tế nào cho Trung Quốc, sau phiên xử Bạc Hy Lai ?
Đến với Trung Quốc, Courrier International chú ý đến hai lãnh vực chính : Kinh tế và chính trị.
Tờ báo trích đăng lại hai bài viết trên tờ South China Morning Post của Hồng Kông và Kinh tế quan sát báo tại Bắc Kinh cho rằng đất nước cần tiến hành nhanh chóng các cải cách về kinh tế và chính trị.
South China Morning Post đặt câu hỏi « Bạc Hy Lai bị kết án, và sau đó thì sao ? ».
Sự sụp đổ ngoạn mục của cựu bí thư Trùng Khánh đã làm lộ rõ sự rạn nứt ngay trong lòng bộ máy cầm quyền và phản ảnh rõ sự thất bại của mô hình kinh tế chỉ huy theo chủ nghĩa Mao, đặt ra nhiều thách thức lớn cho dàn lãnh đạo mới. Dĩ nhiên, bản án dành cho Bạc Hy Lai đã đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông ta, nhưng vẫn còn tồn đọng lại nhiều câu hỏi không lời giải đáp.
Một mặt việc đưa ra xét xử công khai và kết án tù chung thân ông Bạc Hy Lai cho thấy bầu không khí chính trị tại Trung Quốc đang diễn ra rất căng thẳng.
Thông qua việc kết án cựu bí thư Trùng Khánh, dàn lãnh đạo mới đương nhiên muốn chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng mà đối tượng điều tra kế tiếp đang bị nhắm đến là ông Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng Bộ công an đầy quyền lực và cũng là người đỡ đầu cho vị « hoàng tử đỏ » thất sủng.
Đây cũng là lần đầu tiên một uỷ viên trong Ban Thường vụ (dù là đã về hưu hay còn tại chức) trở thành đối tượng điều tra về một tội kinh tế.
Mặt khác, sự việc cũng phản ảnh phần nào tương lai Trung Quốc đang bị đe dọa. Ngoài việc mong muốn nhanh chóng dập tắt vụ án trước kỳ Đại hội toàn thể lần 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, sắp diễn ra vào tháng 11 năm nay, nhiều định hướng kinh tế cần phải được quyết định nhanh chóng.
Trung Quốc giờ đây đứng trước ngã ba đường : hoặc là tiếp tục công cuộc cải cách, thông qua việc giảm bớt vai trò của Nhà nước, hướng đến một nền kinh tế thị trường thật thụ và một Nhà nước pháp quyền. Hoặc là Trung Quốc khẳng định cam kết của mình vào một Nhà nước vững mạnh cùng với sự phát triển của một nền chủ nghĩa tư bản Nhà nước.
Trung Quốc cần khẩn trương cải tổ doanh nghiệp nhà nước
Về điểm này, tờ Kinh tế quan sát báo tại Bắc Kinh cũng có cùng quan điểm cho rằng « Cần khẩn trương cải tổ doanh nghiệp nhà nước ».
Tờ báo cho rằng phải đợi đến kỳ Đại hội toàn thể lần ba của Ban chấp hành Trung ương sắp đến, người ta sẽ biết rõ hơn những hướng cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cũng như việc khẳng định mở cửa cạnh tranh cho các doanh nghiệp này, cho đến giờ vẫn giữ vị thế độc tôn.
Theo tờ báo, Uỷ ban Giám sát và Quản lý tài sản công (Sasac), được thành lập cách đây 10 năm, và nắm trong tay nhiều khối tài sản lớn, với tổng trị giá ước tính lên đến 30 ngàn tỷ nhân dân tệ, đang hồi hộp đón chờ vị lãnh đạo mới.
Giới chuyên gia kinh tế trong nước cho rằng, bất luận người kế nhiệm là ai, điều quan trọng là chính phủ đang nhắm đến những cải cách sắp tới nào để tiến hành.
Hầu hết các chuyên gia đều có chung một nhận định : công cuộc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước không thể chờ đợi lâu hơn được nữa, vì các doanh nghiệp này hiện đang trong tình trạng nguy hiểm.
Các con số đưa ra cho thấy lợi nhuận có vẻ tăng lên, lại là những con số ảo. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc và thế giới đang rơi vào tình trạng trì trệ, các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi và nhiều hồi chuông báo động đã được gióng lên.
Tờ báo trích dẫn số liệu do Hiệp hội ngành công nghiệp luyện gang thép đưa ra cho biết, tổng dư nợ của 86 doanh nghiệp lớn và vừa trong lãnh vực này vào cuối tháng Sáu năm nay đã vượt quá con số 3000 tỷ nhân dân tệ, với mức tỷ lệ nợ trung bình là 69,74%.
Không chỉ riêng trong ngành luyện gang thép, một số ngành trọng điểm khác cũng rơi vào tình trạng đáng báo động.
Theo phân tích của tờ báo, ngoài tình hình tài chính thế giới suy thoái, ngay chính bản thân các doanh nghiệp quốc doanh cũng có nhiều vấn đề trong cách vận hành : Phát triển không cân đối, Tăng trưởng quá mức, Hệ thống quản lý chưa hoàn thiện, Quản lý thiếu tinh tế, Khả năng sinh lợi kém và Sự kế thừa lịch sử quá nặng nề. Ít ra là những gì chính Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản công tự đánh giá. Đó là chưa kể đến khả năng cạnh tranh trên quốc tế của các doanh nghiệp nhà nước.
Do đó, các nhà phân tích mong rằng người kế nhiệm sắp tới của cơ quan đầy quyền lực này sẽ là một người chủ trương cải cách chứ không chỉ là một quan chức cao cấp mà thôi.
Iran : Một sự cởi mở giả tạo ?
Nhìn sang Trung Đông, những ngày gần đây, Iran liên tục có những động thái cởi mở với các cường quốc phương Tây, nhất là trên hồ sơ hạt nhân.
Thế nhưng, báo chí phương Tây và Iran lại có những góc nhìn khác nhau về sự việc. Courrier International trích đăng lại các nhận định của tờ nhật báo The Daily Telegraph ở Luân Đôn và nhật báo chủ trương cải cách Etemaad tại Teheran.
Bài viết trên tờ The Daily Telegraph tại Luân Đôn được Courrier International đăng lại dưới hàng tựa « Iran : một sự cởi mở giả tạo », cho rằng Tổng thống Hassan Rohani đang tiến hành một chiến dịch truyền thông nhằm đạt được việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào đất nước nhưng lại không có chút nhượng bộ rõ rệt thật sự nào.
Hơn bao giờ hết, khi tổng thống Mỹ Obama nói đến « lằn ranh đỏ » trong việc Syria sử dụng vũ khí hoá học, không một quốc gia xứng đáng có nhiều « lằn ranh đỏ » hơn là Iran.
Bài viết tự hỏi là nếu Teheran khẳng định không có chút ý đồ xây dựng kho vũ khí hạt nhân, thì tại sao vẫn tiếp tục làm giàu chất uranium đồng thời phát triển hệ thống tên lửa được thiết kế để gắn các đầu đạn hạt nhân ?
The Daily Telegrraph lưu ý đây không phải là lần đầu tiên Iran tiến trước một bước nhằm cải thiện mối quan hệ, để rồi sau đó lại ngầm phá hoại những nỗ lực đó bằng cách từ chối thỏa hiệp về chương trình hạt nhân của mình.
Việc Giáo chủ Ali Khamenei, thông qua một kênh giao tiếp khá bất ngờ là Twitter để khẳng định thiện chí của Iran sẵn sàng thoả hiệp, cũng không xua tan được nỗi ngờ vực của các nhà lãnh đạo phương Tây về động cơ thật sự của quốc gia Hồi giáo này.
Đối với The Daily Telegrah, Tổng thống và lãnh đạo tối cao nhận thức được rằng các lệnh trừng phạt của quốc tế lên đất nước đang phát sinh ra nhiều vấn đề kinh tế và xã hội. Đây rõ ràng là một mối nguy lớn cần phải tránh vì nó có thể làm trỗi dậy một làn sóng biểu tình phản đối chính phủ rầm rộ làm lung lay chế độ như là cuộc cách mạng xanh đã từng làm cách đây bốn năm.
Iran thoát khỏi sự cô lập !
Đối với nhật báo chủ trương cải cách Etemaad tại Teheran « Cuối cùng chúng ta cũng thoát ra khỏi sự cô lập ! ». Các cuộc trao đổi thân mật giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và đồng nhiệm Iran Hassan Rohani, thông điệp chúc mừng năm mới của Tổng thống và Ngoại trưởng Iran đến cộng đồng Do Thái, việc trả tự do cho một số tù nhân chính trị hàng đầu, và tuyên bố mới đây của ông Rohani khẳng định ông có toàn quyền để thưong lượng về hồ sơ hạt nhân… đã tạo ra một cảm giác hy vọng mạnh mẽ và đầy khách quan.
Sở dĩ Tổng thống mới đắc cử Rohani có thể đưa ra những cử chỉ cởi mở ôn hòa như vậy là vì nhiều yếu tố khách quan « thiên thời, địa lợi » ủng hộ ông.
Thứ nhất, ông Rohani dường như đã chiếm được niềm tin và sự ủng hộ của nhiều vị quan chức (chủ yếu là phe bảo thủ trong nước).
Thứ hai, tình hình tại Trung Đông đã có nhiều tiến triển (nhất là cuộc chiến tại Irak và Afghanistan) đã làm cho các cường quốc phương Tây thay đổi cách nhìn. Các lệnh trừng phạt nặng nhất cũng đã được áp đặt lên đất nước này, gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế và đời sống thường nhật của người dân, nhưng cũng không thể nào khiến quốc gia Hồi giáo này từ bỏ chương trình hạt nhân.
Phương Tây đã hiểu rằng hành động yêu sách đơn phương đối với Iran để rồi áp đặt các lệnh trừng phạt đã không cho một kết quả. Thậm chí còn khiến cho nhiều trí thức phương Tây cảm thấy bất bình, lên tiếng phản đối chính phủ của họ cho rằng các lệnh trừng phạt này là vô đạo đức, vô nhân đạo và không thể nào bào chữa được.
Cuối cùng, tờ báo còn nhận định rằng ý định can thiệp quân sự vào Iran sẽ là một điều không thể. Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài hơn hai năm qua, đương nhiên đã làm suy yếu phần nào nhà lãnh đạo độc tài Bachar al-Assad, vậy mà phương Tây còn không thể tiến hành được. Huống chi là can thiệp quân sự vào Iran sẽ còn phức tạp hơn. Vì vậy, đối với tờ Etemaad, lời đe dọa của ông Obama « giải pháp quân sự vẫn luôn để trên bàn » chỉ là một hành động chính trị và ngoại giao hơn là một lời đe dọa thật sự.
Tờ báo nhìn nhận là dù các lệnh trừng phạt đã không thể nào làm Iran khuất phục nhưng người dân và nền kinh tế đất nước lại phải trả một cái giá quá đắt. Do đó, tờ báo cho rằngg người dân Iran cũng như phương Tây phải cùng nhau thoát ra khỏi ngõ cụt này.
Kenya : chiến tranh đang lan đến cả Nairobi
Trở lại với vụ tấn công khủng bố và bắt cóc con tin đẫm máu diễn ra tại trung tâm thương mại Westgate, ở Nairobi, Kenya hôm 21/9 vừa qua, ba tuần san Pháp Courrier International, Le Nouvel Observateur và L’Express có các bài nhận định và phân tích nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành động khủng bố tàn bạo này của các phe Hồi giáo cực đoan Shebab.
Courrier International đăng dịch lại một bài viết trên tờ Daily Maverick ở Johannesburg, Nam Phi cho rằng « Kenya. Chiến tranh đang lan đến Nairobi ». Theo bài viết, Kenya đã trả giá đắt cho chính hành động đơn phương quyết định can thiệp quân sự vào Somalia của mình.
Một quan điểm cũng được tuần san Le Nouvel Observateur đồng chia sẻ trong bài viết đề tựa « Tại sao lực lượng shebab tấn công Kenya ? ».
Đối với hai tạp chí, hành động can thiệp đó chỉ coi trọng việc loại trừ phe Hồi giáo cực đoan Shebab và thiết lập một quốc gia đệm mà bỏ qua chuyện tái thiết sự bình ổn của khu vực. Và lẽ đương nhiên là quốc gia đệm đó đã không thể nào ngăn chặn được sự bất ổn đang lan đến vùng biên giới và đe dọa ngành đánh cá và du lịch, hai ngành công nghiệp chủ chốt của Kenya.
Và chuyện gì phải đến cũng đã đến. Chính sự thiếu vắng một chính phủ hiệu quả, nên nạn cướp biển cũng như là các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc nở rộ tại Somalia. Tuy nhiên, do có lẽ nguồn thu từ các hoạt động phi nhân đạo này cũng quá thấp nên các phe Hồi giáo cực đoan bắt đầu nhắm đến các đích xa hơn để có tiền hoạt động. Và đương nhiên là các điểm du lịch của Kenya, nơi luôi tới thường xuyên của giới giàu có phương Tây trở thành mục tiêu lý tưởng (để bắt cóc đòi tiền chuộc).
Về phần mình, L’Express lại nhìn sự việc dưới một góc độ dân số học. Mở đầu bài viết, tác giả tự hỏi « Ai có thể tin rằng chúng ta đã chấm dứt với Al-Qaida ? ». Vụ tấn công khủng bố khu trung tâm thương mại buộc chúng ta phải chú ý nhiều hơn nữa đến ổ của phe Hồi giáo cực đoan Djihad tại vùng Đông Phi này.
Nhìn sơ qua tình hình phát triển dân số tại Đông Phi, ta có thể nhận thấy là dù là chiếm thiểu số tại khu vực này, cộng đồng Hồi giáo đang tăng trưởng mạnh mẽ ngay tại châu lục đen từ những năm 1990. Ví dụ như tại Kenya, hàng ngàn người thuộc sắc tộc Massai đã cải theo đạo Hồi và nhiều nhân vật Hồi giáo nắm giữ các chức vụ quan trọng trong suốt hai mươi năm lại đây.
Tác giả bài viết lưu ý là, mức tăng này còn mạnh hơn nhiều tại vùng châu Phi hạ Sahara : Tại đây có từ 200 cho đến 250 triệu người Hồi giáo, so với 50 triệu người vào giữa những năm 1960, tức tăng từ 4-5 lần trong vòng năm mươi năm.
Nhìn chung, số người theo đạo Hồi sinh sống tại vùng hạ Sahara chiếm đến 1/5 cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới. Và Nigeria với 77 triệu tín đồ, trở thành quốc gia Hồi giáo lớn thứ Năm trên thế giới.
Tác giả bài viết dùng cụm từ « thị trường tín ngưỡng » để ám chỉ rằng khu vực này đang trở thành vùng đất đầy hứa hẹn cho các nhà truyền giáo mới của nhiều trường phái khác nhau đến từ các quốc gia vùng Vịnh và Iran. Và dĩ nhiên phe Hồi giáo cực đoan Djihad cũng không bỏ qua cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng, bằng cách lợi dụng sự đói nghèo triền miên và những cuộc xung đột sắc tộc.
Cần sa sắp được bán tự do tại một số quốc gia châu Mỹ La Tinh
« Sức khỏe » cũng là đề tài được ba tờ tuần san Courrier International, L’Express và Le Nouvel Observateur chú ý đến.
« Sắp được bán tự do » là tựa đề bài viết trên Courrier International. Ở đây, tờ báo muốn đề cập đến việc cần sa, một loại chất gây nghiện sẽ không còn bị cấm đoán nữa.
Một số bang tại Hoa Kỳ như Colorado và Washington đã thông qua việc chấm dứt lệnh cấm. Hay như tại quốc gia châu Mỹ La Tinh bé nhỏ Uruguay cũng vậy. Không những, sự tiêu thụ không còn bị trừng phạt, vốn đã có hiệu lực tại nhiều quốc gia, mà chính quyền các bang tại Hoa Kỳ và một số nước còn hợp pháp hóa việc sản xuất và phân phối chất gây nghiện này.
Courrier International nhận xét, ngoài danh nghĩa vì sức khỏe cộng đồng và chống lại nạn buôn lậu và bạo lực lan tràn, việc dỡ bỏ lệnh cấm này còn vì cần sa là một thị trường tiêu thụ béo bở, khiến giới kinh doanh ai cũng thèm muốn.
« Thuốc giả, hiểm họa thật »
L’Express thì làm một tài liệu về nạn thuốc tây y giả mạo qua bài viết đề tựa « Thuốc giả, hiểm họa thật ».
Tờ báo đăng bức ảnh chụp các nhân viên mặt đồ bảo hộ đeo mặt nạ đứng trước một đống thuốc tây, với hàng chú thích « Trung Quốc là quốc gia xuất xứ chính của hàng dược phẩm nhái. Ở đây, một chiến dịch tiêu hủy thuốc giả, tại Bắc Kinh vào tháng Ba ».
Theo tờ báo, lợi nhuận đạt được từ nạn làm giả, làm nhái thuốc tây y cao gấp 10 lần so với nạn tiền giả, và 20 lần đối với buôn thuốc phiện.
Chỉ riêng trong giai đoạn 2005-2010, thị trường thuốc giả đã tăng lên gấp đôi, đạt mức doanh thu là 75 tỷ đô-la trên toàn cầu.
Trong khi đó, ngành dược phẩm thực thụ chỉ tăng được có 35% trong cùng giai đoạn. Đây là những con số từ một bản báo cáo đầy đủ do Viện nghiên cứu chống hàng dược giả (IRACM), mà tuần san có trong tay một bản sao.
Điều tra này phô bày tính chất hỗn hợp không thể tả được của một dạng tội phạm mới, những kẻ ngồi bàn giấy « mà động cơ chính là vì kinh tế, chứ không vì mục đích chính trị ».
Tờ báo điểm lại những kiểu buôn lậu hàng thuốc giả : Trên mạng Internet tại Pháp, thông qua các phòng chế biến do các nhóm khủng bố tài trợ, sản xuất thủ công tại Palestin cho đến quy mô công nghiệp tại Trung Quốc.
Não bộ chỉ trường tồn vĩnh hằng … nếu như được ta sử dụng
Và cuối cùng, Le Nouvel Observateur mang đến niềm vui cho các bậc lão thành nào có nguy cơ bị mắc bệnh mất trí nhớ.
Tờ báo đăng một kết quả nghiên cứu của trường đại học California cho hay việc chơi thường xuyên một trò chơi điện tử không gian ba chiều kích thích tính đàn hồi não bộ ở người già và giúp cải thiện trí nhớ của họ.
Nghiên cứu chưa từng có này được đăng trên tạp chí Anh quốc « Nature ». Nghiên cứu đơn giản, thực tế và dễ đánh giá này được thực hiện ở 174 người từ độ tuổi 20 cho đến 79. Để đánh giá khả năng phân tích thông tin và tập trung chú ý để ghi nhớ những sự việc có tính chất thường trực, các nhà khoa học đã yêu cầu những người tham gia trò chơi phải thực hiện nhiều phần việc cùng một lúc : lái xe ô tô trên một con đường khúc khuỷu bằng cách bấm phím bằng ngón cái bên trái, giám sát các biển giao thông hay các chướng ngại vật xuất hiện trên màn hình và báo động chúng bằng cách kích hoạt phím bấm bằng tay phải.
Qua quan sát, các nhà khoa học rút ra kết luận là khả năng đa chức năng của não bộ suy giảm dần với tuổi thọ.
Thế nhưng, trong nhóm nghiên cứu những người không quen chơi điện tử có độ tuổi từ 60-85 lại cho một kết quả rất bất ngờ. Những người này được yêu cầu tập chơi trò NeuroRacer một giờ mỗi ngày, ba lần trong tuần, trong vòng một tháng với một phiên bản cho phép nâng mức độ khó của trò chơi lên từ từ cho đến lúc nào họ cải thiện được khả năng chơi.
Kết quả là các vị lão thành đi đến được thành tích đôi khi cao hơn cả những người chơi ở độ tuổi 20. Như vậy, nghiên cứu này củng cố thêm niềm tin của các nhà khoa học theo đó, hoạt động của não bộ có rất nhiều khả năng to lớn ngay khi chúng được kích thích, nhất là thông qua các công cụ kỹ thuật số.
Tờ báo kết luận : « Não bộ chỉ trường tồn vĩnh hằng … nếu khi nào ta sử dụng đến chúng ». Đó cũng là tựa đề bài viết.
Related news items:
Tin mới
- Các giáo phận hiệp thông với Giáo Phận Vinh - 30/09/2013 21:26
- Mỹ cho phép nhập cảng thịt gà Trung Quốc - 30/09/2013 20:04
- Xung đột Syria : Tổng thống Assad xem nhẹ vai trò của châu Âu - 30/09/2013 19:54
- Khủng hoảng chính trị tại Ý tác hại lên thị trường tài chính châu Âu - 30/09/2013 19:40
- Gioan Phao Lồ II và Gioan XXIII sẽ được phong thánh vào tháng 04/2014 - 30/09/2013 19:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-09-2013 - 30/09/2013 18:32
- Miền Trung Việt Nam bị bão lớn và lũ lụt - 30/09/2013 18:21
- Trung Quốc : Khu Thương mại Tự do Thượng Hải chính thức mở cửa - 30/09/2013 02:41
- Syria : Nga tăng cường hải quân ở đông Địa Trung Hải - 30/09/2013 02:31
- Cư dân mạng bất bình vì bình hoa khổng lồ trước Thiên An Môn - 30/09/2013 01:16
Các tin khác
- Vatican bổ nhiệm phó tổng giám mục kế vị Sài Gòn - 29/09/2013 04:36
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-09-2013 - 29/09/2013 01:06
- Điện đàm lịch sử giữa hai tổng thống Mỹ và Iran - 29/09/2013 00:05
- Tại sao Giáo phận Vinh - Tại sao Đức Cha Hợp? - 27/09/2013 22:46
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-09-2013 - 27/09/2013 22:34
- Quốc hội Mỹ khởi sự công cuộc cải tổ ngành tình báo - 27/09/2013 21:58
- Blogger Điếu Cày được giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế 2013 của CPJ - 27/09/2013 20:24
- Kinh tế VN 'vỡ ổn định vĩ mô 5 năm qua' - 26/09/2013 22:17
- Mười dân biểu Mỹ kêu gọi thả luật sư Lê Quốc Quân - 26/09/2013 22:01
- Các tiến bộ nhỏ tại Liên Hiệp Quốc về kho vũ khí hóa học Syria - 26/09/2013 21:55