Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-09-2013
- Thứ Tư, 04 tháng Chín năm 2013 18:50
- Tác Giả: Lê Phước
Singapore cần nhanh chóng cải tổ
Singapore cần người nhập cư để bù đắp thiếu hụt dân số, nhưng dân Singapore lại không muốn chia sẻ phúc lợi - REUTERS /E. Su
Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean), Singapore là một trong những nền kinh tế đầu tàu. Thế nhưng, mô hình phát triển của đất nước này đang lộ ra những nhược điểm.
Về chủ đề này, báo Le Figaro đăng bài phân tích chạy tựa : « Singapore cần thay đổi để tiếp tục là một mô hình phát triển tại Châu Á ».
Từ mấy chục năm nay, Singapore phát triển dưới sự lãnh đạo gần như độc tôn của Đảng Hành Động Nhân Dân (PAP). Nước này đóng vai trò đầu tàu trong nền kinh tế phát triển năng động của Châu Á. Thế nhưng, tình hình ngày càng thay đổi, mô hình phát triển của Singapore do ông Lý Quang Diệu tạo ra cũng đang dần phải tìm biện pháp thích nghi.
Tờ báo nhắc lại, tăng trưởng của Singapore trong mấy thập niên gần đây dao động từ 5 đến 7%/năm, thế nhưng con số này hồi năm rồi chỉ có 1,3%.
Điều đó khiến niềm tin của dân vào đảng lãnh đạo thêm giảm sút. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2011, Đảng PAP cầm quyền chỉ chiếm được 60,1% phiếu ủng hộ.
Đây là mức thấp nhất của Đảng này kể từ năm 1965.
Trong bối cảnh đó, liệu số phiếu có còn giảm nữa hay không trong cuộc bầu cử 2016 ?
Nhìn vào các vấn đề nổi lên trong xã hội Singapore, tờ báo nhấn mạnh đến hiện tượng lão hóa dân số, người dân sống sung túc thì không muốn sinh nhiều con, hoặc chẳng muốn sinh con.
Hậu quả là, tỷ lệ sinh ở nước này sụt giảm nhanh chóng, xuống mức 1,2 trẻ em/phụ nữ.
Để bù cho sự thiếu hụt dân số đó, chính phủ đã phải kêu gọi nhập cư. Và chính sách khuyến khích nhập cư của chính phủ đã khiến cho đảng đối lập ra sức chỉ trích với những lời lẽ theo kiểu dân túy.
Người dân Singapore vốn đang sống trong thịnh vượng, nên không muốn chia sẻ phúc lợi với những người nhập cư. Thế là, sự ủng hộ dành cho đảng đối lập ngày càng mạnh.
Le Figaro tóm lược : Mô hình phát triển bấy lâu nay của Singapore chủ yếu dựa vào chính sách mở cửa và thu hút người ngoại quốc đến đầu tư sinh sống.
Thế nhưng, trong bối cảnh nêu trên, mô hình này đang gặp khó khăn.
Tờ báo kêu gọi : Singapore cần đổi mới để có thể tiếp tục là một tấm gương phát triển của Châu Á.
Trung Quốc : Sự bình yên giả tạo
Đến với tình hình chính trị tại Trung Quốc, thông tín viên của tờ nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích đề tựa : «Bình yên giả tạo của một nước Trung Quốc đầy dẫy sự bất an ». Bài viết cho biết, trong giai đoạn này, ở Trung Quốc đang ngự trị một bầu không khí bình yên.
Internet mấy năm gần đây đã trở thành một nơi để người dân trút bầu tâm sự về những bất công bất bình đẳng xã hội, là nơi để mọi người kêu gọi đấu tranh, thì giờ đây có vẽ êm đềm. Các phong trào chống đối trên mạng trở nên ít đi, những vụ tố cáo nhà cầm quyền trên mạng cũng không còn rầm rộ như trước.
Thế nhưng, bài viết khẳng định : đó chỉ là một sự bình yên giả tạo, bởi giàn lãnh đạo mới đã áp dụng nhiều biện pháp để tránh xảy ra bạo động xã hội.
Bài viết tóm lược ba biện pháp mà chính quyền Trung Quốc thời Tập Cận Bình đã và đang tiến hành. Trước tiên là đánh tham nhũng ở một số nhân vật lớn để lấy lại uy tín của Đảng cầm quyền.
Thứ hai là nhượng bộ người dân trên một số hồ sơ, như việc chính quyền ở một số nơi đã chấp nhận hủy bỏ dự án xây dựng nhà máy hạt nhân hay chấp nhận di dời nhà máy gây ô nhiễm trước sức ép dân chúng.
Biện pháp thứ ba là bóp chết từ trong trứng nước những thành phần chống đối tiềm năng. Bài viết nhấn mạnh, biện pháp này được tiến hành một cách hệ thống, lặng lẽ và được ngụy trang dưới nhiều hình thức. Nó tập trung vào việc tăng cường kiểm soát Internet, trấn áp những người dùng internet làm phương tiện đấu tranh, siết chặt quản lí các hoạt động văn hóa xã hội…
Nông dân Ấn Độ có lợi hơn khi nhượng đất
Tại Ấn Độ, một bộ luật mới vừa được Quốc hội thông qua, quy định quan hệ giao dịch giữa nhà đầu tư và người dân bị thu hồi đất.
Nhật báo Le Monde nhận định : « Bộ luật thu hồi đất sẽ bảo vệ tốt hơn nông dân Ấn Độ ». Luật mới quy định rõ, để thu hồi đất cho việc xây dựng các nhà máy tư nhân, thì nhà đầu tư phải có được sự đồng thuận của 80% người dân sở hữu đất.
Còn nếu như đó là công trình xây dựng có sự tham gia của nhà nước, thì con số nói trên là 70%. Theo luật này, sắp tới, việc thu hồi đất xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng sẽ dễ hơn việc thu hồi để xây dựng các nhà máy công nghiệp.
Luật mới này được cho là có lợi cho người dân, nhất là nông dân Ấn Độ. Bởi đối với nông dân, đất đai là tài sản có giá trị duy nhất của họ.
Thế nhưng, có một thực tế là, bấy lâu nay, nông dân Ấn Độ chịu nhiều thiệt thòi bởi việc chính quyền thu hồi đất để xây dựng các nhà máy công nghiệp, trong khi tiền đền bù lại rất thấp. Công tác hỗ trợ di dời và tái định cư cho người dân cũng không được chú trọng. Kết quả là, từ mấy năm nay, nhiều nông dân bị thu hồi đất đã xuống đường phản đối.
Khối euro trên đà phục hồi
Trong lĩnh vực kinh tế, nhật báo kinh tế Les Echos có bài đáng chú ý : « Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định eurozone đang phục hồi, tăng trưởng thế giới thì có phần uể oải ».
Tờ báo cho biết, hôm qua, OECD công bố dự báo kinh tế giữa năm 2013 theo đó, các nền kinh tế mới nổi đang phát triển chậm lại, vì thế tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn.
Đối với các nước phát triển, tổ chức này cho rằng : nhịp độ phục hồi đã được cải thiện trong quí hai vừa qua, và sẽ tiếp tục được giữ vững trong hai quí còn lại của năm. OECD dự phóng tăng trưởng cho cả năm 2013 như sau : Mỹ là 1,7%, Anh là 1,5%, Đức là 0,7%, Pháp là 0,3%.
Đặc biệt đối với Pháp, dự phóng tăng trưởng hồi đầu năm cho nền kinh tế nước này là -0,3%, trong khi bây giờ lại là +0,3%. Đây là một tin tốt lành cho tổng thống François Hollande vì ông luôn bị chỉ trích là điều hành kinh tế không hiệu quả.
Tuy nhiên, như đã nói, đà tăng trưởng nói trên sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự mất đà của các nước mới nổi như Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia hay Nam Phi. Trong vòng 5 năm qua, tăng trưởng của các nước này đã giảm khoảng 1%.
Pháp : 84 loại thuế mới trong vòng hai năm
Mấy năm nay, dưới sức ép của việc cắt giảm thâm hụt ngân sách, chính phủ các nước Liên Hiệp Châu Âu đã không ngừng tăng thuế.
Tại Pháp, thuế hai năm qua tăng nhanh đến mức mà tờ Le Monde phải thốt lên: “Mưa thuế tại Pháp”.
Tờ báo cho biết, từ năm 2011, tổng thống Sarkozy và sau đó là tổng thống Hollande “đã tranh nhau tạo ra các loại thuế mới”. Năm 2011, Pháp tăng thuế 20 tỷ euro, năm 2012 là 17,3 tỷ euro, và năm 2013 là 25,7 tỷ euro.
Riêng đối với tổng thống Hollande, từ khi ông đắc cử hồi giữa năm ngoái, các biện pháp tăng ngân sách từ thuế đã đạt mức 33 tỷ euro.
Theo thống kê của Le Monde, trong vòng hai năm, 2012-2013, nước Pháp đã có thêm 84 loại thuế mới. Trong khoảng 60 tỷ euro mà các chính sách thuế mạng mang lại, các doanh nghiệp đóng góp đến 33 tỷ euro.
Syria chia rẽ nước Pháp
Hồ sơ Syria hôm nay tiếp tục chiếm trọng tâm chú ý của báo chí Pháp. Các tờ nhật báo Le Monde, L’Humanité, La Croix, Les Echos, Libération và Le Figaro đều có bài phản ánh hồ sơ này. Tất cả các tờ báo đều tập trung vào việc hôm nay, hồ sơ Syria và việc Pháp can thiệp quân sự vào Syria được mang ra bàn thảo tại Quốc hội Pháp.
Buổi bàn thảo này hứa hẹn sẽ rất sôi nổi, bởi trước giờ khai mạc, nhiều ý kiến bất đồng đã vang lên, giữa cánh tả và cánh hữu, và ngay cả trong lòng các đảng phái. Người thì ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria, người thì không phản đối nhưng đòi mang ra bỏ phiếu trước Quốc hội, người thì thẳng thừng phản đối can thiệp. Tuy nhiên, hôm nay, các nghị sĩ Pháp chỉ họp lại để thảo luận, chứ không bỏ phiếu để ra nghị quyết chính thức.
Điều này đúng với quy định của Hiến pháp hiện hành tại Pháp, theo đó, tổng thống có quyền quyết định can thiệp quân sự ở nước ngoài và chậm nhất là ba ngày sau phải báo cáo với quốc hội để cùng bàn thảo, nhưng sẽ không bỏ phiếu để ra nghị quyết. Như vậy, ở đây, chính phủ có nhiệm vụ « thông tin và giải thích », còn các nghị sĩ thì không có « quyền bỏ phiếu ».
Về vấn đề này, hai bài xã luận của tờ báo cánh tả Libération và tờ báo cánh hữu Le Figaro đều thống nhất quan điểm rằng, Tổng thống Hollande nên theo bước Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama là cần đến sự bỏ phiếu thông qua của Quốc hội, để củng cố tính chính danh của quyết định can thiệp quân sự vào Syria.
Libération còn cho rằng, Pháp nên tranh thủ thời gian thương lượng để tìm đồng thuận với Nga nhân Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Saint-Pétersbourg sẽ khai mạc vào ngày mai.
Nhật báo Le Monde cũng dành bài xã luận ủng hộ việc mang hồ sơ Syria ra bỏ phiếu tại Quốc hội Pháp.
Tờ báo này nêu ra một số nguyên nhân của sự cần thiết phải bỏ phiếu tại quốc hội, trong đó nhấn mạnh, tổng thống Hollande khi tranh cử hồi năm ngoái đã hứa sẽ tăng cường « đối thoại » với Quốc hội, thì giờ đây là cơ hội tốt để làm việc đó. Và đó là cách tốt nhất để thể hiện tính dân chủ của một chính thể.
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-09-2013 - 06/09/2013 18:25
- Việt Nam lập đội thủy phi cơ tuần tra biển - 06/09/2013 18:13
- Syria : Can thiệp quân sự tốn 500 triệu đô la - 06/09/2013 17:58
- Công an 'xô xát' với giáo dân ở Nghệ An - 06/09/2013 02:57
- Động đất lớn ở Alaska sẽ tạo sóng thần gây thiệt hại nặng kinh tế California - 06/09/2013 01:43
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-09-2013 - 06/09/2013 01:26
- Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ủng hộ đề nghị tấn công Syria - 05/09/2013 16:27
- Syria: Vatican giải thích lý do Đức Giáo hoàng từ chối can thiệp quân sự - 05/09/2013 16:20
- Thay đổi Quốc vụ khanh : Vatican 'sang trang' - 05/09/2013 15:37
- Đoạn mới cầu San Francisco - Oakland Bay Bridge khai thông - 04/09/2013 21:11
Các tin khác
- Bắc Kinh bài trừ tham nhũng : Một giới chức chết do bị tra tấn - 04/09/2013 18:38
- Scarborough: Trung Quốc cắm thêm hàng chục cột bê tông - 04/09/2013 18:30
- Can thiệp vào Syria: Obama vận động quốc tế ủng hộ - 04/09/2013 15:27
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-09-2013 - 04/09/2013 05:41
- Syria : 2 nghị sĩ McCain và Graham kêu gọi can thiệp mạnh - 04/09/2013 05:05
- Hơn 2 triệu người Syria phải bỏ nước ra đi vì nội chiến - 04/09/2013 04:48
- Smartphone : Nokia lật qua trang sử điện thoại đa năng - 04/09/2013 04:41
- Tình báo Pháp đưa bằng chứng Damas sử dụng ồ ạt vũ khí hóa học - 04/09/2013 04:35
- Ai Cập : Kết án 52 thành viên Huynh đệ Hồi giáo - 04/09/2013 00:54
- Tổng thống Syria đe dọa nước Pháp - 03/09/2013 23:15