Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-07-2013

Nga có thể kiếm lợi gì từ vụ Edward Snowden ?
snowden 2


Edward Snowden
Reuters

Edward Snowden vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của báo chí Pháp hôm nay.

Báo Le Figaro có bài viết khá hấp dẫn phân tích làm cách nào Nga sẽ trục lợi từ vụ Snowden bởi vì cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), đã để đơn xin tỵ nạn gửi tới chính quyền Nga.

Sự việc này đặt ra nhiều dấu hỏi về quan hệ Mỹ – Nga.

Tờ báo nhận định rằng tổng thống Nga Putin có thể sử dụng con bài Snowden trong cuộc chơi chống Mỹ và châu Âu. Đây là hành động được đánh giá là mang hơi hướng một cuộc chiến tranh lạnh.

Báo Le Figaro trích nhận định từ nhật báo Achentina La Nacion như sau: « Snowden nắm trong tay đầy đủ thông tin có khả năng gây thiệt hại nhiều nhất cho Hoa Kỳ chỉ trong vòng một phút mà chưa một người Hoa Kỳ nào có thể làm được điều ấy trong lịch sử nước Mỹ ».

Hôm thứ sáu vừa qua, cựu điệp viên Mỹ đã khẩn khoản xin các đại diện tổ chức phi chính phủ (ONG) Nga giúp anh xin được tỵ nạn chính trị tạm thời tại Nga. Snowden cam kết không xâm hại đến lợi ích nước Mỹ để thỏa mãn một yêu cầu đặt ra của tổng thống Putin.

Snowden đã trốn tại sân bay Matxcơva từ ngày 23/06. Một số nước châu Mỹ La Tinh như Venezuala, Bolivia hay Nicaragua đã đồng ý nhận anh tỵ nạn nhưng Snowden vẫn lo sợ bị một nước thứ ba dẫn độ về Mỹ.

Anh đã bị Mỹ tước hộ chiếu nên không thể đi đâu được. Anh nhấn mạnh trên điểm này để nhận được sự bảo trợ từ chính quyền Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết chính quyền Nga không có liên lạc gì với cựu điệp viên Edvard Snowden. Giám đốc bộ phận quản lý nhập cư cho biết là không hề nhận được đơn xin tỵ nạn nào cả.

Thật khó hình dung được cảnh Snowden bị Nga trục xuất trong khi anh đang bị tình báo Mỹ theo dõi ngày đêm.

Báo Le Figaro nhận xét vụ việc Snowden làm thiệt hại cho nước Mỹ, gây chia rẽ châu Âu, huy động một phần các nước châu Mỹ La Tinh, còn theo một chuyên gia Mỹ tại Matxcơva thì Nga sẽ kiếm được nhiều lợi lộc từ vụ này.

Mối quan hệ Nga-Mỹ lâu nay vốn đã căng thẳng. Tổng thống Nga chỉ muốn chọc giận Mỹ trong mọi tình huống. Làm Mỹ bị mất lòng tin lại trở thành khuynh hướng chủ đạo của sách lược ngoại giao Nga.

Người ta vẫn chưa rõ động cơ hành động chống lại nước Mỹ, tổ quốc của mình của Snowden. Phải chăng anh bị ấm ức ? hay vì theo chủ nghĩa lý tưởng hóa ? hay chỉ tiết lộ một cách ngây ngô các tin mật ? và tại sao cuối cùng anh lại chọn Nga để dừng chân sau khi đã trôi nổi tại Hồng Kông ?

Lánh nạn tại sân bay Matxcơva, Snowden không hề được tự do di chuyển, cảnh sát Nga kiểm tra 4 chiếc máy tính và các chìa khóa USB của anh có chứa các tài liệu mật mà anh mang theo.

Ngay sau khi đến Nga, Snowden được nhân vật chính trị thân cận của Kremlin ca tụng như một « người phản động dũng cảm ».

Nga đã thay đổi giọng điệu vào tuần trước khi thúc giục Snowden tìm một nước khác tiếp đón. Thế nhưng hồi cuối tuần vừa rồi, chủ tịch lưỡng viện Nga thể hiện thái độ mong muốn Snowden được tỵ nạn tại Nga với cái cớ là sợ Snowden sẽ bị Mỹ kết án tử hình.

Sau khi Snowden có cuộc trao đổi với các đại diện của ONG Nga, áp lực từ phía Mỹ đã dâng cao. Tổng thống Mỹ đã gọi điện cho tổng thống Nga và theo tin từ Nhà Trắng, Mỹ cáo buộc Nga đã dùng Snowden làm « diễn đàn tuyên truyền » và như một món hàng trao đổi.

Một nhà phân tích chính trị Nga nhận xét « đây không hề là vấn đề nhân đạo ». Hoạt động tình báo Nga luôn là đối thủ cạnh tranh với Mỹ. »

Theo một chuyên gia tình báo Nga : « Nga sẽ dùng vụ Snowden để thay đổi luật lệ internet » và ngành tình báo Nga sẽ dễ dàng thâm nhập hơn vào đời sống tư nhân.

Tổng thống Pháp cố gắng làm dân chúng hy vọng sẽ thóat ra khỏi khủng hoảng

Báo chí Pháp hôm nay đồng loạt quan tâm đến cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình của tổng thống Pháp François Hollande vào ngày hôm qua nhân dịp Quốc khánh. Ông cố gắng mang lại hy vọng cho người dân.

Trong hoàn cảnh dân Pháp đang ủ rũ bi quan, tín nhiệm của tổng thống ngày càng thấp, ông Hollande đã khẳng định rằng « nước Pháp đang phục hồi kinh tế».

Trên trang nhất báo Libération là dòng tựa : « Sự phục hồi kinh tế đã ló ra ». Theo tờ báo, khi trả lời trên truyền hình về tình trạng kinh tế Pháp, tổng thống Hollande đã cố gắng đánh tan tâm lý « bi quan » của dân Pháp bằng cách khẳng định Pháp vẫn có sự tăng trưởng và dựa vào một số chỉ số hiếm hoi được cho là khả quan để lấy lại lòng tin người dân.

Đặc biêt, báo kinh tế Les Echos thì đăng ngay trên trang nhất hình ảnh ông Hollande ngước mặt lên trời với vẻ mặt suy tư như đang cầu nguyện với dòng tựa khá châm biếm : « Ông Hollande muốn tin rằng nền kinh tế Pháp đang phục hồi ».

Tờ báo cho biết, ông Hollande hứa hẹn sẽ « chi tiêu ít hơn » vào năm 2014 nhưng tổng thống không loại bỏ việc lại tăng thuế. Ông hoàn toàn loại bỏ việc cho khai thác khí đá phiến tại Pháp.

Các báo Pháp khác cũng quan tâm đến phát biểu của tổng thống Pháp qua bài viết : « Ông François Hollande thoáng thấy nền kinh tế lóe sáng ».

Ông khẳng định quý II sẽ còn phát triển hơn quý I. Bên cạnh đó, báo Cộng sản l’Humanité có bài viết : « Ông Hollande muốn tin vào nơi cuối đường hầm ».

Theo tờ báo, trước đề nghị của một bộ phận đòi hỏi ông thay đổi hướng chiến lược và trước sự tấn công của phe cánh hữu, ông đã chọn « khoe » ra các thành tích của chính sách của ông bằng cách khẳng định là Pháp đang « phục hồi » kinh tế.

Tai nạn lật tàu tại Pháp : nguyên nhân từ đoạn ốp nối ray bị hỏng

Vẫn trong dòng thời sự tại Pháp, tai nạn lật tàu tại Brétigny ở Pháp vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các báo ra ngày đầu tuần trên các trang nhất.

Báo Le Figaro chạy trên trang nhất tựa : « công ty đường sắt quốc gia Pháp xác nhận nguồn gốc của vụ tai nạn là đoạn ốp nối ray bị hỏng ».

Trên trang nhất báo L’Humanité in tựa : « Thảm kịch tại Brétigny-sur-Orge : Lỗi bẻ ghi ».

Báo kinh tế Les Echos nhận định vụ tai nạn thảm khốc vừa qua cho thấy cần phải tăng cường hiện đại hóa hệ thống đường ray Pháp và gây nhiều áp lực lên công ty đường sắt Pháp.

Không lâu sau khi xảy ra vụ tai nạn, Bộ trưởng giao thông Pháp Frederic Cuvillier đã loại trừ nguyên nhân do lỗi con người và trọng tâm của cuộc điều tra được chuyển hướng sang hệ thống chuyển làn, có tác dụng chuyển hướng đoàn tàu từ đường ray này sang đường ray khác.

Hôm nay, các báo đều khẳng định nguyên nhân gây ra tai nạn là do một thanh kim loại tại một mối nối trong hệ thống chuyển làn kết nối hai đường ray bị bung ra khỏi vị trí quy định khiến cho đoàn tàu trật bánh và làm thiệt mạng 6 người và nhiều người bị thương.

Indonesia : Bali, nạn nhân của phát triển du lịch quá tải

Liên quan đến thời sự tại châu Á, báo La Croix hôm nay đặc biệt quan tâm đến đảo Bali tại Indonisia qua bài viết : « Bali, phát triển du lịch quá mức ».

Theo bài báo, Bali trở thành nạn nhân của chính sự phát triển du lịch quá mức. Hàng năm có 3 triệu khách du lịch đến Bali tìm kiếm thiên đường lý tưởng để nghỉ ngơi, du lịch. Thế nhưng, hòn đảo ngày càng bị xuống cấp và mất dần các truyền thống.

Bài báo miêu tả vẻ đẹp hữu tình của hòn đảo Bali với bãi biển cát mịn trên Ấn Độ Dương, cánh đồng và các các đền đài theo kiến trúc hindu mà ta vẫn thấy trên bưu thiếp nhưng trên thực tế thì không còn như ta tưởng.

Vài năm gần đây, lượng du khách đến đây quá đông nhung thiếu kiểm soát làm cho đảo Bali trở nên quá tải.

Tờ báo nhận định vẻ quyến rũ của phong cảnh tự nhiên khi chưa bị xuống cấp, vẻ hiền hòa của người dân nơi đây luôn làm du khách mơ ước được đến tham quan. Ngành du lịch phát triển quá mức cũng để lại những hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như ruộng đất trồng trọt đang gặp nguy hiểm.

Theo lời một tỉnh trưởng tại đây thì « Bali đã mất hơn 10 nông dân trong một làng do nhiều người thấy ham vì kiếm được tiền quá dễ nên đã bán lại đất đai cho các công ty khai thác khách sạn. Điều này còn gây ra ganh tỵ và hòn đảo bị mất đi sự hòa thuận giữa người dân ».

Hơn nữa, nền văn hóa hindu trên đảo Bali cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ lượng khách du lịch hàng loạt. Đền đài bị đe dọa nghiêm trọng.

Một đạo luật bảo vệ môi trường cấm xây dựng trên bờ biển và gần đền đài được ban hành nhưng vẫn không được áp dụng.

Các quan chức địa phương chỉ nghĩ đến lợi ích tài chính đầu tiên nên không thi hành luật một cách nghiêm ngặt.

Với lượng du lịch đến đây quá lơn, sự tiêu thụ điện và nước cũng bùng nổ. Khách du lịch ở tại một phòng khách sạn sử dụng nước nhiều hơn một hộ gia đình bình thường đến 15 lần.

Các mạch nước ngầm bị khô và người nông dân gặp khó khăn trong việc tưới tiêu ruộng vườn.

Theo dự báo từ nay đến năm 2015, Bali sẽ phải đối đầu với cuộc khủng hoảng về nước. Sẽ không còn nước trên đảo.

Một vấn nạn khác mà Bali gặp phải đó là việc quản lý rác thải kém. Vào mùa mưa, bãi biễn chứa đầy rác.

Bài báo nhận định, nguyên nhân không phải chỉ do du khách vứt rác mà còn do cả người dân bản xứ thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi trên đất và sông ngòi.

Theo Charlotte Fredouille, một người Pháp đã sống tại đây 4 năm, quan tâm đến tình trạng này cho rằng nên giáo dục dân chúng biết sử dụng thùng rác.

Cô đi khắp các trường học trong vùng để khởi xướng việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.

Cuối cùng bài báo nhận định cần phải xây dựng một mô hình phát triển du lịch bền vững.

Tại khu vực Bắc Á, quá khứ chiến tranh không thể rơi vào quên lãng

 Báo Les Echos hôm nay có bài viết khá hấp dẫn về mối quan hệ giữa các nước trong khu vực châu Á qua bài viết : « Tại Bắc Á, không cho quá khứ vào quên lãng ». Đã 70 năm sau thế chiến thứ hai, Trung Quốc và bản đảo Triều Tiên vẫn giữ một hình ảnh cực kỳ tiêu cực về Nhật Bản.

Nhân một cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng Tư vừa rồi tại 39 quốc gia trong khu vực, trung tâm nghiên cứu về con người và về báo chí Pew Research Center đã đưa ra kết quả là 98% người Triều Tiên và 78% người Trung Quốc đánh giá rằng Nhật Bản đã không xin lỗi đầy đủ về những tội ác chiến tranh đã gây ra trong quá khứ.

Theo cuộc thăm dò thì 77% người Triều Tiên có ác cảm với Nhật bản còn số người Trung Quốc cao hơn nhiều, đến 90%.

Cuộc thăm dò này cũng được tiến hành trên các quốc gia khu vực Đông Nam Á cũng từng bị Nhật chiếm đóng trong Đệ nhị Thế chiến nhưng kết quả đưa ra hoàn toàn trái ngược với khu vực Bắc Á. Ví dụ tại ba nước Mã Lai, Philippin và Indonesia, dường như người dân tại đây đã cho cuộc chiến năm vào quá khứ : 80% người Mã Lai cho biết có ấn tượng tốt với cường quốc thứ ba trên thế giới.

Kết quả thăm dò trên cho thấy Nhật Bản cần thay đổi chính sách ngoại giao, liên lạc với các quốc gia Bắc Á để đánh bóng lại hình ảnh của nước mình.

Tuy nhiên, theo tờ báo thì việc đưa ra những lời xin lỗi không phải là chủ trương hiện nay của thủ tướng Nhật Shinzo Abe.


Switch mode views: