Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-11-2012
- Thứ Bảy, 03 tháng Mười Một năm 2012 22:39
- Tác Giả: Minh Anh
Chủ tịch Hồ Cảm Đào tiếp tổng thống Hamid Karzai tại Bắc Kinh tháng 7/2012 trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Reuters)
Trên lĩnh vực ngoại giao, báo Le Monde có bài phân tích về mối quan hệ Trung Quốc - Afghanistan qua bài viết đề tựa « Bóng dáng Trung Quốc trên chính trường Afghanistan ».
Sau 46 năm quên lãng, lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đến thăm Kabul hôm 22/09 vừa qua.
Theo Le Monde, ngoài vấn đề hợp tác an ninh-kinh tế, sự quay trở lại Afghanistan lần này cho thấy rõ tham vọng của Trung Quốc trong khu vực Trung Á.
Mở đầu bài viết, Frédéric Bobin, tác giả bài viết nhận định : « đây là một diễn biến mới với những hậu quả nặng nề cho nền địa chính trị thế giới ».
Trung Quốc không còn giữ bí mật những tham vọng của mình tại Afghanistan. Bắc Kinh không ngừng xác định vai trò của mình tại quốc gia Trung Á này, trong khi mà một phương Tây đang bị hụt hơi đã bắt đầu các chiến dịch rút quân để lại cho đất nước một khoảng trống cần phải lấp.
Động thái này được thể hiện rõ qua chuyến công du Afghanistan của ông Chu Vĩnh Khang hôm 22/9 vừa qua. Vấn đề là ông Chu Vĩnh Khang không phải là một nhân vật tầm thường nào khác : đấy là một trong những thành viên trong Ủy ban Thường trực của Bộ Chính trị trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, một trong các ông thánh của chế độ. Ông Chu vừa là « siêu công an » (theo thuật ngữ của tác giả) vừa là cựu lãnh đạo của tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc.
An ninh và kinh tế : nước cờ đôi của Bắc Kinh
Điều đó cho thấy rõ nước cờ đôi của Trung Quốc. Thứ nhất là trên phương diện an ninh quốc gia, mối bận tâm hàng đầu của Trung Quốc. Bởi vì từ đây cho đến hết năm 2014, NATO sẽ rút hết toàn bộ quân khỏi Afghanistan. Việc này đã khiến cho Bắc Kinh lo lắng, vì e sợ bất ổn sẽ lại dấy lên tạo điều kiện cho phe khủng bố djihad có thể gây tiếng vang nơi cộng đồng người Hồi giáo Ouigour ở vùng Tân Cương, hiện đang nổi dậy chống lại ách cai trị của người Hán.
Nên nhớ rằng sau vụ khủng bố 11/9, Trung Quốc đã ủng hộ các chiến dịch của Hoa Kỳ lật đổ chế độ Taliban (1996-2001) do phe này đã chứa chấp những phần tử Hồi giáo cực đoan gốc Ouigour.
Nước cờ thứ hai chính là kinh tế. Trung Quốc đã thực hiện một chính sách ngoại giao rất khôn khéo là hợp tác với Mỹ nhưng dưới hình thức phi quân sự.
Kết quả là sự tính toán đã được đền đáp xứng đáng. Trung Quốc đã chiếm được cảm tình của chính quyền Kabul, đặt họ vào một vị thế có lợi. Nhiều hợp đồng khai thác dầu hỏa và mỏ đồng đã được ký kết, biến Trung Quốc thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại quốc gia Trung Á này. Sự bức phá đó khiến cho Ấn Độ không khỏi lo âu. New Dehli cũng phải huy động mọi khả năng để được có tên trong bảng vàng.
Còn đối với Hoa Kỳ, rõ ràng sự lấn sân của Trung Quốc tại Afghanistan đã mở ra nhiều cuộc tranh cãi căng thẳng giữa hai trường phái tại Lầu Năm Góc.
Một bên cho là bất công khi mà Trung Quốc vét hết các phần thưởng giá trị trong khi người Mỹ phải đổ xương đổ máu (hơn 2000 lính Mỹ đã thiệt mạng). Phía khác có vẻ thực tế hơn khi nghĩ rằng các dự án kinh tế của Trung Quốc sẽ giúp ổn định chính phủ Afghanistan, và đồng thời giúp tiên đoán sự trở về Kabul của phe Taliban. Như vậy, nó sẽ phục vụ cho lợi ích của Hoa kỳ sau này.
Tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực Trung Á
Tuy nhiên, theo Frédéric Bobin, tham vọng Trung Quốc không chỉ dừng ở hai lãnh vực an ninh và kinh tế. Về lâu dài, Bắc Kinh còn quan tâm đến mảng chính trị trong khu vực. Trong khi các mưu toan hòa giải của Hoa Kỳ với phe Taliban đang đi vào ngõ cụt, thì dường như Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng rất tích cực nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình.
Con át chủ bài lớn nhất của Bắc Kinh chính là Pakistan, một đồng minh lâu đời của Trung Quốc được sử dụng để khống chế Ấn Độ kể từ sau khi chiến tranh Ấn – Trung năm 1962. Bởi lẽ, lãnh tụ phe Taliban hiện đang ẩn trú tại Pakistan, do đó Bắc Kinh có thể mời được các lãnh tụ phe Taliban ngồi vào bàn đàm phán – vốn là điểm thất bại của người Mỹ.
Một công cụ khác cũng được chính quyền Bắc Kinh còn sử dụng đến để mở rộng tầm ảnh hưởng trên khu vực Trung Á, đó chính là Tổ chức hợp tác Thượng Hải (OSC), một kiểu diễn đàn khu vực. tác giả cho rằng sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu như trong diễn đàn sắp tới sẽ có sự tham gia của Afghanistan.
Từ các phân tích đó, tác giả bài viết rút ra hai hậu quả nghiêm trọng cho nền địa chính trị trong khu vực Trung Á. Theo tác giả nhận định những gì mà Trung Quốc đang làm sẽ mang lại những kết quả trái ngược hoàn toàn với chính sách ngoại giao mà Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đang thực hiện.
Bởi lẽ, để đảm bảo cho nền an ninh quốc gia vốn đang bị đe dọa, dù không ưa thích gì chế độ Taliban, nhưng một kiểu chế độ tôn giáo cực kỳ bảo thủ như thế vẫn có thể ngăn chặn được sự truyền bá của phe Hồi giáo khủng bố djihad. Đây chính là kiểu chính sách ngoại giao thường thấy của Bắc Kinh. Vì lợi ích của mình, Trung Quốc không bao giờ xem xét đến bản chất của chế độ mà mình đang hợp tác.
Kết quả là một số quyền con người và những kết quả dân chủ đạt được kể từ sau hậu 2001 có thể sẽ bị hạn chế tại Afghanistan.
Hậu quả cuối cùng chính là nền địa chính trị trong khu vực. Càng cắm rễ sâu tại Afghanistan thì Trung Quốc càng khẳng định vị trí của mình trên tấm bản đồ năng lượng tại vùng Trung Á.
Để cạnh tranh với dự án ống dẫn dầu Turkménistan – Afghanistan – Pakistan - Ấn Độ, gần đây Bắc Kinh đã đề nghị xây dựng một đường ống dẫn khí ga Turkménistan – Afghanistan – Tadjikistan – Trung Quốc. Vấn đề là nếu dự án được thực hiện, Bắc Kinh sẽ mời Iran nhập cuộc, điều mà Hoa Kỳ không hề mong muốn trong chính sách cô lập quốc gia Hồi giáo này.
Cuối cùng, tác giả nhận xét rằng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên Afghanistan, việc vẽ lại tấm bản đồ chiến lược trong khu vực vẫn chưa kết thúc.
Tại Nam Cực, ai hưởng lợi nguồn tôm ?
Dự án hình thành khu vực bảo tồn vùng biển đại dương ở Nam Cực đang gặp nhiều sự cản trở từ nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Nga. Điều đó có thể gây tổn hại cho nguồn dự trữ loài tôm nhỏ có vai trò chủ yếu trong hệ sinh thái của khu vực. Về chủ đề này, Libération có đặt câu hỏi « Nguồn tôm cua tại Nam Cực mang lợi cho ai ? »
Theo nhận xét của Libération, Hội nghị về Bảo tồn hệ động vật và sinh vật biển Nam Cực (CCFFMA), họp tại Hobart, Úc kết thúc hôm thứ tư vừa qua là một thất bại.
Quy tụ 24 quốc gia và Liên hiệp châu Âu để xem xét các dự án thành lập khu bảo tồn biển. Trong đó có 3 dự án chính được đưa ra bàn thảo : một do Pháp, Liên hiệp châu Âu và Úc đề nghị thiết lập 7 khu vực bảo tồn, trong đó có một khu vực đối diện với vùng đất Adélie (thuộc Nam Cực), và hai vùng khác Kerguelen và Crozet. Đề nghị thứ hai là của Anh quốc có liên quan đến vùng bán đảo Nam Cực. Và đề nghị thứ ba thuộc về New Zealand và Hoa Kỳ cho vùng biển Ross.
Trong suốt hai tuần bàn thảo, Hội nghị đã không đi đến được một ký kết nào.
Không những thế, Trung Quốc, Nga và Ukraina đã tích cực ngăn chặn mọi sự đồng thuận. Đối với các tổ chức phi chính phủ, « Hội nghị lần này hành xử như là một tổ chức đánh bắt hải sản chứ không phải là một tổ chức nhằm bảo tồn các vùng biển Nam Cực ». Đấy là chưa nói đến là không có văn bản nào được thông qua để cấm đánh bắt hoàn toàn.
Trên thực tế, biển Nam Cực khiến mọi quốc gia đều thèm muốn. Lưu thông khó khăn, ít bị ô nhiễm và ít có tàu bè qua lại, nên Nam Cực tràn đầy các nguồn hải sản : trữ lượng cá, cá voi, hải cẩu, tôm cua dồi dào, cũng như nhiều loài sinh vật khác được đánh giá là rất quan trọng cho quần thể sinh học.
Theo ước tính, trữ lượng hải sản tại Nam Cực nằm trong khoảng 125 và 725 triệu tấn một năm.
Đặc biệt là loài tôm nhỏ, giữ một vai trò rất lớn trong hệ sinh thái biển Nam Cực. Vừa là nguồn thức ăn cho cá voi, loài tôm Euphausia superba giàu đạm và vitamine cũng là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp thực phẩm, để chế biến thuốc dinh dưỡng, hay cho ngành nuôi cá hồi và ngành công nghiệp mỹ phẩm.
Libération cho biết do mật độ và sự dồi dào về nguồn tôm tại các vùng biển Nam Cực cao khiến cho nhiều nước như Nga, Hàn Quốc, Thụy Điển, Nhật Bản, Ukraina và Ba Lan phải thèm muốn. Hội nghị về Bảo tồn hệ động vật và sinh vật biển Nam Cực (CCFFMA) năm 1991 có quy định mức đánh bắt là 1,5 tấn trong khu vực số 48 ở Nam Đại Tây Dương.
Thế nhưng, chưa bao giờ con số đó được đạt đến do các khó khăn về kỹ thuật. Một chuyên gia giải thích, « vấn đề là có đến 90% sản lượng đánh bắt diễn ra ở các vùng biển nhỏ và như vậy sẽ làm giảm thiểu nguồn thức ăn có sẵn cho loài cá săn mồi như cá voi hay chim cánh cụt v.v… »
Văn học Trung Quốc : Tiểu thuyết về những ông hoàng đỏ
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhưng trên lĩnh vực văn học, trên mục Lá thư châu Á, Brice Pedroletti, thông tín viên nhật báo Le Monde có bài viết nhận định về một cuốn tiểu thuyết nói về giới sinh viên Trung Quốc do một nữ nhà văn trẻ tuổi sáng tác. Theo đó, « sự ngạo nghễ, ham muốn quyền lực nhằm để bảo vệ lợi ích cá nhân của chính mình » là những nét điển hình về giới sinh viên Trung Quốc ngày nay, nhất là giới sinh viên – thành viên của các nhà lãnh đạo.
Với sự bí ẩn và những cuộc đấu đá quyền lực, nền chính trị Trung Quốc luôn là những đề tài lôi cuốn, hấp dẫn.
Tưởng Phương Chu (Jiang Fangzhou), một nữ sĩ tuổi đời chừng 23, đang hoàn thành một cuốn tiểu thuyết về giới sinh viên tại Trung Quốc. Trong giới tinh hoa đó, không ít thành viên mơ ước trở thành các nhà lãnh đạo tương lai của đất nước. Và một bộ phận đông trong số họ là con cái của giới quý tộc đỏ - tức những cán bộ cao cấp của chính phủ.
Tưởng Chu Phương đã vay mượn các sự kiện có thực gần đây như vụ tai nạn xe Ferrari chết người hồi tháng ba năm nay làm thiệt mạng một cậu quý tử của một vị lãnh đạo cao cấp và hai người phụ nữ trẻ tuổi trong trang phục hớ hênh để tưởng tượng ra một đất nước Trung Quốc trong tương lai.
Tất cả các tình tiết diễn ra trong một đất nước ảo tưởng. Qua đó, người đọc có thể nhận thấy được rằng giới sinh viên trẻ của tầng lớp tinh tú đó đang cố sức gây ảnh hưởng đến cha mẹ của họ ngay trong lòng bộ máy nhà nước. Bởi một lẽ rất đơn giản là chính bản thân họ, « họ cũng nhận thức được những gì đang xảy ra trong nước, về mọi vấn đề.
Cùng lúc đó, họ cũng cảm thấy dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Do đó, họ muốn lao vào chính trường để có thể bảo vệ chính quyền lợi của chính mình », theo như nhận xét của tác giả.
Những năm tháng lăn lộn trên ghế trường Đại học Thanh Hoa – một trường đại học danh giá của Trung Quốc, nơi đào tạo ra nhiều nhà lãnh đạo cao cấp đã cung cấp cho tiểu thuyết của Tưởng Chu Phương nhiều tuyến nhân vật đa dạng : những người theo lý tưởng, những kẻ tham vọng hay những người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.
Cô mô tả các « ông hoàng đỏ trẻ tuổi » là những kẻ ngạo nghễ. Ngồi ghế đại học, nhưng lại không dám đàm luận về chính trị và bảo vệ đến cùng chính phủ « cứ như là đang bảo vệ tài sản thừa kế của mình ».
Xuất thân là một gia đình công chức tầm thường, cha là công an tỉnh Hồ Bắc, mẹ là giáo viên tiểu học. Tưởng Chu Phương xuất bản quyền tiểu thuyết đầu tiên khi cô mới chín tuổi. Quyển tiểu thuyết lần này là quyển sách thứ 10 của cô.
Theo dự kiến, sách sẽ được phát hành trong năm 2013 tại Trung Quốc hay là ở nơi khác không chừng vì đề tài chính trị luôn là chủ đề cấm kỵ tại Trung Quốc. Le Monde kết luận, « thế mới biết tuổi trẻ Trung Quốc tài cao như thế nào ».
Pháp thiếu giò và tai heo xuất khẩu sang Trung Quốc
Đó là tựa đề khá khôi hài của bài viết đăng trên báo trong chuyên mục « Câu chuyện trong ngày ». Cách đây không lâu tại Pháp, giò và tai heo được xem như là phần thịt vụn và bị đem đi xả. Thế nhưng, kể từ năm 2005, xu hướng đó đã đổi chiều kể từ chính quyền Trung Quốc chấp nhận các lò mổ heo của Pháp.
Theo giải thích của một vị giám đốc quản lý cơ quan liên ngành quốc gia về lợn, « thị trường Trung Quốc có nhu cầu rất cao về giò và tai lợn ». Mỗi năm, Pháp xuất khẩu sang Trung Quốc đến 40 ngàn tấn giò và tai. Cũng theo vị giám đốc trên, thì nếu Pháp có đủ thịt để cung ứng, thì mức xuất khẩu có lẽ sẽ còn tăng lên gấp đôi.
Ngạn ngữ Trung Hoa có câu : « Ăn gì bổ nấy », vì thế giò và tai lợn được xem như là cao lương mỹ vị. Nhu cầu nhập khẩu hàng năm lên đến 770 ngàn tấn. Có thể nói đây là một ngành kinh doanh rất béo bở.
Hàng năm, Pháp thu được gần 80 triệu euro. Vậy mà, phạm vi hoạt động để cho Pháp khai thác ngành hái ra tiền này hầu như là con số không.
Tổng số đầu lợn trên cả nước chỉ có khoảng 25 triệu con, chỉ đủ để đáp ứng cho thị trường nội địa và chỉ cho phép xuất khẩu được 5 con/100 con sản xuất ra.
Trong khi đó, Đan Mạch có số lợn chăn nuôi cao gấp 6 lần so với mức nhu cầu trong nước. Và họ cũng là nhà cung cấp tai và giò heo hàng đầu thế giới cho Trung Quốc, với sản lượng xuất khẩu là 137 ngàn tấn/ năm ; đứng trước Hoa Kỳ và Đức.
Tin mới
- Cử tri California ghi danh đi bầu cao kỷ lục - 06/11/2012 06:38
- Ba phụ nữ trẻ Việt Nam được trao giải Nhân quyền 2012 - 06/11/2012 06:22
- Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển trên quần đảo Hoàng Sa - 06/11/2012 06:02
- Chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp những tiếng nói phản đối Trung Quốc - 05/11/2012 18:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-11-2012 - 05/11/2012 17:32
- Chặng Cuối Cuộc Đua Vào Bạch Cung - 05/11/2012 17:15
- Tổng thống Pháp ủng hộ Liban trước đe dọa từ Syria - 05/11/2012 04:08
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-11-2012 - 05/11/2012 03:57
- Nga:Phe dân tộc cực đoan biểu tình chống Putin và dân nhập cư - 05/11/2012 03:44
- Senkaku/Điếu Ngư : Trung Quốc áp dụng "chiến tranh hao mòn" - 03/11/2012 22:52
Các tin khác
- Lãnh đạo mới của Trung Quốc đối mặt với các thách thức kinh tế - 03/11/2012 05:41
- Cử tri Mỹ gốc Việt chờ ngày bỏ phiếu - 03/11/2012 05:31
- Campuchia cho xây đập ở sông Mekong - 03/11/2012 05:16
- Chủ tịch Sacombank từ nhiệm - 02/11/2012 22:34
- LHQ kêu gọi Bắc Kinh giải tỏa nỗi ấm ức của người Tây Tạng - 02/11/2012 22:22
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-11-2012 - 02/11/2012 22:15
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-11-2012 - 02/11/2012 05:24
- Mỹ tuyển mộ hacker cho chiến tranh điện toán - 01/11/2012 01:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 31-10-2012 - 01/11/2012 00:57
- Đặc sứ Liên Hiệp Quốc : Trung Quốc phải "tích cực" trên hồ sơ Syria - 31/10/2012 23:20