Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-11-2019

Bầu cử Hồng Kông, China Cables : Bắc Kinh đồng thời lãnh hai cái tát

bc 05

Các ứng cử viên dân chủ chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa rồi tại Hồng Kông tập hợp trước trường đại học Bách Khoa (PolyU) ngày 25/11/2019 đòi hỏi phải tìm ra giải pháp.
REUTERS/Adnan Abidi



Bên cạnh những vấn đề trong nước như việc cải cách chế độ lương hưu và cuộc đình công lớn sắp diễn ra, Trung Quốc là chủ đề lớn được các báo Pháp đề cập đến, nhưng để phơi bày những góc cạnh xấu xí của chế độ.

Tất cả các báo Paris hôm nay đều nói về cú đòn trời giáng mà cử tri Hồng Kông đã dành cho Bắc Kinh trong cuộc bầu cử cấp quận vừa qua. Riêng Le Monde, chạy tựa trang nhất « Ở trung tâm cỗ máy đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc ».

Đây là một trong 17 tờ báo quốc tế cùng đăng tải « China Cables », tiết lộ những chỉ thị mật của Bắc Kinh về cách vận hành những trại cải tạo nhằm tẩy não người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Phe dân chủ Hồng Kông hạ nốc ao phe thân chính quyền Bắc Kinh

Trong bài « Phe dân chủ Hồng Kông tặng một cái tát nổ đom đóm mắt cho Bắc Kinh trong cuộc bầu cử »,Le Figaro nhận định, một « đợt sóng màu vàng » đã ập xuống Hồng Kông tối Chủ nhật 24/11/2019, mang theo làn gió mới tiếp sức cho công cuộc phản kháng chống Trung Quốc.

Phe dân chủ đã hạ nốc ao những ứng viên khoác áo xanh – các đảng phái thân Bắc Kinh.
Kết quả bầu cử sáng thứ Hai cho thấy các ứng cử viên dân chủ đã kiểm soát được 17/18 quận, chiếm đến 90% số ghế.

Dân biểu Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) nói : « Đó là một cái tát nảy lửa cho Bắc Kinh, vượt xa mọi mong đợi của chúng tôi ».
« Một đợt sóng thần dân chủ » - Trương Vũ Nhân (Tommy Cheung) vui mừng.
Anh là một trong những khuôn mặt của phong trào biểu tình, vừa giành được một ghế tại Nguyên Lãng (Yuen Long), gần biên giới với Trung Quốc, nơi bọn « xã hội đen » ủng hộ Bắc Kinh từng dùng gậy sắt đánh đập dã man người biểu tình.

Tương tự, trong bài « Người Hồng Kông đã hạ nhục Bắc Kinh », Les Echos nhận xét, việc người dân đi bầu đông đảo khiến người ta dự báo phe dân chủ sẽ được ủng hộ hơn, thế nhưng rốt cuộc đó là cả một trận sóng thần.

Số cử tri đi bầu gia tăng rất cao : tỉ lệ tham gia là 71% so với trước đây chỉ có 47%, chủ yếu là giới trẻ, kiên quyết bằng lá phiếu tỏ rõ quyết tâm trước chính quyền sau nhiều tháng xuống đường.

Le Monde trong bài « Hồng Kông : Cử tri mạnh mẽ phủ nhận chính quyền đặc khu và Bắc Kinh » cho biết thêm, do có tin đồn có thể ngưng cho bỏ phiếu vào 10 giờ 30, cử tri đã cố gắng đi bầu càng sớm càng tốt.
Ngay trước giờ phòng phiếu mở cửa là 7 giờ 30 sáng, những hàng dài đã nối đuôi chờ đợi. Cảnh sát hiện diện đông đảo, và có rất ít sự cố.

« Đa số thầm lặng » của Bắc Kinh ở đâu ?

Đối lập với chiến thắng ngoạn mục này đã biến cuộc bầu cử địa phương thành cuộc trưng cầu dân ý chống chính quyền đặc khu, gởi thông điệp bất tín nhiệm đến nền kinh tế thứ nhì thế giới.

Bắc Kinh từ nhiều tháng qua vẫn tố cáo « những kẻ nổi dậy cực đoan » muốn áp đặt bạo lực lên « đa số thầm lặng ».
Sáng thứ Hai, sau khi có kết quả bầu cử, báo chí Hoa lục tẽn tò im lặng, và chủ đề này bị kiểm duyệt trên mạng Vi Bác. Bà Mao Mạnh Tĩnh chất vấn : « Đa số thầm lặng đâu rồi ? »

Theo Le Figaro, kết quả trên đây có thể là cơ hội mở ra những cuộc thương lượng.
Trong bất kỳ nền dân chủ nào, chính quyền nhất định phải có những nhượng bộ sau sáu tháng khủng hoảng, tuy nhiên chính quyền này cho thấy họ vẫn có thể trơ mặt chịu tát.

Luật gia Ngô Ái Nghi (Margaret Ng) nhận xét :
« Đó là đặc tính của chế độ cộng sản, vốn đòi hỏi phải kiểm soát toàn bộ ».
Giáo sư Jean-Pierre Cabestan cho rằng : « Bắc Kinh vẫn duy trì mục đích, nhưng có thể có những bước đi chiến thuật ».
Một giáo sư khác ở Singapore, Ngô Mộc Loan (Wu Muluan), cũng nhận xét trên Les Echos : « Lắng nghe công luận không phải là thói quen của Bắc Kinh ».

« Hạt cát » Hồng Kông có bảo vệ được tự do trước người khổng lồ Trung Quốc ?

Trong bài xã luận mang tên « Dân chủ tại Trung Quốc », La Croix nhận xét, Hồng Kông chỉ là một hạt cát so với Trung Quốc.
Một bên là hòn đảo chỉ có 1.100 kilomet vuông, vỏn vẹn 7,5 triệu dân, bên kia là đại lục 9.600.000 kilomet vuông với 1,4 tỉ người.

Theo logic thì cựu thuộc địa Anh không cách nào chống chọi được với Trung Quốc, nhưng người dân Hồng Kông vừa làm cho chính quyền thân Bắc Kinh phải chịu đựng một thất bại vô cùng cay đắng.
Chính quyền của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) không vì thế mà bị lật đổ, vì đó chỉ là việc bầu ra các ủy viên hội đồng quận với tầm hoạt động hạn chế.

Họ chỉ có ảnh hưởng lên các vấn đề tại khu vực mình như giao thông, cơ sở hạ tầng, thu gom rác.
Tuy vậy Quốc Hội Hồng Kông (chỉ có phân nửa được bầu lại trực tiếp trong 10 tháng tới), cũng có 6 ghế dành cho các ủy viên cấp quận, và các ủy viên được chọn ra 117/1.200 đại cử tri để bầu trưởng đặc khu.

Giá trị của kỳ bầu cử này mang tính biểu tượng cao, chứng tỏ sự bền chí của người Hồng Kông đã có được tác dụng.
Những lá phiếu, còn rõ ràng hơn là các cuộc thăm dò dư luận, chứng tỏ sự ủng hộ của người dân đối với người biểu tình, đặc biệt là sinh viên. Bắc Kinh và tay sai (trong nguyên văn) không thể tiếp tục luận điệu phe đối lập chỉ là một thiểu số bị thế lực nước ngoài giựt dây.

Bà Lâm hứa hẹn sẽ « khiêm tốn lắng nghe » cử tri.
Tuy nhiên, theo tờ báo Công giáo, khó thể tin rằng chính quyền Trung Quốc sẽ nhượng bộ phong trào phản kháng Hồng Kông.
Vấn đề là tìm ra được một thỏa thuận để vừa giữ được thể diện bên ngoài cho chế độ cộng sản, lại vừa bảo đảm lâu dài được sự tự do cho Hồng Kông. Và nếu đạt được kết quả này, đó là nhờ niềm tin dân chủ của người Hồng Kông.

Hồ sơ China Cables được tung ra trên 17 tờ báo quốc tế

Về hồ sơ Tân Cương, Le Monde dành tựa trang nhất và bốn trang báo khổ lớn bên trong cho « China Cables » - những chỉ thị mật của chế độ Bắc Kinh về các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ.
Trung Quốc của Tập Cận Bình duy trì một mạng lưới rộng rãi các trại giam bí mật, đang giam giữ ít nhất 1 triệu trên tổng số 11,5 triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ trong ba năm gần đây.

Tính chất cưỡng chế và trừng phạt tại các trại mà Bắc Kinh giới thiệu như là « trung tâm giáo dục và dạy nghề », được tiết lộ trong các tài liệu mà tổ hợp các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) có trong tay, đã được 17 tờ báo và hãng thông tấn lớn công bố, trong đó có Le Monde (Pháp), BBC, The Guardian (Anh), AP (Mỹ), Kyodo (Nhật), Süddeutsche Zeitung (Đức), El Pais (Tây Ban Nha)…

Nhiều chuyên gia về Tân Cương và nhà ngôn ngữ học được ICIJ liên lạc đều công nhận tính xác thực của các công văn chỉ đạo cách hoạt động của hệ thống trại cải tạo, trong đó tên ông Chu Hải Luân (Zhu Hailun), phó bí thư Tân Cương.

Bốn chỉ thị khác cũng do ông này ký, cho biết đã thành lập cơ sở dữ liệu dành cho việc giám sát người Duy Ngô Nhĩ, đòi hỏi cập nhật thường xuyên và hàng tuần phải báo cáo hàng chục ngàn cái tên « khả nghi ».

Mưu đồ tẩy não và Hán hóa người Duy Ngô Nhĩ

Trong các bài « Kế hoạch Trung Quốc nhằm bắt giam người Duy Ngô Nhĩ », « Cơ sở dữ liệu khổng lồ phục vụ cho việc giám sát toàn bộ », Le Monde mô tả chi tiết mưu đồ tẩy não và Hán hóa cả một dân tộc.

Le Figaro dẫn các tài liệu « China Cables » nhấn mạnh các mệnh lệnh « Không bao giờ được để cho học viên trốn thoát ».
Các trại cải tạo được giám sát video ngày đêm, « không được có góc chết nào », cửa các phòng giam phải được khóa chặt, chìa khóa do hai quản giục khác nhau giữ.

Một trong các văn bản cho thấy chỉ trong vòng một tuần lễ, vào tháng 6/2017, có hơn 24.000 người bị xếp vào diện khả nghi, và hai phần ba trong số đó liền bị công an bắt giam.
Có 15.600 người Duy Ngô Nhĩ bị tống vào các trại cải tạo trong tuần lễ đó. Một thông cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của « tự thú và nhận tội », đòi hỏi phải có những biện pháp mạnh, kể cả việc biệt giam, trói chân tay trong nhiều ngày.

Le Monde nhận xét, do không hề có cơ hội nào để chống án đối với người tù và gia đình của họ, nên đó là một hệ thống cực kỳ ác độc, một sự pha trộn giữa trại lính và nhà tù bí mật.
Nhân chứng Orinbek Koksebek cho biết khi vừa nhập trại đã bị trói gô trong bảy ngày trời, bị tống vào xà-lim biệt giam sáu lần.

Sayragul Sauytbay mô tả « căn phòng đen », một phòng tra tấn, nơi bà bị đánh vào đầu và thân bằng dùi cui điện, rồi bị bỏ đói hai ngày.
Phòng tra tấn có cả ghế điện, gậy bọc sắt, ghế ngồi đầy gai…và có những trường hợp học viên nữ bị quản giáo hãm hiếp.

Cần phá tan sự im lặng về các gu-lắc Duy Ngô Nhĩ

Bài xã luận của Le Monde kêu gọi « Hãy phá vỡ sự im lặng về các gu-lắc (trại tập trung) dành cho người Duy Ngô Nhĩ ».
Bản thân sự « rò rỉ » các công văn mật của đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đã là một sự kiện tại một đất nước vốn luôn giữ bí mật.

Tuy tài liệu này cho biết rất chi tiết về các trại cải tạo nhằm tẩy não người Duy Ngô Nhĩ bằng mọi cách, kể cả tra tấn ; Bắc Kinh vẫn kịch liệt chối cãi, và còn mời các đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm những trung tâm « kiểu mẫu » đã được chuẩn bị.
Trước sự dối trá này, cần ủng hộ nỗ lực của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong việc đòi mở điều tra độc lập và bỏ lệnh cấm vào Tân Cương.

Sau các thành công về kinh tế, Trung Quốc đang mong muốn trở thành siêu cường được tôn trọng, thế nên theo Le Monde, cần phải từ bỏ việc đàn áp và phải tôn trọng quyền của các dân tộc thiểu số.

 

Switch mode views: