Quan hệ Việt Nam - Vatican còn nhiều trở ngại
- Thứ Hai, 28 tháng Năm năm 2018 16:10
- Tác Giả: Thanh Phương
Giáo hoàng Phanxicô tiếp chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại Vatican ngày 23/11/2016.REUTERS/Maurizio Brambatti
Ngày 21/05/2018, Toà Thánh Vatican thông báo giáo hoàng Phanxicô đã bổ nhiệm Tổng giám mục Marek Zalewski, người Ba Lan, làm Sứ thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam.
Như vậy là đức cha Zalewski sẽ tiếp nối công việc của tổng giám mục Leopoldo Girelli, người Ý, đã được giáo hoàng Benedicto bổ nhiệm làm đại diện Toà Thánh tại Việt Nam từ ngày 13/01/2011.
Tổng giám mục Girelli đã mãn nhiệm từ ngày 13/09/2017 để nhận sứ vụ mới, nhưng chức vụ Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam vẫn để trống từ đó đến nay.
Nhân dịp Vatican bổ nhiệm tân Đại diện Tòa Thánh ở Việt Nam, ban Việt ngữ RFI phỏng vấn Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Tổng Giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam,về quan hệ Vatican – Hà Nội, cũng như về tình hình Giáo hội Công Giáo Việt Nam hiện nay.
Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh 26/05/2018
RFI: Kính thưa Đức Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh. Trước hết, xin Đức cha cho biết suy nghĩ của ngài khi nghe tin Vatican vừa bổ nhiệm một tân đại diện của Tòa Thánh ở Việt Nam ?
Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh :
Từ khi đức tổng giám mục Leopoldo Girelli kết thúc nhiệm kỳ Đại diện Tòa Thánh ở Việt Nam vào tháng 09/2017, bản thân tôi và tôi tin là tất cả các Ki tô hữu ở Việt Nam đều nóng lòng mong đợi có người thay thế ngài.
Nóng lòng là vì từ bao đời nay, Giáo Hội Việt Nam rất coi trọng mối dây hiệp thông với Đức Thánh Cha và Giáo Hội Hoàn Vũ.
Không có vị đại diện Tòa Thánh thì chúng tôi cảm thấy như thiếu một cái gì đó rất cần thiết. Cho nên, việc bổ nhiệm đức tân Đại diện, khiến cho tôi là các Ki tô hữu Việt Nam cảm thấy phần nào an lòng.
Tôi có cảm tưởng là sau 8 tháng chờ đợi, với việc bổ nhiệm đức tân Đại diện, nhịp cầu nối kết Giáo Hội Việt Nam với Tòa Thánh đã được tái lập.
RFI: Tổng kết lại những hoạt động của vị cựu đại diện Tòa Thánh ở Việt Nam, Đức Tổng giám mục Girelli, Đức cha thấy ngài đã đạt được những thành quả gì ?
Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh :
Dựa vào những lần mà tôi trao đổi với Đức Tổng giám mục Girelli, tôi được biết nguyện vọng cháy bỏng nhất của ngài là trong nhiệm kỳ của mình, ngài có thể nâng quan hệ giữa Tòa Thánh với Việt Nam lên một bậc cao hơn.
Cũng vì thế mà trong thời gian phục vụ tại Việt Nam, ngài luôn nỗ lực để tạo mối quan hệ hài hòa giữa nhà cầm quyền Việt Nam với Giáo Hội Công Giáo.
Tôi cũng nhận thấy là ngài thường xuyên tham khảo ý kiến của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam một cách rất sâu rộng về những hồ sơ lớn, nhỏ của Giáo Hội Việt Nam và của từng giáo phận, từng cộng đoàn.
Theo quy định của Nhà nước Việt Nam, mỗi lần đến Việt Nam thì vị đại diện đó chỉ được lưu lại một tháng.
Với một thời lượng giới hạn như thế, ngài vẫn luôn chấp hành nghiêm túc những quy định ngoại giao của nhà nước Việt Nam.
Nhưng đồng thời, trong vai trò đại diện Tòa Thánh, ngài vẫn là một vị mục tử, không quản ngại đường xá xa xôi, hiểm trở, đến thăm các giáo xứ vùng sâu, vùng xa, vào tận nhà những người hẩm hiu, xấu số, bất kể lương giáo, để chia sẽ tình thương.
Cũng vì thế mà hình ảnh của ngài, trong vai trò một nhà ngoại giao, cũng được đánh giá tương đối tích cực.
Theo dư luận tôi được nghe từ một vài viên chức đặc trách tôn giáo, đức Tổng giám mục Girelli đã để lại ấn tượng tương đối sâu sắc về tinh thần đối thoại cởi mở.
Trong một chừng mực nào đó, ngài đã thành công trong việc giữ một sự hài hòa cho mối tương quan giữa Tòa Thánh với Nhà nước Việt Nam.
Cũng nhờ vậy mà lúc đầu ngài chỉ được đến Việt Nam 6 tháng một lần, mỗi lần hai tuần. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngài được đến Việt Nam bất kỳ lúc nào, miễn là mỗi lần ở lại tối đa một tháng.
Đức Tổng giám mục Girelli đã hy vọng là cứ theo đà đó thì đến cuối nhiệm kỳ thì ngài sẽ được hưởng quy chế thường trú tại Việt Nam.
Nhưng đáng tiếc là cho đến khi rời Việt Nam, điều ngài mong đợi chỉ dừng lại ở đó.
RFI :Như vậy là quan hệ Vatican-Việt Nam cho tới nay vẫn chưa có gì tiến triển nhiều, mặc dù từ nhiều năm qua, người ta đã nhắc đến khả năng bình thường hóa bang giao giữa hai bên. Thưa Đức cha, tiến trình đó còn gặp những trở ngại gì ?
Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh :
Sau năm 1957 ở miền Bắc và sau năm 1975 tại miền Nam thì Nhà nước Việt Nam không duy trì quan hệ ngoại giao với Vatican như các chế độ chính trị trước đó.
Nhưng theo thỏa thuận thì hai bên khi nào có nhu cầu thì có thể gởi phái đoàn đặc sứ sang phía bên kia để đàm phán hoặc trao đổi thông tin.
Mãi đến năm 2011, Tòa Thánh mới được phép bổ nhiệm một vị đại diện tại Việt Nam, nhưng với quy chế không thường trú, tức là ở cấp ngoại giao thấp nhất, có nghĩa là được phép đến làm việc, nhưng không được lưu lại thường xuyên tại Việt Nam.
Như anh cũng biết, lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam là một lịch sử cũng rất là phức tạp, phức tạp do tư duy chiến tranh lạnh vẫn còn hằn sâu trong tâm tư nhiều người Việt Nam, phức tạp do lòng người chưa thống nhất và phức tạp do sức ép của khu vực Đông và Nam Á châu.
Quan hệ giữa Việt Nam với Tòa Thánh được hình thành trong bối cảnh tương đối gai góc như thế, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nó gặp nhiều trở ngại.
Hiện nay, một trong những mục tiêu chính trị nhà nước đề ra là đẩy mạnh đà hội nhập cộng đồng quốc tế.
Tôi nghĩ rằng bang giao giữa Việt Nam với Tòa Thánh sẽ được cải thiện, nếu Nhà nước Việt Nam cũng hội nhập quan điểm bang giao với Tòa Thánh như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.
RFI :Thưa Đức cha, riêng về Giáo Hội Việt Nam hiện nay còn gặp những hạn chế gì trong sinh hoạt hay không, nhất là trong vấn đề bổ nhiệm các giám mục ?
Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh :
Về khách quan thì còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong vấn đề bổ nhiệm giám mục. Theo thỏa thuận giữa Tòa Thánh và chính phủ Việt Nam, việc đề xuất giám mục là quyền của Tòa Thánh, Nhà nước Việt Nam không có quyền đề cử ứng viên, nhưng có quyền từ chối hoặc là chấp thuận.
Trước đây, vấn đề này cũng khá khó khăn, nhưng mà công nhận rằng hiện nay gay cấn nhất nay chỉ là việc bổ nhiệm tổng giám mục cho tổng giáo phận Hà Nội và Sài Gòn, còn với các giám mục ở tỉnh lẻ thì tôi nhận thấy là hai bên càng ngày càng tế nhị với nhau hơn, cho nên việc bổ nhiệm cho các địa phận khác, ngoài hai tổng giáo phận nói trên, thì cũng tương đối dễ dàng hơn trước.
Vẫn còn đó những vướng mắc chưa thể tháo gỡ được giữa Nhà nước Việt Nam và cộng đồng Công Giáo.
Chẳng hạn như cho tới nay cộng đồng Công Giáo vẫn chưa được tham gia hoạt động điều hành xã hội, hoạt động giáo dục, y tế ở cấp quốc gia.
Dù vậy, so với thời kỳ chưa đổi mới, có nhiều sinh hoạt tôn giáo đã được phần nào cởi trói, như các sinh hoạt cử hành, phong chức, phong phẩm hàm, và sinh hoạt xây dựng. Chúng tôi vẫn mong Nhà nước tiếp tục và đẩy nhanh tiến độ cởi trói sâu rộng hơn nữa.
RFI: Thưa Đứa cha, gay góc nhất hiện nay vẫn là tranh chấp nhà đất giữa Giáo Hội với nhà nước, chủ trương của Hội đồng Giám mục Việt Nam vấn đề này là như thế nào?
Tổng giám mục Nguyễn Chí Linh:
Đất đai là một hồ sơ nóng bỏng, không riêng gì với Giáo Hội Việt Nam, mà còn đối với nhiều thành phần xã hội khác.
Thống kê chính thức cho thấy là có đến khoảng 73% các vụ khiếu kiện là liên quan đến nhà đất.
Dĩ nhiên là những vấn đề liên quan đến tài sản của Giáo Hội, thì Hội đồng Giám mục Việt Nam có trách nhiệm phải lên tiếng bằng một cách nào đó.
Vấn đề là lên tiếng như thế nào và lên tiếng với ai?
Tôi nghĩ rằng lên tiếng với công luận và với truyền thông là một vấn nạn cũng rất nhạy cảm, thậm chí nếu không có cân nhắc đầy đủ, thì có thể làm rối loạn quan hệ và niềm tin.
Người Công Giáo vừa là tín hữu Kitô giáo, vừa là công dân Việt Nam. Cùng một lúc phải trung thành với hai tư cách đó trong một xã hội đơn nguyên như Việt Nam thì không phải là chuyện đơn giản.
Dù sau thì Hội đồng Giám mục Việt Nam phải có một lập trường. Lập trường đó là: khi cần thì vẫn lên tiếng, lên tiếng thẳng thắn, nhưng lên tiếng một cách tế nhị, nghĩa là tiếng nói ấy phải được ghi nhận và phải được lắng nghe như là thông điệp của một cộng đồng có thiện chí, muốn xây dựng, muốn cải thiện, chứ không phải để công kích và gây ngộ nhận.
Related news items:
Tin mới
- TT Trump ‘tiếc’ đã chọn ông Jeff Sessions làm Bộ Trưởng Tư Pháp - 31/05/2018 03:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 30-05-2018 - 31/05/2018 02:51
- Biển Đông: Quốc sách chủ bại trước Bắc Kinh của TT Philippines - 30/05/2018 19:28
- Châu Âu: Quy chế mới để bảo vệ “kho báu” dữ liệu cá nhân - 30/05/2018 16:30
- Mỹ: Sẽ tiếp tục chống Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông - 30/05/2018 15:56
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-05-2018 - 29/05/2018 21:50
- Tàu Gaza đầu tiên phá cấm vận đường biển Israel áp đặt từ 11 năm - 29/05/2018 18:41
- Thương mại : Mỹ nhường sân chơi cho Trung Quốc ? - 29/05/2018 15:54
- Biển Đông: Trung Quốc cho vận hành mạng lưới điện trên đảo Phú Lâm - 29/05/2018 15:39
- Phái đoàn Mỹ đến Bắc Triều Tiên chuẩn bị thượng đỉnh Trump-Kim - 28/05/2018 16:56
Các tin khác
- Ý chỉ định thủ tướng tạm thời trong khi chờ bầu cử trước thời hạn - 28/05/2018 15:58
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-05-2018 - 28/05/2018 15:45
- Syria: Lính đánh thuê Nga từng thảm bại trước biệt kích Mỹ - 28/05/2018 14:24
- Hai tàu chiến Mỹ tiến lại gần quần đảo Hoàng Sa - 28/05/2018 01:49
- Biển Đông : Philipines canh tân phi đạo trên đảo Thị Tứ - 27/05/2018 20:50
- Thái Lan: Mạo danh Hoàng gia để làm giàu, một nhà sư bị bắt - 26/05/2018 18:13
- Kiểm soát kỹ thuật số : Tham vọng của Trung Quốc - 26/05/2018 14:09
- Thượng đỉnh đột xuất giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc - 26/05/2018 13:48
- Việt - Trung : Tranh chấp Biển Đông lan sang ngành du lịch - 26/05/2018 02:38
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-05-2018 - 26/05/2018 01:31