Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-04-2018

Thỏa thuận hạt nhân Iran "thử lửa" tình bạn Pháp - Mỹ

usa-france White House


Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte đến dự dạ tiệc tại Nhà Trắng ngày 24/04/2018.
REUTERS/Brian Snyder

Đề tài quốc tế được các báo Pháp ngày 25/04/2018 bàn luận sôi nổi nhất vẫn là chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Nhật báo Le Monde đăng hình hai nguyên thủ Pháp – Mỹ cùng nhau trồng cây sồi tại Nhà Trắng và đề tựa « Trump – Macron : Biểu tượng trước, bất đồng sau ».

Sau những lời lẽ hoa mỹ trao cho nhau trước các ống kính và micro của giới truyền thông, ca ngợi « tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước từ hơn hai thế kỷ nay », cuộc trao đổi trực diện giữa hai nguyên thủ tại Nhà Trắng đã làm nổi rõ các điểm bất đồng trong thương mại, môi trường và nhất là thỏa thuận hạt nhân Iran, chủ đề gây căng thẳng nhất.

Trong hồ sơ này, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ nguyên lập trường trước đồng nhiệm Pháp, khẳng định đây là một thỏa thuận « khủng khiếp » lẽ ra « không bao giờ được ký kết ».
Trong khi đó, các nước còn lại vẫn muốn duy trì thỏa thuận này. Trước thái độ kiên quyết của chủ nhân Nhà Trắng, dường như nguyên thủ Pháp đã có những nhượng bộ.
Les Echos cho biết cả hai nguyên thủ « kêu gọi một thỏa thuận sâu rộng hơn ».

Theo đề xuất của Paris, một thỏa thuận bổ sung khác, cho phép duy trì văn bản gốc đã được ký kết, sẽ được hình thành dựa trên bốn điểm trụ cột :
Ngăn cấm mọi hoạt động hạt nhân của Iran cho đến năm 2025;
Ngăn cản các hoạt động hạt nhân trong dài hạn;
Ngưng các hoạt động thử tên lửa đạn đạo của Iran và Tạo điều kiện cho việc bình ổn chính trị cho khu vực, kể cả Syria.
Đây sẽ là nền tảng cho các cuộc « mặc cả » lớn sau này.

Le Figaro trong bài viết đề tựa « Trump và Macron xích lại gần nhau về hồ sơ Iran », còn cho biết thêm là trong trụ cột cuối cùng của dự án thỏa thuận bổ sung, liên quan đến tình hình Syria, tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh rằng :
 « Tôi muốn rút hết binh sĩ Mỹ ra khỏi Syria, nhưng tôi không muốn để ngỏ cánh cửa cho Iran đi vào Địa Trung Hải ».

Do đó, trong trường hợp các nước châu Âu khác đồng ý, Iran có thể sẽ phải chuẩn bị rút quân ra khỏi Syria trong khuôn khổ quy chế hòa bình chung cho khu vực.
Bằng như ngược lại, tổng thống Mỹ đe dọa « Teheran sẽ phải trả giá đắt như một số nước đã phải hứng chịu » nếu như Iran vẫn cố thủ.

Khẩu chiến Mỹ - Iran

Bầu không khí căng thẳng ngày hôm qua gia tăng thêm một nấc.
Le Figaro cho biết, « Dưới áp lực, Téhéran dọa rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân ».
Trong lúc Macron đang làm nhiệm vụ cứu hộ, tổng thống Iran Hassan Rohani trong bài phát biểu trên truyền hình đã dọa đồng nhiệm Mỹ sẽ gánh lấy những « hậu quả nghiêm trọng » nếu như ông quyết định « lên án » thỏa thuận này vào ngày 12/05 tới đây.

Lãnh đạo ngoại giao Iran, ông Javad Zarif bồi thêm rằng : Téhéran sẽ tái khởi động chương trình làm giàu uranium nếu Mỹ đoạn tuyệt với thỏa thuận 2015.
Ngoại trưởng Iran cảnh báo sẽ không có một « kế hoạch B » nào như tuyên bố của tổng thống Pháp trên kênh truyền hình Fox News.

Trên mạng xã hội Twitter ông viết : « Hoặc là Được hoặc là Không gì cả. Các lãnh đạo Châu Âu phải khuyên nhủ Trump không những phải ở lại trong thỏa thuận hạt nhân, mà điều quan trọng nhất là còn phải thực tâm bắt đầu áp dụng phần cam kết của mình ».

Triều Tiên : Vùng phi quân sự, thiên đường « sinh thái »

Thời sự châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo Pháp hôm nay. Les Echos có bài phóng sự dài về cuộc sống của những người dân Hàn Quốc sống gần với khu vực phi quân sự.
Bài viết có tựa đề « Dưới bóng của giới tuyến chiến tranh lạnh sau cùng ».

Bài phóng sự của đặc phái viên Les Echos mô tả chi tiết bầu không khí căng thẳng tại khu vực phi quân sự được vạch ra năm 1953 khi chiến tranh kết thúc, nơi mà cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã từng thốt lên là « nơi khủng khiếp nhất của hành tinh » khi đến thăm vùng « DMZ ».
Binh sĩ hai miền luôn trong tư thế sẵn sàng, trừng mắt gườm nhau. Hệ thống camera giám sát hoạt động liên tục 24/24.

Khu vực này kéo dài trên 248 km và rộng khoảng 4km dọc theo vĩ tuyến 38.
Khu vực này ngày 27/04/2018 tới đây sẽ chứng kiến một cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo của hai miền Triều Tiên bị chia rẽ đó.

 Cuộc gặp thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Nhà Hòa Bình ở Bàn Môn Điếm, vùng an toàn chung JSA, nhưng bên phía Hàn Quốc.
 Có thể nói ở tuổi 34, Kim Jong Un là lãnh đạo Bắc Triều Tiên đầu tiên đặt chân vào phía nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.

Đất lành, Chim đậu

Nhưng điều thu hút tác giả bài viết là cuộc sống lặng lẽ, buồn tẻ của những người dân làng Hàn Quốc, đặc biệt là ở làng Tongilchon ở ngay sát vùng DMZ này.

 Được hình thành vào năm 1973, dưới chủ trương của Park Chung-hee, theo mô hình Kibboutz của người Israel, nhằm chứng tỏ cho chế độ phía Bắc những kỳ tích của ngành nông nghiệp Hàn Quốc, gần 80 hộ gia đình đã đến đây định cư để phát triển ngành trồng lúa, đậu nành và nhân sâm.

Giờ đây, tuy vẫn còn có 446 người sinh sống tại Tongilchon, con đường chính dẫn đến trung tâm thị xã hầu như vắng vẻ.
 Dân số của làng ngày càng lão hóa. Giới trẻ đổ xô về các khu đô thị. Thi thoảng có vài du khách ghé qua tham quan, mua vài món hàng kỷ niệm có in dòng chữ DMZ.

Nhờ vắng bóng người, vắng cơ sở hạ tầng công nghiệp mà vùng phi quân sự này đã tạo ra một hệ sinh thái độc nhất.
Một nơi trú ngụ sinh thái lý tưởng cho nhiều loài động vật lâm nguy đến từ nhiều vùng khác trên bán đảo.

 Khu vực này trở thành điểm dừng chân cho nhiều giống chim di trú như loài sếu trắng châu Á.
Trong rừng, loài mèo hoang đang trở về, cũng như nhiều giống cá thìa nhỏ và loài chim ó biển đuôi trắng quý hiếm khác.
Tại đây, các nhà khoa học Hàn Quốc còn tìm thấy loài nhện nước tưởng chừng đã biến mất.

Khám phá mới này đã làm cho chính phủ Hàn Quốc cảm thấy phấn khích, vốn dĩ đang có dự án biến vùng này thành một di sản thiên nhiên độc nhất cho cả hai miền Triều Tiên.

Trung Quốc : Ép nhận tội, truyền hình bị tố tiếp tay chính quyền

Nhìn sang Trung Quốc, Le Monde cho biết một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders công bố ngày 10/04/2018 cáo buộc truyền hình Trung Quốc « vi phạm đạo đức nghề báo » khi tiếp tay chính quyền trong các chương trình « cưỡng chế thú tội ».

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã sử dụng lại hình thức tự phê bình.
 Nhưng khác dưới thời Mao Trạch Đông, « cưỡng bức nhận tội » từ các công dân Trung Quốc hay người nước ngoài được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước CCTV vào giờ cao điểm.

Báo cáo của tổ chức Safeguard Defenders còn cáo buộc bốn kênh truyền thông khác có trụ sở tại Hồng Kông trong đón có Phoenix TV và nhật báo South China Morning Post.
Le Monde dẫn lời của ông Michael Caster, đồng sáng lập viên tổ chức ONG này khẳng định : « Điều tra của chúng tôi cho thấy rõ là những hãng truyền thông này có một vai trò hợp tác rất tích cực (…).

Đầu tiên hết, họ gởi phóng viên và trang thiết bị đến để thực hiện chương trình rồi bắt tay vào việc hậu sản xuất phức tạp đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cảnh sát.
Mặt khác, cách thức mà các cuộc thú tội cưỡng chế được dàn dựng cho thấy các cơ quan an ninh đó đã thực hiện mệnh lệnh từ chính quyền trung ương hay từ bộ Ngoại Giao, bởi vì chúng tôi đã tìm từng điểm một trong lập luận của họ ».

Irak : Daech tuy « xa mà gần »

Cũng trên Le Monde, một câu hỏi lớn trên trang nhất đặt ra « Làm thế nào Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo tự tài trợ tại Irak ».
Bài điều tra dài trên trang 2 cho biết những khó khăn trong việc săn lùng nguồn tiền của Daech tại Irak.

Le Monde cho biết giai đoạn từ tháng 6/2014 – 12/2017, khi Daech còn kiểm soát được gần 1/3 lãnh thổ Irak, tổ chức khủng bố này chủ yếu sống dựa vào các hoạt động tống tiền, khai thác dầu hỏa và buôn lậu tại Irak và Syria.

Chính trong giai đoạn này, Daech đã bí mật đầu tư từ 250 – 500 triệu đô la tại các công ty ảo của Irak.
Tổ chức khủng bố này còn sở hữu hằng hà sa số các trang trại nuôi cá, các điểm thu mua ngoại tệ và nhiều hãng taxi.

Theo thẩm định của chính quyền Irak và các chuyên gia, nhóm khủng bố này vẫn còn đủ nguồn tài chính để sống sót trong vòng 15 năm tới.
Ngoài ra, Le Monde cho biết trong khuôn khổ cuộc điều tra nghi ngờ hãng cung cấp bê-tông và xi-măng Lafarge tài trợ khủng bố tại Syrie, tư pháp của Pháp còn mở một cuộc điều tra khác nhắm vào Groupe Bruxelles Lambert.
Các nhà điều tra tìm hiểu phải chăng hành động tài trợ đó được thực hiện dưới sự bảo trợ của cổ đông lớn nhất này của Lafarge (20% cổ phần).

Pháp : Đình công gây thiệt hại cho kinh tế

Cuộc đình công luân phiên của các nghiệp đoàn lao động trong ngành đường sắt SNCF và hàng không Pháp Air France bước vào đợt thứ ba.
Thế nhưng, theo Le Monde, các hoạt động kinh tế tại Pháp, đứng đầu là du lịch và kinh doanh ăn uống bắt đầu « thấm đòn » của các cuộc đình công.

Thế nhưng, theo nhật báo, mức độ thiệt hại trong ngành kinh doanh khách sạn còn tùy theo từng khu vực, dao động trong khoảng từ 10-20%.
 Những thành phố lớn như Bordeaux, Lyon, Nice, Toulouse hay Marseilles là bị tác động nhiều nhất.
Ngược lại, tại Paris chưa có dấu hiệu bị tác động.

Tuy nhiên, giới kinh doanh trong lĩnh vực này lo ngại cho những ngày sắp tới.
Những kỳ nghỉ hè lớn đang đến gần, ngành khách sạn và kinh doanh hàng ăn e sợ các cuộc đình công có thể sẽ khiến các du khách nước ngoài thay đổi kế hoạch nghỉ, ưu tiên các điểm đến khác an toàn hơn như Ý, Tây Ban Nha, Croatia chẳng hạn.
Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực hoạt động khác cũng đã phải hứng chịu các thiệt hại do lệ thuộc vào phương cách vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.

 Khoảng 74% các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết đã chịu tác động của các cuộc đình công. Chỉ có 50% số tầu là vận hành trong những ngày có đình công.
 Đặc biệt, hoạt động giao thông vận chuyển đường sắt tụt giảm đã có những tác động mạnh đến ngành sản xuất và chế biến ngũ cốc.

Lính Robot : Hiểm họa mới cho nhân loại ?

Công nghệ phát triển đã làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống nhân loại, không chỉ đem lại các tiện nghi nhưng còn có thể mang họa cho con người.
 Nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất báo động « Thế giới đối mặt với thách thức Robot giết người ».

Trong vòng 5 ngày, từ ngày 09-13/04/2018, Liên Hiệp Quốc đã họp tại Geneve, Thụy Sĩ nhằm thảo luận về một định nghĩa thế nào là vũ khí « tự chủ » được điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo.
 Một số quốc gia như Hoa Kỳ và Nga đứng đầu giờ đã nhắm vào những công nghệ đã được phát triển nhờ vào trí thông minh nhân tạo để làm thay đổi diện mạo cuộc chiến.

Thách thức đặt ra là từ cấp độ nào người ta có thể cho là một phương tiện chiến tranh nào đó tự đưa ra quyết định giết, và liệu quyết định này có thể được thực hiện mà không cần sự can thiệp của con người.

Nhiều tổ chức phi chính phủ và nhiều nhân vật nổi tiếng yêu cầu tạm ngưng, thậm chí cấm hẳn.
Theo Les Echos, trong tháng này, 3.100 (trong số 70.000) nhân viên của hãng Google đã yêu cầu lãnh đạo tập đoàn ngừng hợp tác với Lầu Năm Góc.

Switch mode views: