Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Giới ngoại giao quốc tế vẫn ở lại Bình Nhưỡng

johnkerry ngoaigiao


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công du châu Á kể từ trung tuần tháng Tư 2013 (Reuters)

 

Bất chấp cảnh báo của Bình Nhưỡng, các nhà ngoại giao quốc tế không di tản khỏi Bắc Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ chuẩn bị công du châu Á từ 12/04 đến ngày 15/04/2013.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất nhân chuyến công du này là yêu cầu Trung Quốc gia tăng áp lực lên đồng minh Bắc Triều Tiên để làm hạ nhiệt tình hình ở khu vực

Đại diện bộ Ngoại giao Anh, ngày 05/04/2013 cho biết Bắc Triều Tiên tuyên bố là trong trường hợp xảy ra xung đột, an ninh của các nhà ngoại giao quốc tế tại Bình Nhưỡng không được bảo đảm kể từ ngày 10/04/2013 và Bình Nhưỡng khuyên nhân viên ngoại giao quốc tế nên di tản khỏi Bắc Triều Tiên.

Trong cuộc họp chiều ngày 06/04/2013 các nhà ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu nhìn nhận những "căng thẳng" tại Bắc Triều Tiên tuy nhiên không ai dự trù rời khỏi Bình Nhưỡng. 

Bộ Ngoại giao Đức thông báo Sứ quán Đức tại Bình Nhưỡng tiếp tục hoạt động. Hiện tại Đức là 1 trong số 7 thành viên Liên Hiệp Châu Âu có tòa đại sứ tại Bắc Triều Tiên.

7 quốc gia đó gồm Đức, Anh, Thụy Điển, Ba Lan, Roumanie, Cộng Hòa Séc và Bulgari. Pháp chỉ cử đại diện ngoại giao tại Bắc Triều Tiên.

Luân Đôn và Paris đều đánh giá tình hình « nghiêm trọng » và theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Pháp, Paris yêu cầu Bình Nhưỡng « chấm dứt ngay lập tức mọi hầnh vi khiêu khích ».
 Dù vậy cả Anh lẫn Pháp hiện « không có ý định di tản các kiều dân » khỏi Bắc Triều Tiên.

Một số nhà quan sát cho rằng lời cảnh cáo của Bình Nhưỡng chỉ là một đòn hù dọa nhằm gia tăng áp lực với cộng đồng quốc tế.

 Đây cũng là phân tích của phía bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Thông tín viên đài RFI, Jean Louis Pourtet từ thủ đô Washington nhận định :

« Theo quan điểm của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, việc Bình Nhưỡng khuyên các nhân viên ngoại giao di tản khỏi Bắc Triều Tiên nằm trong khuôn khổ chiến lược hù dọa của chính quyền nước này và Washington không hề ngạc nhiên vì điều đó.

Phát ngôn viên bộ Ngoại giao, bà Victoria Nuland cho biết Mỹ chủ trương là nên thận trọng và phản ứng một cách đúng đắn để bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ và các đồng minh.

Ngoài ra thì Washington cũng tìm cách thuyết phục chính quyền Bắc Triều Tiên chuyển hướng.

 Đấy sẽ là mục đích chuyến công tác đến Bắc Kinh, Seoul và Tokyo của Ngoại trưởng John Kerry vào tuần tới.

Sau khi đã phô trương thanh thế qua việc huy động hai oanh tạc cơ tàng hình tham gia các đợt tập trận chung với Hàn Quốc, Hoa Kỳ giờ đây đang tập trung vào các nỗ lực ngoại giao và kinh tế để ngăn cản những hành động hung hăng của Bắc Triều Tiên.

Trong bối cảnh đó, chặng dừng của Ngoại trưởng Kerry tại Bắc Kinh lần này được coi là hết sức quan trọng.

 Gần đây Trung Quốc tỏ thái độ sẵn sàng kềm hãm tham vọng hạt nhân của nước láng giềng Bắc Triều Tiên".

Mỹ chuẩn bị đưa máy bay không người lái tới Nhật Bản

Còn theo tiết lộ của báo chí Nhật Bản để tăng cường khả năng giám sát tình hình Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ đang chuẩn bị đưa máy bay trinh sát không người lái Global Hawk tới căn cứ không quân Misawa tại miền bắc Nhật Bản.

 Đây sẽ là lần đầu tiên máy bay trinh sát của Mỹ được điều tới quần đảo Nhật Bản.

Theo tiết lộ của một tờ báo cánh hữu Sankei Shimbun, vào tháng trước, Washington đã thảo luận với đồng minh Tokyo về kế hoạch đưa máy bay trinh sát đến Nhật vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay.
Nhưng với tình hình nóng bỏng tại bán đảo Triều Tiên, kế hoạch nói trên được thực hiện sớm hơn dự kiến.

Lời khuyên của Cuba

Cuối cùng, phát biểu trên các tờ báo chính thức của Cuba vào ngày 05/04/2013, cựu chủ tịch Fidel Castro khuyên Bình Nhưỡng nên tránh để xảy ra chiến tranh.

Với tư cách là một người bạn của Bắc Triều Tiên, ông Fidel Castro đánh giá : « Bắc Triều Tiên đã chứng minh với thế giới về những tiến bộ kỹ thuật vượt bậc của quốc gia này.
 Giờ đây chính quyền Bình Nhưỡng cần phải nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với những nước bạn và Bắc Triều Tiên không nên quên rằng, một chiến tranh sẽ là điều bất công đối với 70 % dân số thế giới ».

Bởi vì theo cựu lãnh đạo Cuba, căng thẳng hiện nay tại bán đảo Triều Tiên là « một trong những mỗi đe dọa hạt nhân nghiêm trọng nhất » kể từ sau khủng hoảng tên lửa năm 1962.

 Khi đó, suýt nữa thì Hoa Kỳ và Liên Xô lâm vào một cuộc xung đột hạt nhân.
Cựu lãnh đạo Cuba, Fidel Castro không ngần ngại xem căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên hiện nay là « không thể tin được và phi lý ».

Switch mode views: