Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-10-201717

Nhà máy điện hạt nhân Pháp : Mối lo tấn công khủng bố

Creys-Malville-phap

Nhà máy hạt nhân Creys-Malville.
JEAN-PIERRE CLATOT / AFP

Các nhà máy điện hạt nhân của Pháp hiện chưa được trang bị đầy đủ để đối phó với các cuộc tấn công khủng bố, theo một báo cáo mới đây.

Trong bài viết « Câu hỏi về an ninh của các nhà máy điện hạt nhân trước nguy cơ khủng bố », Le Monde cho biết hệ thống bảo vệ có nhiều lỗ hổng khiến khủng bố có thể lợi dụng để tấn công.

Pháp là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn điện hạt nhân và sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân luôn là một chủ đề nhạy cảm.

 Theo kết luận của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, dựa trên một báo cáo mới đây của bảy chuyên gia độc lập của các nước Pháp, Đức, Anh Quốc và Mỹ, Pháp chưa sẵn sàng đối phó với nguy cơ khủng bố, trong đó các bể làm nguội các thanh nhiên liệu hạt nhân là dễ bị tấn công nhất.

Mặc dù theo tổ chức phi chính phủ Greenpeace, chủ đề này cần được thảo luận công khai, rộng rãi, nhưng do các thông tin về lỗ hổng an ninh quá nhạy cảm và có thể « vẽ đường cho hươu chạy », nên Greenpeace đã quyết định chỉ cho công chúng biết một phần tài liệu.

Còn bản báo cáo hoàn chỉnh đã được chuyển tới Cơ quan quốc phòng dưới quyền của thủ tướng Pháp, bộ Sinh Thái, bộ Chỉ huy đặc trách về an toàn hạt nhân, Cơ quan an ninh nguyên tử và Viện bảo vệ an toàn hạt nhân.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, các nhà máy hạt nhân của Pháp không chỉ cần có khả năng chống đỡ trước thiên tai (động đất, ngập lụt, mưa bão) hay đối phó với lỗi vận hành do con người gây ra, chẳng hạn các sự cố hạt nhân Fukushima 2011 và Tchernobyl 1986, mà còn phải được trang bị để đối phó với các hành động tấn công cố ý.

Các chuyên gia khẳng định vấn đề lớn nhất hiện nằm ở 58 bể chứa nước làm nguội 4.500 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại các nhà máy, 4 bể chứa lớn ở trung tâm xử lý rác thải hạt nhân Le Hague chứa 10.000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, thêm vào đó là bể chứa cực lớn của nhà máy chế tạo nhiên liệu hạt nhân khổng lồ Superphénix ở tỉnh Isère. Tổng cộng là 63 bể chứa.

Theo ông Yves Marignac, giám đốc cơ quan nghiên cứu năng lượng WISE-Paris, các bể chứa thường không được xây dựng kiên cố, vững chắc bằng các lò phản ứng hạt nhân. Chúng chỉ được đặt trong một tòa nhà có tường bê tông dày vài chục centimet.
Các bể chứa của lò phản ứng hiện đại thế hệ thứ ba của công ty điện lực Pháp EDF thì được bảo vệ bằng một lớp vỏ có khả năng chống đỡ, nếu xảy ra một vụ nổ máy bay giống vụ khủng bố 11/09 tại Mỹ.

Nhà vật lý Olda Becker, thuộc đại học Hanovre, Đức, cảnh báo sự yếu kém trong việc bảo vệ các bể chứa, nếu xảy ra tấn công từ bên ngoài, chẳng hạn nổ máy bay, tấn công bằng trực thăng, tên lửa hay một người mang theo chất nổ đột nhập vào bên trong, sẽ gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Kịch bản tồi tệ nhất là các vụ tấn công tạo ra một lỗ hổng khiến nước làm mát trong bể chứa cạn đi, các thanh nhiên liệu hạt nhân nóng lên và tan chảy, làm một lượng lớn phóng xạ rò rỉ ra môi trường bên ngoài.
Hậu quả là hàng triệu người sống trong bán kính vài trăm cây số sẽ phải sơ tán.

Ông David Boilley, chủ tịch Hiệp hội kiểm soát phóng xạ ở miền tây nước Pháp khẳng định hiện chưa có quốc gia nào ở châu Âu có thể đối phó với một kịch bản tương tự.
Trả lời báo Le Monde, giám đốc phụ trách điện hạt nhân của công ty điện lực Pháp trấn an là hạ tầng của EDF, kể cả các bể làm nguội đều được thiết kế để có khả năng chống chịu với mọi tác động từ bên ngoài, cả tự nhiên và các vụ tấn công do con người thực hiện, kể cả các nếu bị máy bay đâm vào.

Lãnh đạo trên cũng cho biết công ty điện lực Pháp có đội ngũ bảo vệ an ninh riêng, mỗi nhà máy điện hạt nhân đều có đội bảo vệ 40-50 người.
Và xung quanh 19 nhà máy hạt nhân của Pháp, có tổng cộng 1.000 quân nhân chuyên trách an ninh của Hiến Binh Quốc Gia bảo vệ.

Vị giám đốc phụ trách điện hạt nhân này cũng cho biết từ nay tới năm 2023, công ty điện lực Pháp sẽ đầu tư thêm 700 triệu euro cho công tác an ninh.
Nhưng vấn đề là theo ông Yves Marignac, giám đốc cơ quan nghiên cứu năng lượng WISE-Paris, chỉ riêng một hầm bunker bảo vệ một bể làm nguội nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cũng đã tốn tới cả tỉ euro.

Châu Âu : 500.000 người chết vì ô nhiễm không khí

Vẫn châu Âu, trong lĩnh vực môi trường, theo báo cáo 2017 về chất lượng không khí mà Cơ quan châu Âu về môi trường công bố hôm qua 11/10, năm 2014 tại 41 nước châu Âu, có 520.400 người chết sớm vì ô nhiễm không khí.
Chỉ tính riêng tại Liên Hiệp Châu Âu, con số này là 487.600 người.

Trong bài viết « Ô nhiễm không khí, hơn 500.000 người chết ở châu Âu », báo Le Monde cho biết nguyên nhân đầu tiên là các hạt bụi siêu nhỏ dưới 2,5 microgramme (PM2,5), tiếp theo là khí dioxyde azote NO2 và ozone O3.

Theo báo cáo 2017, số người chết sớm vì ô nhiễm có giảm một chút so với trong báo cáo năm 2016.
Nhưng nếu số người chết do các hạt bụi siêu nhỏ giảm thì số người chết do khí dioxyde azote lại tăng.
Đó là hậu quả của vụ tai tiếng dieselgate.

Nếu tính số người chết, Đức là nước đông dân nhất châu Âu nên bị ảnh hưởng nhiều nhất (81.160 người chết sớm), tiếp theo là Ý, Anh Quốc.
Pháp đứng thứ 5 về số người chết sớm vì ô nhiễm không khí. Ba Lan đứng thứ tư, nhưng nếu theo tỉ lệ dân số thì Ba Lan bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì dân số ít mà có tới 48.690 người chết.

Về nguyên nhân, không khí tại Ba Lan chủ yếu ô nhiễm do người dân sử dụng hệ thống sưởi bằng than.
Còn tại Ý, miền bắc bị ô nhiễm nhất vì tập trung quá nhiều nhà máy công nghiệp, khu dân cư và mạng lưới giao thông dày đặc.

Các thành phố lớn của Pháp như Paris, Lyon, Marseilles có tỉ lệ hạt bụi siêu nhỏ quá cao, chủ yếu do lưu lượng xe cơ giới, nhất là xe tải và người dân dùng nhiều củi để sưởi ấm. Hồi cuối tháng 09, bộ trưởng Sinh Thái Pháp thông báo từ nay tới tháng 03/2018 sẽ xây dựng xong một kế hoạch để giảm hai nguồn ô nhiễm không khí trên.

Zero Point, làng ma của người Rohingya

Liên quan đến khủng hoảng người Hồi giáo thiểu số Rohingya tại Miến Điện, báo Le Monde có bài phóng sự « Làng ma Zero Point của người Rohingya », kể về cuộc sống của những người Rohingya không rời bỏ Miến Điện.

Ghumdhum Zero Point là một dải đất thuộc lãnh thổ Miến Điện, nằm đối diện làng Tumbru của Banglasdesh, sâu 300m tính từ hàng rào do quân đội Miến Điện dựng lên cho tới con kênh ngăn cách hai nước.

Trước đây, Ghumdhum Zero Point là một ngôi làng ma, một mảnh đất không có người dân sinh sống.
Nhưng từ một tháng nay, mọi chuyện đã khác. Ghumdhum Zero Point trở thành nơi trú ngụ của 8.000 người Rohingya.

Miến Điện không muốn người Rohingya ở lại, nhưng chính quyền nước láng giềng Bangladesh lại không khuyến khích họ sang tị nạn.
Vậy là nhiều người Rohingya ở lại mảnh đất nằm giữa ranh giới hai quốc gia, một vùng bùn lầy, đầy bụi, không nước sinh hoạt, không có gì hết !

Ghumdhum Zero Point trở thành ngôi làng tại đó 1.300 gia đình Rohingya ẩn náu qua ngày dưới những tấm vải bạt bằng nhựa, với hy vọng khi tình hình dịu đi, họ có thể trở về nhà.
Nhưng một tháng đã trôi qua, hy vọng trở về của họ đã bị dập tắt. Theo Le Monde, đây không chỉ là cuộc trốn chạy lớn nhất trong lịch sử người Hồi Giáo thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya Miến Điện mà quân đội Miến Điện còn đang có biểu hiện muốn đẩy những người Rohingya phải vĩnh viễn rời khỏi đất nước.

Cách đây 10 ngày, quân đội đã cho đặt mìn dọc theo hàng rào, ở bìa làng Ghumdhum để ngăn không cho người Rohingya trở về.
Nhiều em nhỏ đã ném đá lên những quả mìn để xem liệu có đúng là mìn hay không, ba em nhỏ đã bị thương, trong đó có hai em phải cắt cụt chân.

Tuy nhiên, người đàn ông được coi là trưởng làng Ghumdhum, đã từng là một doanh nhân giàu có vẫn tin tưởng là Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu và phương Tây sẽ gây được sức ép lên chính quyền Miến Điện.

Bỏ quê, giới trẻ Venezuela sang Colombia tìm tương lai

Nhìn sang châu Mỹ, báo công giáo La Croix có bài viết « Tại Colombia, giới trẻ Venezuela đi tìm tương lai ».
 Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Venezuela trở nên trầm trọng, cách đây gần 1 năm, số thanh niên Venezuela sang lánh nạn ở nước láng giềng Colombia ngày càng tăng.
Họ là những người trốn chạy khỏi cái nghèo, những lộn xộn trong xã hội Venezuela, một tương lai tối tăm ở quê nhà.
Họ sang Colombia với bàn tay trắng, không tiền bạc, không kế hoạch sinh nhai.

Báo La Croix cho biết rất khó để thống kê chính xác số người Venezuela đã tới Colombia trong thời gian qua, vì ở biên giới hai nước chỉ có 7 chốt biên phòng chính thức, nhưng lại có tới hơn 500 lối đi không bị chính quyền kiểm soát.
 Di dân Venezuela hiện chiếm số đông nhất ở Colombia. Theo ước tính, trong 20 năm qua, có khoảng 900.000 người Venezuela sang Colombia sinh sống lâu dài hoặc tạm thời.

Kinh tế Venezuela phụ thuộc vào khai thác dầu lửa.
 Sau khi giá dầu lửa thế giới sụt giảm vào năm 2014, làn sóng di cư từ Venezuela sang Colombia tăng đột biến.

Tới năm 2015, chiến thắng của phe đối lập trong kỳ bầu cử Quốc hội lại khiến đất nước thêm chao đảo, đẩy thêm nhiều người rời quê hương.
 Chính quyền Bogota đã cấp thẻ cư trú đặc biệt có thời hạn 2 năm cho những người Venezuela sang Colombia trước ngày 30/07/2017.
Đó là ngày bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ở Venezuela, bạo lực bùng nổ tạo ra một làn sóng di cư mới sang nước láng giềng.

Theo báo Công Giáo La Croix, có một số người Colombia phản đối các làn sóng di dân Venezuela nhưng đây chỉ là số ít.
Và rất may cho giới trẻ Venezuela, chính quyền Bogota rất ý thức về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela và tích cực giúp đỡ di dân nước này.

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều chủ đề.
Về thời sự nước Pháp, báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa « Đảng Những Người Cộng Hòa : một cuộc bầu cử để thức tỉnh cánh hữu ».
 Còn báo La Croix đề cập tới chính sách cải cách của tổng thống Pháp và nói tới « Một ý tưởng tự do ».

 Báo Libération lại chú ý tới vụ bê bối tình dục của một nhà sản xuất điện ảnh tiếng tăm ở kinh đô điện ảnh Hollywood, với tựa trang nhất « Harvey Weinstein : Hollywood đồi bại ».

 Libération còn dành nhiều trang bài bên trong cho hồ sơ này.
 Báo Le Monde ra sạp sớm từ chiều hôm qua cho biết « Catalunia : độc lập đang treo lơ lửng »


Switch mode views: