Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bầu cử tổng thống Pháp: Các ứng viên nhỏ phát huy vai trò phản biện

philippe-poutou-npa

Ứng cử viên tranh cử tổng thống Pháp Philippe Poutou, người đặc biệt được công chúng chú ý sau cuộc tranh luận trên truyền hình, ngày 04/04/2017, trên hai kênh BFMTV và CNEWS.
REUTERS/Lionel Bonaventure


Chỉ còn 10 ngày là đến vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp (23/04/2017), và kết quả các cuộc thăm dò ý định bầu của cử tri vẫn phân biệt rõ hai loại ứng cử viên, một bên là 5 ứng cử viên gọi là lớn, có tỷ lệ người tín nhiệm hơn ngưỡng 5%, và bên kia là 6 người còn lại, gọi là nhỏ, vẫn trầm luân dưới mức này.

Ngay từ đầu, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về sự hữu dụng của các ứng cử viên nhỏ - vốn không có mảy may hy vọng trong cuộc bầu cử tổng thống – nhưng cuộc tranh luận chưa từng có trong lịch sử ngày 04/04 vừa qua đã nêu bật vai trò hữu ích của các ứng viên này : Làm người phản biện, dám chất vấn thẳng các ứng viên lớn về một số vấn đề nổi cộm, điều mà những ứng viên khác tránh né, để khỏi mang tiếng là đả kích cá nhân.

Sáu ứng cử viên « nhỏ » trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 này đại diện cho nhiều xu hướng và đảng phái trải rộng trên bàn cờ chính trị Pháp, từ cực hữu tới cực tả.

Đó là các ông Nicolas Dupont-Aignan, chủ tịch đảng Nước Pháp Đứng Lên (La France Debout), François Asselineau, Chủ tịch đảng Liên Minh Nhân Dân Cộng Hòa (Union Populaire Républicaine UPR), Jean Lassalle, Chủ tịch đảng Kháng Cự (Résistons) và Jacques Cheminade, Chủ tịch đảng Đoàn Kết và Tiến Bộ (Solidarité et Progrès), và hai người được xếp vào diện Đệ Tứ Quốc Tế là Philippe Poutou đại diện cho Tân Đảng Chống Tư Bản (Nouveau Parti Anticapitaliste NPA) và bà Nathalie Arthaud, lãnh đạo của phong trào Công Nhân Tranh Đấu (Lutte Ouvrière LO).

Ngưỡng 5% khó vượt qua

Theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất do hãng Ipsos Sopra Steria thực hiện theo đơn đặt hàng của hệ thống phát thanh và truyền hình Nhà Nước Pháp, công bố ngày 11/04/2017, thì dẫn đầu trong số 6 ứng viên nhỏ vẫn là ông Nicolas Dupont-Aignan, xu hướng dân tộc chủ nghĩa, được 3,5%, theo sau là ông Philippe Poutou, được xem là cực tả, được 1,5%. 4 ứng cử viên còn lại ở dưới mức 1%, thậm chí có người là Jacques Cheminade chỉ được xấp xỉ 0%.

Cuộc khảo sát công bố cùng ngày của hãng Elabe cũng cho kết quả tương tự, theo đó Nicolas Dupont-Aignan được 4%, Philippe Poutou, 2,5%, theo sau là ba người Jean Lassalle, Nathalie Arthaud và François Asselineau 0,5%, và cuối bảng vẫn là Jacques Cheminade thấp hơn 0,5%.

Trong đại thể, kết quả trên đây cũng không khác gì 75 cuộc khảo sát đã được tiến hành từ khi danh sách ứng cử viên được chốt lại ở mức 11 người.
Thế nhưng, dù chỉ số « uy tín » thấp như vậy, các ứng viên nhỏ vẫn kiên trì vận động, với hy vọng là nhờ chiến dịch tranh cử nói lên được nguyện vọng của một bộ phận dân chúng mà họ đại diện.

Chính nhờ cuộc tranh luận truyền hình hôm 04/04 vừa qua mà quảng đại quần chúng Pháp biết được nhiều hơn về cương lĩnh chính trị của các ứng viên này.

Bên tả, ứng viên-công nhân Philippe Poutou nổi bật

Nổi trội nhất có lẽ là Philippe Poutou, người công nhân duy nhất trong số 11 ứng viên tổng thống năm nay, với một chương trình tranh cử còn thiên tả hơn cả người cũng đã rất tả là Jean-Luc Mélenchon, phong trào Nước Pháp Bất Khuất.

Nhưng trong cuộc tranh luận trực tiếp với các ứng viên khác, Philippe Poutou ghi đậm dấu ấn, không chỉ là bằng chủ trương cách mạng trốt kít của mình, mà nhờ hai ngón đòn trực diện tấn công vào đạo đức của hai ứng viên hàng đầu trong cánh hữu là cựu thủ tướng François Fillon, đại diện cho cánh hữu và đảng Những Người Cộng hòa (Les Républicains LR) và bà Marine Le Pen, ứng viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (Front National FN).

Khi cuộc tranh luận xoay qua vấn đề đạo đức hóa đời sống công cộng, ứng cử viên đảng NPA đã mở đầu bằng việc gọi thẳng ông François Fillon để đả kích :

« Ông Fillon này đấy, đang ở trước mặt tôi đấy, ông ấy có nhiều chuyện lắm, càng bới, càng thấy bốc mùi tham nhũng, gian lận.
Hơn nữa ông ấy thuộc loại người từng giải thích với chúng ta là phải tiết kiệm, phải khắc khổ, nhưng chính họ lại đi moi tiền trong két. »

Sau ông Fillon, ứng cử viên Philippe Poutou quay sang bà Le Pen đảng cực hữu FN.
« Rồi đến bà Le Pen cũng vậy, cũng lấy tiền trong công quỹ, nhưng không phải ở đây, mà là ở Châu Âu. Là một người luôn bài bác Châu Âu, bà ấy lại thấy không có vấn đề gì khi lấy tiền của Châu Âu !...

Và tồi tệ nhất là khi đảng FN tự nhận mình là chống hệ thống, nhưng lại rất sử dụng luật của hệ thống để tự bảo vệ mình, như viện ra quyền miễn trừ dành cho nghị sĩ, để không đi trình diện khi được cảnh sát triệu mời !...
Chúng tôi đó, khi bị cảnh sát triệu mời, thì tiếc là chúng tôi không có quyền miễn trừ dành cho công nhân, nên phải đi thôi ».

Đại diện cánh cực tả thứ hai trong số các ửng cử viên tổng thống Pháp là bà Nathalie Arthaud, thuộc phong trào Đệ Tứ Quốc Tế Công Nhân Tranh Đấu, một giáo sư kinh tế.
Bà cũng có dịp lên tiếng đả phá « giới ưu tú » có quyền có chức, chủ trương thiết lập một chế độ theo kiểu Công Xã Paris, với các đại biểu dân cử có thể bị thải hồi dễ dàng, và chỉ được lãnh số lương « tương đương với một công nhân lành nghề », một chế độ áp dụng cho cả giới công chức cao cấp.

Bà cũng không ngần ngại chế nhạo ứng cử viên cực tả Jean Luc Mélenchon là chưa triệt để, và đã nhắc lại các quan điểm cực lực đả phá « giới chủ nhân » và « các tập đoàn tư bản lớn » mà theo bà, là nguyên nhân gây nên tình trạng nghèo khó trong giới lao động, trong đó có những người thất nghiệp.

Vai trò phản biện, nói thẳng của hai ứng viên trên rất được giới quan sát chú ý.

Nhà bình luận của đài phát thanh Pháp France Inter đã tỏ ý rất tán thưởng cú tấn công của ông Philippe Poutou nhắm vào hai ứng cử viên Fillon và Le Pen :
 « Không màu mè, một cách giản dị, ông Poutou đã vạch trần hành động của François Fillon và Marine Le Pen trong các vụ tai tiếng, điều mà không một ứng viên có triển vọng đắc cử nào dám làm ».

Bên hữu, Nicolas Dupont-Aignan đấu khẩu với François Fillon

Bên cánh hữu, Nicolas Dupont-Aignan là người cạnh tranh kịch liệt với ứng cử viên phe hữu François Fillon. Để gây tiếng vang trong khoảnh khắc hiếm hoi có đông đảo người xem, và cũng để giành phiếu của cử tri cánh hữu về mình, ông Dupont-Aignan đã đặc biệt khe khắt với ứng viên của đảng Những Người Cộng Hòa ngay những lời mở đầu khi khẳng định rằng ông là người « luôn luôn phục vụ dân Pháp chứ không bao giờ tự phục vụ mình », ám chỉ rõ ràng đến những vụ bê bối tiền bạc khiến ông Fillon bị tư pháp phiền hà.

Trung thành với quan điểm dân tộc chủ nghĩa, bất chấp những lời phản bác của đối thủ, ứng viên đại diện cho phong trào Nước Pháp Đứng Lên đã cực lực đả kích ông François Fillon về việc đã ký kết các hiệp định Châu Âu và quốc tế mà theo ông đã « hạ thấp giá trị của nước Pháp ».

Bị ông Fillon mỉa mai là chỉ ghen tỵ vì « không có quyền hạn để ký, và lần tới đây cũng sẽ không có quyền hành gì để ký », ông Dupont-Aignan vẫn không dừng lời đả kích đích danh ứng viên cánh hữu về một sai phạm bị ông đánh giá là vô cùng nghiêm trọng : Đó là phản bội ý kiến người dân Pháp đã bác bỏ Hiến Pháp Châu Âu nhân cuộc trưng cầu dân ý năm 2005.

« Làm sao có thể tin tưởng được người thủ tướng đã chà đạp lá phiếu của người Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý 2005, đã đưa hiệp định Lisboa ra Quốc Hội để bỏ phiếu thông qua, một hành vi rõ ràng là cưỡng đoạt ý nguyện của người dân…, và quý vị cũng đã biết, đó là lý do đã khiến tôi từ bỏ đảng UMP, vì đó là một hành vi phản bội…
Làm sao có thể tin được ông, khi mà ông đã làm thế, trong khi mà người dân đã bỏ phiếu chống lại ».

Sau đó thì Nicolas Dupont-Aignan còn chỉ trích những người đi « xin chỉ thị nơi bà Angela Merkel », thủ tướng Đức.
Cuộc đấu khẩu giữa Putou với Fillon, Le Pen và giữa Dupont - Aignan với Fillon đã làm cho các ứng viên nhỏ khác bị mờ nhạt.

Ứng cử viên chủ trương Frexit – tức là rút nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu - François Asselineau đã lún sâu vào các giải thích quá kỹ thuật và viện dẫn Hiến Pháp quá nhiều.

Ông Jacques Cheminade, thì tiếp tục biểu lộ quan điểm « phẫn nộ » của mình với những lời đả kích giới tài chính, trong lúc ông Jean Lasalle, người đại diện cho vùng nông thôn thì lại ấp a ấp úng, lời nói nhiều khi nghe không rõ.

Bài học dân chủ

Sự hiện diện của các ứng cử viên gọi là nhỏ trong cuộc bầu cử tổng thống cũng là một dấu hiệu phản ánh tính chất dân chủ, điều mà nhiều nhà quan sát quốc tế đã ghi nhận.
Những phản biện của họ đã buộc các ứng viên lớn phải giải thích rõ hơn về chương trình của họ.

Về phần mình, các ứng viên nhỏ cũng nuôi hy vọng là nhờ có dịp lên tiếng tranh luận trước toàn thể nước Pháp, họ có thể nâng cao uy tín, và lấy được phiếu của các ứng viên lớn.

Một trong những mong đợi cụ thể của 6 ứng viên nhỏ là vượt được ngưỡng 5% phiếu bầu nhân vòng 1, cho phép họ được Nhà Nước bồi hoàn gần một nửa chi phí vận động tranh cử, mức đầu tư rất cao so với khả năng của họ.

Switch mode views: