Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc xả nước cứu hạn đồng bằng sông Mêkông: Cứu tinh hay bạo chúa?

songMekong-chonoi

Một khu chợ nổi trên dòng sông Mêkông.
flickr.com

Đồng bằng sông Cửu Long hạn hán nặng chưa từng thấy. Trung Quốc thông báo xả nước cứu hạn theo yêu cầu của Việt Nam.

Cử chỉ này của Bắc Kinh được các nước trong lưu vực sông Mêkông đồng hoan nghênh. Tuy nhiên, tờ báo mạng The Diplomat ngày 23/03/2016 đặt câu hỏi : «Việc Trung Quốc xả nước cứu hạn cho đồng bằng sông Mêkong là một cử chỉ của một cứu tinh hay bạo chúa?».

Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây, gây ra tình trạng thiếu lương thực và nước cho hơn nửa triệu người dân.
Trong tình hình này, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc xả nước cứu hạn.

Lời yêu cầu đó đã được Trung Quốc đáp trả. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cho hay :
 « Xét đến mối bận tâm của các nước hạ lưu sông Mekong, chính phủ Trung Quốc quyết định vượt qua những khó khăn riêng và cấp nước khẩn cấp ».

Theo đó, nước sẽ được xả từ đập thủy điện Cảnh Hồng, nằm ở tỉnh Vân Nam (tây nam Trung Quốc) về sông Mekong từ ngày 15/3 cho đến ngày 10/04/2016.

Cử chỉ « sẽ cấp nước cho các nước lưu vực sông Mekong trước nạn hạn hán » (theo như tựa bài viết đăng trên trang mạng của Tân Hoa Xã, hay Nhân Dân Nhật Báo bằng tiếng Pháp, ngày 15/03/2016) đã được « Việt Nam và Thái Lan hoan nghênh » (Tân Hoa Xã ngày 19/03/2016).

Hãng thông tấn Trung Quốc dẫn lời ông Phạm Hồng Giang, thứ trưởng bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, qua điện thoại, xem việc « xả nước từ Trung Quốc về sông Mêkông là một cử chỉ hợp tác ».

Sông Mêkông bắt nguồn từ Trung Quốc (tên Trung Quốc là Lan Thương) chảy qua Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam.

Sự việc đã được chính phủ và truyền thông Trung Quốc đưa lên thành tít lớn.
 Ông Lục Khảng, trong cuộc họp báo cho biết là Trung Quốc "hy vọng điều này có thể giúp ích cho việc giảm nhẹ hạn hán ở hạ lưu”.
Ông nhấn mạnh là Trung Quốc và năm quốc gia nằm trong lưu vực sông Mêkông đều là các quốc gia « anh em láng giềng » và một sự trợ giúp như vậy cũng là lẽ « tự nhiên ».

Hạn hán : Các đập nước là thủ phạm ?

Thế nhưng, trên trang mạng The Diplomat, ngày 23/03/2016, bà Margaret Zhou, chuyên gia về môi trường học làm việc cho cơ quan phát triển liên ngành về phát triển, nhân quyền và môi trường bền vững International Rivers, cảnh báo đừng nên cả tin vào những gì mà báo chí Trung Quốc tuyên bố về việc xả nước cứu hạn tại đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với giới truyền thông và chính phủ Trung Quốc, hiện tượng El Niño mới là thủ phạm gây ra đợt hạn lớn như thế, làm hư hại làm hư hại 160.000 ha (khoảng 620 dặm vuông) lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 600.000 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Thiệt hại ước tính lên đến hơn 220 triệu đô la.

Nhưng theo các quan chức và các chuyên gia tại Việt Nam, hiện tượng El Nino chỉ là một phần nguyên nhân.
 Chủ yếu là do việc xây dựng quá mức đến hơn 10 đập thủy điện trên thượng nguồn của con sông.
 Về điểm này, tờ Libération, ngày 07/02/2016, trong bài phóng sự dài đề tựa “Đồng bằng sông Cửu Long: Trăm mối lo lắng”, có trích lời giải thích của giáo sư Dương Văn Ni khoa Môi Trường và Tài Nguyên Thiên Nhiên, đại học Cần Thơ:

“Các đập thủy điện có một tác động đáng kể lên con sông Mekong dài đến 4800 km và làm suy yếu các vùng dân cư địa phương từ dãy Himalaya và nhất là Việt Nam ở cửa sông.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã xây đến 8 con đập, trong đó có 5 cái đã đi vào vận hành và đang dự kiến một chục cái khác.
 Thái Lan dự định xây 10 đập. Lào và Cam Bốt cũng lao vào những công trình đồ sộ. Và bây giờ chúng ta đã thấy hậu quả: lượng nước ngọt đã hạ xuống, cũng như là lớp trầm tích và bùn, để cho nước mặn xâm nhập vào”.

Một quan điểm cũng được bà Margaret Zhou trên tờ The Diplomat đồng chia sẻ. Theo bà, lời cảnh báo đó của các chuyên gia Việt Nam về mối quan hệ nhân quả này không được nhiều báo cáo quan tâm đến.
Trong khi đó, các nhà bảo vệ sông Mêkông đã nhanh chóng hiểu rõ mối liên hệ này.

Ông Niwat Roykaew, chủ tịch nhóm Bảo tồn Khong Chiang, cho rằng hạn hán là do sáu hồ chứa nước nhân tạo trên thượng nguồn sông Cửu Long nằm trên lãnh thổ Trung Quốc gây ra.

Ông nói : « Sông Cửu Long có một chu kỳ. Nước mưa trong mùa mưa làm mới các lớp băng tuyết và làm tăng mực nước. Tuyết tan chảy vào mùa khô khi mực nước thấp.

Vào mùa khô, chúng ta không cần nhiều nước hơn từ các hồ chứa nước.
Chúng ta cần phải duy trì các chu kỳ tự nhiên này vốn dĩ nuôi dưỡng hệ sinh thái và sinh kế của chúng ta ».

Trung Quốc quản lý nguồn nước để khống chế các nước trong khu vực?

Hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long chẳng có gì là mới. Năm 2010, tình trạng tương tự đã xảy ra khi sông Mekong đã phải đối mặt với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử.

Trung Quốc lúc ấy vừa bắt đầu một chiến dịch chống lại quan niệm cho rằng các đập chứa nước của họ đang cướp mất nước sông Mêkông, chảy từ cao nguyên Tây Tạng đến vùng Biển Đông.
Tại một số buổi họp báo, Trung Quốc luôn biện minh rằng hạn hán là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên.

Theo bà Margaret Zhou, Trung Quốc có lý do chính trị tuyệt vời để phủ nhận trách nhiệm của các đập thủy điện.
 Hơn nữa với Trung Quốc, kiểm soát “nguồn nước” sẽ là một công cụ chiến lược ngoại giao lợi hại hơn nhiều so với các nước ở hạ lưu.

Đấy có thể sẽ là một công cụ, như cách mô tả của Brahma Chellaney trên tờ Geostrategist, để chế ngự các nước hạ nguồn qua việc thách thức những lợi ích khu vực rộng lớn của các quốc gia đó.
 Ông dẫn ra rằng: "Các quốc gia nhỏ hơn ở hạ nguồn trong khu vực Đông Nam Á và Trung Á hiện nay chỉ còn cách sử dụng ngôn ngữ mã hóa để thể hiện mối quan tâm của họ về việc Trung Quốc xây đập.
Ví dụ, kêu gọi sự minh bạch đã trở thành một cách đề cập gián tiếp đến Trung Quốc, do quốc gia nhỏ hơn rất thận trọng trong việc nhắc đến cái tên này".

Bên cạnh việc kiểm soát các nước hạ nguồn, Trung Quốc còn hỗ trợ cho các dự án riêng của mình để thu lợi.

 Với việc vươn những chiếc vòi của mình xuyên biên giới, Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào các dự án thủy điện dự kiến sẽ được xây dựng dọc theo dòng chính hạ lưu sông Mêkông.
Các dự án này đe dọa đến việc xử lý những tác động đã thấy được từ thượng lưu sông Mekong, nằm trên lãnh thổ Trung Quốc.
Là nước hạ lưu xa, Việt Nam, một mình hứng lấy gánh nặng đáng kể từ những tác động đó.

Đổ lỗi hạn hán do thời tiết bất thường, mà không thừa nhận sự tác động của một trong hai đập hoặc biến đổi khí hậu là một hành vi cố ý thông tin sai lạc.

 Khi Trung Quốc bắt đầu xây đập trên sông Mêkông và các nhánh thượng nguồn của mình trong những năm đầu thập niên 1990, các nhà khoa học đã dự đoán các kiểu hạn hán chúng ta đang nhìn thấy ngày hôm nay.

Một số nghiên cứu khoa học giờ cũng liên kết giữa việc giữ phù sa quá mức trong các đập chứa nước với hiện tượng hạn hán ở các vùng đồng bằng lớn của châu Á.

Lượng nước ngọt chảy từ sông ra biển giảm dần cũng làm tăng độ mặn ở các cửa sông và cánh đồng lúa, đe dọa đến nguồn cá nước ngọt và kế sinh nhai của nông dân trồng lúa.
Theo Liên Hiệp Quốc, các vùng đồng bằng châu Á đã trở thành "dễ bị tổn hại" trước tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao.

Trong khi nhiều tờ báo chạy tít lớn như "Trung Quốc xả nước từ đập để cứu hạn Đông Nam Á" tạo cảm giác  Trung Quốc là một vị cứu tinh nhân từ đối với khu vực, nhưng họ lại xây đập giữ nước.

Nếu Trung Quốc lo lắng cho cuộc sống tốt đẹp của đồng bằng sông Cửu Long đang bị khô hạn lan nhanh, và hàng triệu con người cũng như các loài động vật sống ở đó, thì họ cần rút ra những bài học kinh nghiệm từ những đợt hạn hán lịch sử để mà xem xét kỹ trước khi tiến hành xây dựng thêm các đập dọc theo sông Mêkông và trên các nhánh của con sông này.

Switch mode views: