Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hoa Kỳ chú trọng phát triển Lực lượng Ðặc biệt

 

Hôm Chủ Nhật, Tổng Thống Obama lên tiếng ca ngợi toán biệt kích SEALS đã giải thoát an toàn một bác sĩ Hoa Kỳ bị Taliban bắt cóc 5 ngày trước ở Afghanistan.

Ông nói: “Hành động tự lực bằng sự dũng cảm tuyệt vời, kỹ năng chuyên nghiệp và tinh thần ái quốc của họ giúp cho đất nước chúng ta tồn tại hùng mạnh, an toàn, tự do”.

us SpecialOperations

 

Một biệt kích SEALS Hoa Kỳ chuẩn bị cho một cuộc giao tranh trong một làng về phía Bắc tỉnh Zabul, Afghanistan vào Tháng Tư năm 2010. Lực lượng đặc biệt ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quân đội Hoa Kỳ. (Hình: Jeremy L. Wood/US Navy)

 

Một biệt kích SEALS, trung sĩ nhất Nicolas Checque, 28 tuổi, ở Monroeville, Pennsylvania, tử trận trong chiến dịch này vì một phát đạn trúng đầu. Anh là một thành viên trong toán đã đột kích vào Pakistan hạ sát Osama bi Laden hồi Tháng Năm, 2011. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ không cung cấp thêm chi tiết về cuộc hành quân giải cứu con tin sáng sớm Chủ Nhật vừa qua.

Bác Sĩ Dilip Joseph và hai nhân viên của Morning Star, một cơ quan dân sự làm công tác cứu trợ tại Afghanistan, bị một toán võ trang bắt cóc trên đường về sau khi đến thăm một bệnh xá ở vùng nông thôn miền Ðông Kabul và đưa đến miền núi cách biên giới Pakistan khoảng 50 dặm. 11 tiếng đồng hồ trước cuộc hành quân giải cứu bác sĩ Joseph, hai nhân viên cứu trợ được phóng thích sau nhiều cuộc thương lượng kéo dài hơn 3 ngày. Morning Star nói rằng họ không phải trả tiến chuộc mạng cho Taliban.

Hành quân đặc biệt là một chiến dịch không quy ước nghĩa là không theo hình thức chiến tranh bình thường, và có thể tiến hành riêng biệt hoặc có liên hệ với những chiến dịch quân sự, chiến dịch này được thực hiện nhằm đạt mục tiêu chính trị hay quân sự khi mà sự sử dụng một lực lượng quân sự quy ước là không cần tới, không có khả năng đạt hiệu quả hay gây ảnh hưởng cho toàn bộ chính sách quốc gia.

Hành quân đặc biệt thường chỉ dùng tới một số nhân sự rất nhỏ và trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên nhiều trường hợp nhân số tham dự lên tới hàng chục ngàn, phải sử dụng tới nhiều phương tiện chiến tranh và thời gian có thể kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm.

Chú trọng sử dụng lực lượng đặc biệt là một phần quan trọng trong chiến lược quân sự tương lai của Hoa Kỳ, được chính quyền Obama chủ trương sau những kinh nghiệm về hai cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Afghanistan và Iraq.

Thứ Trưởng Quốc Phòng Ashton B. Carter trong bài phát biểu đọc tại trường đại học Duke University cuối Tháng Mười Một cho biết dù ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, chi phí cho các đơn vị Lực lượng Ðặc biệt sẽ vẫn gia tăng. Theo lời ông: “Tổng Thống Obama muốn bảo đảm rằng dù cắt giảm ngân sách nhưng chúng ta không ăn hết bắp giống mà phải gieo trồng thêm. Ðiều ấy có nghĩa là tiếp tục đầu tư và phát triển lực lượng đặc biệt như chúng ta đã đang làm”.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta đã liên tục cảnh cáo các nhà lập pháp về sự nguy hiểm nếu đi tới bờ vực ngân sách (fiscal cliff) và phải cắt giảm ngân sách quốc phòng trên toàn diện.

Thứ Trưởng Carter cũng cho biết tài trợ cho chiến dịch điện tử và tấn công cũng như phòng vệ trên mạng lưới điện toán sẽ được gia tăng, đồng thời chú trọng đến lãnh vực không gian để phát triển khả năng chống lại các loại vũ khí giết người hàng loạt.

Hoa Kỳ đang chuyển chú trọng đến khu vực Á Châu-Thái Bình Dương nhưng tiếp tục hoạt động chống hiểm họa khủng bố phát xuất từ Trung Ðông và Phi Châu. Ðể thực hiện chiến lược này, Hoa Kỳ có dự án triển khai 70,000 quân ở vùng Á Châu-Thái Bình Dương và tạo lập các đối tác an ninh mới như Philippines và Ấn Ðộ.

Từ hơn nửa thế kỷ và cho đến nay, Hoa Kỳ là siêu cường quốc đã can dự hoặc bị buộc phải can thiệp vào tất cả mọi khu vực trên thế giới khi xảy ra khủng hoảng.

Hành động tham chiến trên một diện rộng như vậy rất tốn kém và khó khăn mà nhiều khi không hẳn đã có kết quả, điển hình là cuộc chiến tranh Việt Nam.

Hai cuộc chiến tranh chống khủng bố đồng thời ở Afghanistan và Iraq đã chứng tỏ rằng lực lượng quân sự Hoa Kỳ có lúc phải trải ra quá mỏng. Những trường hợp khác, có thể xảy ra những xung đột không chính thức tuyên chiến và sự can thiệp nếu cần chỉ có thể giới hạn ở tầm mức hành quân đặc biệt.

Ðó là tất cả những nhận định và kinh nghiệm đưa tới chủ trương chú trọng vào sự phát triển Lực lượng Ðặc biệt, ngay hiện tại và trong tương lai.

Qua lịch sử, không một nước nào đã nhiều lần sử dụng kiểu chiến tranh đặc biệt như Hoa Kỳ.

Trong thập niên 1960 Hoa Kỳ đã tiến hành chiến tranh đặc biệt trên toàn lãnh thổ Lào, và ở một tầm mức hạn chế hơn, với Bắc Việt trước khi tham chiến trực tiếp tại Việt Nam. Chiến dịch mang tên Operation Earnest Will hồi Tháng Bảy năm 1987 ngăn chặn các hoạt động của Iran trên vịnh Persic là một trường hợp khác.

Hoa Kỳ cũng dùng đến một lực lượng đặc nhiệm trong cuộc xung đột ở Somalia năm 1992-1993. Vô số những cuộc đột kích bí mật khác đã được Hoa Kỳ thực hiện ở nhiều nơi nhưng đến khi có sự bành trướng của các hoạt động khủng bố thì không ai còn nghi ngờ sự cần thiết phải sử dụng tới hình thức chiến đấu này.

Theo luật của Hoa Kỳ, Bộ Quốc Phòng không được phép tiến hành những chiến dịch bí mật và Trung Ương Tình Báo CIA là cơ quan có quyền tổ chức những hành động này. Nhưng từ lâu người ta đã nhận ra rằng không thể phân định ranh giới giữa hai loại hoạt động ấy và cần phải có sự phối hợp hữu hiệu hơn.

Tất cả các quân binh chủng Hoa Kỳ từ lâu đều đã có những đơn vị đặc biệt riêng của mình cùng với các đơn vị đặc biệt bán quân sự hay dân sự khác, tổng cộng có trên 20 đơn vị lực lượng đặc biệt. Nhiệm vụ của các đơn vị này bao gồm ba lãnh vực chính; thâu thập tình báo, giải cứu và chiến đấu. Người ta đã quen biết với một số đơn vị Lực lượng Ðặc biệt như Mũ Nồi Xanh (Green Beret) của Lục quân, Người Nhái (SEALS) của Hải quân.

Tư tưởng thống nhất chỉ huy tất cả các hoạt động chiến tranh đặc biệt có từ sau thất bại của của Operation Eagle Claw, chiến dịch giải cứu con tin tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Iran năm 1980. Phúc trình sau cuộc điều tra lâu dài và chi tiết do một ủy ban do cựu Ðô Ðốc James L. Holloway cầm đầu đưa ra kết luận về tình trạng thiếu chỉ huy thống nhất và phối hợp hành động giữa các cơ quan trách nhiệm.

Năm 1987, Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Ðặc Biệt - US Special Operations Command (US SOCOM) được thành lập tập trung dưới quyền tất cả các Lực lượng Ðặc biệt của các quân binh chủng quân lực Hoa Kỳ. SOCOM cũng có những đơn vị trực tiếp thuộc quyền điều động riêng và phối hợp hoạt động với các đơn vị của phân bộ hành động đặc biệt (Special Activities Division) của CIA.

Bộ Tư Lệnh SOCOM đặt tại căn cứ Không quân MacDill AFB, Florida, và nhiều đơn vị Lực lượng Ðặc biệt đồn trú tại Fort Bragg.

Theo thời gian những cải cách về tổ chức cũng như luật lệ khiến cho US SOCOM càng ngày càng hoạt động hữu hiệu hơn và can dự trực tiếp hay gián tiếp vào gần như toàn thể hành động vũ trang của Hoa Kỳ trên thế giới hiện nay.

Ngân sách cho US SOCOM từ $2.3 tỷ năm 2001 trước khi có chiến tranh Afghanistan tăng lên tới $10.5 tỷ năm 2012.

Một số chuyên gia quốc phòng và chính trị tin rằng sự phát triển hoạt động của Lực lượng Ðặc biệt Hoa Kỳ là hợp lý.

Vụ hạ sát Osama bin Laden ở Abbottabad, Pakistan, được coi là mẫu mực về hiệu quả. Tuy nhiên những ý kiến khác cho rằng Lực lượng Ðặc biệt không thể giải quyết hoàn toàn những cuộc chiến tranh kéo dài và quân lực không đủ khả năng đào tạo huấn luyện hoàn toàn nhân sự như thế.

Hơn nữa, đột kích hay xạ kích bằng máy bay không người lái chỉ là những hành động chiến thuật, không phải luôn luôn đem lại kết quả quyết định chưa kể thường khi còn tạo nên nhiều khó khăn rắc rối khác về chính trị và ngoại giao.

Switch mode views: