Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Donald Trump tìm một dấu ấn trên trường quốc tế

Phuc Trump



Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, ngày 27/02/2019.
REUTERS/Leah Millis

 

Hôm nay, 27/02/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội.

Không còn là cuộc gặp mang tính biểu tượng lịch sử như lần đầu cách đây 8 tháng tại Singapore, thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 đang mở ra một hướng mới cho chính sách quốc tế của tổng thống Trump trong nửa cuối nhiệm kỳ.

Hai năm lãnh đạo cường quốc Hoa Kỳ với chủ trương « nước Mỹ trước tiên », ông Donald Trump tập trung chủ yếu vào các công việc đối nội cùng lúc phải đối phó với những công kích trong các hồ sơ nội bộ.

 

Các chính sách đối ngoại Mỹ thường gây bất ngờ bởi các quyết định mang đậm tính cách cá nhân của ông Trump.
Tổng thống Mỹ thường xuyên bị chỉ trích đã bỏ rơi vai trò cường quốc thế giới và thích thể hiện sức mạnh của nước theo kiểu vô nguyên tắc hay phi ngoại giao.

Tổng thống Mỹ khởi đầu hai năm sau của nhiệm kỳ bằng các hồ sơ quốc tế trọng điểm là Venezuela và hạt nhân Bắc Triều Tiên.
 Trước mắt là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Đây có thể được xem như là phép thử về vị thế và vai trò của cường quốc Hoa Kỳ trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

Theo ông Aaron David Miller, một nhà ngoại giao kỳ cựu từng cố vấn cho 6 ngoại trưởng Mỹ, hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Donald Trump thể hiện « lỗi chuyên môn ngoại giao ».

Về mặt đối ngoại, chính quyền Trump không có những quyết định rõ ràng và được dự liệu trước.
Tuy nhiên ông Miller nhận thấy tổng thống Trump đã khá khôn khéo để hạ nhiệt căng thẳng với Bắc Triều Tiên và ông thể hiện được ý tưởng rõ ràng về vai trò của Hoa Kỳ trong các cuộc chiến ở Afghanistan hay Syria.

Các quyết định rút quân của tổng thống Trump đã dứt nước Mỹ ra khỏi các cuộc xung đột dai dẳng và bất phân thắng bại.
Duy chỉ có hồ sơ hạt nhân Iran, quyết định của ông Donald Trump đang làm cho nước Mỹ trở nên lẻ loi.

Theo các nhà quan sát chính trường Mỹ, thì tất cả các đời tổng thống Mỹ khi bước chân vào Nhà Trắng đều không có kinh nghiệm gì về chính sách đối ngoại, nhưng hầu hết đều quan tâm đặc biệt đến các vấn đề quốc tế lớn ở cuối nhiệm kỳ, với hy vọng để lại một dấu ấn lịch sử nào đó.
Tổng thống Trump lúc này cũng đang có cơ hội làm như vậy.

Với ông Donald Trump, trường quốc tế là nơi để xả bớt sức ép từ các hồ sơ vụ việc trong nước đang nhắm vào ông, đặc biệt từ khi đảng Dân Chủ nắm Hạ Viện.
Chuyên gia Jordan Tamam, giáo sư American University cho rằng chính sách đối ngoại là lĩnh vực có biên độ hoạt động rộng hơn, tổng thống không bị ràng buộc nhiều bởi Quốc Hội.

Còn trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ trong cuộc gặp lần thứ 2 với Kim Jong Un sẽ phải làm sao đạt được kết quả cụ thể xung quanh khái niệm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và những điều kiện cho tiến trình đó.
Các nội dung trên mới chỉ được đề cập đến một cách chung chung và còn nhiều khác biệt sau cuộc gặp lần trước.

Cho dù trước khi đến Hà Nội lần này, ông Trump từng tuyên bố không vội vã trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng hơn bao giờ hết ông Trump không muốn trở về Washington tay không.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh Hà Nội, có thể sẽ chưa có được những quyết định mang tính đột phá lớn, thì ông Trump cũng phải mang về những kết quả cụ thể mở hướng đi cho tiến trình giải trừ hạt nhân và cho phép hy vọng vào một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.

Một thành công cụ thể ở thượng đỉnh Hà Nội, sẽ còn là cú hích cho ông Trump trong cách điều hành chính quyền trong nước, vốn đang bị đối lập bủa vây tấn công từ nhiều hướng và nhất là ông có thể tự tin nghĩ đến nhiệm kỳ tổng thống thứ hai khi mà chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang rậm rạp khởi động.

 
 
 
 
Switch mode views: