Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-10-2019
- Thứ Năm, 17 tháng Mười năm 2019 21:58
- Tác Giả: Thu Hằng
Putin: Bậc thầy cuộc chơi ở Syria
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp của lãnh đạo khối Cộng Đồng các Quốc Gia Độc Lập CIS tại Ashgabat (Turkmenistan) ngày 11/10/2019.
Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin via REUTERS
Nhờ Mỹ rút quân, tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành « nhà trung gian chính » giữa chính quyền Damas, đồng minh của Matxcơva với lực lượng Kurdistan, bị Washington bỏ rơi, và Ankara.
Nhật báo Le Monde nhận định « Putin là ông chủ cuộc chơi duy nhất ở Syria » và củng cố chế độ độc tài Bachar Al Assad.
Giao tranh đẫm máu ở Manbij có thể sẽ không xảy ra, và đó là nhờ công của tổng thống Putin.
Khi thăm Abou Dhabi ngày 15/10, ông Putin từng cảnh báo các trận đối đầu như vậy là điều « không chấp nhận được ».
Thổ Nhĩ Kỳ lùi bước, không tấn công Manbij, thành phố chiến lược do lực lượng Kurdistan Các Đơn Vị Bảo Vệ Nhân Dân (YPG) kiểm soát, mà để cho lực lượng thân chính phủ Damas tiến vào thành phố.
Theo một bài viết khác của Le Monde, « Trước sức ép của Nga, Erdogan buộc phải cân bằng hành động ».
Nga từng giúp quân đội chính phủ Syria chiếm lại Aleppo cách đây ba năm.
Mất Aleppo, lực lượng chống Assad bắt đầu bị suy yếu. Mục tiêu thống nhất Syria dưới quyền của tổng thống Bachar Al Assad mà Nga theo đuổi từ năm 2015 đang dần thành hiện thực.
Sau Manbij, quân đội Syria đã chiếm lại nhiều khu vực ở đông bắc và sẽ nhanh chóng tiến vào Kobané, thành phố biểu tượng cho phong trào chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo của lực lượng Ả Rập-Kurdistan FDS, được YPG huấn luyện.
Không được Mỹ yểm trợ, khu vực này sẽ nhanh chóng thất thủ.
Đài RT của Nga hôm 15/10 không ngừng chiếu hình ảnh những đoàn xe dài của quân đội Syria nối đuôi nhau trên một con đường bên ngoài Kobané, trong khi những chiếc xe bọc thép Mỹ trên đường rút.
Le Monde trích nhận định của Samir Altaqi, một nhà phân tích người Syria : « Putin trở thành nhà trung gian số 1 của cuộc khủng hoảng vì Mỹ đã bỏ thực địa và vì ông Putin có các mức gây sức ép đối với tất cả các bên trong hồ sơ.
Nếu muốn tránh một cuộc chiến toàn diện ở miền bắc Syria, thì phải thông qua chủ nhân điện Kremlin ».
Mỹ rút quân còn là cơ hội trời cho, tốn rất ít đạn dược, để chế độ Bachar Al Assad thống nhất đất nước, sau 8 năm nội chiến.
Thời cơ « gió đổi chiều » này sẽ không thể xảy ra nếu không được chính quyền Ankara vô tình tiếp tay.
Tổng thống Nga âm thầm để Thổ Nhĩ Kỳ tấn công gay gắt vào lực lượng Kurdistan, bị Ankara liệt vào hàng « khủng bố ».
Bị Mỹ quay lưng, Đảng Đoàn Kết Dân Chủ PYD, nhánh chính trị của Nhà nước Kurdistan tự xưng, đã phải chấp nhận đàm phán với lãnh đạo cấp cao Nga tại căn cứ Hmeimim, trong khi mà cách đây 3 năm, họ từng từ chối do còn được Mỹ và liên quân quốc tế yểm trợ.
Thỏa thuận đạt được phù hợp với một « kịch bản lý tưởng », theo ông Fiodor Loukianov, một nhà phân tích Nga thân chính quyền.
Một lần nữa, Matxcơva thuyết phục người Kurdistan chịu nằm dưới sự bảo trợ của chính quyền Syria, đổi lại một vài cam kết.
Ông Alexandre Choumiline, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Trung Đông của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga, nhận định :
« Điều đáng chú ý, đó là ông Putin chiến thắng nhờ Recep Tayyip Erdogan mà không cần phải làm gì nhiều, và không gây bất hòa với những tác nhân khác ».
Putin gây bất hòa nội bộ NATO
Tổng thống Nga còn thắng lợi trên một « mặt trận » khác : gây bất hòa trong nội bộ NATO.
Washington chưa nguôi về vụ Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Quan hệ song phương sẽ còn xấu đi sau khi Nhà Trắng quyết định trừng phạt chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều nước châu Âu đã quyết định cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định này có thể đẩy thêm Ankara vào vòng tay Nga.
Sự phản bội người Kurdistan của chính quyền Trump được kênh truyền hình hàng đầu của Nga nêu làm ví dụ cho Ba Lan vào tối 13/10:
«Nhìn vào cách Hoa Kỳ phản bội người Kurdistan, Ba Lan có đủ lý do để lo lắng…».
Putin : Một mình trên mặt trận đầy thách thức
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sang Matxcơva bàn với chủ nhân điện Kremlin những thách thức tiếp theo.
Hai bên đang cần nhau để thực hiện mục tiêu riêng. Ông Erdogan muốn đưa 3,5 triệu di dân Syria về «vùng an toàn » ở phía bắc Syria.
Tổng thống Nga còn cần đến Thổ Nhĩ Kỳ để giúp quân đội Syria chiếm lại Idlib, thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy.
Ngoài ra, miền đông bắc Syria sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác : các thanh toán lẫn nhau giữa người Kurdistan và các bộ lạc Ả Rập, các vụ giao tranh giữa lực lượng Kurdistan YPG và quân đội chính phủ, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo có thể hồi sinh do nhiều thành viên Daech đã trốn thoát.
Nhà phân tích người Syria Samir Altaqi cảnh báo : « Ông Putin sẽ phải học cách bơi trong trong bãi sình lầy, có thể sẽ biến thành một hố đen».
Nhưng đây không phải là mối bận tâm lớn của chủ nhân điện Kremlin. Điều ông muốn, đó là hất cẳng phương Tây và đồng minh khỏi Syria, lập lại trật tự tại Syria thông qua tiến trình đàm phán Astana, do Nga khởi xướng, thay thế vai trò của Liên Hiệp Quốc.
Hồng Kông : Bắc Kinh lên án « âm mưu » của Mỹ
Hai lần cố đọc bài diễn văn hàng năm nhưng không thành, trưởng đặc khu Hồng Kông đành thu hình và chiếu trên tivi, qua đó bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tin rằng « Hồng Kông sẽ có khả năng vượt qua cơn bão và tiến lên phía trước ».
Sự kiện này được các nhật báo Pháp quan tâm đưa tin.
« Tại Hồng Kông : Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) bị la ó ở Nghị Viện » là hàng tựa của Libération.
Trong bài « Lâm Trịnh Nguyệt Nga bị hạ nhục trước Nghị Viện Hồng Kông », nhật báo Le Monde đánh giá đây là « thất bại lần thứ n của trưởng đặc khu hành chính ».
Nhưng trước đó, chính quyền Hồng Kông chịu một cú giáng khác, từ Hạ Viện Mỹ, khi toàn bộ dân biểu nhất trí thông qua Dự Luật Nhân Quyền và Dân Chủ ở Hồng Kông, vẫn được Quốc Hội Mỹ bỏ phiếu hàng năm để duy trì quy chế kinh tế đặc biệt.
Giận dữ, « Bắc Kinh lên án âm mưu chính trị » của Mỹ, theo nhật báo Le Figaro.
Dự luật của Mỹ quy định điều kiện về quyền dân sự để Hồng Kông tiếp tục được hưởng những ưu tiên ; sẽ trừng phạt mọi thành phần phải chịu trách nhiệm bác bỏ các « quyền tự do cơ bản » ở đặc khu ; cấm xuất khẩu thiết bị chống bạo động có thể bị sử dụng chống người biểu tình vì dân chủ.
Đạo luật vừa được Hạ Viện Mỹ thông qua « là một cú tát cho mối quan hệ Mỹ-Trung ».
Rõ ràng các dân biểu Mỹ đã phớt lờ lời cảnh cáo ngầm của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong chuyến công du Nepal ngày 13/10, ông tuyên bố sẽ « nghiền nát mọi ý đồ ly khai…
Mọi thế lực bên ngoài ủng hộ các âm mưu chia cắt Trung Quốc đều đang nuôi ảo tưởng ».
Đạo luật trên sẽ còn phải được đưa ra thảo luận ở Thượng Viện, nhưng có thể sẽ được đa số thượng nghị sĩ thông qua. Quốc Hội lưỡng viện Mỹ sẽ gây sức ép để tổng thống Trump ban hành do ông có quyền phủ quyết.
Hiện tại chủ nhân Nhà Trắng sử dụng lá bài Hồng Kông một cách thận trọng do sợ ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quan ngại Luật Nhân Quyền và Dân Chủ ở Hồng Kông có thể gây phản tác dụng.
Nếu làm căng quá, Bắc Kinh sẽ biến mong ước thầm kín từ lâu thành hiện thực : đó là chấm dứt quy chế tự trị của Hồng Kông, mà theo thỏa thuận với Anh, còn có hiệu lực đến năm 2047.
Trưởng đặc khu Hồng Kông hứa nhiều biện pháp giải quyết khủng hoảng
Nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến việc « Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga hứa tiến hành nhiều biện pháp để giải quyết xung đột ».
Trong khi người biểu tình yêu cầu cải cách dân chủ, thì trưởng đặc khu chỉ nhấn mạnh đến các biện pháp kinh tế và xã hội.
Một trong những biện pháp được đưa ra là xây thêm 10.000 căn hộ trong vòng 3 năm, vì theo bà, « nhà ở là vấn đề khó khăn nhất mà xã hội Hồng Kông phải đối mặt », nới lỏng các quy định về vay tiền mua nhà cho những người lần đầu mua, thêm trợ giúp cho sinh viên hoặc tăng trợ cấp cho các gia đình có thu nhập thấp…
Không đưa ra bất kỳ nhân nhượng nào về mặt chính trị, trưởng đặc khu chỉ tái khẳng định quy chế « một nước, hai chế độ ».
Brexit : Luân Đôn và Bruxelles đối mặt với Lịch sử
Hồ sơ Brexit được đưa ra thảo luận tại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu diễn ra từ ngày 17/10/2019.
Tất cả các nhật báo Pháp đều nêu lên khả năng Luân Đôn và Bruxelles đạt được một thỏa thuận.
Nhật báo Le Monde, ra từ chiều 16/10, trích phát biểu của bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, theo đó « có tia hy vọng đạt được một thỏa thuận về Brexit ».
Cả Le Figaro và Les Echos nhắc đến « hy vọng về một thỏa thuận Brexit với Luân Đôn » từ phía Liên Hiệp Châu Âu.
Xã luận của La Croix cho rằng Bruxelles đang tìm cách dung hòa hai mục tiêu trái ngược nhau : vừa thiết lập kiểm soát chặt chẽ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc ; vừa tránh tái lập đường biên giới thật giữa Cộng Hòa Ailen (thành viên Liên Hiệp Châu Âu) và vùng Bắc Ailen của Anh.
Thực vậy, Liên Hiệp Châu Âu, một mặt, phải bảo vệ hiệu quả của thị trường chung : sẽ không có tự do trao đổi hay tự do đi lại trong khối nếu không có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ở đường biên giới ngoài của Liên Hiệp Châu Âu.
Mặt khác, các nước Liên Hiệp Châu Âu lại tỏ ra liên đới với Ailen để tránh tái diễn cuộc xung đột giữa hai miền.
Nhưng nếu đạt được thỏa thuận, việc kiểm soát đường biên giới Liên Hiệp Châu Âu sẽ trở nên vô tác dụng giữa miền bắc Ailen thuộc Anh và Cộng hòa Ailen ở phía nam.
La Croix cho rằng nếu Liên Hiệp Châu Âu và Anh Quốc đạt được thỏa thuận thì đó sẽ là một « thỏa thuận tế nhị ».
Pháp có nhiều người nghèo hơn
Ngoài vấn đề cải cách hưu trí, được đăng trên trang nhất của Les Echos ; luật đạo đức sinh học được thông qua ở Hạ Viện trên báo Le Monde, vấn đề hồi giáo và khủng bố trên Le Figaro, một chủ đề thời sự Pháp khác được quan tâm, đó số lượng người nghèo tại Pháp gia tăng.
Les Echos trích nghiên cứu của Viện Insee công bố ngày 16/10, khoảng 9,3 triệu người Pháp, chiếm 14,7% dân số (tăng thêm 0,6% so với năm 2017), sống dưới ngưỡng nghèo, được quy định là 1.050 euro/tháng đối với người sống một mình, không con cái.
Nguyên nhân được cho là cách tính mới về trợ cấp nhà ở cho người có thu nhập thấp tại các khu nhà xã hội : trợ cấp ít hơn (giảm khoảng 30 euro/tháng) nhưng giá thuê nhà không đổi.
Tin mới
- Tại sao Nhà Lịch Sử Châu Âu trưng bày bản đồ “đường lưỡi bò” Trung Quốc? - 21/10/2019 17:04
- Mỹ rút quân khỏi một căn cứ lớn nhất ở phía bắc Syria - 20/10/2019 19:11
- TT Mỹ bỏ ý định tổ chức hội nghị G7 tại cơ sở đánh golf của mình - 20/10/2019 18:58
- Thái Lan : Phuket vắng khách Trung Quốc, trông cậy vào du khách Ấn - 20/10/2019 18:43
- Bắc Kinh xâm lấn Tư Chính: Tướng Lê Mã Lương lên án việc chậm khởi kiện - 20/10/2019 03:06
- Bắc Kinh không thể hiểu được khát vọng dân chủ của người Hồng Kông - 20/10/2019 02:32
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-10-2019 - 20/10/2019 01:26
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 18-10-2019 - 19/10/2019 04:39
- “Lưỡi bò” trong phim Abominable: Trung Quốc bị gậy ông đập lưng ông - 18/10/2019 23:20
- Việt Nam ký hiệp định hợp tác quốc phòng với Liên Hiệp Châu Âu - 18/10/2019 22:52
Các tin khác
- Vì sao Nga và Mỹ bị « tê liệt » vì chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria - 17/10/2019 20:50
- Quân sự và kinh tế, hai lá bài giúp Nga mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi - 17/10/2019 15:45
- Biển Đông: Trung Quốc lại kêu gọi đối thoại sau khi bị Việt Nam tố cáo - 17/10/2019 15:32
- Bị phản đối dữ dội, trưởng đặc khu Hồng Kông phải rời Nghị Viện - 17/10/2019 00:27
- Hàn – Triều đọ sức ở Bình Nhưỡng: Trận cầu ‘‘lịch sử’’ không khán giả - 16/10/2019 23:21
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-10-2019 - 16/10/2019 22:48
- Được Nga chiếu cố, ASEAN vừa mừng vừa lo - 16/10/2019 19:24
- Mỹ viện lý do nhân quyền để triệt hạ công nghệ cao của Trung Quốc - 15/10/2019 20:51
- Syria : Donald Trump đổi thái độ, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngưng bắn - 15/10/2019 18:51
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-10-2019 - 15/10/2019 18:04