Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lá thư Canada: CỜ 6 SAO

Sau tết làng tôi đã sinh hoạt trở lại bình thường. Kỳ họp mới đây, Cụ Chánh tiên chỉ đã nói một câu mà ai cũng cho là chí lý : Càng già càng thấy thời gian đi nhanh, mới đó mà Tết Tây đã qua, mới đó mà Tết ta cũng đã qua!  Đúng qúa chứ, phải không cơ. Nhân ngày rộng tháng dài đầu năm, tôi xin trình các cụ vài chuyện chưa kịp nói kỳ trước.

Về tết Tây, xin kể chuyện ‘ Polar Bear Dip’. Các cụ phương xa nghe 3 tiếng này có hiểu gì không cơ? Cái gì mà có con gấu bắc cực, cái gì mà có nhúng chân xuống nước? Thưa đây là chuyện dài rất Canada. Chuyện như sau : thành phố Toronto nằm bên bờ hồ Ontario, ngày tết tây trời lạnh cùng cực, ai cũng chỉ muốn nằm cuộn tròn trong chăn, ấy thế mà một số người, liền ông có, liền bà có, tuổi xồn xồn có, tuổi già nhăn nhúm có, họ rủ nhau ra bờ hồ, nhảy ùm xuống nước, lội một vòng rồi lên bờ. Đó gọi là Polar Bear Dip. Việc này được coi là gan dạ vì chỉ có các con gấu bắc cực mới không sợ lạnh, mới làm như thế. Các vị nhảy xuống nước đầu năm thì được coi là ngon lành như những con gấu trắng Bắc Cực. Ngày Tết tây năm nay ở Toronto có 300 vị đã nhào xuống nước. Đứng trên bờ là những đám đông báo chí và bạn bè bằng hữu vỗ tay cổ võ. Có cả một ban nhạc tấu nhạc chào mừng nữa. Một số cơ sở đã bảo trợ viêc này. Số tiền bảo trợ sẽ được dùng vào quỹ giúp người nghèo xây nhà. Chương trình bác ái giúp người nghèo này do mấy nhà thờ Công Giáo đề xướng. Năm nay là năm thứ bảy có đoàn người nhảy xuống nước như thế này. Chắc có cụ thắc mắc là giữa mùa đông mà nước hồ không đông lại sao. Câu hỏi rất chí lý. Đây là một nét rất độc đáo ở miền Bắc Mỹ. Canada có một triệu cái hồ, hồ nào nước cũng đông lại, chì riêng Ngũ Đại Hồ, 5 cái hồ lớn nằm giữa Canada và Hoa Kỳ thì nước không bao giờ đông dù trời lạnh cùng cực. Do vậy mới có cuộc tắm đầu năm Polar Bear Dip là thế.

Anh H.O. nghe kể đến đây thì cười hề hề rồi nói nhỏ với phe liền ông trong làng : Trời lạnh như vậy, nước băng giá như vậy, tôi mà nhảy xuống thì chắc chắn củ sắn của tôi sẽ teo lại và đứt giây ngay. Phe liền ông chúng tôi bò ra cười, còn phe liền bà không nghe được câu pha trò nói nhỏ này thì tròn xoe mắt kinh ngạc. Chị Ba Biên Hòa hỏi bọn tôi : Nhảy xuống nước băng giá có gì thích thú đâu mà các ông cười dữ vậy?

Chuyện nhảy xuống nước đá ngày đầu năm là một nét độc đáo của dân da trắng Canada. Nét độc đáo thứ hai là chuyện con hải âu cổ rụt mỏ đỏ puffin. Nó gốc ờ miền cực đông Canada mà người ta lại thấy nó trong một công viên ở Montreal vào ngày trước lễ Giáng Sinh. Dân Canada rối rít cả lên. Làm sao con chim mới một tuổi này mà có thể đi xa như vậy? Sinh quán của con chim puffin ở Labrador cơ mà, nay sao nó lại ở Montreal ? Com chim bé nhỏ này làm gì đủ sức bay một đường dài xa nhà những một ngàn cây số ? Người ta ngờ rằng con chim bé nhỏ này đã vui chơi bay lạc đến một cái tàu hàng ở bến cảng miền đông, và tàu hàng đã chạy tới Montreal. Các nhà môi sinh đã hô hoán lên, các nhà thú y đã xúm lại, báo chí xúm lại, dân chúng xúm lại. Ai cũng thấy thật tội nghiệp nó hết sức. Mới một tuổi mà đã đi lạc. Một bà xồn xồn đã tình nguyện ôm con chim này vào lòng và đã bước lên máy bay. Hãng Air Canada đã cho nó một chuyến bay miễn phí. Khi nó đáp xuống phi trường Labrador ở miền đông thì một đoàn phóng viên truyển thanh truyền hình đã đón nó như một đứa con thân yêu đi xa về. Được biết con chim puffin là con vật biểu tượng của Tỉnh bang Newfoundland và Labrador. Chỉ có đất nước Canada này mới yêu quý loài vật như vậy, phải không cơ?

Một nét độc đáo nữa có lẽ chỉ tìm thấy ở Canada là thành phô Montréal đã quyết định dành 3 địa điểm cho dân ma túy đến công khai chích cần sa ma túy. Sẽ có kim chích tặng miễn phí và có y tá giúp việc chích cho trúng cách. Canada chủ trương thà công khai  giúp những người nghiền ma túy này hơn là để họ lén lút chích thuốc qúa liều lượng và mất vệ sinh. Có nơi nào khác như Montreal vậy không các cụ?

À, còn một tin rất đáng chú ý là Canada vừa có thêm một vị hồng y. Đó là Đức Tổng Giám Mục Thomas Collins của Toronto vừa được Roma phong chức Hồng Y. Tân hồng y còn rất trẻ, mới 65 tuổi. Ngài sinh quán ở Guelph một thành phố nhỏ phía tây  Toronto. Ngài thụ phong linh mục năm 1973, làm giám mục năm 1997, và làm tổng giám mục Toronto năm 2006. Ngài nổi tiếng đạo đức và thông thái. Giáo dân Canada vui mừng lắm. Toronto có 4 triệu dân thì một nửa là Công Giáo. Báo chí tiên đoán rằng trong tương lai ngài có thể làm giáo hoàng. Sẽ có một giáo hoàng gốc Canada nha, các cụ ơi. Một điều đáng ghi ra đây là Tân Hồng Y Collins xưa nay rất yêu mến người VN. Ngài thường đến dự các lễ trọng của giáo dân VN. Đức Cha Nguyễn Mạnh Hiếu ở Toronto chính là học trò của ngài  khi ngài dạy thần học tại đại chủng viện.

Cũng trong bữa ăn đầu năm này chúng tôi đã miên man bàn sang cả chuyện đám tang ông Kim Chính Nhật của Bắc Cao Ly. Phe các bà thì bàn chuyện dân chúng khóc xướt mướt vật vã, trông thật đáng thương. Phe liền ông chúng tôi thì lại thấy tức cười, chúng tôi bàn đến việc khóc thật hay khóc giả. Chắc họ khóc thật vì không ai đóng kịch gỉỏi được như vậy. Đây mới là việc đáng bàn. Viêc khóc vật vã, ban đầu ngày xưa là khóc giả, khóc để được an thân, về sau vì khóc giả nhiều qúa thì trở thành thói quen, thành quán tính! Cũng y như ở VN, cho đến bây giờ mà nhiều cán bộ ở miền xa vẫn nghĩ rằng bác Hồ của họ là một bậc đại thánh, Bác không hề có vợ, và Miền Nam trước 1975 đã bị bọn thực dân Mỹ bóc lột và hành hạ nên Miền Bắc vì tình đồng bào đã phải hy sinh vào giải phóng Miền Nam.

Nhân bàn tới việc vua Bắc Hàn chết, ông ODP đã nêu lên hai sự kiện rất đáng quan tâm : Việc cha truyền con nối tưởng là việc thời Trung Cổ, ai dè  thời hiện đại bây giờ mà Cao Ly vẫn còn giữ được. Việc kinh ngạc thứ hai là ông Kim Chính Nhật chết đã 55 giờ rồi mà thế giới không hề hay biết, phải đợi đến khi chính Bắc Hàn thông báo thì thế giới mới biết. Thế này là thế nào? Ngành tình báo của Hoa Kỳ đâu, của Nam Hàn đâu, của Nhật Bản đâu? Sao để cho Bắc Hàn bịt mắt giỏi qúa vậy?
Riêng Canada đã có một hành động rất đặc biệt, khi tại diễn đàn LHQ có phút mặc niệm ông Kim chết, Canada đã không mặc niệm. Canada đã đứng lên ra khỏi phòng họp. Đại sứ Canada tuyên bố nước ông không hề thương tiếc tên sát nhân kinh khủng này.

Đó là các chuyện dịp tết Tây . Bây giờ xin kể chuyện Tết ta vừa qua. Ông Từ Hoè đã làm dân làng vui qúa sức. Vui nhất là việc ăn thịt con vật biểu tượng. Năm con gà thì ông cho làng ăn gà, năm con trâu thì ông cho ăn thịt con trâu. Còn năm rồng thì sao đây? Xưa nay làm gì có ai bắt được con rồng mà ăn thịt. Mà cho dù có bắt được con rồng thì cũng không ai dám giết nó ăn thịt vì con rồng là vật tổ, chúng ta là con rồng cháu tiên mà. Dân làng đã hồi hộp chờ đợi.  Tiệc tết đã qúa nửa bữa, làng chờ hoài mà vẫn không thấy ông dọn ra món rồng. Mãi đến phần tráng miệng mới có rồng. Ông khệ nệ bưng một khay lớn, miệng cười khà khà rồi trình làng : Xin mời làng xơi món rồng. Cái chi vậy nè? À, đó là món trái Thanh Long và trái Long Nhãn, cả hai món này đều có liên hệ tới rồng vì có chữ Long. Chưa hết, ông còn mời làng món tráng miệng bánh đậu xanh hiệu Bảo Hiên Rồng Vàng uống với nước trà Hưng Long sản xuất từ tỉnh Thái Nguyên. Toàn rồng là rồng. Phục cái ông Từ Hoè này qúa. Cô Cao Xuân thì cười hi hi ha ha rồi nói : cháu đã nói trước với làng rồi mà, cái bác Từ Hoè này mưu lược khiếp lắm.

Vẫn chưa hết chuyện ông Từ Hoè. Trước khi tan tiệc, ông chúc dân làng thân tâm an lạc, phe các ông thì phải luôn cứng rắn, phe các bà thì không được nguội lạnh khô khan, còn các bạn trẻ thì phải có chỗ đứng và phải cứng chỗ đó. Chúc xong thì ông nhờ anh John phổ biến lên báo chí hải ngoại lời mời đối lại. Ông xin dùng câu chúc cuối cùng vừa rồi làm câu thách đố :
‘ Thanh niên phải có chỗ đứng và phải cứng chỗ đó’

Tôi xin thay mặt anh John, thay mặt ông Từ Hoè, kính mời quý vị tứ phương đối lại câu này. Ai mà đối được thì ông hứa tết sang năm ông sẽ tặng một cặp bánh chưng và một cặp giò thủ.

Anh H.O. xin góp lời : Tuần qua, tôi có nhận được email của Bác Từ Hòe. Khi tôi góp ý là lời chúc tết của bác ngày đầu năm vừa qua mung lung qúa, thì ông cười hà hà rồi bảo tôi lấy bút chép lời chúc tết khác để đọc lại cho cả làng nghe. Tôi xin đọc lời chúc văn vẻ của Bác Từ Hoè đã nhờ như sau :
Tiền vô như nước sông Đà
Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin
Tình vào đầy tim
Chăn ấm nệm êm
Sung sướng ban đêm
Hạnh phúc ban ngày
Luôn luôn gặp may
Suốt năm toàn cười

Người vỗ tay nhiều nhất, to nhất, và khen lời chúc bay bướm nhất là Cô Cao Xuân. Hình như Cô Cao Xuân này bị bùa yêu mất rồi, các cụ ạ.

Xin hết chuyện ông Từ Hoè. Ông đã về miền tây sống với gia đình chú em kết nghĩa. Chuyện tết cũng theo ông mà mờ đi. Làng tôi lại tiếp tục theo truyền thống cũ, dân làng lâu lâu gặp nhau đánh chén, các bà thì đi chợ nấu ăn, các ông thì ngồi uống trà bàn chuyện quốc sự. Lần vừa qua, trong khi các bà tíu tít trong bếp nấu món gỉả cầy thì phe liền ông chúng tôi bàn chuyện chính trị. Vẫn chuyện Tầu Cộng đang thôn tính VN. Vẫn chuyên phe CSVN ở Hà Nội cam tâm bán nước. Điển hình nhất là vụ lá cờ Tàu Cộng 6 ngôi sao. Các cụ còn nhớ biến cố này chứ. Ngày 21 tháng 12 năm vừa qua, Hà Nội đón tiếp phó thủ tướng Tàu Cộng là Tập Cận Bình. Các em thíếu nhi VN được phát cờ Tàu Cộng để vẫy chào. Báo chí ghi rõ hình ảnh. Lá cờ Tàu Cộng xưa nay chỉ có 5 ngôi sao, một ngôi sao lớn chỉ Đại Hán, và 4 ngôi sao nhỏ vây quanh chỉ 4 chư hầu Mông Mãn Hồi Tạng. Xưa thì thế, nhưng bữa nay thì lá cờ Tàu có 5 ngôi sao nhỏ thay vì 4. Ngôi sao nhỏ thứ 5 chỉ miền nào nữa vậy ? Theo các nhà bình luận thế giới, ngôi sao nhỏ thứ 5 chỉ VN. Nghĩa là đảng CSVN rõ ràng đã nhận mình là một chư hầu, ngang hàng với Mông Mãn Hồi Tạng. Bộ Ngoại Giao VN đã ra thông cáo về việc này và đã đổ lỗi cho kỹ thuật vì đã vẽ thêm sao. Lỗi kỹ thuật thế nào được. Tôi thấy trên Internet có bài báo của người Thụy Sĩ viết về biến cố này. Ông viết: Đảng CSVN muốn trở thành một thứ dân Tàu bậc hai…’Tôi cũng vừa đọc trên báo liên mạng là Bộ Ngoại giao Trung Cộng cũng vừa ra thông cáo về việc trên và nói rằng việc thêm một ngôi sao nhỏ này là do trục trặc kỹ thuật. Thế ra cờ Trung Cộng phát cho các em học sinh VN ở Hà Nội vẫy chào là cờ in ra từ Trung Cộng sao? Bộ ngoại giao in cờ thì làm sao mà sai mà trục trặc được. Đồng bào ơi, đây là một qủa bóng thăm dò, cả từ phía Tầu Cộng cả từ phía Việt Cộng. Đồng bào ơi, sơn hà nguy biến.

Ông ODP kể chuyện này rồi kết luận : Về chế độ CSVN thì hết thuốc chữa. Đúng như Cố Tổng Thống Nga Boris Yeltsin đã nóí : Công sản không thể sửa chữa mà phải đào thải nó. Cựu Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev cũng nói giống y như vậy : Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng CS. Ngày hôm nay thì tôi phải đau buồn mà nói rằng Đảng CS chỉ biết tuyên truyền và dối trá. Tổng Thống Nga Putin còn nói mạnh hơn : Kẻ nào tin những gì CS nói là không có cái đầu, kẻ nào làm theo lời CS là không có trái tim. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của VNCH nói được một câu để đời : Đừng nghe những gì CS nói mà hãy nhìn kỹ những gì CS làm.

Các nhà quân tử chúng tôi đang bàn đến phần gay cấn trên đây thì phe các bà dọn cơm ra, bèn phải xếp lại chuyện này, hẹn nhau sẽ bàn tiếp trong lần đi uống cà phê cuối tuần. Các cụ còn nhớ một thói quen rất tốt đẹp đã có từ lâu trong làng tôi chứ ? Vì các bà không thích nghe các chuyện chính chị chính em nên phe các vĩ nhân chúng tôi quyết định thành lập nhóm đi bộ và uống cà phê mỗi sáng thứ Bảy. Hội viên toàn là các vĩ nhân mà thôi. Mỗi sáng thứ Bảy, dù trời nóng trời lạnh thì phe chúng tôi đều rủ nhau đi bộ một giờ, rồi kéo nhau vào quán cà phê Starbuck ở ngã tư. Quán này rộng, cà phê nhiều loại ngon hết sức, các nhà hiền triết tha hồ nhâm nhi, lại còn được đọc báo chùa nữa. Ở đây quán cà phê chiều khách nên họ mua đủ loại nhật báo mỗi buổi sáng. Chúng tôi vừa thưởng thức cà phê vừa đọc báo. Đọc xong thì bắt đầu bình luận. Vì phe chúng tôi nóí tiếng Việt nên tha hồ phát ngôn, phe da trắng chả hiểu gì cả.

Bữa nay nhà bếp cho ăn Món Giả Cầy, do đầu bếp uy tín chỉ huy, đó là Cụ B.95. Món giả cầy nấu theo lối Bắc Kỳ ngon hết biết. Cụ mua được cả củ chuối non, cụ nêm nếm tuyệt vời. Món này ăn với bún thì Chúa ơi, món ngon trên Cõi Thiên Thai cũng chỉ ngon đến thế này mà thôi. Anh John và Chị Ba Biên Hoà, gốc Nam Kỳ rõ ràng, mà ăn món Bắc Kỳ này tha thiết nhất. Anh John ăn xong thì mới phát ngôn : Kỳ tết vừa qua mình ăn nhiều bánh chưng, nhiều bánh tét, nhiều giò chả quá nên bây giờ vẫn còn ngấy. Món giả cầy này có một hương vị đồng quê và rất lạ miệng, nó giải được cái ngấy, nên ngon tuyệt vời.

Và để tỏ lòng biết ơn đầu bếp tài ba, anh không cần Cụ. B.95 thỉnh cầu, anh tự nguyện kể chuyện thời sự Canada. Chuyện thứ nhất là thủ tướng Canada vừa qủa quyết  kinh tế Canada đang đi lên, và cả y tế cả giáo dục cũng đang đi lên. Riêng về mặt giáo dục, rất nhiều du sinh từ Á Châu đã sang đây theo học, trong đó phải kể dân Trung Quốc, Ấn Độ và VN là đông nhất. Ngoài ra, vì Canada được xếp hạng rất cao trong danh sách các nơi đáng sống nhất trên thế giới nên Bộ Di trú cho biết hiện số người nộp đơn xin đến định cư tại Canada đã lên tới 1 triệu người. Tin thứ hai là thành phố Toronto đã nhận cờ của Thế Vận Hội Pan Am Games để tổ chức giải thể thao Mỹ Châu năm 2015. Toronto đã bỏ ra 700 triệu để chuẩn bị cho đại hội này. Tin thứ ba là thành phố Montréal, thành phố nói tiếng Pháp lớn nhất Canada, sẽ mừng lễ 375 năm hiện hữu. Thành phố này xưa kia là nơi các nhà thám hiểm Pháp Quốc đặt chân đến đầu tiên, cũng là nơi trao đổi hàng hóa đầu tiên với người Da Đỏ. Để kỷ niệm 375 năm, thành phố đang lập ra một danh sách chọn lựa 375 công dân Montreal tiêu biểu và sẽ trồng 375 cây trong thành phố.

Tôi xin vài nét đan thanh về miền đất thân yêu này. Theo lịch sử thì cái tên ‘Canada’ phát xuất từ mấy ông tổ Da Đỏ ở Quebec. Năm 1535, nhà thám hiểm Pháp quốc Jacques Cartier đi thám hiểm Sông St. Laurent. Ông thấy phong cảnh nơi này đẹp quá liền ghé thuyền vào hỏi mấy ông Da Đỏ. Hai bên ngôn ngữ bất đồng. Ông Da Đỏ tưởng ông da trắng hỏi nơi cư trú nên ông Da Đỏ đã chỉ vào mấy căn lều  bên đường mà nói rằng ‘ Kanata’. Kanata theo tiếng Da Đỏ nghĩa là ‘nhà của chúng tôi đây’. Ông tây Jacques Cartier tai nghễnh ngãng, nghe Kanata mà không ghi Kanata, lại ghi là Canada vào bản đồ. Tên Canada xuất hiện từ đó.

Theo sử Canada thì ngày xưa, trước khi quốc gia Canada ra đời, Canada chưa phải là danh xưng quốc gia mà mới là danh xưng chỉ hai miền thuộc địa của Anh lớn nhất Bắc Mỹ là Quebec và Ontario.
Nhật báo Toronto Star, tờ báo uy tín và nhiều độc giả nhất Canada, số ra ngày chủ nhật 8. I. 2012 đã dành 3 trang lớn nói về kỷ niệm 200 năm biến cố 1812. Các cụ còn nhớ chuyện 1812 này chứ, tôi đã trình việc này khi tuần báo Maclean’s số tháng Mười năm ngoái chửi các sử gia Hoa Kỳ là bóp méo lịch sử mà. Theo sử Canada thì năm 1812, Hoa Kỳ đem quân lên phía bắc tưởng là chiếm ngay được Canada và sát nhập Canada vào nước mình, ai dè bị Canada đánh cho thua xiểng liểng, ngay trận đầu.  Quân Canada đã tràn xuống đánh phá Detroit ngày 16.8.1812. Để trả thù, tháng Tư năm 1813 quân Hoa Kỳ đã đem 1.750 quân lên đánh và chiếm được bản doanh của Canada là York tức thành phố Toronto hiện nay. Trong trận này Canada chỉ có 700 quân nên đã bị thua. Quân đội Hoa Kỳ đã cướp phá thành phố Toronto và đã đốt cháy quốc hội Canada, tịch thu đem về nước cây gậy phủ việt tượng trưng uy quyền cũng như một tượng gỗ hình con sư tử tượng trưng sức mạnh quốc gia trong quốc hội. Mãi 100 năm sau, 1934 Hoa Kỳ mới trả lại Canada cây gậy phủ việt nhưng vẫn giữ tượng con sư tử. Tượng này hiện được trưng bày tại Viện Bảo tàng Hài Quân Hoa Kỳ.

Người Canada bị thua trận trên đây thì trong lòng căm giận vô cùng nên quyết chí trả thù. Bên Mỹ có nguyệt san National Geographic nổi tiếng, bên Canada có tờ nội dung y như vậy mang tên là Canadian Geographic. Số tháng 1 &2 đầu năm nay, báo này cũng có một bài về giai đoạn 1812 cho biết thêm một chiến thắng khác. Đó là ngày 11 tháng 11 năm 1813, quân đoàn Canada chỉ gồm 1.200 người đã đánh bại một cánh quân Hoa Kỳ gồm 4.000 người ở bờ sông St.Laurent phía tây bắc, bây giờ nơi này là thành phố Carnwall.
Mối thù vẫn chưa hết, tháng Tám 1814 Canada kéo đại quân sang đánh Hoa Kỳ trả thù. Canada đại thắng. Quân đội Canada đã chiếm được thủ đô Washington, đã đốt dinh tổng thống và tàn phá quốc hội. Sử ghi Tổng thống Hoa Kỳ là Madison và nội các của ông đã phải chạy thoát thân tán loạn vì không ngờ quân Canada mạnh và giỏi như thế. Khi quân Canada vừa rút đi thì Hoa Kỳ vội sơn phết lại dinh tổng thống đã bị cháy đen. Dinh được sơn trắng. Danh từ Nhà Trắng ‘White House’ có gốc từ biến cố này.

Theo sử Canada thì Canada toàn thắng các trận chiến 1812 và các trận sau đó.
Còn  các nhà viết sử Hoa Kỳ khi nhắc tới biến cố 1812 thì cho rằng Hoa Kỳ toàn thắng tất cả. Nhật báo Toronto số trích dẫn ở trên đã kết luận rằng các nhà viết sử Hoa Kỳ đã bóp méo lịch sử. Năm ngoái khi đọc báo Maclean’s chửi sử gia Hoa Kỳ không khách quan, tôi đã ngờ ngợ, rồi đọc nhật báo Toronto Star ngày 8 tháng Giêng cũng chê trách Mỹ không viết đúng sự thực, và ngay ngày hôm sau  thủ tướng Canada đã xin uỷ ban tổ chức Lể Quốc Khánh 1 tháng 7 năm nay mang diễn sự tích chiến thắng năm 1812 trước Quốc Hội, và gần đây nhất nguyệt san Canadian Geographic cũng có bài nói về trận chiến thắng ở Cornwall, thì tôi không còn hồ nghi gì nữa mà tin chắc rằng biến cố 1812 là một biến cố thắng trận của Canada. Bởi vậy các cụ ở trên thế giới nếu đọc sử Hoa Kỳ giai đoạn 1812 này thì phải sáng suốt nha. Sử Hoa Kỳ viết sai đấy.

Việc này làm tôi nhớ tới một sự kiện tương tự : các trận quân ta thắng quân Tàu ngày xưa. Lịch sử VN ghi rõ ta thắng tàu 7 trận lớn, từ Ngô Quyền đánh tan quân Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, tới Quang Trung Nguyễn Huệ dẹp tan 200.000 quân Thanh mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Thế mà lịch sử Tàu lờ hẳn những lần bại trận này. Tôi nghe nói hiện nay đảng CSVN đang cho lệnh xóa dần những chiến thắng của VN trong các sách giáo khoa để làm đẹp lòng Trung Cộng. Các cụ ạ, khi viết đến đây, tự nhiên tôi thấy vang lên trong đầu bài ca Hội Nghị Diên Hồng : Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng  biên thùy rung chuyển… Chẳng lẽ VN sẽ là một ngôi sao thứ 6 trên lá cờ Tàu Cộng sao?

Ông ODP xin góp ý về các quan hệ hiện nay giữa CSVN và Trung Cộng : Đảng đã dạy cho mọi người mang ơn Tàu vì Tàu đã giúp Miền Bắc vũ khí đạn dược và lương thực để đánh Miền Nam, vậy muốn được yên thân, muốn có địa vị thì mọi người cứ theo đường một chiều mà đi. Nếu đi ngược đường thì đã có công an, dùi cui, còng sắt, nhà tù và xà lim.

Tôi đi xa qúa mất rồi, xin trở lại thành phố Montreal. Xin kể chuyên bên lề vui vui về thành phố nói tiếng Pháp thân yêu ở Canada này. Đó là chuyện Anh Jean Béliveau, 56 tuổi, một công dân gốc Montreal vừa hoàn thành một chuyến đi bộ lịch sử vòng quanh thế giới. Anh đã khởi hành năm 2000 từ Montreal, và anh đã về tới nhà cuối năm vừa qua. Anh đi bộ 11 năm liền, đã đi qua 60 quốc gia trên 5 lục địa, tổng cộng 75.000 cây số. Vì anh đi bộ nên anh đã xài hết 54 đôi giày. Anh thật may mắn, đi đến đâu anh cũng được dân địa phương cho ăn cho ngủ. Anh cho biết anh đã ăn món rắn và các loại côn trùng ở Phi Châu và thịt chó ở Nam Hàn. Có lần anh ngủ ở bờ rừng xém bị cọp vồ. Hành lý của anh là một cái xe kéo tay đựng các vật dụng cá nhân. Suốt trong 11 năm, hành lý của anh chỉ có thế.

Tin thời sự cuối cùng là một cặp vợ chồng già ở Alberta, miền trung nước Canada, vừa có người cháu nội thứ 100. Thực ra thì họ chưa già bao nhiêu, mới 65. Canada là nước thanh bình hạnh phúc nên hai cụ Victor và Aneta Urich từ Nga tới đây  năm 1995, với 16 người con. Đàn con này đã kết hôn và sinh sôi nảy nở. Ngày đầu năm tây vừa qua hai cụ có đứa cháu nội thứ 100, tên cháu là Henry Urich. Tên cụ có chử Rich nên hèn chi cụ giầu con giầu cháu như vậy. Trên thế giới này có gia đình nào đông tới 100 người không, hay chỉ Canada này mới có, thưa các cụ .

Nghe đến đây thì Cụ B.95 lên tiếng : Đó là chuyện thời sự. Bây giờ ai cho tôi tiếng cười đây ?  Anh H.O. bèn lên tiếng : Tôi xin nói một chuyện không hẳn là chuyện cười mà là một chuyện buồn cười vì tôi không giải được. Đó là việc tôi được một ông bạn hỏi một câu mà tôi bị tắc, nay xin kể ra để xin lãnh các ý kiến của làng. Bạn tôi bảo rằng bây giờ về y khoa, ai cũng khuyên muốn sống thọ thì thân mình phải thon thả, phải tập luyện, bơi lội, đi bộ, chạy bộ, không ăn thịt chỉ ăn cá, không uống rượu chỉ uống nước, vậy chứ con cá voi suốt ngày bợi lội, suốt ngày chỉ uống nước và ăn cá, tại sao con cá voi mập ù? Còn con thỏ suốt ngày nó chạy nhảy mà tuổi thọ của nó chỉ 5 năm, còn con rùa, suốt ngày chậm chạp mà tuổi thọ của nó những 500 năm. Tại sao?
Tôi không biết tại sao, xin làng giúp tôi câu trả lời.
Nghe xong làng chỉ cười và không tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Anh H.O. giao hẹn anh sẽ không chấp nhận câu trả lời ‘Ông Trời đã sinh nó ra như thế!’

Không ngờ cái anh H.O. này khó tính làm vậy. Mà anh vẫn chưa hết chuyện. Anh còn kể câu chuyện này, nghe xong thì thấy nó vừa tầm bậy vừa buồn cười. Nó tầm bậy vì nó nói tới ‘cái ấy’, nó buồn cười vì ngôn ngữ Hà Nội. Rằng gần đây Bộ Y Tế nước Úc Đại Lợi phát động chiến dịch phòng ngừa bệnh phong tình. Trên tờ quảng cáo chiến dịch họ vẽ hình một cặp nam nữ và hình cái bao cao su ngừa thai với lời ghi  ‘ Tell him : If it’s not on, it’s not on’ . Các cụ thấy chưa, đây là câu chơi chữ tiếng Anh qúa hay. Nghiã đen nôm na như thế này : Cô hãy bảo anh ta : Nếu anh không đeo bao cao su thì tôi không cho anh yêu tôi’. Vì bên Úc, ngoài sắc dân da trắng nói tiếng Anh, còn có nhiều sắc dân khác nên Bộ Y Tế Úc cho dịch lời quảng cáo ra nhiều thứ tiếng. Tiếng VN mình cũng được đề nghị dịch lời. Có một ông bạn Miền Nam đã dịch câu trên như thế này :
' Không áo mưa, không mây mưa’
Các cụ thấy sao? Câu dịch hay qúa chứ, vừa ngắn gọn, vừa đạt ý, vừa văn chương thanh thoát. Thế nhưng ban giám khảo đã chọn câu của ông bạn gốc Hà Nội, ông dịch rất gọn, đạt ý nhưng hơi phũ phàng :
‘ Không đeo, không đéo’
Làng tôi đã bò ra cười ngất, các ông thì đập bàn đập ghế, các bà thì đấm nhau thùm thụp. Ối giời ôi, tiếng Hà Lội đúng quá nhưng kinh qúa, thực tế qúa, phải không cơ ?

Switch mode views: