Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chuyện ăn cỏ khô


Ðầu Tháng Sáu, Canada công bố sổ thông hành loại mới. Tôi yêu đất nước quê hương thứ hai này của tôi quá. Nhiều kỹ thuật tối tân được thấy rõ trong tập sổ này. Ðây là một tuyệt tác. Ban ngày thì nó giống như các sổ thông hành khác, nhưng ban đêm thì nó là một chuỗi kinh ngạc. Các trang đều hiện lên những hình ảnh đặc trưng của đất nước này, như hình lá phong, hình tòa nhà Quốc Hội... Trang nào cũng gấm hoa như thế. Sổ mới này sẽ tránh được bao nhiêu việc làm giả. Tôi gọi cuốn sổ thân yêu này là “sổ thông hành” nha, chứ không xài chữ của Việt Công là “hộ chiếu,” thưa các cụ. Hộ hộ cái gì, chiếu chiếu cái gì, nghe nặc giọng Tàu Cộng.

Rồi ngày mồng 3 Tháng Sáu, Canada đã làm một việc lịch sử: một buổi lễ “hòa hợp hòa giải” với người da đỏ. Dân da trắng đến đất của dân da đỏ này vào thế kỷ 15, đã chiếm đất và đã mang cái văn hóa Da Trắng Âu Châu áp đặt lên toàn lãnh thổ. Cách đây 130 năm, họ đã mở ra những trường nội trú bắt con cái người da đỏ vào học với hy vọng đồng hóa được lớp trẻ. Sử ghi khoảng 150,000 trẻ em da đỏ đã bị bắt rời gia đình vào sống trong những ký túc xá này. Nhưng việc đồng hóa đã thất bại. Theo kết quả điều tra, đã có hơn 6,000 trẻ em da đỏ chết trong các trường nội trú.

Trong buổi lễ xin lỗi và hòa giải mang tên “Truth and Reconciliation” được tổ chức tại thủ đô Ottawa ngày đầu Tháng Sáu, Thủ Tướng Harper đã ôm lấy bà da đỏ Evelyn Dewache, một học sinh nội trú ngày xưa còn sống sót, nói lời xin lỗi. Nhìn tấm ảnh ôm hôn và làm hòa này, ai cũng cảm động. Nhưng đây mới là một trong những bước đầu Canada phải làm với dân da đỏ.

harper evelyn dewacheThủ Tướng Canada Stephen Harper đang ôm bà Evelyn Dewache trong ngày "Truth and Reconciliation" tại Rideau Hall, Ottawa hôm 3/6/2015 vừa qua. 

Ðất của người ta, tự nhiên đến chiếm đoạt, tự cho mình quyền làm chủ đất, rồi dồn họ vào những đặc khu mang tên là “Reserved Area,” và gọi họ là “Aboriginal People.” Người da đỏ không chịu. Họ xưng mình là “The First Nations.” Danh xưng này rõ ràng nói lên cái ý họ là chủ nhân của toàn lãnh thổ. Chuyện này còn dài, nhưng tôi hy vọng sẽ có kết quả tốt đẹp vì bản chất người Canada là hiền hòa và lương thiện, không còn máu “thực dân” như cha ông họ ngày xưa thời đi xâm lăng. Khác với máu của ông Nga Putin bây giờ còn đang lăm le chiếm đất Ukraine, khác với máu của ông Tàu Cộng Tập Cận Bình bây giờ vẫn còn đang lăm le chiếm Biển Ðông.

Rồi trung tuần Tháng Sáu là lễ tôn vinh Các Người Cha. Theo truyền thống của làng An Lạc chúng tôi, lễ này phe các bà trong làng làm tiệc đãi phe các ông. Ôi chao, bữa tiệc mới ngon làm sao. Toàn những món mà phe các nhà quân tử chúng tôi thích. Các cụ đã đoán ra món gì chưa cơ? Thưa, món ngon lắm và dễ làm lắm, các bà chỉ mất công đi chợ mua những thứ này cho tươi rồi đem về hấp lên là xong ngay. Thưa, đó là món tôm hùm lobster và cua biển Canada. Tôi xin lặp lại: cua Canada nha, Canada nổi tiếng về cua biển. Ông ODP đã biết trước các bà đãi những món này, nên khi bữa ăn bắt đầu, khi chị Ba Biên Hòa và hai cô Huế Tôn Nữ và Cao Xuân mang thức ăn từ bếp ra thì ông cũng chạy đi lấy một thùng rượu mà ông đã đem tới và giấu dưới bàn thờ. Ông này quả là tổ sư về nhiều mặt. Ông vừa cười vừa bày lên bàn năm chai rượu quý. Ông thưa với cả làng: Ðây là rượu Canada, những chai này được các con sâu rượu quốc tế đánh giá là ngon nhất trong năm. Tôi xin chép tên mấy chai rượu quý ra đây để các cụ phương xa muốn nếm rượu ngon của Canada thì có sẵn tên nha: chai Henry of Pelham, rượu hồng rosé, làm ở miền thác Niagara, bang Ontario; chai Benjamin Bridge, rượu bọt sparkling, làm ở Nova Scotia miền Ðông Canada; chai Bartier Bros, rượu trắng, làm ở miền thung lũng Okanagan, bang BC; chai Culmina Estate, rượu đỏ, làm ở Ontario; chai Tawse Winery, rượu trắng, làm ở Niagara falls, bang Ontario.

Cụ B.95 thấy rượu thì kêu lên: Như thế này thì chỉ có tôi là thiệt vì tôi không biết uống rượu. Anh John trấn an cụ ngay: Xin cụ an lòng, bác ODP đã nghĩ trước tới việc này vì trong số 5 chai rượu quý kia có một chai cụ uống được mà không sợ say, đó là chai rượu bọt sparkling. Loại rượu bọt này thuộc hạng champagne, uống rất nhẹ và rất thơm. Phe các bà ai cũng xin uống chai này, còn các nhà quân tử chúng tôi thì uống các thứ kia. Ôi, tôm hấp cua hấp mà nhâm nhi với ba loại rượu trắng đỏ hồng sao mà nó đã thế.

Trong bữa ăn vui vẻ và sung sướng này, chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện. Cụ Chánh tiên chỉ là người kể chuyện đầu tiên. Cụ bảo cụ đã 90, nên cụ thường suy ngẫm về thời gian. Cụ mới đọc được một bài viết về sự tiến bộ của loài người trong 100 năm qua. Rằng cách đây 100 năm thì tuổi thọ của loài người trung bình là 47 tuổi. Ở Hoa Kỳ và Canada cứ 100 gia đình thì chỉ có 14 gia đình có phòng tắm riêng, và 8 gia đình có điện thoại. Cả nước Mỹ chỉ có 8 ngàn xe hơi, xăng bán trong thùng và bày bán ở các tiệm thuốc tây, và toàn quốc chỉ có 144 dặm đường là lát gạch hay đá. Năm 1910 lương một giờ là 22 xu, và lương trung bình một năm của một người thợ là từ 200 đến 400 đồng, lương người kế toán giỏi một năm là 2 ngàn đồng. 100 năm qua thế giới đã có những bước tiến vĩ đại. Không biết 100 năm nữa, thế giới sẽ tiến bộ đến đâu?

Cả làng vỗ tay khen câu chuyện hay, cụ Chánh được hứng liền kể tiếp một chuyện nữa. Rằng nhân lễ kính các Hiền Phụ, lão cũng vừa đọc được một bài rất ý nghĩa đề cao người cha. Chuyện bên Mỹ. Ðây là chuyện một người cha Việt Nam gương mẫu, do ký giả Ðằng Giao trên báo Người Việt ở Cali kể. Ðó là chuyện Ông Thomas Trịnh. Ông tới Hoa Kỳ năm 1982 khi mới 40 tuổi, góa vợ, với một đàn con. Ông một mình vất vả đi làm ở Beaverton, Oregon, nuôi một đàn con ăn học thành tài. Bốn cô con gái: Tuyết Mai, Thanh Thanh, Bích Ngọc, Tường Vy, khi tốt nghiệp trung học đều đậu thủ khoa. Báo chí phỏng vấn các cô thủ khoa này thì các cô đều trả lời giống như nhau: Vì cả đời cha đã hy sinh cho chúng em, nên chúng em cố học và cố sống sao cho cha chúng em hạnh phúc. Ôi, người cha gà trống tuyệt vời! Ôi, bốn người con gái thủ khoa tuyệt vời! Tình cha tình con, đẹp biết chừng nào!

Nhân nói tới tình cha con, cũng xin nói tới tình thầy trò. Hai tháng vừa qua, thế giới âm nhạc Việt Nam đã mất hai ông thầy nổi tiếng. Thày thứ nhất là nhạc sĩ Nguyễn Ðức, ông là vị thầy đã đào tạo ra bao nhiêu ca nhạc sĩ tại Saigon trước 1975 và tại hải ngoại này, ông cư ngụ tại Toronto. Ông đã về VN sống những ngày cuối cùng. Nhạc sĩ Nguyễn Ðức mất ngày 25 Tháng Năm thọ 85 tuổi. Vị thày thứ hai, nổi danh quốc tế, đào tạo ra bao nhiêu môn sinh, người có công đầu về nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc cổ truyền Việt Nam, cũng đã về quê Việt Nam sống những ngày cuối, và đã ra đi ngày 24 Tháng Sáu tại Saigon, đó là giáo sư đại lão Trần Văn Khê, hưởng thọ 95. Nguyện cầu hai vị từ cõi thiên thu cực lạc phù hộ cho nền âm nhạc Việt Nam.

Anh H.O. xin làng ngưng nói chuyện cõi thiên thu để trở về hạ giới với hai món hải sản ngon quên chết mà dân làng đang nhậu say sưa này. Anh cười hê hê: Chúng ta đang nhậu tôm hùm và cua biển làm tôi nhớ tới một món cũng cực ngon cực bổ mà chúng ta đã nếm sơ sơ mấy tháng trước. Tôi đố cả làng biết tôi định nói về món gì. Anh John giơ tay đáp ngay: Ðó là món ngọc dương hải cẩu mà bác Từ Hòe cho chúng ta ăn dịp Tết vừa qua.

Vâng, đúng thế. Tôi mới đọc báo thấy Bộ Ngư Nghiệp Canada đang có chương trình chế biến và xuất cảng món ngọc dương của hải cẩu. Ðất Canada phía Nam giáp Hoa Kỳ còn ba mặt kia đều giáp 3 đại dương lớn, là nơi sinh sống của hàng triệu con hải cẩu. Xưa nay Canada xuất cảng bộ lông hải cẩu đi khắp thế giới, chỉ bộ lông mà thôi còn các thứ khác thì vất đi hết. Nhưng nay Canada đã bừng tỉnh, không vất hết đi nữa.

Bộ Ngư Nghiệp Canada, ngoài xuất cảng bộ lông, còn có chương trình bán thịt hải cẩu và đặc biệt bán món “ngọc dương.” Bây giờ Canada mới biết món ngọc dương này được dân Á Châu quý hơn thần dược Viagara nên đã có kế hoạch xuất cảng món quý này dưới dạng khô và dạng nước. Dạng khô thì tôi có biết, còn dạng nước thì bây giờ tôi mới nghe. Chắc sẽ dưới dạng rượu thuốc. Ðể mở đầu chương trình này Canada sẽ dùng một đoàn tàu gồm 5 chiếc với 40 thủy thủ và săn hải cẩu với loại súng hãm thanh. Hãm thanh vì sợ hải cẩu nhức tim khi nghe súng nổ vang. Chưa biết rồi đây phong trào bảo vệ thú vật sẽ lên tiếng ra sao. Bao giờ Canada có sản phẩm ngọc dương hải cẩu khô và nước, tôi sẽ trình các cụ ngay. Các cụ nào ưa xài Viagara xin để dành tiền mua thuốc mới này nha.

Cô Tôn Nữ trong làng giơ tay xin lên tiếng. Rằng việc xuất cảng hai đặc phẩm vể hải cẩu này cốt chỉ để phục vụ phe các ông, như thế là bất công, phe liền bà chúng tôi chả được hưởng gì cả! Ðây là hai món trợ dương để phe các ông nhiều sức tấn công phe phái yếu chúng tôi.

Các cụ đã thấy cô này ăn nói bạo chưa. Ông ODP liền phản công ngay: Cô nói như vậy là đổ oan cho phe liền ông chúng tôi. Không phải lúc nào phe liền ông cũng ở thế tấn công đâu. Cô có biết chuyện “Cỏ Khô” nổi tiếng bên Ả Rập không? Cô Huế lắc đầu và xin ông kể.

Rằng trong một chuyến xe lửa đường trường ban đêm, trên một toa xe chỉ có hai hành khách. Một nam, một nữ, cả hai đều tuổi sồn sồn. Ðể không cảm thấy trống vắng vì đường xa, họ đã làm quen với nhau và cả hai đều ngồi xuống bên nhau và kể cho nhau nghe các thứ chuyện vui. Anh con trai kể trước. Ðến lượt cô gái thì cô vừa kể vừa cầm tay chàng, và kể chuyện này:

Có một vị hoàng đế kia sắp sửa lên đường đi săn. Ðây là một cuộc đi săn dài ngày nên vua cho gọi tên hầu cận thân tín và dặn: Trong thời gian ta đi xa, ngươi phải hầu hạ chiều chuộng công chúa mọi mặt, nghe chưa? Tên hầu cận sấp mình xuống và thưa xin tuân lệnh. Ðêm thứ nhất công chúa bấm chuông gọi tên hầu cận vào phòng. Anh ta thấy công chúa không mặc quần áo gì cả. Nàng nằm trên giường và than lạnh. Anh hầu cận liền lấy chăn đắp cho công chúa rồi rút lui. Ðêm thứ hai công chúa cũng bấm chuông gọi, anh hầu cận vào phòng và cũng thấy công chúa trần truồng, nằm trên giường và kêu lạnh. Anh hầu cận không thấy chăn đâu cả, liền tháo màn cửa đắp cho công chúa rồi rút lui. Ðêm thứ ba, công chúa cũng bấm chuông gọi. Anh hầu cận vào và cũng thấy công chúa trần truồng và kêu lạnh. Anh hầu cận không tìm thấy chăn, không tìm thấy màn cửa, liền cởi áo của mình đắp cho công chúa rồi rút lui.

Ngày thư tư thì vua đi săn về và cho gọi người hầu cận vào hỏi: Trong thời gian ta đi vắng, ngươi có chiều chuộng công chúa như nàng muốn không? Anh hầu cận trả lời là anh ta đã làm hết sức mình. Vua cho gọi công chúa và hỏi tên hầu cận có chiều chuộng không. Công chúa đáp: Nó chẳng chiều con một tí gì! Nhà vua giận dữ nhìn tên hầu cận rồi nói: Ta cho ngươi một ngày một đêm để chuẩn bị lên máy chém. Tên hầu cận sợ hãi vô cùng. Anh ta chạy đến một vị đại thần thầy dạy của vua để xin một lời khuyên. Vị quan này nghe xong liền chỉ vào đám cỏ khô và nói: Mi hãy ăn đi! Anh hầu cận hỏi tại sao. Quan đáp: Vì mi ngu như con bò! Cô gái kể xong câu chuyện này thì xe lửa cũng vừa chạy tới ga nàng phải xuống. Anh chàng sồn sồn liền xách giúp nàng cái vali ra tới cửa. Cô gái liền mở ví cho anh ta 10 đồng. Anh ta từ chối, cô gái vừa cười vừa nói: Ðể anh mua cỏ khô!

Cả làng vỗ tay khen câu chuyện hay thấm thía và cười nghiêng ngả. Ai cũng bảo cái anh sồn sồn trong toa xe lửa ngu y như cái anh hầu cận công chúa Ả Rập. Anh John cũng cười, nhưng rồi anh nói: Riêng tôi thì đã được vợ dạy là trong mọi hoàn cảnh tôi luôn luôn phải ngu như vậy!

Cụ bà B.95 lên tiếng: Anh John kể chuyện “ăn cỏ khô” như vậy đủ rồi, anh mà kể nữa thì tối nay sẽ được chị Ba dạy bảo mệt lắm. Xin anh kể sang đề tài khác, đề tài nào mà anh thích. Anh vâng lời ngay. Anh xin kể cái tuyệt vời của tiếng Việt trong cách đọc các chữ viết tắt. Rằng có một lần anh nghe người bạn chê người kia là hội viên Hội NATO thì anh ngạc nhiên lắm, vì NATO là một hiệp hội quân sự khối Bắc Ðại Tây Dương có từ năm 1949, anh Mít kia là cái thớ gì mà được nhập khối NATO. Ông bạn tôi thấy tôi ngây thơ và chưa Việt Nam hóa đủ nên mới cười hì hì rồi giảng:

NATO mà tôi nói ở đây không có nghĩa to lớn như vậy đâu, NATO là chữ viết tắt của bọn tôi “No Action Talk Only,” có nghĩa rằng cái anh chàng này chỉ được cái miệng, yêu nước bằng mồm, chứ chả có hành động nào cả.

Từ đó tôi cứ nhớ mãi cái tếu của chữ NATO. Gần đây, cái tếu này còn tăng lên gấp bội khi tôi đọc được trên mạng một bài bàn về chữ Xã Hội Chủ Nghĩa của Cộng Sản Việt Nam, bốn chữ này viết tắt là XHCN. Cái máu tếu của dân ngụy Miền Nam đã phát nổ dữ dội khi đọc 4 chữ viết tắt này. XHCN đọc là xếp hàng cả ngày, xuống hố cả nước, xuống hàng chó ngựa, xạo hết chỗ nói, xét hỏi cả ngày, xâm hại con người, xấu hơn cả ngợm, xơi hết cả nhà, xóa hết cội nguồn, xì hơi chết người, xóa hết chữ nghĩa... Bốn chữ này đều diễn tả đúng cái khốn nạn của các đỉnh cao trí tuệ Hà Nội. Tôi chưa hề thấy có tiếng nước nào mà thần tình đọc ra được nhiều lối như tiếng Việt Nam.

Chuyện “ăn cỏ khô,” chuyện âm dương nam nữ hút nhau, chuyện XHCN đã đưa các cụ đi xa quá mất rồi, xin mời các cụ trở về chuyện đầu mùa hè.

Xin kể chuyện quốc khánh Canada gần đây. Lễ quốc khánh Canada là ngày đầu Tháng Bảy, bốn ngày sau mới là quốc khánh Hoa Kỳ. Ðây là lễ sinh nhật Canada tròn 148 tuổi. Theo lịch sử thì năm xưa Canada xém bị Hoa Kỳ chiếm và đồng hóa đấy các cụ ạ. Nhưng gần đây các nhà tiên tri sử học lại cho biết 100 năm nữa thì Canada sẽ sát nhập vào Hoa Kỳ, lần này không phải Hoa Kỳ đem quân xâm chiếm mà Canada tự ý kết hợp. Lúc đó thì quốc gia mới mang tên Americana và sẽ bá chủ thế giới về mọi mặt. Chắc Tàu Cộng và Việt Cộng đoán trước được việc này nên bây giờ các quan lớn Tàu và Việt đang vơ vét, đem của và đưa vợ con sang Canada và Hoa Kỳ.

Ðó là chuyện tương lai, bây giờ xin trở lại chuyện hiện tại. Ngày lễ quốc khánh năm nay cũng là ngày kỷ niệm lá cờ Canada được chẵn 50 tuổi. Canada lập quốc cách đây 148 năm, lúc đó Canada mang màu cờ khác, tên là “The Union Jack.” Nó phảng phất dấu hình của đế quốc Anh. Quốc kỳ hiện nay mang tên “The Red Maple Leaf.” Các cụ biết cờ Canada rồi chứ? Nó chỉ có 2 màu, trắng và đỏ. Hình lá cây phong mầu đỏ ỡ giữa nền trắng. Chị Ba Biên Hòa bảo tôi: Cờ Canada có màu đỏ và màu đỏ này chỉ tình yêu, sức mạnh, tiến bộ, hòa bình, khác hẳn cái màu đỏ trên cờ Tầu Cộng và Việt Cộng, đó là màu máu. Nhật báo lớn Toronto Star, số ngày quốc khánh, đã làm một cuộc phỏng vấn 50 công dân: Bạn nghĩ gì khi ôm lá cờ Canada? Canada là nước có tới 100 sắc dân khác nhau, 50 người được phỏng vấn này cũng đủ mọi gốc di dân, nhưng hầu như ai cũng trả lời là yêu lá cờ này hết lòng, vì nó tượng trưng cho tự do, ấm no, dân chủ, hòa bình, tiến bộ. Bà Jasmine Katsikaris nói: Tôi yêu đất nước mà tôi chọn làm quê hương thứ hai này quá, vì quốc kỳ có màu trắng và màu đỏ, hai màu chỉ sự hòa bình và tình yêu. Khi bạn có tình yêu và hòa bình thì bạn còn thiếu gì nữa đâu. Tôi thường đi du lịch nhiều nơi, ai thấy thông hành Canada in cờ lá phong của tôi thì đều vui vẻ và dành mọi sự dễ dàng cho tôi.

À, còn một tin rất lớn và nóng hổi là các trận đá banh phái nữ giải vô địch túc cầu thế giới lần thứ 7 đã được tổ chức ở Canada, từ ngày 6 Tháng Sáu tới ngày 5 Tháng Bảy với sự tham dự của 24 quốc gia, tại 6 thành phố lớn là Moncton, Montreal, Ottawa, Edmonton, Winnipeg và Vancouver. Không có trận nào ở thành phố Toronto nổi tiếng này vì Toronto đang dành sức chuẩn bị cho Ðại Hội Thể Thao Mỹ Châu, 2015 Pan Am Games, vào trung tuần Tháng Bảy. Ngày đầu khai mạc giải bóng đá nữ, đoàn chủ nhà Canada đã đấu với đoàn Trung Quốc tại sân Edmonton và đã chiến thắng với tỷ số 1-0 . Cả nước vỗ tay vang rền, vỗ lâu nhất là cộng đồng Việt Nam ở Toronto và dân làng An Lạc chúng tôi. Ðoàn Canada bị loại ở vòng tứ kết, nhưng ai cũng bằng lòng vì túc cầu là môn thể thao rất mới lạ ở xứ lá phong nơi chỉ biết bóng rổ và gậy hockey này. Liên Ðoàn Bóng Ðá thế giới FIFA xưa nay vẫn coi Canada ở vào hạng giữa, đàng sau Ðức, Pháp, Nhật và Hoa Kỳ.

Ngày có trận chung kết là Chủ Nhật, mồng 5 Tháng Bảy, cả làng tôi họp ở nhà anh John vì nhà anh có màn hình to như cái chiếu, xem đã con mắt vô cùng. Hai đội Hoa Kỳ và Nhật Bản tranh nhau chức vô địch. Ðoàn Nhật Bản làm chúng ta mát mặt quá, phải không các cụ. Da vàng Á Châu đâu có thua châu nào.

Và một việc lịch sử đã xảy ra là phe các bà trong làng cũng tới tham dự. Ngày xưa con gái đâu có biết đá banh, ngay cả việc xem đá banh cũng không có họ bao giờ. Riêng làng tôi, xưa nay chỉ có phe liền ông tức các nhà quân tử chúng tôi xem đá banh, phe các bà có đến không phải để xem đá, nhưng để phục vụ thức ăn và nghe các chuyện ngoài lề. Lần này, vì các cầu thủ là phái nữ nên phe các bà bảo nhau đến đông đủ và rất sớm. Xưa nay các bà có hiểu gì về đá banh đâu nên bác ODP, một ông Huyền Vũ của Saigon ngày xưa, đã chỉ dẫn và giải thích luật lệ, thế nào là đá phạt góc, đá phạt đền, đá phạt trực tiếp, thế nào là thẻ vàng thế nào là thẻ đỏ.

Ðang khi ông thao thao về luật trên sân cỏ thì một việc rất tức cười đã xảy ra. Số là anh John đang chăm chú nhìn vào màn ảnh, tay đang ôm con chó mà anh cưng nó như con, thì chị Ba tiến tới và lấy con chó đi. Phe đàn ông chúng tôi thấy thế thì phá ra cười, còn phe đàn bà thì ngơ ngác. Tại sao chị không cho anh ôm con chó khi coi đá banh? À, đây là chuyện dài có gốc từ ngày xưa. Hình như cách đây hơn chục năm, tôi có kể cho các cụ rồi thì phải. Chuyện như thế này: Số là lần xem đá banh bữa đó, anh John cũng ôm con chó trong lòng. Lúc anh xem thấy cầu thủ thiên tài Ronaldo của Brazil lừa được banh từ cầu thủ số 1 của Anh là Beckham, dẫn banh tới vùng cấm địa và đá một phát thật mạnh như trời giáng, trái banh trúng xà ngang của khung thành rồi bật ra ngoài. Anh John cũng như trăm ngàn khán giả đã cùng thét lên một tiếng. Tiếng thét to như sét nổ, con chó đang ở trong lòng anh sợ hãi chạy vuột ra cửa. Mãi 3 ngày sau anh mới tìm lại được con chó.
Lần này chị Ba cũng sợ mất chó như vậy nên chị đã không cho anh vừa ôm chó vừa xem.

Ông ODP, giống y như Huyền Vũ năm xưa của dài phát thanh Saigon, ông thuộc tên từng cầu thủ, nhất là các cầu thủ đầu đàn, như cô Christine Sinclair của Canada, cô Ogimi Yuki của Nhật, cô Carli Lloyd và Kelley O”Hara của Mỹ, cô Celia Sasic của Ðức... Ông theo từng đường banh, ông làm mọi người đứng tim từng phút. Anh John vừa nói vừa cười hà hà: Bữa nay mà có thêm bác Từ Hoè cùng xem và cùng bình luận một lúc thì chắc nhà tôi sập!

Ông ODP còn chỉ cho mọi người thấy Thủ Tướng Harper của Canada và ông Phó Tổng Thống Joe Biden của Hoa Kỳ ngồi ở hàng ghế danh dự. Xưa nay có mấy khi thấy các vị này đi coi đá banh đâu. Khán giả từ Mỹ sang ngồi chật cầu trường B.C. Place. À, tôi chưa kịp nói là trận chung kết này diễn ra tại thành phố Vancouver của bang B.C. miền Tây Canada. Cầu trường có 53,000 chỗ, vé đã bán hết trước 2 tuần và nghe nói vé chợ đen lên cao khủng khiếp. Thời tiết thật là đẹp vì mới đầu hè. Trận chung kết này có 2 điều đặc biệt: Ngay 16 phút đầu đội Hoa Kỳ đã đá lọt lưới Nhật bản 4 lần, do bàn chân vàng của cầu thủ siêu sao Carli Lloyd. Hoa Kỳ đã thắng lớn với tỷ số 5-2, đè bẹp đội Nhật Bản ngay từ phút đầu. Phục các người đẹp Hoa Kỳ quá!

Trận chung kết vừa xong, ai cũng no con mắt vì các đường banh, ai cũng no lỗ tai vì những lời bình luận và tiếng reo hò, và bụng ai cũng đói cồn cào. Tôi nhìn quanh thấy anh chị John không nấu nướng gì cả, bếp không có lửa gì cả. Lạ quá chứ. Tôi thấy dân làng ai cũng thắc mắc như tôi. Nhưng sự thắc mắc này không kéo dài. Trong khi dân làng đứng lên vặn mình vặn cổ cho thư giãn thì chuông cửa reo. A, nhà hàng dưới phố giao đồ ăn. Thật tuyệt vời. Sau mười phút nghỉ ngơi, cả làng được mời ăn cơm tối. Các cụ có biết chị Ba Biên Hòa đãi chúng tôi món gì không? Thưa, món Bún Thịt Nướng. Mỗi người một hộp to đùng. Trong hộp có bún, thịt nướng, các loại rau thơm và nước mắm pha với đồ chua cà rốt xu hào củ cải. Mời các cụ xơi ngay vì món thịt heo nướng còn nóng hổi. Chưa bao giờ tôi ăn món bún thị nướng ngon như bữa nay, các cụ ạ. Miếng thịt nướng cháy cạnh trên than hồng ăn kèm với lá tía tô, kinh giới, ngò, ngò gai, dấp cá, rau diếp, mấy sợi rau muống chẻ. Sao mà các thứ này hợp nhau thế. Thiệt là ngon quá sức! Thế mới biết ông bà tổ tiên Việt Nam chúng ta tài giỏi thần sầu. Ông bà đã mất bao nhiêu thời gian mới tìm ra các hương liệu này và biết các thứ này phải đi với thịt heo nướng và bún chín. Anh John bảo tôi từ ngày anh biết ăn các lá thơm tía tô, kinh giới, dấp cá, ngò gai của người VN thì anh như người bị bỏ bùa.

Rồi chuyện cười bùng lên ở góc bàn của anh H.O. cô Tôn Nữ lên tiếng cáo với cụ B.95: Cụ ơi, anh H.O. đang nói chuyện chê phụ nữ chúng ta nè. Cụ B.95 từ đầu bữa toàn nghe bình luận về trận đấu nên bắt đầu ngấy, nay nghe thấy đề tài khác thì thích quá. Cụ hỏi ngay: Sao, anh H.O. dám xúc phạm tới phái nữ mình hả, anh xúc phạm ra sao?
Cô Tôn Nữ được dịp trả thù, liền đáp: Anh kể những 2 chuyện, chuyện nào cũng xúc phạm hết. Chuyện thứ nhất kể rằng có bà mẹ kia bảo cậu con trai: Con đã gần 40 tuổi rồi đấy, liệu mà lấy vợ đi, kẻo sau này ăn cơm xong muốn xỉa răng cũng không có người lấy tăm cho đâu. 40 năm sau, chàng trai ngày ấy nay đã thành ông già 80 tuổi, nằm ôm đầu ôm tai, miệng than thở: Ôi chỉ vì cái tăm mà thân ta phải khổ thế này...

Làng phá ra cười. Cô Tôn Nữ nói thêm: Chưa hết đâu, anh H.O. kể những hai chuyện cơ. Chuyện thứ hai như thế này: Trên đời có 2 việc khó nhất: Một là nhét được tư tưởng của mình vào đầu người khác, hai là lấy tiền của người khác bỏ vào túi mình. Ai làm được điều 1 thành công thì gọi là thầy giáo, ai làm được điều 2 thành công thì gọi là ông chủ. Ít có ai thành công làm được cả 2 việc, trừ một lớp người. Ðố bạn biết lớp người này là ai. Nhóm trong bàn cháu đã trả lời, đó là các anh chị thuộc bang xã hội, anh đều lắc đầu. Anh bảo không phải ngoài xã hội, mà ngay trong nhà chúng ta, thưa đó chính là các bà vợ. Phe các bà thì nhao nhao phản đối: Dữ ha, dữ... ha! Còn phe các ông, tức các nhà quân tử chúng tôi thì ai cũng gật đầu, khen rằng đáp số đúng và hay quá.

Mọi người quay vào Cụ Chánh xin cụ phân xử. Cụ Chánh bữa nay không còn đóng vai trung lập mà lây cái tếu của bọn liền ông chúng tôi. Cụ nghe cô Tôn Nữ cáo tội ông H.O. xong, liền trả lời: Lão cũng không biết phân xử ra sao, vì chính lão đã 90 tuổi rồi mà cũng đang lúng túng về một việc. Ðó là không biết dùng dấu phẩy làm sao cho đúng với 2 câu sau đây in trong 2 ấn bản khác nhau:

1. Câu 1 liên hệ tới phán quyết của quan tòa:
- Ở với vợ lớn, không được ở với vợ bé!
- Ở với vợ lớn không được, ở với vợ bé!

2. Câu 2 liên quan tới một lời khuyên:
- Gia đình nên có 2 con, vợ chồng hạnh phúc.
- Gia đình nên có 2 con vợ, chồng hạnh phúc.

Các cụ phương xa, đang mùa hè nhàn rỗi, xin góp ý với làng tôi về dấu phẩy này nha. Chúc các cụ mùa hè vui vẻ và hạnh phúc.

Tin vui:

Tác giả Trà Lũ đã viết xong bộ “Chuyện Cười Trà Lũ Toàn Tập” gồm 4 cuốn sưu tầm 300, 400, 500, 600 chuyện, tổng cộng hơn 1,800 chuyện cười khác nhau. Ðây là món quà trang nhã nhất để tặng cho chính mình hay người thân. Giá sách 95 Gia kim hay Mỹ kim. Xin liên lạc trực tiếp với tác giả: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Switch mode views: