Công an Việt Nam muốn quản lý quan điểm chính trị của người dân
- Thứ Năm, 11 tháng Mười năm 2018 01:50
- Tác Giả: Trịnh Hữu Long / Luật Khoa
Bộ Công an muốn quản lý số thẻ tín dụng, log chat và quan điểm chính trị của người dùng Internet
Bộ Công an đã lẳng lặng cho ra đời dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng ít nhất là từ ngày 3/10.
Cho đến 19:00 ngày 10/10, bộ này vẫn chưa công bố dự thảo trên website mà chỉ gửi cho một số doanh nghiệp, cơ quan để lấy ý kiến. Bạn đọc có thể xem toàn văn dự thảo nghị định tại đây.
Luật Khoa tóm lược một số điểm đáng chú ý của dự thảo ngày 3/10 như sau:
1. Quản lý đến cả số thẻ tín dụng, hồ sơ tài chính và quan điểm chính trị
Tâm điểm của Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua ngày 12/6 vừa qua là dữ liệu cá nhân (personal data) của người dùng Internet. Luật chỉ nói chung chung về việc các công ty Internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam và cung cấp dữ liệu này cho chính phủ theo yêu cầu.
Nay dự thảo nghị định định nghĩa rất chi tiết “dữ liệu cá nhân” là gì tại Điều 2, Khoản 2:
“Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm: Dữ liệu về thông tin cá nhân: họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khoẻ, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, sở thích, sở trường, quan điểm chính trị, nguồn gốc dân tộc, chủng tộc, niềm tin triết lý, vị trí trong xã hội, sinh trắc học;
Dữ liệu do cá nhân tạo ra: nội dung tương tác, tính năng sử dụng, hành động thực hiện, thời gian, tần suất hoạt động, thông tin chọn tải lên, đồng bộ hoặc nhập từ thiết bị;
Dữ liệu về mối quan hệ của cá nhân: bạn bè, trang, tài khoản, từ khoá, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.”
Nhưng đó chưa phải là tất cả dữ liệu mà doanh nghiệp phải lưu trữ và cung cấp cho Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công an. Điều 54 của dự thảo nghị định còn bổ sung thêm “thông tin khởi tạo tài khoản người dùng” và “dữ liệu phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ, bao gồm: nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch”.
Chưa hết, Cục An ninh mạng còn có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về thiết bị sử dụng của người dùng, bao gồm “thông tin về thiết bị, thuộc tính, hoạt động, số nhận dạng, tín hiệu, dữ liệu từ cài đặt thiết bị, mạng và kết nối, dữ liệu cookie”.
2. Doanh nghiệp phải lưu trữ vĩnh viễn dữ liệu người dùng, trừ một số thông tin
Đối với dữ liệu cá nhân và thông tin khởi tạo tài khoản người dùng, dự thảo muốn doanh nghiệp phải lưu trữ vĩnh viễn, mà cụ thể là “lưu trữ theo thời gian hoạt động của doanh nghiệp hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ”. Đối với dữ liệu phát sinh như địa chỉ IP, log chat, thói quen tìm kiếm thì phải lưu trữ 36 tháng.
3. Các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thời hạn một năm kể từ ngày 1/1/2019 để chuẩn bị
Nghị định hướng dẫn dự kiến sẽ có hiệu lực đồng thời với Luật An ninh mạng, nghĩa là từ ngày 1/1/2019.
Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức có liên quan sẽ có thời gian một năm để thực hiện các quy định về lưu trữ và cung cấp dữ liệu cũng như đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc các công ty Internet sẽ phải chuẩn bị xong trung tâm dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ dữ liệu, đồng thời đăng ký và mở văn phòng tại Việt Nam trước ngày 1/1/2020.
Trong thời gian đó, Cục An ninh mạng thuộc Bộ Công an cũng sẽ thành lập một trung tâm dữ liệu để “lưu trữ, quản lý các dữ liệu do doanh nghiệp chuyển giao”, theo Khoản 6, Điều 58.
Tin mới
- Mỹ khó tuyển quân vì thanh niên quá béo - 12/10/2018 16:30
- Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 : Tỉ phú Bloomberg đối đầu với Trump? - 12/10/2018 16:23
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lại thăm Việt Nam giữa căng thẳng với Trung Quốc - 11/10/2018 22:38
- Vụ mất tích bí ẩn của nhà báo Saudi, VOA lên tiếng - 11/10/2018 22:03
- Nga và Trung Quốc kêu gọi giảm nhẹ trừng phạt Bắc Triều Tiên - 11/10/2018 21:15
- Seoul khó có thể đơn phương giảm nhẹ trừng phạt Bình Nhưỡng. - 11/10/2018 21:07
- Miến Điện : Ba nhà báo bị tù vì phê bình thống đốc Rangoon - 11/10/2018 20:55
- Trung Quốc hợp pháp hóa trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ - 11/10/2018 18:32
- Seoul giải oan cho một viên chức Bắc Triều Tiên đào tị bị xử tử - 11/10/2018 18:25
- Syria : Mỹ đặt điều kiện tái thiết hậu chiến, buộc Iran rút quân - 11/10/2018 15:55
Các tin khác
- Chính phủ Trump sẽ xét lợi tức để quyết định visa, thẻ xanh cho di dân - 10/10/2018 18:29
- Trung Quốc dùng sông Mêkông làm công cụ bành trướng tại Đông Nam Á - 10/10/2018 18:10
- Thượng hội đồng Chính Thống Giáo họp bàn về tương lai của Giáo Hội Ukraina - 10/10/2018 17:22
- Pháp hoãn cải tổ nội các - 10/10/2018 17:12
- Phóng viên điều tra Bulgari bị sát hại: Nghi phạm bị bắt ở Đức - 10/10/2018 16:01
- Liên Hiệp Châu Âu muốn giảm 35% khí thải CO2 từ xe hơi - 10/10/2018 15:33
- Bắc Triều Tiên : Gần 40% dân thiếu ăn, PAM kêu gọi hỗ trợ khẩn - 10/10/2018 14:29
- Bảo vệ người tiêu dùng: Pháp giảm phụ gia trong thực phẩm chế biến - 10/10/2018 14:20
- Trump: Thượng đỉnh II với Kim Jong Un sẽ diễn ra sau bầu cử giữa kỳ - 10/10/2018 14:08
- Thượng đỉnh Nhật Bản - Mêkông thúc đẩy các dự án phát triển - 09/10/2018 22:44