Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cesky Krumlov, thành phố Cộng hòa Sec bị « Hán hóa »

 

cesky krumlov

 

 

 

Ảnh minh họa: Đường Siroka, nơi có bảo tàng Egon Schiele của thành phố Cesky Krumlov, Cộng hòa Séc.
Jerzy Strzelecki/Wikipedia

 

Thành phố Cesky Krumlov của Cộng hòa Séc, đã trở thành điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc, và nay, người Hoa đã chiếm đến 20% dân số của thành phố mang nét đẹp Trung Cổ này.

Tất cả đều trở thành của Trung Quốc. Khách sạn, nhà hàng, tiệm buôn, và ngay cả những khu phố với những tòa nhà cao tầng cũng toàn người Hoa cư ngụ.

 

Các sòng bài của người Hoa, hàng trăm ngàn du khách tất nhiên là từ Hoa lục, và thậm chí mafia địa phương cũng là người Hoa nốt !
Chính quyền ngại hiện diện và gần như đã nhường lại một cách không chính thức thành phố này cho Trung Quốc.

Tình trạng này cũng giống như Sihanoukville, thành phố biển xinh đẹp của Cam Bốt.
Chỉ trong vòng vài năm, Sihanoukville đã thay đổi hẳn, chính quyền Cam Bốt mở rộng cửa cho Bắc Kinh đầu tư, nhưng vốn ồ ạt chảy vào với quy mô không ngờ đến.

Ngày nay, những con đường chính và khu vực phía biển không còn thuộc về người Cam Bốt nữa, Trung Quốc đã mua trọn.
 Kể từ năm 2012, số lượng du khách Trung Quốc tăng lên 700%, và một số đến rồi ở lại hẳn. Hiện nay người Trung Quốc chiếm 20% dân số Sihanoukville.
Tờ báo Tyzden của Slovakia được Courrier International dịch lại, đặt câu hỏi, liệu ví dụ của Sihanoukville có thể là lời cảnh báo cho Cesky Krumlov hay không ?

Chúng ta có thể trông thấy điều ngược lại.

Thành phố nhỏ bé mang đầy dấu ấn lịch sử, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, là một trong những địa điểm đầu tiên của Cộng hòa Séc được Unesco công nhận là di sản thế giới.

Nay thì du khách đến Cesky Krumlov chủ yếu là Trung Quốc.
Các phóng viên của báo Tyzden là những người châu Âu đơn độc trong chuyến tàu đi đến Cesky Krumlov, xung quanh toàn là khách từ Hoa lục !

Do không được chính quyền cộng sản trước đây đầu tư, Cesky Krumlov tuy cũ kỹ nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp thời Trung Cổ, và cho đến gần đây đường phố vẫn thưa vắng người.

 Giờ thì khi đi dạo trên những con đường nhỏ hẹp cổ xưa, nhà báo phải khó khăn lắm mới lách được khỏi dòng khách du lịch Trung Quốc bất tận.
Tất cả đều đi theo cùng một lộ trình. Gặp được người dân địa phương là chuyện hiếm hoi.

Cesky Krumlov có 13.000 dân, nhưng mỗi năm đón tiếp 1,6 triệu du khách.
Hầu hết là khách Trung Quốc, khoảng 140 xe ca đưa họ đến mỗi ngày. Tuy du lịch là nguồn thu quan trọng, nhưng chi phí liên quan cũng rất lớn.

Thị trưởng Dalibor Carda nói :
 « Về rác thải, chúng tôi phải xử lý số lượng rác tương đương với một thành phố 50.000 dân. Bọn móc túi ở vùng Balkan hoành hành trên đường phố.

Bây giờ chúng tôi cần phải có lực lượng cảnh sát đông hơn, một trung tâm hướng dẫn hoạt động 24/24 trong khi các thành phố có quy mô tương đương không cần đến.
Còn phải giữ cho thành phố được sạch sẽ, các nhà vệ sinh công luôn phục vụ ».

Vấn đề đối với du khách Trung Quốc, trước hết là họ chỉ đến trong một ngày. Họ đi dạo trên các con đường chính, chụp rất nhiều ảnh, đôi khi mua một món đồ kỷ niệm, vào nhà hàng (thường là của người Hoa) rồi lên xe ca ra đi vài giờ sau đó.

Trong thời gian ấy, những nhóm khác lại đến, đi theo vết của những đoàn trước, tạo ra những luồng người liên tục.
Luồng khách này bắt đầu từ khi tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman quyết định tăng cường quan hệ giữa Praha và Bắc Kinh năm 2016.

 Việc ký kết chương trình Czech-China Tourism là một sự thay đổi thô bạo cho Cesky Krumlov.
Ngay sau đó, nhiều chủ tịch thành phố Trung Quốc đã đề nghị hợp tác, Cesky Krumlov từ chối với lý do không đủ năng lực.
Ngay cả đại sứ Trung Quốc cũng từ Praha đến Cesky Krumlov, sau khi nhận được lệnh của Tập Cận Bình phải tăng 1% số lượng khách Trung Quốc đến Cộng hòa Séc.

Phía Trung Quốc cũng quảng bá cho Séc.
Tại trường đại học của công ty Hoa Vi ở Bắc Kinh chẳng hạn, có một bản sao bằng kích thước của khu trung tâm Cesky Krumlov. Thị trưởng Carda phàn nàn :
« Chẳng có ai hỏi ý chúng tôi cả. Các kỹ sư Trung Quốc đã đến chụp hình, mang cả thiết bị bay không người lái.
Năm sau họ quay lại với các máy móc để đo kích thước.
Rồi năm sau nữa, họ bắt đầu xây dựng, và bây giờ thì họ có được bản sao thành phố chúng tôi với kích thước y như thật ».

Người Trung Quốc cũng hành động tương tự với thành phố Hallstatt của Áo, và thành phố này nay cũng đối mặt với cùng một vấn đề như Cesky Krumlov.
« Chỗ nào cũng thấy người Trung Quốc ! » - một bà mẹ người Séc dẫn theo một bé trai, cằn nhằn.
Chưa kịp hỏi han, thì bà đã biến mất trong một con đường nhỏ, nằm ngoài lộ trình của khách du lịch.

Một chủ khách sạn ở khu trung tâm thành phố cho biết :
 « Người dân Cesky Krumlov có lý do khi không đến khu này nữa, ở đây không còn gì cho họ.
Cách đây vài năm còn có khu chợ Noel, nhưng nay dân địa phương chỉ thích nhóm chợ giữa láng giềng với nhau, tại các khu nhà ngoại ô ».

Thị trưởng nói thêm : « Cư dân chỉ đến trung tâm thành phố vì một số hoạt động văn hóa, hay mượn sách ở thư viện. Nhưng họ không còn đi mua sắm ở đây, vì nhiều cửa hàng, thậm chí nhà thuốc tây đều đã đóng cửa do không có khách ».

Thật ra nhờ nguồn thu từ du lịch mà chính quyền có thể sửa chữa được những tòa nhà quá cũ hoặc bị hư hại trong trận lụt năm 2002, tôn tạo nhà ga đường sắt lẫn đường bộ.
Tuy nhiên thành phố mong muốn đón tiếp lượng du khách đa dạng hơn, và lưu lại nhiều ngày tại chỗ hơn.

Cesky Krumlov là thành phố có nhiều công trình kiến trúc cổ kính, hầu hết tồn tại từ thế kỷ 14, theo phong cách Gô-tích, Phục hưng và Baroque, gồm lâu đài, thánh đường Saint-Guy, viện bảo tàng…

Dòng sông Vltava chảy qua thành phố cùng với trên 200.000 chiếc ca-nô hàng năm. Đây là địa điểm tuyệt vời để tham quan các danh thắng, thưởng thức tranh của danh họa Egon Schiele, những khu phố cổ xinh đẹp, chưa kể các lễ hội văn hóa, âm nhạc…
Thế nhưng khách Trung Quốc đến Krumlov ồ ạt, chụp ảnh selfies là chính và ra đi trong ngày, hầu như không tiêu đồng nào.

Những đồng tiền của họ nếu chi ra thường nằm trong một vòng quay khép kín, đi vào những cửa hàng, quán ăn của người Hoa.
 Còn những người Trung Quốc sau khi xách va-li đến đã quyết định ở hẳn tại đây, thì làm thành một cộng đồng người Hoa có mạng lưới riêng, cung cách sinh hoạt riêng biệt, mua lại các cơ sở kinh doanh để biến thành 100% Trung Quốc.

Một Sihanoukville mới đã hình thành ở Đông Âu.

Switch mode views: