Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ-Nga: Vô số bất đồng khó vượt qua

pompeo russie lavrov


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (t), được ngoại trưởng Nga Sergueï Lavrov đón tiếp ngày 14/05/2019 tại Sotchi (Nga).
© Pavel Golovkin/Pool via REUTERS

 

Trong cuộc hội kiến giữa ngoại trưởng Mỹ với đồng nhiệm Nga hôm 14/05/2019 tại Sotchi, hai bên đã đưa ra rất nhiều lời lẽ thiện chí, hướng đến « tái lập quan hệ toàn diện ».

Tuy nhiên, theo giới quan sát, bất chấp những tuyên bố gây hy vọng, trên thực tế, Washington và Matxcơva sẽ phải hóa giải rất nhiều hồ sơ gai góc mới có thể bước đầu cải thiện quan hệ.

Hãng tin Pháp AFP đặc biệt chú ý đến năm hồ sơ nổi bật, khiến quan hệ song phương, dường như đang trở lại với thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước đây, khi Hoa Kỳ và Liên Xô trong thế đối đầu thường trực.

Hai điểm nóng nổi bật hàng đầu là Iran và Venezuela.

Về hồ sơ Iran, hôm nay, 15/04, ngay sau cuộc hội kiến của hai ngoại trưởng Nga – Mỹ tại Sotchi, người phát ngôn điện Kremlin có tuyên bố, ghi nhận và bày tỏ lo ngại về « leo thang căng thẳng » liên quan đến Iran, bất chấp các tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ không muốn chiến tranh với Iran.

Phát ngôn viên Nga Dmitri Peskov thậm chí còn cáo buộc Washington « khiêu khích » Iran.
Hồ sơ Iran vốn chìm xuống, sau khi một thỏa thuận về hạt nhân Iran được ký kết năm 2015, giữa Teheran và 5 cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, căng thẳng Iran trở lại từ một năm nay, cùng lúc với việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Nga, cùng các nước châu Âu, và Trung Quốc hy vọng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran.
Nhưng tình hình dường như đang ngày một vượt khỏi vòng kiểm soát.

Từ một tuần nay, quan hệ Iran – Mỹ càng trở nên tồi tệ.
Hoa Kỳ tăng cường trừng phạt kinh tế Iran.
 Chính quyền Teheran hôm nay cũng chính thức tuyên bố đình chỉ nhiều cam kết trong thỏa thuận 2015.

Washington điều động đến vùng Vịnh Ba Tư nhiều phương tiện quân sự tối tân như tàu sân bay, oanh tạc cơ B-52 và tên lửa Patriot.
Teheran cũng tuyên bố phong tỏa eo biển Hormuz, dẫn vào vịnh Ba Tư. Không khí chiến tranh lơ lửng.

Hồ sơ gai góc thứ hai giữa Nga và Mỹ là khủng hoảng Venezuela.
Trong những tuần gần đây, Hoa Kỳ và Nga liên tục cáo buộc nhau can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela.

 Matxcơva là đồng minh chủ yếu của chính quyền của tổng thống Nicolas Maduro, trong lúc Washington đứng hẳn về phía lãnh đạo đối lập Juan Guaido, chủ tịch Quốc Hội nằm trong tay đối lập, và cũng là người tự đứng ra đảm nhiệm chức tổng thống tạm quyền, nhằm đưa Venezuela thoát khủng hoảng, kể từ cuối tháng Giêng 2019.

Nga lên án thái độ của Hoa Kỳ mà Matxcơva cho là « vô trách nhiệm », và cáo buộc Washington đứng đằng sau « cú đảo chính » hụt ngày 30/04/2019, chống lại chính quyền Maduro.

 Ngược lại, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định tổng thống Maduro vốn đã sẵn sàng rời bỏ quyền lực và đi ra nước ngoài, nhưng các can thiệp của Nga đã khiến ông Maduro quyết định ở lại.

Hai hồ sơ bất đồng lớn khác giữa Nga và Mỹ là vấn đề Matxcơva can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 và các trừng phạt của phương Tây đối với Nga, do can thiệp vào Ukraina, chưa kể vấn đề tù binh gián điệp.

Trong cuộc hội kiến Mỹ - Nga hôm qua, ngoại trưởng Mỹ liên tục nhấn mạnh đến hồ sơ can thiệp bầu cử, cảnh báo Matxcơva không nên tái diễn, cho dù phía Nga, ngược lại, cho rằng nghi ngờ đã được giải tỏa, với kết quả điều tra của chưởng lý đặc biệt Robert Mueller, vừa được công bố tháng trước.
Ngay trong vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên, một hồ sơ mà hai bên dường như tỏ ra đã tìm được một thỏa hiệp nhất định, thì bất đồng cũng còn rất lớn.

Trong cuộc hội kiến hôm qua, phía Nga nhấn mạnh đến « những bảo đảm an ninh quốc tế cho Bắc Triều Tiên nhắm đáp ứng các giai đoạn phi hạt nhân hóa », và điều này lại không phải là lập trường của Mỹ.

Dù sao, cuộc đối thoại hôm qua dường như cũng để ngỏ cánh cửa cho các chuyển động mới trong quan hệ song phương.
Trước khi lên máy bay, lãnh đạo ngoại giao Mỹ nêu bật ba hồ sơ mà Washington và Matxcơva có thể hợp tác.

Ngoài hồ sơ Bắc Triều Tiên, là vấn đề Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố, trong đó Syria là mặt trận hàng đầu.
Ngoại trưởng Mỹ bày tỏ tin tưởng là hai bên đã có thể cùng nhau xác định được « một số điểm tắc nghẽn » trong tiền trình tìm lối thoát chính trị cho khủng hoảng, và có thể « phối hợp tìm ra cách hóa giải ».

Tuy nhiên, theo AFP, sau cuộc hội kiến này, điện Kremlin chưa nêu ra bất cứ một thỏa thuận nào cụ thể trong hồ sơ Syria, mà chỉ ghi nhận là cuộc khủng hoảng Syria là một chủ đề đã được hai bên đề cập đến.

Switch mode views: