Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

HRW tố cáo Trung Quốc dùng công nghệ giám sát người Duy Ngô Nhĩ

china xinjiang 5

Công an kiểm tra thẻ căn cước một người Duy Ngô Nhĩ, trong lúc lực lượng an ninh theo dõi các hoạt động trên đường phố ở Kashgar, Tân Cương. Ảnh chụp ngày 24/03/2017.
©REUTERS/Thomas Peter/File Photo

 

Một báo cáo của Human Rights Watch (HRW) công bố hôm nay 02/05/2019 tố cáo chính quyền Trung Quốc sử dụng một ứng dụng điện thoại di động để giám sát những hành động « hoàn toàn hợp pháp » của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Bắc Kinh trở thành tâm điểm chỉ trích của thế giới do chính sách đàn áp tại Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi chiếm đa số.
Khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa vào các trại tập trung cải tạo, nhân danh « đấu tranh chống khủng bố Hồi giáo và ly khai », tại vùng đất trên 20 triệu dân.

Chế độ cộng sản Trung Quốc bác bỏ con số này, ra sức biện hộ rằng đó chỉ là các « trung tâm huấn nghệ », chuyên giáo dục và dạy nghề để chống Hồi giáo cực đoan.

Xếp loại 36 cách ứng xử khác nhau

Human Rights Watch trước đây vốn đã tố cáo việc chính quyền Tân Cương sử dụng một hệ thống giám sát có tên là Integrated Joint Operations Platform (IJOP) để tập hợp các thông tin đến từ nhiều nguồn, từ các camera nhận dạng khuôn mặt cho đến các thiết bị phân tích wifi, các điểm kiểm soát của công an, thậm chí cả dữ liệu ngân hàng và khám xét nhà ở.

Nhưng trong bản báo cáo mới nhất hôm nay mang tên « Các thuật toán đàn áp của Trung Quốc », Human Rights Watch nghiên cứu việc sử dụng một ứng dụng kết nối với IJOP để giám sát thái độ ứng xử của người dân.

Theo báo cáo, chính quyền Tân Cương theo dõi 36 loại thái độ khác nhau.
Chẳng hạn không tỏ ra thân thiện với các láng giềng, tránh sử dụng cửa chính hoặc điện thoại di động, tặng tiền cho các đền thờ Hồi giáo « một cách hăng hái », hay tiêu thụ một lượng điện cao « một cách bất thường ».

Ứng dụng này cũng khuyến cáo nên theo dõi một người nào đó có liên quan đến một « đối tượng » khác đã đăng ký số điện thoại mới, hoặc đã rời đất nước trên 30 ngày.

Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang), chuyên gia về Trung Quốc của HRW tuyên bố :
 « Các nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên đã chứng minh được công an Tân Cương sử dụng các thông tin thu thập một cách bất hợp pháp, về cách cư xử hoàn toàn theo đúng pháp luật của người dân, và sử dụng chúng để tấn công vào họ ».

Theo dõi việc sử dụng 51 công cụ internet

Tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho nhân quyền đã có được một bản sao của ứng dụng này, và đề nghị công ty an ninh mạng Cure53 có trụ sở tại Berlin nghiên cứu.
Ngoài việc thu thập các dữ liệu riêng tư, ứng dụng trên còn đề nghị chính quyền theo dõi các cá nhân, xe cộ hay những sự kiện bị coi là khả nghi, và gởi các yêu cầu điều tra cho công an.

Công an Tân Cương cũng được đề nghị kiểm tra việc sử dụng một trong 51 công cụ internet được cho là đáng nghi ngờ, trong đó có những ứng dụng của nước ngoài như WhatsApp, LINE, Telegram.
Nhiều người tố cáo bản thân họ và các thành viên trong gia đình đã bị bắt chỉ vì có cài ứng dụng WhatsApp hay một mạng riêng ảo, tức Virtual Private Network (VPN) trên điện thoại di động.

Báo cáo của HRW cho biết ứng dụng này do Hebei Far East Communication System Engineering Company (HBFEC) tức công ty viễn thông Hà Bắc, gọi tắt là Viễn Đông Thông Tín triển khai.
Đây là một công ty đặt dưới sự kiểm soát của tập đoàn quốc doanh Electronics Technology Group Corporation (CETC, Trung Quốc Điện Khoa).

    Đọc thêm: Trung Quốc chi 10 tỉ đô la một năm để kềm kẹp Tân Cương

Human Rights Watch kết luận, hệ thống IJOP theo dõi dữ liệu của tất cả cư dân Tân Cương, qua việc giám sát hệ thống định vị từ điện thoại của họ, thẻ căn cước, xe cộ, và cả việc sử dụng điện, đổ xăng.

Bà Samantha Hoffman, chuyên gia phân tích của Australian Strategic Policy Institute (Viện Chính sách Chiến lược Úc) thuộc International Cyber Policy Centre nhận xét :
« Về mặt tâm lý, nếu người ta tin chắc rằng các hoạt động của mình đều bị theo dõi, và có thể bị xét xử nếu ra khỏi một ‘không gian xám’, thì rất có thể họ sẽ làm mọi cách để tránh tiến gần ‘lằn ranh đỏ’ ».

Chuyên gia này nhấn mạnh : « Chẳng có quy định luật pháp nào về vấn đề này.
Tại Trung Quốc, Đảng đơn phương quyết định xem thái độ nào là hợp pháp hay bất hợp pháp, và chẳng cần phải viết ra bằng văn bản ».

AFP không liên lạc được với tập đoàn Trung Quốc Điện Khoa, còn công ty Viễn Đông Thông Tín từ chối trả lời hãng tin Pháp.

Ứng dụng điện thoại IJOP có thể đưa hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ vào tù

Trước đó vào giữa tháng Tư, tờ New York Times cho biết công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã được cài đặt trong mạng lưới camera an ninh khổng lồ tại Trung Quốc, và được lập trình chuyên biệt để theo dõi người Duy Ngô Nhĩ và các hoạt động của họ.
 Không chỉ tại Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ còn bị giám sát cả ở các thành phố khác như Hàng Châu, Ôn Châu.

Cũng theo New York Times, chỉ trong vòng một tháng, một thành phố ở Trung Quốc đã scan lại 500.000 khuôn mặt để tìm các cư dân người Duy Ngô Nhĩ.
Tại Thiểm Tây, « năm ngoái chính quyền đã mua một hệ thống camera có cài phần mềm nhận diện, có thể phân biệt được ai là người Duy Ngô Nhĩ hoặc không ».
Bộ Công An Trung Quốc cũng tránh không trả lời tờ báo Mỹ về thông tin trên.

Năm ngoái, Washington đã áp đặt việc kiểm soát đối với hàng xuất khẩu của các công ty Trung Quốc, trong đó có Viễn Đông Thông Tín, và các công ty khác do Trung Quốc Điện Khoa quản lý, nêu ra các nguy cơ cho an ninh quốc gia và lợi ích đối ngoại.

Hồi tháng Hai, nhà sản xuất thiết bị khoa học Thermo Fisher của Mỹ loan báo đã từ chối bán cho Nhà nước Trung Quốc một loại thiết bị có thể dùng để lập ra hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ về mã di truyền của những người thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ.

Cũng trong tháng Hai, một chuyên gia tin học phát hiện một vụ rò rỉ dữ liệu liên quan đến 2,6 triệu cư dân Tân Cương, và một hệ thống lưu trữ thông tin của công ty Trung Quốc SenseNets (gồm các cuộc đàm thoại giữa các cá nhân, số thẻ căn cước, địa chỉ IP máy tính, định vị các cuộc di chuyển…)

Theo ông Greg Walton, một chuyên gia độc lập về an ninh mạng, đã tư vấn cho các tác giả của báo cáo, thì hệ thống IJOP trên đây là « một công cụ tàn bạo, có thể đóng góp trực tiếp vào việc đưa đông đảo người dân vào các trại tập trung ».

Ngoài ra, các dữ liệu thu thập nếu được lưu trữ có thể phục vụ cho các thuật toán mới.
Chuyên gia trên cho biết : « Các dữ liệu mà ứng dụng này lấy được hôm nay, trong vài năm nữa có thể được phân tích bằng một phần mềm chắc chắn là hoàn hảo hơn ».

Switch mode views: