Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ưu tiên của chính quyền Thái : Thanh lọc phe Thaksin trong cảnh sát

 
 
Thailand police
 
 
Người biểu tình chống chính phủ đối diện với cảnh sát và binh sĩ trước lối vào Trụ sở truyền hình Quốc gia, 09/05/2015.
Reuters/Athit Perawongmetha
 
 
Một trong những biện pháp ưu tiên của chính quyền quân sự Thái Lan, kể từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 05/2014, đó là tiến hành thanh lọc những phần tử thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong giới lãnh đạo cảnh sát, nhân danh cuộc chiến chống tham nhũng.
 
Từ gần hai thập niên qua, các xáo trộn chính trị liên quan chặt chẽ với sự thống trị, thao túng của cảnh sát hoặc quân đội.
 
Thời kỳ quân đội, với số binh sĩ lên đến hàng trăm ngàn người, thao túng chính trường Thái Lan trùng hợp với những chu kỳ giới tinh hoa truyền thống, rất thân cận với Hoàng Gia, lên nắm quyền. 
Một trong những ví dụ điển hình gần đây là vụ đảo chính vào tháng 05/2014.
 
Khi Thaksin Shinawatra, nguyên là sĩ quan cảnh sát, trở thành tỷ phú qua việc nắm được ngành viễn thông, giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2001, thì một trong những công việc đầu tiên mà ông tiến hành trên cương vị Thủ tướng là sắp xếp những cộng sự thân cận vào những vị trí chủ chốt và những sĩ quan cảnh sát nào tỏ ra trung thành đều được thăng tiến nhanh chóng.
 
Nhiều nhân vật thân Thaksin trong ngành cảnh sát, hiện có khoảng 220 000 người, cho đến lúc xẩy ra cuộc đảo chính, vẫn giữ vị trí lãnh đạo cảnh sát ở các vùng phía bắc và đông bắc, nơi có đông đảo cử tri bỏ phiếu của Thaksin.
 
Tuy nhiên, tại Thái Lan, cảnh sát vốn thường xuyên bị tố cáo là chỉ tận tụy làm giàu thay vì quan tâm giải quyết các vấn đề an ninh, những người chống đối ông Thaksin lên án việc bố trí những sĩ quan cảnh sát thân cận tại các « cứ địa » bầu cử nói trên.
 
Người đi tiên phong trong chiến dịch thanh lọc cảnh sát này là ông Somyot Poompanmoung, hiện lãnh đạo cảnh sát Thái Lan, thay thế một nhân vật thân cận với phe Thaksin, được bổ nhiệm khi bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin lên làm Thủ tướng và bị lật đổ sau cuộc đảo chính tháng 05/2014.
 
Xuất thân từ một gia đình quân đội, viên sĩ quan cảnh sát này, vốn ít ai biết cho đến khi được bổ nhiệm, đã thanh lọc, cho « ngồi chơi xơi nước » nhiều lãnh đạo cảnh sát. 
Đồng thời, ông ta cũng ra lệnh tiến hành nhiều vụ bắt giữ được báo chí rầm rộ đưa tin, nhắm vào các sĩ quan cảnh sát bị coi là « hư hỏng ».
 
Ông Somyot, năm nay 59 tuổi, giải thích với AFP : « Trong mọi tổ chức to lớn, luôn luôn có người tốt, kẻ xấu. Nhiệm vụ của tôi trước khi về hưu là cải thiện hình ảnh cảnh sát trong con mắt của người dân ».
 
Nhân vật này tuyên bố rằng vấn đề mấu chốt trong chiến dịch thanh lọc là không để cảnh sát dính dáng hoặc bị chi phối bởi chính trị, trong khi bản thân ông lại là dân biểu trong cái gọi là Quốc hội do chính quyền quân sự bổ nhiệm.
 
Ông Somyot tố cáo, « các chính đảng can thiệp vào ngành cảnh sát. Và có những sĩ quan cảnh sát làm việc cho các chính khách với hy vọng sẽ được thăng tiến », nhưng bản thân ông lại có tài sản hơn 11 triệu đô la, đầu tư nhiều trong lĩnh vực bất động sản và trước đây làm tư vấn cho các doanh nghiệp lớn.
 
Theo ông Paul Chambers, phụ trách nghiên cứu tại Viện Đông Nam Á, ở Chiang Mai, phía bắc Thái Lan, thì sứ mạng thật sự của ông Somyot là « biến đổi ngành cảnh sát thành một bộ phận dưới sự kiểm soát của giới tướng lãnh quân đội ». 
 
Mục đích chính là « loại bỏ ảnh hưởng của những chính trị gia như Thaksin ». 
Thậm chí chính quyền quân sự hiện nay còn dự tính xóa bỏ thẩm quyền của Thủ tướng bổ nhiệm lãnh đạo cảnh sát quốc gia.
 
Kể từ sau cuộc đảo chính, giới tướng lãnh cầm quyền đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ và thẩm vấn các nhân vật đối lập. 
 
Nhưng ngày 08/04 vừa qua, chính quyền quân sự còn đi xa hơn khi ban bố sắc lệnh cho phép quân đội được quyền tiến hành các cuộc kiểm tra thông thường, thực hiện các cuộc điều tra và bắt giữ vốn thuộc thẩm quyền của cảnh sát.
 
Ông Puanthong Pawakapan, giáo sư ở đại học Chulalongkorn, Bangkok, lo ngại là sắc lệnh này cho phép « các sĩ quan quân đội can thiệp vào công việc của cảnh sát ».
Mặt khác, giới quan sát cũng nhấn mạnh là tệ nạn tham nhũng ăn sâu trong tâm lý người dân Thái Lan. 
Các sĩ quan cảnh sát trẻ chỉ có mức lương là 460 đô la/tháng. Ăn hối lộ dường như là nguồn thu nhập thêm của họ.
 
Theo chính trị gia Chuwit Kamolvisit, chiến dịch chống tham nhũng do chính quyền quân sự tiến hành chỉ là hình thức, bề ngoài, ngắn hạn, rồi tình hình sẽ lại xoay chiều với sự thắng thế của phe thân Thaksin.
 
Thái Lan đã trải qua 19 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính, kể từ năm 1932. 
 
 
Switch mode views: