Sài Gòn: Kiểng Tết thời phồn vinh giả tạo
- Thứ Bảy, 01 tháng Hai năm 2014 11:11
- Tác Giả: Trần Tiến Dũng
Cả Sài Gòn trong trong mùa tết trở thành một vườn hoa kiểng khổng lồ. Khắp Sài gòn có hàng trăm khu vực bán hoa kiểng chơi tết.
Cây me cổ thụ ở miệt Cần Giuộc. Long An, trưng bày ở khu hoa kiểng Phú Mỹ Hưng, được cho rằng đắt giá nhất mùa tết hiện nay, giá 1 tỷ 2 VND (hơn 57,000 USD). (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Các chợ hoa kiểng lớn có thể kể là công viên 23/9-quận 1, đường Thành Thái-quận 10, công viên Gia Định-quận Bình Thạnh, công viên Hoàng Văn Thụ-quận Tân Bình, bến Bình Đông-quận 8...
Thói quen của người Sài Gòn là sau ngày 25 tết mới bắt đầu dạo chợ hoa tết nhưng cánh nhà vườn và thương lái thì lại chưng bày hoa kiểng tràn ra đường từ rằm tháng chạp. Năm nay, cái cảnh hoa kiểng "rợp trời" khoe sắc trong thời tiết giá lạnh không còn không khí sung mãn như những năm kinh tế phồn vinh giả tạo trước đây; chuyện hoa thơm cỏ lạ xuống đường xuân năm ngọ phần nào đó có tính an ủi lòng người lúc vật vã với cái Tết thời suy thoái kinh tế.
Trò chuyện với bà Cúc, một nhà vườn có vài chục chậu mai vàng trên đường Thành Thái. Bà nói. "Năm nay trời lạnh, mai nở sớm mà ít bông. Nhà tui chịu tốn thêm bảy tám triệu bạc thuê mấy thước lề đường bán mấy bữa, không biết có bù được vốn hay lỗ sặc máu thêm nữa."
Được biết chính quyền phường, quận cho thuê lề đường hoặc công viên bán hoa kiểng tết với giá cắt cổ. Như giá một lô bán hoa kiểng ở đường Thành Thái khoảng 10m2 là bảy triệu, bến Bình Đông khoảng 5m2 là hai triệu rưởi... tiền điện thắp sáng, tiền nước tưới tính riêng.
Anh Phong, người từ Sa Đéc thuê 3 lô trên bến Bình Đông nói. "Bán lời lỗ chưa biết nhưng tiền thuê phải nộp trước. Mình làm để cho họ ăn trước còn phần mình thì chờ trời thương ngó lại mới mong kiếm được chút cháo."
Cây lộc vừng cổ thụ trên điểm bán hoa kiểng đường Thành Thái, quận 10 được kêu với giá 800 triệu đồng (khoảng 38,000 USD).(Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Những khu vực cho thuê mướn địa điểm bán hoa kiểng ở khu trung tâm Sài Gòn hay khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng có giá thuê đắt đỏ hơn nơi khác. Giá cả các loại hoa kiểng ở những nơi đây không phải được tính số tiền mà tính bằng hàng độc, hàng hiếm. Đa phần loại hàng này để làm quà cho một nơi nào đó cần cầu cạnh hoặc tài sản khoe mẽ của giới tư bản mới nổi nhờ thời thế.
Chúng tôi đến khu bày hoa kiểng Phú Mỹ Hưng để tận mắt coi cây me bonsai trị giá 1.2 tỉ tiền đồng VND. được biết cây me cổ thụ này của một nhà vườn miệt Cần Giuộc, Long An. Ai người miền Nam đều không lạ gì mấy cây me già cho trái, cho lá nấu canh chua hoặc làm nước đá me. Nhưng khi cây me già được bứng trồng vô chậu như cây này được đặt tên rất kêu là "Xuân Thắm Tình Quê", được hét giá bằng ngang một căn nhà lầu cở nhỏ thì ai cũng le lưỡi, nuốt nước miếng.
Một ông ra vẻ thầy giáo đứng cạnh tôi nói."Tất nhiên, công lao người ta nuôi trồng cây me già này trong chậu là đáng nể. Nhưng đáng sợ hơn là mấy tay quyền thế mua nó về nhà chưng khoe. Khoe của chơi khi bên mình còn bao người kiếm ăn khó nhọc là khinh người quá đáng đó ông ơi."
Theo người am tường thì cây me "Xuân thắm tình quê" với cái giá chỉ ngoài một tỉ bạc thì cũng là cây thường thường thôi. Trong làng chơi cây kiểng thời nay thì me cổ thụ chỉ có thứ hạng xoàng xoàng. Cánh quý tộc mới, nhà giàu mới nổi phía bắc hoặc gốc bắc mới phát ở phía nam, chuộng loại cây dáng cổ thụ có tên là lộc vừng.
Một anh chàng người bắc chủ một công ty thầu phụ cầu đường, người mê chơi cây lộc vừng giải thích nôm na rằng: "Bác phải biết, chỉ cái tên là đã có cả một kho vàng rồi nhé. Lộc là tiền như kho bạc nhà nước, vừng là câu thần chú vừng ơi mở cửa ra trong chuyện Alibaba và bốn mươi tên cướp nhé."
Thật vậy, một cây lộc vừng chi nhánh đầy đủ, gốc có bề hoành khoảng non nửa thước ở đường Thành Thái được kêu giá 800 triệu VND (khoảng 38,000 USD). Một cây lộc vừng khác ở khu hoa kiểng Phú Mỹ Hưng trụi lủi cành nhánh được hét giá 345 triệu VND (khoảng 16,500 USD).
Chuyện những cây kiểng cổ thụ ở Việt Nam được ra giá vài trăm triệu đến năm mười tỉ bạc không phải là chuyện hiếm; nhưng tức cười là ở chỗ giới đại gia thời đại hùa nhau chơi cây kiểng, đồ cổ... rồi đua nhau nổ giá để tự sướng. Cứ vậy, cùng với sự phụ họa của giới truyền trong nước, hết tết này đến tết khác họ nổ như pháo đại rền trời trong một đất nước cấm đốt pháo.
Cây lộc vừng trụi trơ cành nhánh này cũng được kêu giá vài trăm tiệu đồng. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Trở lại với những điểm bán hoa tết Sài Gòn năm con ngựa; bên cạnh sự hợm hĩnh của giới có của chơi hoa kiểng đắt giá, người ta thấy vẫn còn đó những chậu bông vạn thọ, cúc , bông giấy, hướng dương... với sắc màu hồn hậu của đất trời ngày xuân dành cho người lao động nghèo thị thành.
Bất kể dân tộc này trải qua bao nhiêu biến động thăng trầm, đến với các điểm bán hoa tết ngày xuân, chọn mua ít chậu hoa thuần giống bản địa là cách cùng chia sẻ với người miệt vườn những thành quả từ những ngày tháng cực nhọc tạo nên sắc xuân cho cả cộng đồng dân tộc.
Related news items:
Tin mới
- Có những điều khó quên - 10/02/2014 15:21
- Có thể lấy lại Hoàng Sa? - 07/02/2014 01:31
- Ghế Súp - 07/02/2014 00:47
- Tản mạn khai bút đầu Xuân - 06/02/2014 15:39
- Những tiếng nhung mềm năm xưa - 06/02/2014 15:30
- Ði và về - 03/02/2014 17:40
- Ðầu năm, nói chuyện Joseph Biden vs. Hillary Clinton - 02/02/2014 18:55
- Spam: Món quà Tết đặc biệt? - 02/02/2014 18:29
- Cuối năm mặn đắng - 30/01/2014 15:19
- Một Lời Nói Phải - 29/01/2014 00:39
Các tin khác
- Văn hóa ‘Táo Quân’, hay văn hóa ‘báo cáo’? - 27/01/2014 13:28
- Sớ Táo Quân 2014 - 26/01/2014 12:07
- Năm Ngọ phiếm về ngựa: Mã vô thập toàn - 24/01/2014 16:14
- Tản mạn về chuyện Con Ngựa! - 24/01/2014 15:50
- Chuyện Ngựa Chuyện Người - 24/01/2014 15:37
- Sớ Táo Quân - 24/01/2014 15:09
- Hải chiến Hoàng Sa, sự công khai muộn màng - 23/01/2014 18:44
- Trận chiến Hoàng Sa và một lịch sử được viết lại - 23/01/2014 02:52
- Cô du kích - 23/01/2014 01:52
- Thông điệp cao xa, dân thì vẫn đói - 22/01/2014 17:14