Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

‘Tip for Little Saigon’


Tiền “tip” theo nghĩa thông thường là số tiền thưởng cho người phục vụ khách hàng như người dọn ăn trong nhà hàng ăn, người xách va li hộ bạn lên phòng ngủ khách sạn, người tài xế taxi hay thợ hớt tóc hoặc làm móng tay cho bạn. Theo các nhà nghiên cứu, “tip” có từ thế kỷ 16, ở các quán rượu hay cà phê người ta để một cái bình bằng đồng ghi chữ “To Insure Promptitude” (Ðể bảo đảm nhanh chóng). Một cách giải thích khác thì “tip” gốc từ Hòa Lan là “tippen,” có nghĩa là “gõ,” khách hàng lấy đồng bạc gõ lên bàn để gọi hầu bàn và sau đó biếu luôn cho người phục vụ.

tientip(Hình minh họa: PATRICK KOVARIK/AFP/GettyImages)

Chúng ta, hồi ở trong nước, hay bây giờ ở Việt Nam, người ta gọi tiền này là tiền “boa” hay “bo,” nguyên từ chữ “pour boire,” tiền biếu để uống nước cho người phục vụ.

Trên thế giới, có nơi có thói quen cho tiền “tip,” nhưng cũng có nơi không có thông lệ này. Ðó là thói quen, một thứ văn hóa bất thành văn, mà không bị áp đặt từ một luật lệ. Do đó ở nước Úc chúng ta khỏi bỏ lại tiền “tip” trên bàn khi rời khỏi tiệm ăn, nhưng ở các nước khác, không hành xử theo thông lệ địa phương sẽ bị khinh rẻ và bị ném theo những cái nhìn thô bỉ có khi là những lời chửi rủa thành tiếng.

Không có quy định tỉ lệ tiền “tip” nhưng thông lệ khoảng từ 10% đến 15%, trừ những nhóm thực khách có trên năm người, nhà hàng tính 15% tiền “tip” sẵn trên hóa đơn. Nhiều quốc gia không có thói quen để lại tiền “tip” nhưng vì để tạo không khí dễ chịu cho cả đôi bên, như khách đến Singapore và Ðài Loan là hai nước không có lệ cho tiền tips, họ vẫn để lại tiền “tip” và chưa thấy ai từ chối cả.

Nhưng ở Việt Nam thì bạn nên coi chừng, không những người phục vụ năn nỉ nhắc nhở trước là “chú cho tiền bo,” nhưng khi số tiền ấy không vừa ý (bao nhiêu cho đủ?) thì lập tức bị ném trở lại với câu nói rất vô lễ là “chú giữ lấy mà tiêu!” Không những ở Việt Nam mà “đồng bào mình” ở các quốc gia khác cũng có tính xấu kiêu ngạo như vậy: Một lần du lịch Thái Lan ba ngày, công ty du lịch địa phương phái một chiếc xe nhỏ với một ông tài xế là Việt kiều ở Thái Lan cho gia đình tôi. Suốt ba ngày, trừ tiền xăng do công ty du lịch đài thọ, những chi phí ăn uống của tài xế do chúng tôi lo. Cuối chuyến đi, lúc trả xe, tôi “tip” cho anh $20. Anh này chẳng thèm cầm lấy tờ đôla của tôi, mặt đóng băng, nói thẳng thừng: “Ông giữ lấy mà xài!” Ngay ở Mỹ nhiều cô làm nail cũng ném tiền “tip” lại trên mặt bàn cho khách với khuôn mặt nặng trịch, nếu các cô cho số tiền ấy là quá “bèo”.

Ở Las Vegas trong các sòng bài, khi lấy xe gửi “Valet Parking” do người phục vụ lái xe đến chỗ khách đang chờ, dù dưới trời nắng gắt hay lạnh buốt, lịch sự mở cửa xe cho khách, có khách bủn xỉn, không thèm cho nổi một đôla, người phục vụ vẫn tươi cười, mà không hề nghe một tiếng “chửi thề” hay “văng tục” như chúng ta vẫn quen nghe.

Thật ra, tiền “tip” là sự bày tỏ cảm tình của khách đối với người phục vụ. Có người để lại một số tiền vừa phải, nhưng cũng có những vị khách hào phóng để lại tiền “tip” gấp 10 lần tiền trả cho bữa ăn như ông Jack Selby của công ty Paypal, $1,000 tiền “tip” với một bữa ăn $111.05 cho một người hầu bàn ở New York. Cũng tại Ann Arbor, Michigan, khi một hóa đơn $87.88 được cho “tip” $3,000 hay một biên lai giá $214.15 được cho “tip” $5,000 và một bữa ăn giá $215 được tặng $2,000. Nếu chuyện này xảy ra ở vùng Little Saigon của người Việt, thì những số tiền này phải vào túi chủ tiệm hay may lắm cũng phải chia đều cho tất cả nhân viên trong tiệm từ anh nấu bếp cho đến cô nhặt rau.

Tôi đã có lần được một người phục vụ trong tiệm ăn ra dấu là đừng để lại tiền “tip,” vì tất cả số tiền này không đến tay người hầu bàn. Phần lớn tại các tiệm ăn thì cuối ngày số tiền “tip” được chia đều cho nhân viên như đã nói ở trên. Nếu thật sự người nấu bếp làm việc vất vả thì chủ nhân phải trả lương cho họ cao hơn người chạy bàn, chứ không thể nào chia đều “cá mè một lứa” như trên. Do tâm lý không được hưởng thành quả do mình tạo ra, từ sự lễ phép, ân cần, chăm sóc khách mà có tiền “tip” cao, nên người phục vụ không ai muốn phục vụ tận tình, mà chỉ làm cho qua buổi, cho xong chuyện, xấu hay tốt thì cũng “cá đối bằng đầu!”

Dù không muốn so sánh, chúng ta cũng thấy cách phục vụ của một người hầu bàn trong một tiệm ăn Mỹ với một anh chàng phục vụ trong vùng Little Saigon. Trong khi người hầu bàn Mỹ quỳ xuống cho ngang tầm với khách để lấy order, chào hỏi lễ phép, một cái nhìn của khách cũng gây sự chú ý để họ tiến lại hỏi mình có cần gì không, thì người phục vụ “đồng hương” của chúng ta không có nổi một nụ cười, tay chân nặng nề và khuôn mặt khó chịu khi khách có nhu cầu cần thêm một điều gì đó.

Trong khi chủ nhân hay người quản lý tiệm ăn Mỹ chào khách ngay cửa vào, hướng dẫn khách đến bàn ăn thì chủ tiệm Việt Nam có khi hỏi “order” bằng cách “hất hàm,” hay ăn nói cộc lốc, suốt buổi không có được một nụ cười hay một lần chào hỏi. Nguyên tắc của nghề buôn bán, là “không biết cười thì đừng mở tiệm,” nhưng ở đây người ta không biết cười mà vẫn mở được nhà hàng ăn. Ở Mỹ, thực tình chúng ta không có “bún mắng, cháo chửi” nhưng cung cách “đồng hương phục vụ đồng hương” kiểu này, nhiều khi ăn xong đứng dậy, bất đắc dĩ phải bỏ lại mấy đồng triền “tip” trên bàn mà lòng không vui!

Cũng phải nói là bây giờ nhiều tiệm ăn người Việt ở Mỹ đã có những người phục vụ trẻ tuổi, biết trách nhiệm của mình là phải đi làm để kiếm sống, biết khách hàng là người trả lương cho mình, nên biết lễ độ và cung cách phục vụ khách hàng. Nếu những ai thấy nghề “hầu bàn” không thích hợp với mình, thấy nặng nề với công việc hàng ngày, cho việc phục vụ người khác là “mất sĩ diện” thì nên chọn một nghề khác. Và bây giờ, tôi mới nhận ra rằng, các cô bán hàng trong chợ Việt, có lẽ vì không có tiền “tip” nên cô nào cũng “đớ” ra không biết chào hỏi, hay mở miệng nói được hai tiếng “cám ơn” với khách hàng!

Nhưng không phải như vậy! Cứ quan sát một đôi vợ chồng người Mỹ vào quán ăn ở Little Saigon, mới thấy sự quan tâm, lễ phép và tận tình của người hầu bàn và ngay cả thái độ chủ tiệm.

Thì đã nói, người Việt vẫn có khuynh hướng vọng ngoại, nhưng khinh ngay cả đồng bào của mình. Chuyện này, hình như ở Việt Nam, người ta cũng nói nhiều rồi, dù rằng: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”

Switch mode views: