‘Chúng ta đã vào không phận Mỹ chưa?’
- Thứ Sáu, 20 tháng Mười Một năm 2015 11:15
- Tác Giả: Huy Phương
“Chúng ta đã vào không phận Mỹ chưa?” Đó là câu hỏi của Jian, người phụ nữ mang bầu 36 tuần, đi từ tỉnh Đào Viên (Đài Loan) đến Los Angeles (Hoa Kỳ) bằng máy bay của hãng hàng không China Airlines. Khi biết chắc chắn máy bay đã vào vùng trời Alaska rồi, thì bà Jian “vỡ nước ối” và phi công quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống phi trường Anchorage để “cứu hai mẹ con.” Máy bay đến Los Angeles trễ ba tiếng đồng hồ.
Nhân viên cơ quan an ninh Mỹ ập vào một một số chung cư ở Rowland Heights
trong cuộc điều tra dịch vụ qua Mỹ sinh con vào Tháng Ba, 2015. (Hình: Mark
Boster/Los Angeles Times via Getty Images)
Bà mẹ Đài Loan này đã thành công với ý nguyện có một đứa con mang quốc tịch Mỹ, dù bà phải bồi thường một số tiền lớn cho hãng hàng không vì sự thiệt hại của chuyến bay này. Đứa bé là công dân Hoa Kỳ và 21 năm sau, nó có thể bảo lãnh cha mẹ đến Mỹ, và giấc mơ Mỹ của gia đình họ đã có kết quả.
Cách đây hai năm, hai vợ chồng một người Tàu khác từ Thượng Hải đã xoay xở mua được thị thực vào Mỹ dành cho doanh nhân. Sau đó, người vợ đáp máy bay đến California để chờ ngày sinh con.
Con trai của cặp vợ chồng này đã nhận được visa Mỹ sau khi ra đời được một tháng và họ đang sống ở Thượng Hải để chờ ngày đứa bé trưởng thành để có thể sẽ trở lại Mỹ cho toàn gia đình. Những em bé sinh ra trên đất Mỹ này được báo chí đặt cho cái tên là “em bé mỏ neo!”(bỏ neo tàu để trụ lại đất Mỹ.) Los Angeles hay Irvine là những nơi có rất nhiều “khách sạn sản khoa” chuyên phục vụ cho những dịch vụ này.
“Giấc mơ Mỹ” trở thành một trào lưu: Số trẻ em Trung Quốc sinh ra ở Mỹ vì lý do đi tìm “quốc tịch” đã tăng trong hai năm từ 2012 đến 2014 là từ 10,000 em lên đến 40,000.
Những dịch vụ sinh con ở Mỹ, đã có văn phòng ở khắp Trung Quốc, phí tổn để có thể sinh con ở Mỹ khoảng từ $30,000 đến $40,000. Chi phí này bao gồm vé máy bay, chỗ cư ngụ cho những bà mẹ ở Los Angeles hay bất cứ thành phố nào trên đất Mỹ và chi phí cho việc giấy tờ lấy quốc tịch cho đứa trẻ. Tháng Ba, 2015, Cơ Quan Điều Tra An Ninh Nội Địa Mỹ đã lục soát hơn 30 địa điểm để tìm ra những bà bầu này tại vùng Nam California.
Những người nước ngoài muốn sinh con trên đất Mỹ không phải chỉ có phụ nữ Trung Quốc, nhưng họ luôn chiếm số lượng cao nhất.
Vì sao người ta yêu nước Mỹ đến như thế, trong khi theo truyền thống, các nước Cộng Sản đều chống tư bản Mỹ nhưng vẫn bị thu hút bởi “giấc mơ Mỹ.” Theo điều số 14 của Hiến Pháp Mỹ, bất kể ai được sinh ra trên đất Mỹ sẽ trở thành công dân Mỹ, được vào các trường học công lập, được nhận hỗ trợ học phí đại học, được bầu cử.
Nhà văn kiêm sử gia James Truslow Adams đã có thuật ngữ “Giấc mơ Mỹ” trong cuốn sách xuất bản năm 1931 của ông có tựa đề là Epic of America (Thiên hùng ca Mỹ):
“Giấc mơ Mỹ là giấc mơ của một vùng đất mà ở đó cuộc sống đáng tốt đẹp hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho mọi người. Ở đó mỗi người có cơ hội theo khả năng hoặc thành tựu của mình. Đấy là một giấc mơ khó khăn cho tầng lớp thượng lưu Châu Âu diễn giải đầy đủ, và cũng thật khó khăn cho tất cả chính chúng ta những người càng ngày ngờ vực và không tin tưởng vào nó. Nó không phải là một giấc mơ về các loại xe hơi hay đơn thuần là tiền lương cao, nhưng là một giấc mơ về trật tự xã hội mà trong đó mọi người nam và người nữ sẽ có thể đạt được tầm vóc đầy đủ cái khả năng bẩm sinh của mình, và được những người khác công nhận họ vì những gì của chính họ, không phân biệt môi trường hoàn cảnh sinh ra hay địa vị ngẫu nhiên của họ.”*
Nhà viết sử này đã nói rõ, Mỹ không phải là thiên đường của giàu có, lương tiền và tiện nghi cao, hay nhà, xe đẹp mà là “giấc mơ về trật tự xã hội”và “được những người khác công nhận họ vì những gì của chính họ!”Điều sau chính là nhân phẩm con người ở đây được tôn trọng.
Bao nhiêu người đã bỏ thây trên biển hay trong rừng sâu, qua sa mạc để được đến Mỹ. “Giấc mơ Mỹ” không những cho con người có cơm no, áo ấm mà còn có tự do.
Dân Mễ Tây Cơ từ năm 1985 vượt biên sang Mỹ mỗi năm chết vì hơi nóng sa mạc, mất nước khoảng 200 người, nhưng từ năm 1995 trở về sau, số người chết tăng gấp đôi. Bao nhiêu người Việt Nam, sau khi Cộng Sản vào Sài Gòn, đã xuống những con thuyền mong manh để ra đi lánh nạn, mà nước Mỹ vẫn là nơi họ hy vọng tìm đến.
Ngày nay “Giấc mơ Mỹ” vẫn còn là giấc mơ của bao nhiêu người!
Cho con du học Mỹ là nguyện vọng và cũng là “nhiệm vụ hàng đầu” của rất nhiều gia đình giàu có người Trung Hoa và cũng là niềm hãnh diện như trong nhà có một chiếc xe hơi BMW.
“Đánh cho Mỹ cút,”nhưng ngày nay du học Mỹ luôn là niềm mơ ước trở thành trào lưu của giới trẻ hiện nay đang thuộc những gia đình giàu có và có thế lực ở Việt Nam. Theo thống kê, hiện theo học ở Mỹ là 16,098 người trong niên khóa 2012-2013. Con số này cho thấy, Mỹ luôn là lựa chọn hàng đầu của những sinh viên muốn đi học ở ngoại quốc. Hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp, hay chưa tốt nghiệp cũng chẳng sao, tìm cách ở lại nước Mỹ hợp pháp. Cha mẹ nào cũng trông mong con cái được lập gia đình, kết hôn với công dân Mỹ để có quyền ở lại Mỹ, gây được cơ sở làm ăn và đặt một nhịp cầu cho việc di dân của họ mai sau.
Việt Nam có sinh viên du học ở 36 nước khác nhau, nhưng đông hàng thứ hai là Mỹ, mà Đại Biểu Quốc Hội CSVN Nguyễn Ngọc Hòa đã đặt câu hỏi “vì sao 13 cháu đi du học, 12 cháu không về, và một cháu không biết làm gì, ở đâu?”
Ngày nay chuyện vượt biển đến Mỹ không còn, nhưng hiện nay có bốn thành phần người Việt vào nước Mỹ: Du học, du lịch, công tác, di dân, và toà Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn luôn luôn có đông người chờ chực, chen chúc, nôn nóng. Không ít các viên chức cao cấp của Cộng Sản Hà Nội đã đầu tư, mua nhà, cho con du học Mỹ, vận dụng con cái kết hôn với những người có quốc tịch Mỹ, để tương lai cả gia đình có thể đạt đến “giấc mơ Mỹ.”
Chúng ta, ngày nay không cần phải đặt câu hỏi“Chúng ta đã vào không phận Mỹ chưa?”mà chúng ta đã ở trên đất Mỹ từ lâu. Con cháu chúng ta sinh ra ở đây đều là công dân Mỹ, thứ công dân mà hàng triệu người trên thế giới đều mơ ước trở thành, đã hy sinh tính mạng, của cải, gian khổ để tìm đến nó.
Đối với chúng ta, giấc mơ đã thành sự thật, nhưng cái gì đã có trong tay rồi, chúng ta coi thường, không thấy quý nữa. Đó cũng là tính vô ơn, bội bạc của những con người mau quên.
Related news items:
Tin mới
- Đạo Đức Lãnh Tụ & Tình Dục Nhân Dân - 03/12/2015 20:38
- Lãnh đạo tỉnh sắp nghỉ hưu được đi Canada 'học làm xổ số' - 30/11/2015 15:52
- 'Ẩm thực' thời 'cách mạng' - 30/11/2015 12:33
- Cám ơn cái cối cái chầy - 29/11/2015 11:44
- Ðánh ISIS: Mỹ cần Tổng Thống Donald Trump? - 27/11/2015 20:28
- Phạt tài xế taxi đòi nữ hành khách thoát y thay trả tiền xe - 27/11/2015 20:22
- Nhìn từ nhiều góc cạnh - 26/11/2015 16:33
- Cuộc thảm sát kinh hồn mỗi cuối năm - 23/11/2015 21:13
- Tỵ nạn Syria vào Mỹ: Ðảng Dân Chủ chia đôi - 21/11/2015 21:09
- Nhà Nước Tận Thu & Nhân Dân Tận Diệt - 17/11/2015 19:03
Các tin khác
- 'Pour Toi Mon Amour' - 16/11/2015 12:33
- Khi Đảng Cộng Hòa tự đốt nhà - 13/11/2015 17:56
- Đi Lào & Đi Thái - 09/11/2015 20:53
- Chuyện cục gạch của 'Bác Hồ' - 09/11/2015 02:40
- ...Đau tay - 09/11/2015 02:22
- Marco Rubio: Thuyền to sóng lớn - 06/11/2015 16:29
- Chuyện có thật 100%: Giáo Hoàng Tí Hon đoạt giải nhất tại Mỹ. - 06/11/2015 12:29
- No U No XI - 05/11/2015 17:02
- Dân Ðài Loan phản đối dân Việt ăn thịt thú vật đi lạc - 04/11/2015 11:43
- Việt Nam càng chống lãng phí, càng phí - 04/11/2015 01:43