Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Iraq: Thất bại đến từ đâu?


Trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí The Atlantic, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi chuyện thành phố Ramadi lọt vào tay khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ISIS là một “thất bại về mặt chiến lược” (a “tactical setback”) nhưng tin tưởng sau khi tái phối trí, quân đội Iraq sẽ lấy lại được thành phố quan trọng này. Thứ Năm vừa rồi trong buổi điều trần nói về chính sách quân sự của Hoa Kỳ ở Trung Ðông, Thượng Nghị Sĩ Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện John McCain cho rằng thất bại xảy ra “chỉ vì (hồi 2011) Hoa Kỳ vội vã rút quân để Tổng Thống Obama thực hiện đúng lời cam kết khi (ông ta) ra tranh cử, không đếm xỉa gì đến tình hình tại chỗ.” Cùng một lập luận đó, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham của tiểu bang South Carolina nhắc lại cảnh báo ông đưa ra nhiều năm trước đây là “đừng vội rút hết quân về nước, phải để lại một lực lượng đủ mạnh để giúp Iraq bảo vệ an ninh lãnh thổ.” Ðối với các đại diện của lực lượng dân quân Kurds và lực lượng dân quân Hồi Giáo Sunni, tình huống này xảy ra chỉ vì “chính sách sai lầm của chính phủ trung ương Baghdad khi không cung cấp võ khí cho những lực lượng dân sự lúc nào cũng sẵn sàng góp phần chiến đấu chống lại ISIS.”


iraq dantinanDân Iraq ở Ramadi chạy loạn. (Hình: AP Photo/Karim Kadim)

Tranh cãi xảy ra từ đầu tuần này sau khi tin Ramadi lọt vào tay ISIS trở thành tin hàng đầu của thế giới. Phát biểu đầu tiên của giới chức quân sự Mỹ là “tin tưởng” quân đội Iraq sẽ tái chiếm thành phố” dù nhìn nhận “đây không phải là chuyện dễ làm.” Ngay sau đó, đồng minh chính trị của Tổng Thống Obama là Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ Tim Kaine lên tiếng bày tỏ niềm tin tương tự, nhưng cho hay dựa theo những gì ông được Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ báo cáo, “chuyện chiếm lại được những thành phố đã mất khó có thể xảy ra nội trong năm nay.” Lý do: “binh sĩ Iraq chưa đủ sức để có thể tự bảo vệ an ninh lãnh thổ,” ông Tim Kaine nói tiếp, hay theo giải thích của Tổng Thống Barack Obama, Hoa Kỳ “phải đẩy mạnh chương trình huấn luyện quân sự,” giúp quân đội Iraq đủ khả năng để làm tròn trách nhiệm được trao phó và thúc đẩy sự hợp tác của các lực lượng dân quân Hồi Giáo Sunni. Khi nói điều này, Tổng Thống Hoa Kỳ cũng nhắc lại điều ông từng nhiều lần nói: chiến đấu chống ISIS là một trận chiến dài hạn, “không phải là điều có thể một sớm một chiều giải quyết xong.”

Chuyện binh sĩ Iraq “vội vã” bỏ thành phố Ramadi được các giới chức quân sự lẫn dân sự Hoa Kỳ xem là “dấu hiệu rất đáng ngại,” chứng tỏ quân đội nước bạn “vẫn chưa thật sự trưởng thành” - chữ của một viên chức quốc phòng Hoa Kỳ dùng khi nói với báo chí. Trong cuộc họp báo chiều Thứ Ba đầu tuần này, phát ngôn viên quân sự là Ðại Tá Steve Warren đưa thí dụ cho thấy trên đường rút lui, binh sĩ Iraq “đã để lại một số xe tăng, trọng pháo và một số lượng võ khí đáng kể” mà Hoa Kỳ đã trao cho quân đội đồng minh trước khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi chiến trường Iraq hồi 2011. Ðại Tá Warren nói thêm trên nguyên tắc “binh sĩ Iraq phải phá hủy các kho vũ khí trước khi rút quân, nhưng rất tiếc họ không làm điều này,” tạo thuận lợi hơn cho ISIS thực hiện mục tiêu tiến về Baghdad mà chúng theo đuổi trong gần 2 năm qua.

Tin khủng bố ISIS chiếm được Ramadi được loan tải cùng lúc với tin bọn chúng đang mở nhiều mặt trận khác nhau ở Syria, buộc Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama phải triệu tập phiên họp khẩn cấp để tìm cách vãn hồi tình hình hầu có thể cứu nguy cho Iraq và chận đứng sức tấn công của ISIS ở những nơi khác.

Ðến giờ, Tòa Bạch Ốc vẫn chưa đi sâu vào chi tiết về những quyết định sẽ thực hiện, ngoài trừ lời hứa “gia tăng oanh kích những cứ điểm của ISIS ở nhiều nơi” và “có thể tăng cường số võ khí viện trợ cho chính phủ Baghdad,” nhưng không tính đến chuyện sẽ đưa quân trở lại chiến trường, cho dù Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham kêu gọi điều Hoa Kỳ cần phải làm là “cấp tốc đưa 10,000 binh sĩ trở lại Iraq” giúp mở các cuộc phản công, chận đường tiến của quân khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo. Ông Graham cũng báo nếu không tiêu diệt được ISIS, “nạn nhân kết tiếp của chúng sẽ là Jordan” và nếu điều không ai muốn thấy này xảy ra, “lúc đó nước Mỹ sẽ mất một đồng minh chiến lược quan trọng ở Trung Ðông, bàn cờ chính trị thế giới sẽ thay đổi, không còn ở thế chúng ta mong muốn.”

Tại Baghdad, Thủ Tướng Haider al-Abadi nói sẽ giao võ khí cho các đơn vị dân quân Sunni địa phương hiện đang cố thủ ở ngoài vòng đai của thành phố Ramadi, để những đơn vị này tiếp tay với lực lượng binh sĩ quốc gia thực hiện kế hoạch phản công. Tuy nhiên phe dân quân đang tự chiến đấu chống ISIS không tin hứa hẹn này, vì mùa hè năm ngoái sau khi quân khủng bố ISIS chiếm Mosul, chính Thủ Tướng Al-Abadi cũng cam kết tương tự và “không thực hiện những gì ông ta đã hứa,” theo lời Dân Biểu Mohammed al-Misari, người đại diện cho các nhóm dân quân Sunni, khi sang vận động ở Mỹ.

Dân Biểu Mohammed al-Misari nhắc lại lời kêu gọi Hoa Kỳ trợ giúp võ khí trực tiếp cho dân quân để họ có phương tiện chiến đấu. Tuy nhiên theo lời một viên chức Hội Ðồng Quốc Gia, “chính phủ Mỹ không thể đáp ứng đòi hỏi này vì luật pháp quốc gia quy định tất cả các khoản viện trợ đều phải trao trực tiếp cho chính phủ liên hệ chứ không được quyền giao cho phe nhóm nào khác.” Viên chức này nói thêm Tổng Thống Obama sẽ thúc đẩy chính phủ Baghdad “làm việc chặt chẽ hơn với các đơn vị quân sự sắc tộc” trong cuộc chiến chống ISIS.

Ðể trả lời cho lập luận của Tòa Bạch Ốc, đại diện chính thức của chính quyền địa phương của người Kurds (the Kurdistan Regional Government) làm việc với chính phủ Hoa Kỳ là bà Bayan Sami Rahman nhấn mạnh tất cả những lực lượng dân quân “đang phải chiến đấu cho sự sống còn của chính họ” bằng võ khí “từ thời thế chiến thứ Hai,” trong khi binh sĩ Iraq có đủ loại võ khí tối tân như súng trường M4, súng chống chiến xa M3 v.v... “là những thừ chúng tôi cần phải có để chiến đấu chống lại quân ISIS.”

Bà Rahman kể lại năm ngoái khi Tổng Thống Obama hứa sẽ bỏ ra 1.6 tỷ dollars thực hiện chương trình huấn luyện và trợ giúp võ khí, “chúng tôi tràn trề hy vọng, tin tưởng trễ nhất là đầu năm 2015 sẽ được hưởng phần của chương trình viện trợ đặc biệt này.” Rất tiếc, bà nói thêm, “đến giờ vẫn chưa thấy gì cả, tất cả những gì Hoa Kỳ hứa hẹn đều dành cho quân đội Iraq, trao trực tiếp cho chính phủ Baghdad, trong khi chính các cố vấn quân sự Mỹ cũng công nhận phần lớn công tác chiến đấu chống ISIS là công tác chúng tôi đang đảm trách.”

Switch mode views: