Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đặc sản


Lần đầu tiên khi đọc thấy hai chữ “đặc sản” trên những trang báo trong nước, tôi đã rất không thích chúng, những từ ngữ mà tôi nghĩ là được đem dùng quá bừa bãi ở Việt Nam. Nhưng nghĩ lại thì những thứ được mô tả bằng hai chữ ấy cũng đúng là đặc sản chứ không phải là không.

Đúng là vì chỉ ở Hà Nội, không ở tại bất cứ một nơi nào khác lại có những tô phở ăn kèm với những lời lẽ thô tục và vô giáo dục của chủ quán. Nói những tô phở chửi đó là đặc sản của Hà Nội thì đúng chứ còn gì nữa.

quanan hanoiMột quán ăn ở Hà Nội (Ảnh minh họa)

Thực ra, đặc sản của Hà Nội không phải chỉ có phở chửi ở phố Bát Đàn, Lý Quốc Sư... mà còn ốc lắm mồm ở đường Hồ Đắc Di, cháo mắng ở chợ Ngô Sĩ Liên ... Những người bán hàng ở những tiệm ăn đó, cứ mở miệng ra là phun toàn những thứ ngôn ngữ mà Nguyễn Trãi đã dạy con gái phải hết sức tránh như trong một bài trong Gia Huấn Ca mà cụ Nguyễn viết cách đây 6 thế kỷ.

Trong những quán ăn đó, khách hỏi xin quả ớt, mấy cọng rau thơm, chút nước dùng, thì nhẹ ra sẽ bị lườm nguýt đổ quán xiêu đình, nặng một chút là bị dăm ba câu xỏ xiên, hay luôn cả mấy câu chửi tục tĩu. Nhưng có một điều lạ là khách vẫn tiếp tục kéo đến chiếu cố những thứ phở, bún kèm theo những câu nói chỏng lỏn, hỗn láo, vô giáo dục đó.

Tại sao những người khách đó không đứng dậy, hất những tô phở những bát bún có kèm theo những câu ăn nói kiểu đó xuống đất và nói thẳng vào mặt những người chủ quán rằng sẽ không bao giờ thèm trở lại những cái quán mất dạy đó nữa. Nhưng hình như chưa có ai làm công việc ấy nên đến nay, các thứ đặc sản đó vẫn còn rất đông khách. Việc tiếp tục ngồi ăn những tô phở, những tô bún trong những lời ăn tiếng nói thô tục oang oang bên cạnh mà lại vẫn thấy ngon miệng để còn tiếp tục trở lại có thể là một dấu hiệu bất bình thường về mặt tâm lý. Nó có thể là bệnh khổ dâm (masochisme), một thứ bệnh tâm lý, người mắc bệnh này sẽ chỉ cảm thấy thích thú trong sinh hoạt sinh lý nếu bị (hay đúng ra phải nói là “được”) đối tác hành hạ về cả hai mặt tâm và sinh lý như sỉ nhục, lăng mạ, bạo hành. Những người mắc bệnh này có khi phải trả tiền thuê để được hành hạ như một nhân vật trong phim Belle De Jour (với Catherine Deneuve).

Đó là trường hợp bệnh hoạn của phía tự nguyện. Nhưng còn những trường hợp không tự nguyện mà bị xúc phạm như các thực khách tại những tiệm phở chửi, cháo mắng ở Hà Nội thì sao?

Tôi nghĩ ở Hà Nội thì không sao. Các chủ quán cứ chửi mắng khách hàng tự nhiên. Những người khách này nghe chửi xong thì vẫn tiếp tục rủ nhau đến ăn, nhiều khi cũng chẳng phải mắc chứng masochisme gì. Thêm nữa, có bực mình thì cũng chẳng làm gì được các bà chủ tiệm mất dậy ấy. Nhưng ở những nơi khác như ở nước Mỹ chẳng hạn, thì những chuyện như vậy không thể tiếp tục được. Thí dụ ngỏ lời xin mấy củ hành trần, quả ớt mà bị chủ tiệm chửi vào mặt là tay sai Mỹ Ngụy (một tội rất nặng, một cái nhãn rất xấu ở Hà Nội), hay thứ Do Thái Zionist, hay khủng bố Al Qaeda, hay gay/lesbian là có chuyện ngay. Người bị chửi sẽ kiếm luật sư lôi chủ quán ra tòa lập tức.

Tòa thấy những lời vu oan đó không có cơ sở thì chủ tiệm bún mắng phở chửi chắc chắn sẽ không vui lắm đâu. Tòa có thể dí cho phía bên kia những khoản tiền phạt khủng (ngôn ngữ Hà Nội) để cho chừa cái trò bún mắng, phở chửi cho hết đặc sản đi.

Switch mode views: