Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hệ lụy của việc Crimée sáp nhập vào Nga

UKRAINE-CRISIS-nga


Những người ủng hộ sáp nhập với Nga biểu tình ở quảng trường Lê Nin, Simféropol, Crimée, 17/03/2014
REUTERS


Trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm qua, 16/03/2014, các cử tri vùng Crimée, với hơn 96% phiếu thuận, đã đồng ý sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Nga, cho dù phương Tây tuyên bố không thừa nhận cuộc bỏ phiếu này.

Câu hỏi đặt ra là việc Crimée sáp nhập vào Nga sẽ dẫn đến những thay đổi gì đối với người dân trên bán đảo này, đối với nước Nga, Ukrain và phương Tây ?

Theo giới phân tích, tình hình trước và sau cuộc trưng cầu dân ý tại Crimée không có gì thay đổi.

Bà Hélène Blanc, một chuyên gia về Nga, được trang francetvinfo trích dẫn, nhận định : Bán đảo Crimée đã bị cắt đứt với thế giới bên ngoài và đã bị quân đội Nga chiếm đóng. Do vậy, trong một chừng mực nào đó, vùng Crimée đã gắn với Nga và cuộc trưng cầu dân ý chỉ nhằm chính thức hóa một tình hình đã tồn tại trên thực tế.

Vả lại, trước cuộc trưng cầu dân ý, vùng Crimée đã được hưởng quy chế tự trị, có một sự độc lập tương đối với chính quyền Kiev.

Về mặt kinh tế, nếu sáp nhập vào Nga, thì vùng Crimée sẽ nhanh chóng chuyển sang dùng đồng Rouble, nhưng sẽ không có thêm các lợi lộc gì vì kinh tế Nga đang gặp khó khăn, tăng trưởng đi xuống, các nhà đầu tư lo ngại các trừng phạt kinh tế và nước Nga bị cô lập trên trường quốc tế.

Ngoài ra, Ukraina đang cung cấp 85% nguồn nước và 82% tổng nhu cầu điện của bán đảo Crimé. Trước mắt, Nga chưa thể thay thế nguồn cung ứng này.

Bị thiệt thòi nhiều nhất là cộng đồng người Tatar, có nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm từ 12 đến 15% tổng dân số vùng Crimée.
 Họ không nói tiếng Nga, không nói tiếng Ukraina, theo đạo Hồi, và bắt đầu di chuyển về phía tây Ukraina.
 Một số chuyên gia không loại trừ nguy cơ cộng đồng Tatar trở thành vật tế thần trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraina.

Đối với Matxcơva, cuộc trưng cầu dân ý cho phép hợp thức hóa hành động dùng vũ lực chiếm Crimée.

Tổng thống Vladimir Poutine muốn chứng mình rằng ông đã hành động một cách hợp pháp, tôn trọng các luật lệ quốc tế.

Cho đến hôm qua, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga vẫn khẳng định cuộc trưng cầu dân ý là phù hợp với công pháp quốc tế.

Mặt khác, một giáo sư công pháp quốc tế khẳng định trên trang web francetvinfo rằng luật pháp quốc tế không cho phép cũng như không cấm ly khai.

Việc sáp nhập Crimée vào Nga bảo đảm cho Matxcơva kiểm soát được căn cứ quân sự ở Sébastopol, có lối tiếp cận trực tiếp ra biển Đen, cho dù việc kiểm soát của Nga tại đây dựa trên một hợp đồng thuê có hiệu lực đến năm 2042.

 Trong khi đó, báo Le Monde cho rằng đây là một thắng lợi mang tính tượng trưng cao cho huyền thoại tái lập một nước Đại Nga.

Trong lĩnh vực kinh tế, có thể đây là dịp để ông Putin thúc đẩy nền kinh tế chiến tranh.
 Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, như ngừng cấp giấy nhập cảnh, phong tỏa tài sản Nga, không làm cho ông Putin lo ngại, nhưng nếu các biện pháp trừng phạt kéo dài, thì kinh tế Nga có thể bị suy yếu và Kremlin bị cô lập.

Thế hệ lụy đối với Ukraina sẽ ra sao ? Đất nước này bị mất đi 27 ngàn km vuông với hai triệu dân và lối đi ra biển Đen.
Cho đến nay, bán đảo Crimée sống chủ yếu dựa vào du lịch, do vậy, Ukraina không chịu tổn thất lớn về kinh tế.

Tuy nhiên, đây là một mất mát mang tính biểu tượng cao đối với chính quyền Kiev trong việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Đồng thời, đây cũng là một thất bại về ngoại giao của phương Tây. Cho đến tận sát ngày tổ chức trưng cầu dân ý, các nước Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn cố tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina, với nhiều cảnh báo, đe dọa trừng phạt, cô lập Nga.

Thế nhưng, theo bà Hélène Blanc, cho đến nay, chỉ có « Hoa Kỳ và trong một chừng mực hạn hẹp nào đó là Đức, là có thể đối thoại với ông Putin ».

Hơn nữa, ông Putin bỏ ngoài tai mọi lời kêu gọi của phương Tây và tùy theo từng đối tác, ông có ứng xử khác nhau.
 Hậu quả là Nga là phương Tây hoàn toàn không hiểu nhau nữa.

 Theo chuyên gia này, « người Nga là những kỳ thủ tuyệt vời, họ dự ứng trước tất cả các nước đi của đối thủ » và không lộ ra chiến lược của mình.

Cho đến nay, nhiều nước Châu Âu vẫn tiếp tục lo lắng về « mối đe dọa bị cắt cung ứng khí đốt mà không báo trước », từ phía Nga.

 Bà Hélène Blanc nhận định : « Sai lầm cơ bản của Châu Âu là không phát triển một chính sách rõ ràng và có phối hợp giữa 28 thành viên, họ hài lòng với những phản đối nhỏ nhoi thay vì cùng nhau tiến hành một cuộc đối thoại cứng rắn » với Nga.



Switch mode views: