Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Putin sẵn sàng bỏ rơi Ianoukovitch ?

EU RUSSIA Putin


Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu - Nga tại Bruxelles ngày 28/01/2014.
REUTERS/Yves Herman


Trước cuộc họp Thượng đỉnh với Nga ngày 28/01/2014 tại Bruxelles, giới lãnh đạo Châu Âu lo ngại hội nghị diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, giá lạnh, do cuộc đọ sức, tranh giành ảnh hưởng giữa hai bên trong hồ sơ Ukraina.

Thế nhưng, Thượng đỉnh lần này trùng hợp với những biến chuyển mạnh mẽ ở Ukraina và Châu Âu nhận thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin tỏ ra không đến nỗi cứng rắn lắm.
Thậm chí có nhiều dấu hiệu cho thấy người đứng đầu điện Kremlin dường như sẵn sàng bỏ rơi Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch.

Cách nay vài tuần, Nga đã hả hê trước việc chính quyền Ukraina từ chối xích lại gần Châu Âu về kinh tế và chính trị, đình hoãn vô thời hạn việc ký hiệp định liên kết với Bruxelles.

Thế nhưng, trước sức ép liên tục của phe đối lập, hôm qua, Thủ tướng Ukraina Mykola Azarov phải từ chức, Quốc hội Ukraina hủy bỏ các đạo luật trấn áp, ngăn cấm biểu tình. Chiếc ghế của Tổng thống Ianoukovitch bị lung lay.

Là người có đầu óc thực tế, ông Putin đã đưa ra những thông điệp có thể diễn giải là Matxcơva không còn « cố đấm ăn xôi » đánh cược vào con ngựa Ianoukovitch nữa.

Trong cuộc họp Thượng đỉnh với Châu Âu, kéo dài có ba tiếng đồng hồ, tại Bruxelles, Tổng thống Putin tuyên bố :
« Nước Nga tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia, kể cả những quốc gia trỗi dậy từ sự sụp đổ của Liên Xô. Chúng tôi sẽ thảo luận với mọi chính phủ ».
Lời hứa hẹn này đã làm cho Châu Âu phần nào thở phào nhẹ nhõm.

Tín hiệu thứ hai là trong cuộc họp báo chung, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barosso khẳng định rằng nguyên thủ Nga không chống lại nguyên tắc phát triển quan hệ đối tác sang phía đông của Liên Hiệp Châu Âu, trong đó bao gồm cả Ukraina.
 Tuy nhiên, Tổng thống Putin muốn biết chính sách này của Châu Âu sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế Nga. Do vậy, một nhóm chuyên gia sẽ được thành lập để nghiên cứu.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy, hy vọng sẽ thuyết phục được Matxcơva rằng chính sách hướng đông sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia láng giềng của Liên Hiệp Châu Âu, kể cả nước Nga.

Một dấu hiệu khác cho thấy dường như nguyên thủ Nga đã chấp nhận thua trong cuộc đọ sức với Châu Âu kể từ mùa thu năm ngoái : Ông Putin thông báo rằng khoản tín dụng 15 tỷ đô la và việc giảm giá khí đốt mà Nga dành cho Ukraina dưới thời Tổng thống Ianoukovitch vẫn sẽ được duy trì trong mọi hoàn cảnh, bởi vì, những khoản này này « nhằm giúp đỡ nhân dân Ukraina, chứ không phải chính phủ, bất kể chính phủ nào ».

Giới lãnh đạo Châu Âu dường như đang trên đường giành được thắng lợi : Đó là làm tái hiện một giải pháp chính trị khả dĩ thay thế chính quyền hiện tại.

Phe đối lập thân Châu Âu, chứ không phải chế độ của Tổng thống Ianoukovitch, giờ đây được coi là người đối thoại ưu tiên của các sứ giả Châu Âu trong việc tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng.

Khác với Thái Lan, nơi mà phe đối lập Áo Vàng đòi giải thể chính phủ dân cử và lập một « hội đồng nhân dân » để tiến hành cải cách chính trị trước khi tổ chức bầu cử, Ukraina là một nền dân chủ, tuy còn non trẻ. Giải pháp mà Châu Âu gợi ý từ mấy ngày qua là tổ chức các cuộc bầu cử trước thời hạn.

Thế Vận Hội mùa đông Sotchi khai mạc trong vài ngày nữa. Tổng thống Putin coi sự kiện này là tủ kính của nước Nga và do vậy, có thể ông chấp nhận « hưu chiến ».

Châu Âu phải tranh thủ thời cơ buộc Tổng thống Nga giữ lời hứa và nhanh chóng giải quyết thách thức Ukraina.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Van Rompuy ngay lập tức đã nêu vấn đề hiệp định liên kết chính trị và thương mại mà Tổng thống Ianoukovitch đã từ chối hồi tháng 11 năm ngoái.

 Lãnh đạo Châu Âu nói : « Chúng tôi sẵn sàng ký (hiệp định) ngay khi Ukraina có thể làm được việc này ».


Switch mode views: