Tự do mậu dịch: châu Âu và Việt Nam chạy đua với thời gian
- Thứ Hai, 15 tháng Mười năm 2018 16:03
- Tác Giả: Thanh Phương
Đại diện ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, bà Catherine Ashton (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến thăm Việt Nam ngày 12/08/2014.REUTERS/Kham
Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Nghị Viện Châu Âu ngày 10/10/2018 vừa tổ chức một buổi điều trần về Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo vệ đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Việt Nam.
Theo lộ trình dự kiến, Ủy Ban Châu Âu sẽ gửi hồ sơ lên Hội Đồng Châu Âu để xin ủy nhiệm ký hiệp định.
Sau khi được ký, hiệp định sẽ được Hội Đồng Châu Âu trình lên Nghị Viện Châu Âu để các nghị sĩ bỏ phiếu phê chuẩn.
Vấn đề là thời gian hiện nay khá gấp rút, vì cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu khóa mới sẽ diễn ra vào tháng 5/2019, nếu các nghị sĩ châu Âu không thông qua trước thời điểm đó thì hai bên còn phải chờ thêm nhiều tháng nữa.
Mời quý vị nghe phần phỏng vấn trưởng phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, Bruno Angelet, qua điện thoại ngày 03/10/2018 về tiến trình ký kết và phê chuẩn hiệp định tự do mậu dịch giữa EU với Việt Nam.
RFI:Thưa ông Bruno Angelet, trước hết xin ông cho biết là hiệp định tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu sẽ mang lại những mối lợi nào cho Việt Nam?
Bruno Angelet:
Trước hết, do mức độ phát triển hiện nay của Việt Nam, nhiều quốc gia và các nhà tài trợ chính đã chấm dứt các chương trình phát triển với Việt Nam.
Vì Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triển nữa, nên các nhà tài trợ chính, các nước Liên Hiệp Châu Âu và khối Liên Hiệp Châu Âu đã thiết lập một đối tác mang tính chính trị hơn với Việt Nam, và sự hợp tác giữa hai bên tập trung nhiều hơn vào kinh tế, để thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Do Việt Nam hiện nay có một nền kinh tế phát triển hơn, phải bảo đảm làm sao cho những thành quả phát triển này được bền vững.
Chúng tôi cho rằng để bổ sung cho hợp tác phát triển mà chúng tôi tiến hành từ 20 năm qua, cần phải củng cố đối tác giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam bằng một hiệp định tự do mậu dịch. Đây là điểm đầu tiên rất quan trọng
Thứ hai, hiệp định tự do mậu dịch sẽ giúp cho Việt Nam thâm nhập thị trường duy nhất của Liên Hiệp Châu Âu, hàng hóa từ Việt Nam vào EU được miễn thuế nhập khẩu, qua đó làm gia tăng mạnh trao đổi thương mại giữa hai bên.
Hiện giờ kinh tế Việt Nam có quy mô tương đương với nước Bỉ của tôi, đối diện với Việt Nam là Liên Hiệp Châu Âu, nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Dĩ nhiên là trước mắt chúng tôi phải để cho phía Việt Nam hưởng nhiều mối lợi hơn là phía Liên Hiệp Châu Âu.
Hàng được miễn thuế, Việt Nam sẽ xuất khẩu sang châu Âu nhiều hơn so với hiện nay, nhất là thực phẩm: rau quả, thịt, hải sản...
Liên Hiệp Châu Âu chủ yếu xuất khẩu những máy công cụ để giúp Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa. Hàng của châu Âu trong tương lai sẽ rẻ hơn, Việt Nam sẽ có thể mua nhiều hơn thiết bị để phục vụ cho công nghiệp hóa.
Mối lợi thứ ba: hai bên không chỉ ký hiệp định tự do mậu dịch mà còn ký hiệp định về bảo vệ đầu tư, để tạo thuận lợi cho đầu tư của châu Âu ở Việt Nam.
Đầu tư của châu Âu có chất lượng rất tốt, các nhà đầu tư của chúng tôi rất quan tâm đến môi trường, đến các quyền xã hội.
Hiện giờ Liên Hiệp Châu Âu đã là nhà đầu tư hàng đầu trong ASEAN, ở Ấn Độ, Hoa Kỳ. Ở Việt Nam, Liên Hiệp Châu Âu chỉ mới chiếm thứ hạng 5, nhưng với hiệp định bảo về đầu tư, chúng tôi hy vọng sẽ gia tăng khối lượng đầu tư.
Việt Nam cũng đang muốn đa dạng hóa nguồn đầu tư, để không chỉ phụ thuộc vào đầu tư của các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc.
Mối lợi thứ tư, rất quan trọng, là về mặt địa chính trị, đối với Liên Hiệp Châu Âu lẫn Việt Nam.
Trước hết, với hiệp định tự do mậu dịch, Việt Nam sẽ củng cố vị thế cửa ngỏ cho xuất khẩu và đầu tư của châu Âu vào toàn khối ASEAN, và nâng cao sức cạnh tranh của mình so với các thành viên khác của ASEAN.
Liên Hiệp Châu Âu không chỉ muốn ký hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam, mà còn với toàn bộ các thành viên ASEAN, thậm chí ký hiệp định giữa hai khối với nhau. Hiệp định mà chúng tôi ký với Việt Nam chắc chắn sẽ làm tăng sức hấp dẫn của Liên Hiệp Châu Âu đối với toàn bộ khu vực.
Điểm cuối cùng cũng rất quan trọng, đó là hiệp định tự do mậu dịch này sẽ giúp nâng cao trình độ và chất lượng của nền kinh tế Việt Nam, bởi vì cùng với việc xâm nhập thị trường duy nhất châu Âu, Việt Nam phải tuân thủ các chuẩn mực và tiêu chuẩn của Liên Hiệp Châu Âu, điều này sẽ buộc các doanh nghiệp phải cải tiến chất lượng sản phẩm, về lâu dài sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đối với toàn vùng.
RFI:Thưa ông Bruno Angelet, vậy thì những lý do nào đã khiến việc ký kết hiệp định bị chậm trễ như vậy?
Bruno Angelet:
Sự chậm trễ là do chúng tôi phải tính đến khuyến nghị của Tòa án Công lý châu Âu.
Tòa án này vào năm ngoái đã quyết định rằng các hiệp định tự do mậu dịch mà Liên Hiệp Châu Âu ký với các nước như Việt Nam phải theo một thủ tục phê chuẩn mới.
Trong quá khứ, khi Liên Hiệp Châu Âu ký một hiệp định với một nước nào đó, Nghị Viện Châu Âu và Quốc Hội mỗi nước sẽ phê chuẩn hiệp định này.
Nhưng từ khi Ủy Ban Châu Âu có thẩm quyền thương lượng luôn cả hiệp định bảo vệ đầu tư, Tòa án Công lý châu Âu khuyến nghị là Nghị Viện Châu Âu chỉ phê chuẩn về thương mại, còn về vế đầu tư thì phải tiếp tục tham vấn Quốc Hội các nước.
Khuyến nghị nói trên của Tòa án Công lý châu Âu buộc chúng tôi phải soạn thảo lại hiệp định, chia văn bản thành hai phần.
Chính công việc mang tính kỹ thuật này đã khiến chúng tôi mất hết cả năm 2017.
Cho nên, chúng tôi hơi bị chậm trễ trong tiến trình ký kết hiệp định.
Bây giờ, chúng tôi đã vượt qua mọi trở ngại về kỹ thuật, tôi nghĩ là chỉ vài tuần nữa là sẽ có thể ký được hiệp định.
Ở Bruxelles, chúng tôi đang tiến hành giai đoạn cuối cùng là dịch bản hiệp định sang ngôn ngữ của 22 nước thành viên Hội Đồng Châu Âu.
Công việc này trên nguyên tắc sẽ kết thúc vào giữa tháng 11.Sau đó Ủy Ban Châu Âu sẽ thông qua văn bản trong nội bộ, rồi chuyển hiệp định đến các quốc gia thành viên của Hội Đồng và yêu cầu Hội Đồng bật đèn xanh để ký kết.
Tôi nghĩ là đến đầu năm 2019, chúng tôi sẽ được Hội Đồng cho phép ký hiệp định với Việt Nam trong những tháng đầu năm tới. Đây là một dự báo khá là thực tế.
RFI: Thưa ông Angelet, liệu nhân quyền có sẽ là một yếu tố gây cản trở việc phê chuẩn hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu? Phía EU đặt vấn đề này như thế nào với Việt Nam?
Bruno Angelet:
Trong khuôn khổ đối tác với Việt Nam, chúng tôi thường xuyên đề cập đến vấn đề này và hai bên vẫn có cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền, một cuộc đối thoại rất quan trọng và không phải là dễ dàng.
Đúng là trong vòng 20, 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể về xóa đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện xã hội – kinh tế cho người dân. Nhưng mặt khác, cũng đúng là Việt Nam còn cần phải có nhiều tiến bộ về việc tôn trọng các quyền tự do căn bản, các quyền dân sự và chính trị của người dân.
Ngoài đối thoại thường niên về nhân quyền với Việt Nam, chúng tôi cũng hợp tác và trợ giúp về kỹ thuật về nhân quyền, đồng thời cũng nêu lên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong khuôn khổ Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève.
Liên quan đến hiệp định tự do mậu dịch, các nguyên tắc và các giá trị của châu Âu được ghi trong phần mở đầu của hiệp định.
Việc thẩm định sự tôn trọng các giá trị và nguyên tắc đó sẽ được tiến hành một khi hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Việt Nam được thực hiện.
Chúng tôi cũng cần có sự bảo đảm là Việt Nam có quyết tâm và có khả năng tuân thủ các cam kết của mình, nhất là những cam kết được ghi trong hiệp định.
Các hiệp định tự do mậu dịch mới mà Liên Hiệp Châu Âu ký với các nước như Việt Nam nay cũng có cả một chương về phát triển bền vững, bao gồm những cam kết về quyền lao động, chống đánh bắt cá trái phép, chống buôn lậu gỗ...
Đối với những nước như Việt Nam, đó là những cam kết mang đầy tham vọng, vì nó đòi hỏi Việt Nam phải có khả năng thiết lập một khuôn khổ lập pháp hiện đại, một đòi hỏi gắt gao.
Chúng tôi cũng trợ giúp về mặt kỹ thuật cho chính phủ và các tỉnh để bảo đảm là khuôn khổ lập pháp đó được tôn trọng.
Việt Nam cũng phải có những cam kết quốc tế về quyền lao động.
Chúng tôi đang chờ xem chính phủ Việt Nam có đưa vào dự luật lao động mới ( có thể sẽ được trình Quốc Hội vào năm tới ) một lộ trình phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế hay không.
Đó là những cam kết đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, nhưng sẽ đưa Việt Nam lên một nấc cao hơn và giúp Việt Nam phát triển một xã hội trình độ cao hơn và hiện đại hơn so với các nước láng giềng.
Tôi hiểu rằng Nghị Viện Châu Âu có những đòi hỏi gắt gao hơn về nhân quyền và tôi không biết là khi được đưa ra phê chuẩn ở Nghị Viện, hiệp định sẽ nhận được đa số phiếu như thế nào.
Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam chắc chắc được thảo luận, được tranh luận nhiều hơn.
RFI:Thưa ông Bruno Angelet, trong vài tháng nữa, tháng 05/2019, sẽ diễn ra bầu cử Nghị viện châu Âu. Thời gian từ đây đến đó liệu có đủ cho việc ký kết và phê chuẩn hiệp định không?
Bruno Angelet:
Đúng là lịch trình hiện nay khá là sát sao. Nếu các quốc gia thành viên bật đèn xanh cho Ủy Ban Châu Âu ký hiệp định này với Việt Nam vào đầu năm 2019, rất có thể là thời gian sẽ quá ngắn để Nghị Viện Châu Âu hoàn tất các cuộc tranh luận về phê chuẩn hiệp định trước kỳ bầu cử.
Như vậy là Nghị viện mới, một khi được bầu lên và được sắp xếp xong, sẽ tiếp tục công việc và kết thúc tiến trình phê chuẩn.
RFI:Xin cám ơn ông Bruno Angelet, trưởng phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam.
Related news items:
Tin mới
- Pháp: cải tổ nội các sâu rộng sau hai tuần bế tắc - 16/10/2018 18:45
- Giáo hội Chính thống giáo rạn nứt từ những hiềm khích chính trị - 16/10/2018 15:56
- Vụ nhà báo mất tích : Nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út khám soát tòa lãnh sự của Riyad - 16/10/2018 14:26
- Công nhận Jerusalem : thủ tướng Úc trấn an trước áp lực - 16/10/2018 14:04
- Paul Allen, nhà đồng sáng lập hãng Microsoft qua đời - 16/10/2018 13:44
- TT Hàn Quốc cố thuyết phục Paris "nương tay" với Bình Nhưỡng - 15/10/2018 19:06
- Pháp: Chìa khóa giúp tháo gỡ cô lập ngoại giao cho Bình Nhưỡng? - 15/10/2018 18:54
- Dự án giao thông sắt, bộ nối Nam-Bắc Triều Tiên sắp khởi công - 15/10/2018 18:35
- Giáo hoàng hy vọng đi thăm Bắc Triều Tiên vào mùa xuân tới - 15/10/2018 17:40
- Trung Quốc than phiền về những tín hiệu "lộn xộn" từ Washington - 15/10/2018 16:48
Các tin khác
- Động đất - sóng thần: Ngân Hàng Thế Giới trợ giúp 1 tỷ đô la cho Indonesia - 14/10/2018 22:03
- Tổng thống Hàn Quốc công du Pháp tìm hậu thuẫn cho hòa bình Triều Tiên - 14/10/2018 21:47
- Malaysia: Ứng viên thủ tướng tương lai đắc cử dân biểu - 14/10/2018 20:01
- Cam Bốt sẵn sàng tái lập chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích - 14/10/2018 18:48
- Hội Đồng Nhân Quyền LHQ: Nhiều thành viên mới bị tố "thiếu tư cách" - 13/10/2018 23:16
- Bầu cử bổ sung: Hồng Kông cấm cửa một cựu đại biểu ủng hộ độc lập - 13/10/2018 22:57
- Công dân Mỹ hoạt động nhân đạo vẫn bị cấm đến Bắc Triều Tiên - 13/10/2018 22:48
- Vụ nhà báo Khashoggi mất tích: Riyad cực lực bác bỏ cáo buộc sát nhân - 13/10/2018 22:40
- Thổ Nhĩ Kỳ phóng thích mục sư Mỹ Andrew Brunson - 13/10/2018 22:33
- Ngũ Giác Đài ra lệnh ngưng bay các chiến đấu cơ F-35 trên toàn thế giới - 13/10/2018 00:41