Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phải chăng tổng thống Mỹ đang làm kinh tế thế giới suy yếu?

Kinhte usa-trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước các ủng hộ viên tại vận động trường WesBanco Arena nhân một cuộc mít tinh tại Wheeling, Tây Virginia (Hoa Kỳ), ngày 29/09/2018.
REUTERS/Mike Theiler

Khẩu hiệu « Nước Mỹ trước đã » của tổng thống Mỹ không có gì đặc biệt và cũng hợp lẽ.

 Liệu có nguyên thủ nào sẽ không nói với người dân của mình đất nước là trên hết ?
Nhưng với khẩu hiệu này, tổng thống Mỹ đang gây hỗn loạn trong nền kinh tế thế giới hiện nay.

Giới chuyên gia e ngại các quyết định gây căng thẳng thương mại của Donald Trump có nguy cơ phá hỏng các chuẩn mực truyền thống về kinh tế thị trường.

Kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng, các chính sách kinh tế của Mỹ đã làm chao đảo các đối tác.
Châu Âu bị cản trở làm ăn với Iran vì các lệnh cấm vận. Các nước mới trỗi dậy điêu đứng do lệ thuộc vào nguồn xuất khẩu nguyên nhiên liệu cho Trung Quốc, vốn dĩ cũng đang vật vã vì cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
 Riêng chỉ có nước Mỹ của Donald Trump là vẫn « bình an vô sự ».

Với khẩu hiệu « Nước Mỹ trước đã », Hoa Kỳ của ông Donald Trump lao vào một trận đấu chưa từng có : Một mình chống lại cả thế giới.

Chỉ có điều, nước Mỹ đã quên vai trò trách nhiệm đặc biệt của họ khi thực thi các quyền về kinh tế và chính trị.
Hơn bao giờ hết Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên hành tinh có rất nhiều « đặc quyền », trong số này có ít nhất là ba mà Le Figaro trong một bài phân tích đăng ngày 29/09/2018 đánh giá là « thái quá ».

Thứ nhất, đó là thế bá quyền của đồng đô la.

Ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, tờ giấy bạc xanh của Mỹ là đồng tiền duy nhất trên thế giới có khả năng quy đổi ra vàng theo khuôn khổ của Thỏa thuận Bretton Woods năm 1944.

Cũng chính Mỹ năm 1971 quyết định thả nổi đồng đô la, không gắn đồng tiền với vàng nữa vì những khoản thâm thủng ngân sách mà cuộc chiến Việt Nam đã gây ra. Và cũng từ lúc đó, nhiều nền kinh tế trên thế giới trở nên phụ thuộc vào đô la Mỹ, gần như coi đồng tiền Mỹ là bản vị thay cho vàng.

Cùng với thị trường chứng khoán Wall Street và hệ thống ngân hàng, đồng đô la của Mỹ tiếp tục chiếm thế thượng phong, đè bẹp các đối thủ khác.
Thế nhưng, bộ Tài Chính và Ngân hàng Trung ương Mỹ FED chưa bao giờ muốn nhìn nhận trách nhiệm cố hữu gắn với vai trò lãnh đạo.

Lời phát biểu nổi tiếng « Đồng đô la là đồng tiền của chúng tôi, nhưng đó chính là vấn đề của quý vị » của ông John Connall, bộ trưởng Tài Chính Mỹ năm 1970 đến giờ vẫn còn mang tính thời sự.
Mà ví dụ điển hình hiện nay là ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina, Brazil đang ngã sóng xoài, liệu FED có quan tâm xem xét đến những nước mới trỗi dậy đó hay không, vốn dĩ đang gánh những khoản nợ khổng lồ bằng đô la ?

Giới quan sát nghi ngờ khả năng sắp tới Hoa Kỳ còn tăng lãi suất chỉ đạo.

Thứ hai là vai trò thống lĩnh mà các tập đoàn đa quốc gia Mỹ nắm giữ trong trao đổi mậu dịch thế giới.

Những tập đoàn này có vai trò trụ cột và kiêu căng. Nhưng cuộc chiến thương mại cho thấy họ cũng lo ngại, kể cả đối với Trung Quốc, nước bị coi khinh là chỉ là kẻ thừa hành, nhưng vẫn phải có cách đối xử.
Vô ích, chủ nhân Nhà Trắng quyết định áp thuế 200 tỷ đô la hàng nhập khẩu « Made in China ».
Nguyên thủ Mỹ tin rằng các công nhân Trung Quốc chịu tác động nhiều hơn là người tiêu thụ Mỹ.

Sau cùng là việc áp dụng « nguyên tắc ngoài lãnh thổ » mà mới đây nhất là lệnh trừng phạt nhắm vào Iran, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp châu Âu đã mở cơ sở làm ăn tại nước Cộng Hòa Hồi Giáo sau khi ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Tóm lại, trong lĩnh vực kinh tế, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ không phải đang áp dụng nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Trái lại, các quyết định của ông mang tính chất « cuộc chơi có tổng bằng không ».
 Do vậy, để thực hiện khẩu hiệu « Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại » mà ông tôn sùng, thì cần phải hạ gục các nước khác.

 Và phương châm này đồng nghĩa với việc phá hủy chuẩn mực vốn có của nền kinh tế thị trường thế giới.

Switch mode views: