Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thụy Điển: Dọ thám người tị nạn Tây Tạng, một người Hoa bị kết án

tay tang

Người tị nạn Tây Tạng tại Thụy Điển.
©Tibetan community in sweden

Một người Trung Quốc hôm 15/06/2018 đã bị tòa án Thụy Điển tuyên án 22 tháng tù vì đã dọ thám cộng đồng người tị nạn Tây Tạng tại quốc gia Bắc Âu này, thu thập các tin tức cho Bắc Kinh.

Dorjee Gyantsan, 49 tuổi, bị tòa khẳng định đã trà trộn vào cộng đồng người Tây Tạng gồm khoảng 130 người sống tại Thụy Điển, để thu thập các thông tin về nghề nghiệp, tình trạng gia đình và hoạt động chính trị của họ.

 Sau đó những tin tức này được chuyển giao cho tình báo Trung Quốc để được nhận tiền thưởng.

Tòa án Södertörn ở phía nam Stockholm nhận định bị cáo đã « tiến hành một chiến dịch rộng rãi, gây nguy hiểm cho những người gốc Tây Tạng tại Thụy Điển cũng như gia đình họ còn ở Tây Tạng ».
Kết luận của tòa dựa trên nhiều chứng cứ, các cuộc tiếp xúc của Dorjee với cộng đồng Tây Tạng, những cuộc gọi điện thoại và những chuyến đi của bị cáo.

Dorjee Gyantsan, có cha người Trung Quốc và mẹ người Tây Tạng, đã từ Hoa lục sang Népal trong thập niên 90.
Ông ta đến Thụy Điển vào đầu những năm 2000 với tư cách người tị nạn Tây Tạng được Liên Hiệp Quốc bảo trợ, tuy nhiên sử dụng nhiều danh tính khác nhau.

Dorjee tham gia nhiều cuộc biểu tình chống chính sách Trung Quốc tại Tây Tạng, nhất là tại Na Uy, nơi ông ta đưa tin về chuyến viếng thăm của Đạt Lai Lạt Ma trong vai phóng viên của đài phát thanh Voice of Tibet (Tiếng nói Tây Tạng).

Tòa án khẳng định Dorjee Gyantsan đã gặp bí thư đại sứ quán Trung Quốc ở Ba Lan rất nhiều lần để chuyển tin.
Bị cáo không nhận tội và cho biết sẽ kháng cáo.

Hoạt động gián điệp của Dorjee Gyantsan kéo dài từ tháng 7/2015 đến khi bị cơ quan tình báo Thụy Điển bắt giữ vào tháng 2/2017.
Lúc bị bắt khi từ Ba Lan về, ông ta có 6.000 đô la tiền mặt giấu trong các hộp thuốc.

Từ sau khi chiếm Tây Tạng năm 1951, Trung Quốc thường xuyên dọ thám những người tị nạn, nhằm ngăn cản họ tố cáo chế độ Bắc Kinh.

 

Switch mode views: