Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhà vật lý Stephen Hawking qua đời

stephen hawking

Nhà vật lý Stephen Hawking tại Luân Đôn, tháng 2/2015.
AFP PHOTO / JUSTIN TALLIS

Nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking, với thân hình tàn tật gắn với chiếc xe lăn, phải trình bày suy nghĩ của mình qua máy tính, đã qua đời hôm qua, 13/03/2018, ở tuổi 76.

Ông đã vượt lên trên số phận nghiệt ngã để cống hiến cả cuộc đời cho những khám phá bí ẩn của vũ trụ, làm nên những công trình khoa học phi thường.

Stephen Hawking sinh ra tại Oxford ngày 8 tháng Giêng 1942, đúng vào ngày trước đó 300 năm, thiên tài Galilê (Galileo Galilei) qua đời.

 Cha ông là một nhà sinh học mong muốn con trai theo nghiệp mình học y khoa tại Oxford. Thế nhưng, chàng thanh niên Stephen đã trót say mê toán học.
Ở vào thời kỳ đó, toán học không được giảng dạy trong các trường đại học danh giá của Anh, thế là anh chuyển sang theo học môn vật lý.

Sau 3 năm học tại Oxford, Stephen đến Cambridge tiếp tục nghiên cứu thiên văn.
 Khi vừa bước sáng tuổi 21, ông phát hiện mình bị chứng bệnh thoái hóa thần kinh gây liệt có tên gọi là bệnh Charcot. Các bác sĩ lúc đó dự đoán ông chỉ còn có hai năm trên cõi đời này.

    Đọc thêm :Vén màn bí ẩn huyền thoại Stephen Hawking

Số phận thật nghiệt ngã đã đẩy Stephen Hawking rơi vào trầm cảm nặng. Ông chỉ thoát ra được khi gặp Jane Wilde, một nữ sinh viên ngôn ngữ học, mà ông kết hôn năm 1965.
Hai vợ chồng có được 3 người con, nhưng đã ly dị nhau sau 30 năm chung sống.
Năm 2006, Stephen Hawking kết hôn lần thứ 2.

Với căn bệnh quái ác, cơ thể của Stephen Hawking ngày càng thoái hóa không cưỡng lại được.
 Từ năm 1974, ông đã không thể tự mình ăn uống, ra khỏi giường. Đến năm 1985, Stephen đã bị mất tiếng nói.
Thế nhưng tinh thần, trí tuệ của con người tật nguyền đó thì lại nguyên vẹn và luôn hướng tới mục tiêu tìm hiểu tại sao vũ trụ này tồn tại và nó vận hành thế nào.

Stephen lao vào các nghiên cứu khái niệm vật lý và thiên văn học và cho ra đời những ý tưởng, khám phá độc đáo về các hiện tượng Big Bang và hố đen vũ trụ.
Từ đó, sự nghiệp của nhà vật lý đã tỏa sáng và ông nhận rất nhiều danh dự và phần thưởng, mới 32 tuổi được bầu vào Royal Society, một viện hàn lâm khoa học danh tiếng của Anh.
Năm 1980, ông được công nhận là giáo sư toán học danh dự đại học Cambridge (Lucasian Chair of Mathematics).

Các công trình nghiên cứu về nguồn gốc vũ trụ được nhà lý thuyết vật lý Hawking tập hợp cô đọng trong cuốn sách “ Câu chuyện ngắn của thời gian”, xuất bản năm 1988, trong đó ông giải thích cho công chúng về các nguyên tắc chính của vũ trụ, về Big Bang.
Cuốn sách bán được tới 9 triệu bản từ khi phát hành.

Stephen Hawking trở thành biểu tượng của một nhà khoa học gần gũi công chúng, ông liên tục tham dự các hoạt động cổ vũ nghiên cứu khoa học.
Tóm lại, Stephen Hawking là hiện thân của nghị lực sống vượt trên số phận.

Switch mode views: