Trung Quốc siết chặt gọng kềm quanh các tập đoàn tư nhân nợ nần
- Thứ Hai, 26 tháng Hai năm 2018 22:02
- Tác Giả: Thụy My
Trụ sở tập đoàn bảo hiểm tư nhân An Bang tại Bắc Kinh.
REUTERS/Jason Lee/File Photo
Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát đối với các tập đoàn tư nhân ?
Nhiều nhà phân tích dự báo như thế, sau khi Bắc Kinh nắm lấy An Bang, tập đoàn bảo hiểm lớn thứ ba Trung Quốc, với quyết tâm kết thúc các rủi ro tài chính của nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Cơ quan giám sát các định chế bảo hiểm, hôm thứ Sáu tuần trước đã gây ngạc nhiên khi loan báo sẽ nắm quyền lãnh đạo ít nhất trong vòng một năm, đối với tập đoàn An Bang (Anbang), nổi tiếng với thương vụ mua lại khách sạn sang trọng Waldorf Astoria ở New York năm 2014.
Trong những năm gần đây, An Bang liên tục mua lại các công ty ngoại quốc, chủ yếu bằng vốn vay.
Việc đặt tập đoàn này dưới quyền kiểm soát của Nhà nước – một biện pháp chưa từng có tại Trung Quốc đối với một công ty tư nhân – nay là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh không khoan nhượng trước núi nợ khổng lồ của các công ty lớn.
Nhà kinh tế Trung Quốc Hồ Tinh Đẩu (Hu Xingdou) ở Bắc Kinh nhấn mạnh : « Nếu An Bang bị mất khả năng thanh toán, sẽ có cả một trận lở đất tín dụng xấu trút xuống hệ thống tài chính ».
An Bang là tập đoàn tư nhân đầu tiên trở thành đối tượng của biện pháp triệt để này, từ khi Bắc Kinh tung ra đợt tấn công nhắm vào khu vực tư nhân, nhằm giảm bớt các món đầu tư ra nước ngoài, cũng như nợ nần.
Trong số đó có thể kể tập đoàn Hải Hàng (HNA, về hàng không không gian, du lịch, khách sạn), Vạn Đạt (tức Wanda, chuyên về địa ốc, điện ảnh, khu vui chơi), Phục Tinh (tức Fosun, sở hữu công ty du lịch Club Med và tập đoàn hàng hiệu Lanvin ở Pháp).
Được thành lập năm 2004, An Bang lúc đầu chỉ là một công ty bảo hiểm nhỏ, rồi trở nên phát đạt nhờ bán các sản phẩm bảo hiểm với hứa hẹn lãi cao.
Kết quả là chỉ trong vài năm, An Bang trở thành một người khổng lồ tài chính.
Ngoài Waldorf Astoria, được mua lại với giá 1,95 tỉ đô la, An Bang còn nuốt gọn nhiều công ty bảo hiểm ngoại quốc.
Tập đoàn này còn dòm ngó cả tập đoàn khách sạn Mỹ Starwood, hồi đầu năm 2016 đã đề nghị mua lại với giá 14 tỉ đô la.
Nhưng chiến dịch của chính quyền Bắc Kinh nhằm ngưng lại các hoạt động tài chính nhiều rủi ro, đã chấm dứt việc huy động vốn hàng loạt của An Bang.
Christopher Balding, giáo sư kinh tế ở trường đại học Bắc Kinh nhận định : « Đây là vấn đề trầm trọng » đối với tập đoàn bảo hiểm, vì An Bang phải tiếp tục bảo đảm các cam kết tài chính đối với khách hàng.
Chuyên gia này nhấn mạnh : « Nếu một doanh nghiệp trị giá 315 tỉ đô la như An Bang bị buộc phải giảm lượng tài sản dù chỉ 20%, thì rất lớn, kể cả đối với tiêu chuẩn Trung Quốc ».
Sắp tới, An Bang có thể phải bán đi nhiều tài sản.
Những cái nhìn nay đang hướng về phía các tập đoàn khác, cũng lao vào cơn sốt mua các công ty ngoại quốc, và gánh nhiều nợ nần.
Một số đã bắt đầu chiến lược thu gọn lại quy mô, như Vạn Đạt, đã bán ra hàng tỉ đô la tài sản để duy trì khả năng thanh toán.
Nhưng sự kiện Nhà nước nắm lấy An Bang đã tạo ra tiền lệ trong việc can thiệp vào khu vực tư nhân.
Đối với Fraser Howie, đồng tác giả một cuốn sách về hệ thống tài chính Trung Quốc, lời hứa thường xuyên của chính quyền là sẽ trao vai trò lớn hơn cho thị trường dường như « chẳng có giá trị gì ».
Ông cho rằng : « Sắp tới ít có khả năng cơ quan quản lý lại nắm quyền kiểm soát các tập đoàn tư nhân khác. Tuy nhiên hầu như chắc chắn rằng chính quyền sẽ tổ chức việc bơm thêm vốn và tái cấu trúc ».
Việc nắm quyền kiểm soát An Bang còn có một ý nghĩa khác, đó là đảng Cộng Sản Trung Quốc nay là người lãnh đạo trên thực tế Waldorf Astoria.
Các nhà phân tích nhấn mạnh, một sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước như thế có thể khiến các cơ quan quản lý các nước không chấp nhận đầu tư Trung Quốc trong tương lai.
Với sức mạnh tài chính của mình, chính quyền Trung Quốc cần phải chận đứng các rủi ro. Nhưng theo Christopher Balding, trường đại học Bắc Kinh, Trung Quốc cũng chịu một phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng hiện nay.
Lâu nay Bắc Kinh luôn khuyến khích các công ty lớn « xông ra thị trường thế giới ». Và cơ quan quản lý Trung Quốc, vốn có quyền ngăn trở tất cả hoạt động mua bán quan trọng ở nước ngoài, chưa bao giờ hành động – ông Balding nhấn mạnh.
Ông nói : « Các doanh nghiệp như An Bang, rõ ràng là đã say rượu khi cầm lái. Nhưng chính Bắc Kinh đã cung cấp bia và đưa chìa khóa xe cho họ ».
Tin mới
- Afghanistan : Nga "lấy độc trị độc", dùng Taliban chống Daech - 28/02/2018 19:04
- Yemen : Mỹ và đồng minh lên án Iran chuyển vũ khí cho phe nổi dậy Houthi - 28/02/2018 18:39
- Tướng Bắc Triều Tiên kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc - 28/02/2018 17:28
- Hàn Quốc: Tư pháp đề nghị kết án cựu tổng thống Park Geun Hye 30 năm tù - 28/02/2018 04:50
- Châu Âu đe dọa trừng phạt Cam Bốt - 27/02/2018 22:25
- Đức : Thủ tướng Merkel sắp có chính phủ mới sau 5 tháng khủng hoảng - 27/02/2018 22:15
- Syria : Hưu chiến nhân đạo do Nga quyết định bắt đầu có hiệu lực - 27/02/2018 22:06
- Châu Âu rét run trong đợt lạnh giá : nhiều người vô gia cư bị chết cóng - 27/02/2018 17:16
- Mạng xã hội Trung Quốc chỉ trích mạnh dự án duy trì quyền lực của Tập Cận Bình - 27/02/2018 00:15
- Trung Quốc : Đổ xô mua cổ phiếu có tên gợi ra hoàng đế Tập Cận Bình - 27/02/2018 00:01
Các tin khác
- Việt Nam: Giầy thổ cẩm của người Thái và mục tiêu xây trường vùng cao - 26/02/2018 21:52
- Thế Vận Hội 2018 : Máy tính của ban tổ chức bị tin tặc Nga tấn công - 26/02/2018 20:03
- Pháp và Đức kêu gọi Nga áp lực tối đa để buộc Damas tôn trọng hưu chiến - 26/02/2018 19:55
- TT Mêhicô hoãn thăm Mỹ sau trận đấu khẩu với Donald Trump - 26/02/2018 19:40
- Tỉ phú Trung Quốc chiếm 10% vốn của Daimler Mercedes : Đức quan ngại - 26/02/2018 19:24
- Tiếc thương một nhân tài nước Việt - 26/02/2018 01:31
- Trung Quốc : Tập Cận Bình chuẩn bị lãnh đạo suốt đời - 26/02/2018 01:06
- Syria : Hội Đồng Bảo An thông qua nghị quyết hưu chiến - 26/02/2018 00:59
- Tròn sáu tháng khủng hoảng người Rohingya Miến Điện - 26/02/2018 00:51
- Ý trước bầu cử : Hai phe cực hữu và chống phát xít biểu tình rầm rộ - 26/02/2018 00:44