Chứng khoán thế giới : Đe dọa khủng hoảng tạm được xua tan
- Thứ Ba, 13 tháng Hai năm 2018 17:37
- Tác Giả: Thanh Hà
Chứng khoán New York tuột giá hôm 09/02/2018.Reuters
Trong chưa đầy một chục ngày, 7.800 tỷ đô la trên các sàn chứng khoán thế giới bốc thành mây khói.
Tân thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ, Jerome Powell nhậm chức đúng lúc Wall Street trải qua tuần lễ đen tối nhất kể từ ngày tháng 1/2016.
Chuyện gì đã xảy ra ? Đây là dấu hiệu báo trước khủng hoảng tài chính đe dọa thế giới ?
Trong tuần lễ mở ra hôm 05/02/2018, tại thủ đô Washington, phe đa số và đối lập chưa đạt được đồng thuận về ngân sách của chính quyền liên bang, làm dấy lên đe dọa shutdown, công sở phải tạm đóng cửa.
Tại New York, thị trường tài chính Wall Street trượt giá trong 5 phiên giao dịch liên tiếp.
Chỉ số Dow Jones mất giá hơn 5 % và nếu so với thời điểm ngày 26/01/2018, chỉ số này này rơi hơn 9 %. Còn S&P500 giảm 8,82 %.
Lập tức các sàn giao dịch từ Tokyo đến Thượng Hải, từ Paris đến Madrid, đều rơi vào vòng xoáy.
CAC 40 của Pháp mất giá trên 5 %. Nikkei của Nhật giảm 8 % trong vòng một tuần lễ hay CSI 300 của Trung Quốc rơi hơn 10 %.
Giới trong ngành đã nói tới một sự 'điều chỉnh mạnh tay', một 'sự trượt giá mạnh' nhất là trong 18 tháng liên tiếp, các chỉ số chứng khoán trên thế giới không ngừng tăng cao.
Riêng năm 2017, chứng khoán ở Mỹ tăng hơn 25 %. Cổ phiếu của nhóm các tập đoàn tin học GAFA gồm Google, Apple, Facebook, Amazon đụng ngưỡng 7.000 điểm, tăng 28 %.
Trên xứ hoa anh đào các nhà đầu tư chứng khoán đã dễ làm giàu khi chỉ số Nikkei tăng 19 % trong năm vừa qua.
Chuyện gì đã xảy ra trong tuần qua trên các sàn chứng khoán ?
Trả lời trên báo Le Figaro, chuyên giaGustavo Horenstein thuộc cơ quan quản lý vốn đầu tư Dorval Asset Management trụ sở tại Paris phân tích.
Gustavo Horenstein : "Như thường lệ, vạn sự khởi nguồn từ Mỹ và đã lan rộng tới các sàn chứng khoán ở mọi nơi trên thế giới.
Đây là bước đầu tiên trong chiều hướng mà chúng tôi gọi là một sự ‘điều chỉnh’. Sự điều chỉnh đó đơn giản là hiện tượng lãi suất chỉ đạo của các ngân hàng từng bước tăng lên trở lại, trước mắt là lãi suất dài hạn.
Thật ra Cục Dự Trữ Liên Bang Fed của Mỹ đã nhiều lần tăng lãi suất chỉ đạo trong năm 2017, nhưng tới nay điều đó không hề ảnh hưởng đến các chỉ số chứng khoán trên thế giới.
Bằng chứng rõ rệt nhất là các sàn giao dịch liên tục tăng giá và đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác.
Năm ngoái chỉ số ở Wall Street đạt kỷ lục gần 25.000 điểm. Để rồi tới tháng Giêng vừa qua, các nhà đầu tư nói tới một hiện tượng ‘euphoria’ trên các thị trường chứng khoán.
Bước sang đầu tháng 2, chính xác hơn là hôm mồng 02/02/2018, một loạt các chỉ số kinh tế của Mỹ được công bố.
Những báo cáo đó chỉ ra rằng : Thị trường lao động Mỹ thực sự vững mạnh, Hoa Kỳ tạo nhiều công việc làm hơn mong đợi và một tin vui khác nữa đối với người lao động Mỹ là lương của họ tăng nhanh hơn các dự phóng.
Chúng ta hoàn toàn đồng ý đó là những tin vui.
Có điều, các nhà đầu tư thì bao giờ cũng lo xa. Họ thấy gì ở những thành tích đó của nền kinh tế Hoa Kỳ ?
Trong mắt số này có hai chuyện sắp xảy tới : Một là lạm phát và hai là Ngân Hàng Trung Ương sẽ tăng lãi suất".
Tại sao các nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán lại sợ hiện tượng lãi suất ngân hàng tăng thêm ?
Gustavo Horenstein :"Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu vì sao lãi suất ngân hàng đang và còn tiếp tục tăng.
Thứ nhất, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đẩy lãi suất lên cao do tăng trưởng của Hoa Kỳ và toàn thế giới đã hoàn toàn phục hồi và đang trong giai đoạn sung sức.
Tăng trưởng toàn cầu trong năm qua đạt 4 %. Tựa như một chiếc xe đang ngon trớn. Xe chạy càng nhanh thì càng cần nhiên liệu. Cỗ xe kinh tế đang chạy tốt như vậy thì ta càng cần nhiều vốn đầu tư hơn. Do luật cung cầu, đương nhiên lãi suất cho vay sẽ cao hơn.
Nếu như, do nhu cầu cần nhiều tư bản hơn, đẩy lãi suất lên cao, thì đây là điều được các thị trường chứng khoán hoan hỉ đón nhận. Do vậy mà trong suốt năm 2017, chỉ số chứng khoán không chỉ ở Mỹ mà cả châu Âu hay châu Á tăng đều đặn.
Nhưng ngược lại, nếu như lãi suất ngân hàng tăng cao, do giới đầu tư dự phóng là vật giá sẽ leo thang, thì đây lại là điều mà các thị trường tài chính tối kỵ.
Bở vì lãi suất ngân hàng mà tăng, có nghĩa là các doanh nghiệp phải đi vay vốn đắt hơn, mức lãi của họ bị thu hẹp lại.
Mà chúng ta biết là các cổ đông thì chỉ thích đầu tư khi biết là doanh nghiệp làm ăn có lời, và lời càng nhiều, thì cổ phiếu của tập đoàn càng có giá.
Trong trường hợp này, chỉ số chứng khoán tuột giá là điều dễ hiểu.
Thêm một yếu tố thứ ba nữa là, theo tôi, hiện tại trị giá của các cổ phiếu được trao đổi trên các sàn chứng khoán quá cao so với giá trị thực sự.
Bản thân sự chênh lệch này đã buộc chúng ta phải ‘điều chỉnh’ sự bất cân đối đó. Vì vậy mà vào tuần trước, các chỉ số ở Hoa Kỳ, rồi tới châu Á và châu Âu đều rơi".
Sự 'điều chỉnh mạnh tay này" có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng hay không ?
Gustavo Horenstein :"Chúng ta cần nhìn vào một thực tế. Kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng mạnh, đứng đầu là kinh tế Mỹ.
Trước mắt, hiện tượng lạm phát bắt đầu nhen nhúm, nhưng ở một mức độ rất chừng mực và thậm chí, tôi thấy rằng, vật giá có bị đẩy lên cao một chút như hiện nay, là tín hiệu cho thấy cỗ xe kinh tế của chúng ta đang hoạt động một cách lành mạnh.
Về phía các doanh nghiệp, từ Âu sang Á và nhất là ở Mỹ, các công ty đang trong giai đoạn thịnh vượng. Tiền lãi của họ cao vào bậc nhất từ một chục năm qua. Chỉ số tin tưởng của các doanh nhân hiếm khi nào tươi sáng như hiện tại.
Về chỉ số thất nghiệp, với Pháp thì chưa, nhưng ở Mỹ, số người không có việc làm đang ở mức thấp chưa từng thấy.
Các hộ gia đình yên tâm về tương lai và họ vẫn tiếp tục tiêu xài, đầu tư vào địa ốc … Đấy là tất cả những bằng chứng cho thấy kinh tế đang vận hành rất tốt và trên những nền tảng vững chắc".
Do vậy đối với tôi, hiện tượng chứng khoán giảm mạnh hồi tuần trước là một điều rất bình thường.
Chúng ta biết, chứng khoán thì khi trồi, khi sụt. Vả lại đây là một sự điều chỉnh tự nhiên sau nhiều tháng liên tiếp tăng quá nhanh và và quá mạnh.
Đối với một nhà đầu tư, tôi nghĩ là chúng ta cần có tầm nhìn xa, mà chân trời thì đang rất là sáng sủa" .
Đe dọa tạm thời được xua tan
Các nhà nghiên cứu về lịch sử kinh tế thế giới chỉ ra rằng, 80 % các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đều bắt nguồn từ một cuộc khủng hoảng tài chính hay tiền tệ.
Điển hình là năm 2008 với sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers và sự kiện này đã đẩy cả con tàu kinh tế thế giới vào một trận bão nghiêm trọng nhất từ sau Thế Chiến Thứ Hai.
Xa hơn nữa là khủng hoảng tại Nhật Bản cũng đã bắt nguồn từ vị thị trường tài chính Kabuto Cho lâm nạn hồi cuối năm 1990 để rồi nước Nhật bị đình đốn đến gần 20 năm.
May mắn thay, lần này, như chuyên gia Gustavo Horenstein vừa nói các điểm cơ bản nhất của một cỗ máy kinh tế đều đang vững chắc.
Thêm vào đó là các ngân hàng trên thế giới không bị đe dọa như kịch bản của một chục năm trước, hay như điều từng xảy ra tại Nhật Bản cuối năm 1990.
Nhưng đúng là trước viễn cảnh các Ngân Hàng Trung Ương trên thế giới, mà đứng đầu là Fed, đang chuẩn bị tăng lãi suất trở lại, giai đoạn 'tiền rẻ' sắp khép lại, để mở ra một chu kỳ mới cho các thị trường chứng khoán.
Lời hay lỗ khi mua cổ phiếu là chuyện thường tình.
Related news items:
Tin mới
- Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp : Căng thẳng trên biển Egée - 14/02/2018 18:20
- Syria: Pháp sẽ ''đánh'' nếu Damas thật sự dùng vũ khí hóa học - 14/02/2018 18:13
- RFI: “Trục trặc” hành chính khiến chủ tịch-tổng giám đốc mất chức - 14/02/2018 18:07
- Thế Vận Hội tại Hàn Quốc : Lãnh đạo Bắc Triều Tiên ca ngợi lòng hiếu khách của Seoul - 14/02/2018 04:48
- Mỹ-Hàn tìm lập trường chung để đối phó với Bắc Triều Tiên - 14/02/2018 04:39
- Hàn Quốc : Choi Soon Sil lãnh án 20 năm tù - 14/02/2018 04:30
- Vận động viên Nhật Bản bị phát hiện doping tại Thế vận hội Pyeongchang - 14/02/2018 04:23
- Hai quan chức cao cấp Trung Quốc bị điều tra tham nhũng - 14/02/2018 04:16
- Mỹ : Nhà Trắng muốn tăng ngân sách quốc phòng - 13/02/2018 18:08
- Tổng thống Brazil thăm vùng biên giới tràn ngập người tị nạn Venezuela - 13/02/2018 17:49
Các tin khác
- Hàn Quốc muốn tổ chức thêm các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán vì chiến tranh - 13/02/2018 02:15
- Tai nạn máy bay ở Nga: Điều tra gặp khó khăn do tuyết - 13/02/2018 02:08
- Trung Quốc muốn thử nghiệm tàu thủy không người lái ở Biển Đông - 13/02/2018 01:59
- Anh Quốc yêu cầu Miến Điện cho điều tra độc lập về vấn đề Rohingya - 13/02/2018 01:51
- Đức : Thủ tướng Merkel tỏ rõ ý muốn tiếp tục cầm quyền - 13/02/2018 01:37
- Khai mạc hội nghị quốc tế về tái thiết Irak - 13/02/2018 01:28
- Hoa Kỳ công bố kế hoạch 1.500 tỷ đô la nâng cấp cơ sở hạ tầng - 12/02/2018 19:50
- Mỹ : Hãng phim Weinstein bị kiện vì không bảo vệ nhân viên - 12/02/2018 17:49
- Ý- Xã hội - Quốc tế - Châu Âu - Dân số - sinh sản - 12/02/2018 17:19
- Phi cơ dân sự Nga rớt gần Moscow, 71 người thiệt mạng - 12/02/2018 02:20