Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hội đàm Nga – Nhật: Bắc Triều Tiên và tranh chấp Kuril là trọng tâm

japan-russia

Các ngoại trưởng và quốc phòng Nga Nhật Bản trước khi bước vào cuộc đàm phán 2+2 tại Tokyo ngày 20/03/2017.
REUTERS/David Mareuil


Vấn đề an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương là trọng tâm cuộc đối thoại 2+2, giữa các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Nhật và Nga, được được tổ chức hôm nay 20/3/2017 tại Tokyo.

Vòng đối thoại lần này diễn ra trong bối cảnh Bắc Triều Tiên liên tục tiến hành các vụ bắn thử tên lửa.
Bên cạnh đó, hai nước cũng đề cập đến hồ sơ tranh chấp quần đảo Kuril.

Theo AFP, phát biểu với báo giới trước cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng, lãnh đạo ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ mong muốn là Tokyo và Matxcơva "thảo luận về tình hình an ninh châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của nước này”.

Về phần mình, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cũng nhìn nhận có rất nhiều sự kiện liên quan đến vấn đề an ninh thế giới và khu vực dồn dập xảy ra, và do vậy, các cuộc thảo luận Nhật-Nga lần này mang tính thời sự rất cao.

Trong khi đó, hồ sơ tranh chấp quần đảo Kuril là một trong những chủ đề chính của cuộc hội đàm giữa bộ trưởng Quốc Phòng Nhật-Nga.

Sau cuộc gặp với đồng nhiệm Nga, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada cho báo giới biết, hai bên đã trao đổi quan điểm một cách "thẳng thắn" và "trung thực" về chính sách quốc phòng và các vấn đề khu vực, đặc biệt là hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Hãng tin Kyodo, dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Nhật  "bày tỏ các lo ngại về sự hiện diện quân sự của Nga ngày càng gia tăng trên những hòn đảo đang có tranh chấp", Tokyo khẳng định lại là những hòn đảo này là một bộ phận của lãnh thổ Nhật Bản.

 Nguồn tin còn trích dẫn các quan chức Nhật Bản, cho biết là bộ trưởng Quốc Phòng Nga đã chỉ trích hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ đặt trên lãnh thổ Nhật Bản và cho rằng các phương tiện quân sự này làm thay đổi cân bằng chiến lược trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sau cuộc gặp riêng ngoại giao và quốc phòng, các bộ trưởng hai nước tiến hành họp chung theo công thức 2+2. Đây là lần thứ hai, Nga và Nhật tổ chức Đối thoại 2+2.
Lần thứ nhất là vào tháng 11 năm 2013. Tuy nhiên, các đối thoại thường niên sau đó bị đình chỉ do việc Nga sáp nhập Crimée và ủng hộ quân nổi dậy ở miền đông Ukraina.
Nhật Bản đã cùng với phương Tây tiến hành các biện pháp trừng phạt Nga vì sự kiện trên.

Cũng trong ngày hôm nay, ngoại trưởng Nhật cho biết thủ tướng Shinzo Abe công du Nga và họp thượng đỉnh với tổng thống Vladimir Putin vào cuối tháng Tư.


Switch mode views: