Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đại hội Đảng 12: Ông Trọng tái đắc cử, nhịp độ cải tổ có thể chậm lại

dung out-trong in

Ông Nguyễn Phú Trọng (P) và ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Đảng 12, Hà Nội, ngày 26/01/2016
REUTERS

Với thành phần Ban Chấp Hành Trung Ương mới, đặc biệt là với việc ông Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật bảo thủ, tái đắc cử tổng bí thư, đường lối của Việt Nam chắc sẽ không có thay đổi nhiều, nhưng nhịp độ tiến hành những cải tổ kinh tế cần thiết có thể sẽ chậm lại.

Việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị loại và đối thủ của ông là Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử tổng bí thư dường như là một giải pháp thỏa hiệp, vì có tin là ông Trọng sẽ chỉ nắm chức vụ này trong nửa nhiệm kỳ, trước khi giao quyền lại cho một nhân vật khác.

 Theo các nhà phân tích, giải pháp này cho thấy là ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam quay trở lại phương thức lấy quyết định mang tính đồng thuận, mang tính “tập thể” hơn.

Như nhận định của giáo sư Jonathan London, thuộc City University of Hong Kong, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, ông Nguyễn Tấn Dũng đã là một nhân vật chính trị nổi bật, có phong cách khác hẳn với những gương mặt mờ nhạt trong ban lãnh đạo Đảng.

Theo giáo sư London, mặc dù có thể tranh cãi về những thành quả và công lao của ông Dũng, ông vẫn là nhà lãnh đạo “có một nhãn quan nào đó”, cho Việt Nam.

Đại hội Đảng 12 như vậy đã chấm dứt thời kỳ mà, qua hai nhiệm kỳ thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng được cho là đã thúc đẩy nhiều cải tổ kinh tế ở Việt Nam và điều này đã giúp ông trở thành một nhân vật được giới đầu tư ưa thích.

Việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị gạt ra một bên đánh dấu việc đảng Cộng sản Việt Nam trở lại với cách điều hành đất nước thận trọng hơn.

Tuy vậy, việc ông Nguyễn Phú Trọng thắng thế không có nghĩa là sẽ có những thay đổi lớn trong đường lối của Hà Nội trên những vấn đề quan trọng như Biển Đông, hay sự tham gia vào các hiệp định tự do mậu dịch như hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Luật sư Tony Foster, thuộc công ty Freshfield, được hãng tin AFP trích dẫn, cũng cho rằng người kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn sẽ tiếp tục thi hành các cải tổ kinh tế cần thiết.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng khẳng định là Bộ Chính Trị mới, được bầu hôm nay, vẫn đi theo con đường cải tổ và nếu có thay đổi thì chỉ là thay đổi về phong cách, chứ sẽ không có chuyện quay trở lại đằng sau.

Mặt khác, trong thành phần Ban Chấp Hành Trung Ương mới, vẫn còn một số thành viên chủ chốt của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng như bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hay bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng.

Ngoài ra, con trai của ông Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Thanh Nghị cũng từ ủy viên dự khuyết trở thành ủy viên chính thức Ban Chấp Hành Trung Ương.
Có điều trúng cử Ban Chấp Hành Trung Ương không có nghĩa là những bộ trưởng nói trên chắc chắn sẽ tiếp tục được tham gia chính phủ mới.

Theo AFP, một số nhà phân tích cũng sợ rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tin dùng những người trung thành với Đảng hơn là giao các trọng trách cho những người thật sự có năng lực.
Dầu sao thì mục đích tối hậu của giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là bảo vệ độc quyền lãnh đạo của Đảng.

Switch mode views: