Miến Điện : Thỏa thuận ngưng bắn nửa vời
- Thứ Sáu, 16 tháng Mười năm 2015 03:10
- Tác Giả: Thanh Hà
Các bên tham gia ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại Naypyidaw, Miến Điện ngày 15/10/2015.
REUTERS/Soe Zeya Tun
Lần đầu tiên kể từ khi giành được độc lập năm 1948, triển vọng chấm dứt xung đột sắc tộc đang mở ra cho Miến Điện với thỏa thuận ngừng bắn vừa được ký kết sáng ngày 15/10/2015 giữa chính quyền Naypyidaw và 8 nhóm vũ trang.
Thành công hay thất bại của tiến trình hòa bình Miến Điện nằm trong tay quân đội.
Tờ báo chính thức của Miến Điện Global New Light of Myanmar ấn bản đề hôm nay chạy tựa lớn trên trang nhất « Hòa bình bắt đầu từ đây » cho dù chỉ có 8 trong số 15 nhóm sắc tộc thiểu số đòi ly khai ký kết vào thỏa thuận hòa bình.
Tổng thống Thein Sein lên cầm quyền từ năm 2011 luôn xem việc giải quyết xung đột sắc tộc là một ưu tiên.
Buổi lễ ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại Naypyidaw dưới sự chủ tọa của Tổng thống Thein Sein cùng với lãnh đạo 8 nhóm vũ trang tham gia tiến trình hòa bình được tường thuật cặn kẽ trên đài truyền hình Nhà nước.
Chứng kiến buổi lễ ký kết văn bản mang tính lịch sử này, ngoài Tổng thống Thein Sein, còn có nhiều đại diện cao cấp của chính quyền và quân đội Miến Điện, của Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ hay Nhật Bản.
Riêng lãnh đạo đối lập Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi vắng mặt.
Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại Naypyidaw là , « bước đầu trong tiến trình xây dựng hòa bình » cho Miến Điện. Cùng lúc tại các vùng miền bắc, gần biên giới Trung Quốc, giao tranh vẫn tiếp diễn.
Vẫn còn ít nhất 7 nhóm vũ trang đòi ly khai từ chối tham gia tiến trình hòa đàm. Hai nhóm vũ trang đòi ly khai thuộc sắc tộc Shan và Kachin vẫn tiếp tục đương đầu với quân đội chính phủ.
Chính thái độ cương quyết này đã dẫn tới việc Naypyidaw cách nay vài hôm đã tuyên bố không thể tổ chức bầu cử tại các vùng có giao tranh.
Trả lời phỏng vấn đài RFI, chuyên gia về Đông Nam Á, bà Sophie Boisseau Du Rocher thuộc trung tâm nghiên cứu Asia Centre cho rằng, triển vọng thực sự đem lại hòa bình cho Miến Điện còn xa vời và Trung Quốc là một yếu tố quan trọng trên con đường tìm kiếm hòa bình tại Miến Điện :
« Đối thoại từng bước đã được mở rộng đến nhiều nhóm sắc tộc thiểu số. Thế rồi càng gần đến đích, tức là càng gần ngày mà các bên cùng đặt bút ký vào bản hòa ước, thì xung đột hay ít ra là những bất đồng ngày càng hiện lên rõ nét. Chẳng hạn như bất đồng về tiến trình giải giới các vùng có giao tranh.
Ngoài ra cần lưu ý là chính quyền Naypyidaw đã không thuyết phục được tất cả các nhóm nổi dậy như mục tiêu đề ra ban đầu.
Chủ yếu các sắc tộc thiểu số ở miền Đông thì đã chấp nhận thỏa thuận ngưng bắn.
Ngược lại các tổ chức ở phía Bắc thì đã từ chối tham gia vào sáng kiến của Naypyidaw bởi các nhóm này đã đạt được một thỏa thuận với phía Trung Quốc (…) Cái khó đặt ra với chính quyền Miến Điện là làm thế nào thuyết phục được những sắc tộc thiểu số đòi ly khai ở vùng biên giới phía Bắc, sát cạnh với Trung Quốc để họ chấp nhận một mô hình nhà nước liên bang.
Các nhóm này có khuynh hướng cho rằng họ có lợi hơn trong tình thế hiện nay, tức là cứ duy trì xung đột võ trang thay vì buông súng để bị hòa tan trong khuôn khổ một nhà nước liên bang ».
Miến Điện là một quốc gia với gần 52 triệu dân, và gần 1/3 dân số là người thuộc các sắc tộc thiểu số sống ở miền núi, như cộng đồng người Karen, người Mon tập trung tại khu vực Đông Nam Miến Điện ; cộng đồng người Shan ở phía Đông ; sắc tộc Kachin sống trong vùng biên giới phía bắc hay người Chin ở phía tây.
Không dễ để thuyết phục được tất cả cùng chấp nhận tìm kiếm một giải pháp chính trị, hầu đem lại hòa bình bền vững cho quốc gia Đông Nam Á này.
Thêm một yếu tố cần lưu ý : mới chỉ có 8 trong số các nhóm đòi ly khai ký thỏa thuận ngưng bắn. Họ đồng ý chấm dứt đấu tranh bằng bạo lực để đổi lấy một quyền tự trị rộng rãi hơn.
Theo giới quan sát, đòi hỏi đó có được thỏa mãn hay không, điều này còn tùy thuộc vào thái độ của quân đội, chứ không nằm trong quyền hạn của chính quyền dân sự trong tay ông Thein Sein.
Tại Miến Điện, quân đội đã liên tục cầm quyền với một bàn tay sắt trong nhiều thập niên và hiện vẫn còn đóng một vai trò then chốt trong các hoạt động chính trị.
Các cuộc xung đột sắc tộc triền miên tại Miến Điện từng là cơ hội để giới tướng lãnh Miến Điện trong quá khứ củng cố quyền lực.
Do vậy theo lời một nhà phân tích độc lập có mặt tại Naypyidaw trong buổi lễ ký kết thỏa thuận ngừng bắn sáng nay được AFP trích dẫn, đối với Miến Điện « thách thức đang được đặt ra trước mắt.
Thỏa thuận được các bên ký kết hôm nay phải chứng minh rằng dù là một thỏa thuận không trọn vẹn nhưng vẫn đem lại lợi ích thực sự cả về mặt chính trị lẫn an ninh » cho Miến Điện.
Tin mới
- Lãnh đạo đối lập Miến Điện kêu gọi đoàn kết tôn giáo - 17/10/2015 18:02
- Mỹ-Hàn sẵn sàng đối thoại nếu Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân - 17/10/2015 15:59
- Trung Quốc cố tăng cường quan hệ quốc phòng với ASEAN - 17/10/2015 15:47
- Tướng Trung Quốc tuyên bố không dùng vũ lực ở Biển Đông - 17/10/2015 15:30
- Nga-Israel phối hợp hành động trên không phận Syria - 16/10/2015 22:17
- Toyota phát triển dòng xe tự động và sẽ chấm dứt xe chạy xăng dầu - 16/10/2015 21:57
- Hàn Quốc sẵn sàng gặp song phương cấp cao với Nhật Bản - 16/10/2015 21:49
- Bắc Kinh khai mạc Diễn đàn An ninh cạnh tranh với Shangri-La - 16/10/2015 21:27
- Miến Điện : Mỹ lo ngại về việc bắt cư dân mạng chỉ vì nhạo báng quân đội - 16/10/2015 17:28
- Hoa Kỳ : Tuần tra sát đảo nhân tạo do Trung Quốc xây không phải là hành động khiêu khích - 16/10/2015 16:59
Các tin khác
- Syria : Quân đội tấn công phía bắc tỉnh Homs - 16/10/2015 03:01
- Na Uy muốn trả người nhập cư Syria về Nga - 16/10/2015 02:54
- Khủng hoảng di dân : Liên Hiệp Châu Âu cố thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác - 16/10/2015 02:43
- Đông Nam Á: Đấu trường giành ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc - 16/10/2015 02:35
- Mật vụ Đức cũng bị tố cáo do thám các đồng minh - 16/10/2015 02:05
- Hà Nội lên án Trung Quốc đánh chìm tàu cá Việt Nam - 15/10/2015 16:02
- Báo chí Trung Quốc chỉ trích Mỹ về Biển Đông - 15/10/2015 15:26
- Úc từ chối tuần tra Biển Đông cùng với Hoa Kỳ - 15/10/2015 13:08
- Mỹ lại kêu gọi Bắc Kinh thả luật sư bảo vệ quyền tự do tôn giáo - 15/10/2015 13:01
- Greenpeace: Ô nhiễm không khí nặng ở 80% thành phố Trung Quốc - 15/10/2015 12:52