Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chia rẽ trong công luận về sức mạnh quân sự tương lai của Nhật Bản

hiroshima

Các nhân viên an ninh ngăn chận người biểu tình tại Hiroshima, ngày 05/08/2015.
REUTERS/Thomas Peter

Tokyo kỷ niệm 70 năm ngày Hiroshima rồi Nagasaki bị ném bom nguyên tử, làm 214.000 người thiệt mạng (140.000 tại Hiroshima và 74.000 tại Nagaski) với những vết thương không bao giờ lành.

Dự luật mở rộng vai trò quân sự, tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản càng gây chia rẽ trong công luận.
Vào lúc gióng lên những hồi chuông tưởng niệm nạn nhân Hiroshima, thị trưởng thành phố Kazumi Matsui kêu gọi thế giới ngưng phổ biến vũ khí hạt nhân.

 Đứng đầu thành phố từng là nạn nhân của loại vũ khí « kinh khủng nhất » con người tạo ra, ông kêu gọi chính phủ Nhật xây dựng một hệ thống bảo đảm an ninh không dựa trên sức mạnh quân sự.
Những lời kêu gọi đó đi ngược lại với những nỗ lực cải tổ Hiến pháp và các dự luật mở rộng vai trò phòng thủ của Nhật Bản đang được thủ tướng Shinzo Abe tiến hành.

Các dự luật về chính sách quốc phòng đó mở đường cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản can thiệp quân sự để bảo vệ một nước đồng minh, ngay cả trong trường hợp an ninh quốc gia không bị đe dọa trực tiếp.
Trong buổi tiếp xúc với thủ tướng Abe ngày 05/08/2015, những nạn nhân Hiroshima còn sống sót đã trực tiếp bày tỏ bất bình về kế hoạch sửa đổi bản Hiến pháp chủ hòa.

Quá khứ quân phiệt và ám ảnh chiến tranh vẫn là mối trăn trở những người từng trải qua giai đoạn đau thương đó.
 Một cụ ông 86 tuổi nói thẳng với thủ tướng Abe, các dự luật về quốc phòng đang được thảo luận tại Thượng Viện « sẽ làm sống lại thảm kịch chiến tranh » trên Xứ hoa anh đào.

Với tư cách là nạn nhân chiến tranh, nạn nhân của quả bom nguyên tử, ông tha thiết kêu gọi lãnh đạo Nhật Bản hãy « rút lại » các dự luật đó.
Một hội đoàn quy tụ những nạn nhân Hiroshima và Nagasaki còn sống sót tố cáo nội các của thủ tướng Abe vi phạm bản Hiến pháp chủ hòa của nước Nhật.

Đáp lại lời kêu gọi trên, thủ tướng Shinzo Abe một mặt thông báo Tokyo sẽ trình lên Liên Hiệp Quốc nội trong năm nay một bản dự thảo nghị quyết kêu gọi thế giới hủy bỏ vũ khí hạt nhân.

Lãnh đạo Nhật Bản nhắc lại : Tokyo không bao giờ rời xa con đường hòa bình.
Mặt khác ông nhấn mạnh Nhật Bản cần một bản Hiến pháp mới để bảo đảm an ninh quốc gia.

Dự luật mở rộng chính sách quốc phòng của Nhật Bản đã được Hạ viện thông qua vào trung tuần tháng 7/2015.
Văn bản này sau đó đã được trình lên Thượng viện và đang được thảo luận tại đây.
Tuy nhiên vẫn có tới 60 % công luận chống đối kế hoạch điều chỉnh luật về quốc phòng.

Trong một bài phân tích gần đây về sự chia rẽ sâu rộng trong công luận Nhật Bản về sức mạnh quân sự của quốc gia này, nhà nghiên cứu người Pháp Barthélémy Courtmont, cộng tác viên của Viện Quan hệ Chiến lược Quốc tế IRIS cho rằng 70 năm đã trôi qua, nhưng Nhật Bản vẫn chưa sang trang lịch sử.

Tranh cãi giữa phe chủ hòa với các nhóm dân tộc chủ nghĩa vẫn không có hồi kết.
Vẫn theo chuyên gia này, thành phần chủ hòa rút tỉa được những bài học đau thương từ Hiroshima và không muốn những thế hệ mai sau phải trả giá cho chiến tranh.

 Ở phía bên kia khán đài, giới bảo vệ một chính sách quốc phòng « năng động hơn » thì khai thác luận điểm Nhật Bản phải nâng cao khả năng phòng thủ trước những tham vọng trong khu vực ngày càng lớn của Trung Quốc và trước đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Đối với phe này, Hiroshima là bằng chứng rõ rệt cho thấy, chiến thắng thuộc về phía kẻ có sức mạnh quân sự trong tay.
Tựu chung theo nhà nghiên cứu Courtmont, dư luận Nhật có hai quan điểm rất khác biệt về cùng một sự kiện và điều đó phản ánh qua tất cả các diễn đàn, các cuộc hội thảo.

Hiroshima tuy đã trở thành một biểu tượng mang tính phổ quát nhưng biến cố xảy ra cách nay đã 70 năm còn là một tấm gương phản ánh những bất đồng sâu rộng trong quan niệm của chính người dân Nhật Bản.
Chia rẽ sâu rộng đó chính là thách thức mà Tokyo đang phải đối mặt.


Switch mode views: