Thượng đỉnh ASEAN : Đấu trường mới cho tranh chấp Biển Đông
- Thứ Tư, 12 tháng Mười Một năm 2014 04:46
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Logo thượng đỉnh ASEAN 2014site officiel de l'ASEAN
Nếu chỉ được nhắc tới một cách thoáng qua tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh bế mạc vào hôm nay, 11/11/2014, hồ sơ Biển Đông được cho là sẽ được tranh cãi trở lại nhân Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sẽ mở ra vào ngày mai tại Naypyidaw, thủ đô Miến Điện.
Với sự hiện diện của lãnh đạo các nước như Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Ấn Độ…, tình hình căng thẳng tại Biển Đông do các hành vi áp đặt chủ quyền của Trung Quốc – đặc biệt thô bạo nhắm vào Việt Nam vào mùa hè vừa qua – không thể không được đề cập đến.
Miến Điện, chủ tịch đương nhiệm ASEAN là nước đầu tiên quan tâm đến chủ đề nóng bỏng này.
Bản dự thảo Tuyên bố chung đúc kết Hội nghị của Chủ tịch ASEAN – bị tiết lộ hôm 05/11/2014 – đã xác định thái độ thái độ quan ngại của các nước Đông Nam Á trước tình hình căng thẳng gia tăng tại Biển Đông.
Trong một lời ám chỉ đến các hành động quyết đoán đã qua của Trung Quốc, ASEAN kêu gọi tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Hiệp hội các nước Đông Nam Á kêu gọi đích danh Trung Quốc thực hiện các cam kết trong Bản Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) « một cách toàn diện », và khẩn trương tiến tới việc sớm đúc kết Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC).
Điều đáng nói là sau khi bản dự thảo bị tiết lộ, một quan chức Miến Điện cao cấp đã xác nhận là nội dung về Biển Đông trong dự thảo sẽ được duy trì trong bản Tuyên bố chung chính thức.
Trung Quốc « xuống nước » nhưng quan ngại về Biển Đông vẫn còn
Dẫu sao thì tất cả các nhà phân tích đều cho là nội dung liên quan đến tranh chấp Biển Đông giữa 4 nước ASEAN với Trung Quốc chắc chắn sẽ được mổ xẻ tiếp tục trong nội bộ khối Đông Nam Á giữa các nước muốn ASEAN có lập trường rõ ràng, và bên kia là các thành viên không muốn làm phiền Trung Quốc.
Về phần Trung Quốc thì nước này, ngoài mặt đang cố gắng tỏ vẻ hòa nhã và hòa hoãn, sau khi thấy được thái độ bất đồng tình của quốc tế trước các hành vi thô bạo của họ, đặc biệt nhắm vào Việt Nam trong mùa hè vừa qua với việc dùng lực lượng tầu thuyền hùng hậu hộ tống giàn khoan HD-981 vào hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông.
Tuy nhiên, sách lược xuống nước của Trung Quốc được cho là sẽ không ngăn cản được các nước khác nêu lên quan ngại trước tác hại của các hành vi khuấy động ổn định tại Biển Đông mà giới phân tích cho là sẽ được Bắc Kinh tiến hành trong tương lai.
Trong nội bộ ASEAN, theo các nguồn tin báo chí, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines đều đã có kế hoạch nêu bật vấn đề này tại các Hội nghị ở Miến Điện.
Thông tin chính thức từ Việt Nam cho biết là Thủ tướng Dũng sẽ cùng với các các nhà lãnh đạo khác trao đổi về nhiều nội dung trong đó có « mối quan tâm chung là « duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông ».
Hội đàm tay đôi Obama-Nguyễn Tấn Dũng
Tại ASEAN, Hà Nội và Manila sẽ không đơn độc trong hồ sơ Biển Đông, vì sẽ được hậu thuẫn của ít nhất hai cường quốc ngoài khu vực là Mỹ và Ấn Độ.
Tại Miến Điện, hồ sơ Biển Đông có thể được Hoa Kỳ nêu lên trong rất nhiều dịp, trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, hoặc là tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á mà Hoa Kỳ là thành viên.
Theo hãng AFP, tại Naypyidaw, ông Obama còn dự trù một cuộc gặp tay đôi với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, một cuộc tiếp xúc rất có ý nghĩa vì diễn ra chỉ ít lâu sau khi Hoa Kỳ quyết định giảm nhẹ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Theo bà Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, thì khi gặp gỡ các lãnh đạo ASEAN tại Miến Điện, Tổng thống Obama « sẽ nêu bật vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển ».
Ngoài Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ được cho là cũng sẽ nêu bật hồ sơ Biển Đông tại các cuộc họp ở Miến Điện.
Nhật báo Ấn Độ The Hindu ngày hôm nay khẳng định rằng « mối quan ngại của Ấn Độ trước việc Trung Quốc bành trướng và tìm cách thống trị Biển Đông » sẽ được Thủ tướng Narenda Modi nêu lên tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cũng như trong một số cuộc gặp song phương ở Naypyidaw.
Related news items:
Tin mới
- Chiến sự dữ dội gần Donetsk, OSCE cảnh báo nguy cơ leo thang - 12/11/2014 22:32
- Nguy cơ giải thể tổ chức Memorial, biểu tượng của perestroika Nga - 12/11/2014 22:25
- Vụ sinh viên mất tích ở Mêhicô : Biểu tình đốt trụ sở đảng cầm quyền - 12/11/2014 22:17
- Khả năng Hạ viện Nhật bị giải tán ngày càng rõ nét - 12/11/2014 20:02
- Obama : Mỹ không can dự vào phong trào dân chủ Hồng Kông - 12/11/2014 19:53
- Thượng đỉnh ASEAN dè dặt trên vấn đề Biển Đông - 12/11/2014 16:34
- APEC – Bắc Kinh : Putin đối mặt với hổ - 12/11/2014 05:47
- Pháp kỷ niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến - 12/11/2014 05:28
- Du lịch « nông phẩm » - 12/11/2014 05:18
- Bắc Kinh kiểm duyệt số liệu của Sứ quán Mỹ về ô nhiễm - 12/11/2014 04:55
Các tin khác
- Dấu hiệu hòa dịu giữa các cường quốc qua tiếp xúc tay đôi bên lề APEC - 12/11/2014 04:39
- Giáo hội Mormon thừa nhận giáo chủ từng có 40 vợ - 11/11/2014 22:15
- Tập đoàn Mỹ Mondelez kiểm soát công ty bánh kẹo Kinh Đô - 11/11/2014 18:07
- Biển Đông : Tập Cận Bình ca ngợi nền ‘ngoại giao kín đáo’ của Malaysia - 11/11/2014 17:56
- Tổng thống Nga tin tưởng đồng Rúp sẽ sớm ổn định - 10/11/2014 21:40
- Ấn Độ cải tổ nội các - 10/11/2014 21:15
- APEC: Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc mở cửa thị trường - 10/11/2014 21:08
- APEC : Obama và Tập Cận Bình tìm kiếm đồng thuận về "khí hậu" - 10/11/2014 20:31
- Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tập Cận Bình và Shinzo Abe - 10/11/2014 20:10
- Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP - 10/11/2014 16:52