Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nga bắt đầu bán dầu, khai thác từ Bắc Cực

russia khoandau



Tàu chở dàn khoan dầu của tập đoàn Gazprom - Reuters


Hôm qua, 18/04/2014, theo Reuters, Tổng thống Nga chào mừng việc khởi sự khai thác dầu tại Bắc Cực, do tập đoàn Gazprom tiến hành.

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace tuyên chiến với các mưu toan khai thác dầu mỏ tại lục địa trắng và kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu hành động kiên quyết để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Sau nhiều tháng trì hoãn, giàn khai thác dầu của Gazprom đã hoạt động, cung cấp 70.000 tấn dầu đầu tiên từ giếng khoan Prirazlomnaia, mục tiêu tấn công của một "biệt đội", gồm 30 thành viên của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace ngày 18/09/2013.

Trong bài phát biểu được truyền hình, hướng đến các công nhân làm việc tại dàn khoan và tổng giám đốc Gazprom, Tổng thống Nga Putin khẳng định dự án này sẽ « ảnh hưởng tích cực đến tương lai của nước Nga trên thị trường năng lượng quốc tế ».

Hiện tại, Nga sản xuất hơn 10 triệu thùng dầu mỏ/ngày, đứng đầu thế giới.
Để giữ nguyên sản lượng này, Matxcơva phải tìm thêm các mỏ mới, đặc biệt ở Bắc Cực.
Riêng tại giếng khoan Prirazlomnaia, trữ lượng dầu ước lượng 72 triệu tấn.

Với sự kiện này, Gazprom khẳng định như là thế lực đi đầu trong việc khai thác dầu tại Bắc Cực.

Việc khai thác dầu tại Bắc Cực bị các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là Greenpeace. Trong một bài viết được đăng tải trên The Guardian ngày hôm qua 18/04, ông John Sauven, giám đốc Greenpeace nhận định chuyến tàu chở dầu đầu tiên từ Bắc Cực là rất quan trọng với ông Putin, nhưng cũng rất quan trọng với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo ông, việc khai thác dầu tại Bắc Cựu làm trầm trọng thêm khủng hoảng môi trường tại khu vực này. Lãnh đạo Greenpeace kêu gọi Châu Âu tăng cường độc lập về năng lượng để tránh phụ thuộc vào các nguồn dầu lửa và khí đốt, đặc biệt là dầu khí từ các vùng mà việc khai thác làm tổn hại môi trường nặng nề như Bắc Cực.

Greenpeace hứa hẹn, cùng với hàng triệu người ủng hộ, « tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại tất cả các công ty dầu mỏ ngấp nghé khai thác vùng Bắc Cực, đang trong quá trình tan băng », Giám đốc điều hành Kumi Naidoo của Greenpeace khẳng định.

Cuộc khủng hoảng Ukraina cho thấy Liên Hiệp Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng từ Nga. Cuối tháng 3/2014, Châu Âu dự kiến trong tháng 6 tới sẽ thảo ra một chương trình hành động nhằm giảm phụ thuộc vào năng lượng từ bên ngoài, đặc biệt từ Nga.


Switch mode views: