Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-12-2013

Hirokazu Kore-eda



Đạo diễn Nhật Hirokazu Kore-eda giới thiệu bộ phim "Like Father, Like Son" nhân kỳ liên hoan phim Marrakech - REUTERS /Youssef Boudlal


Vào đúng lễ Giáng sinh, Ông già Noel và Giáo hoàng Phanxicô là hai nhân vật trong ngày.

Bên cạnh đó, Le Monde giành cho « Cha nào, con nấy », bộ phim mới nhất của Hirokazu Kore-Eda nhiều lời khen thưởng.

Le Monde, ấn bản ra từ chiều ngày 24/12/2013 ngay trên trang nhất cho rằng « phong cách giản dị và khiêm tốn, tinh thần cởi mở » của Ngài đã chinh phục trái tim của người công giáo tại Pháp. Le Figaro, ấn bản trên mạng nói đến « buổi Thánh lễ nửa đêm đầu tiên của Giáo hoàng Phanxicô ».

Báo công giáo La Croix nhận xét đó là « buổi lễ đơn giản, nghiêm trang và người đứng đầu giáo hội Công giáo thực sự trở về với những giá trị truyền thống ».

Tờ báo này nhắc lại, Giáo hoàng Phanxicô, năm 1936 được rửa tội đúng vào ngày lễ Giáng sinh.

Libération thì chú ý đến một khía cạnh khác của mùa Noel năm nay tại Vatican : tựa như năm ngoái, hang đá được đặt tại quảng trường Thánh Phêro năm nay, gần như hoàn toàn do tư nhân tài trợ. Trong quá khứ, Vatican từng bị chỉ trích là đã quá « xa hoa » trong việc dựng hang đá.

Nhưng trước khi đọc thêm những bài báo nói về Ông già áo đỏ, râu tóc trắng như tuyết, người mà đàn trẻ nhỏ đã đợi suốt cả năm, xin được điểm qua hai bài báo nói về hai bộ phim ra mắt khán giả Pháp tuần này : một của đạo diễn Nhật Bản, Kore-Eda, với « Cha nào con nấy » và một của nhà làm phim người Mỹ, Martin Scorsese « Con sói của phố Wall » do nam tài tử Leonardo DiCaprio thủ vai chính.

Quan hệ gia đình, nguồn cảm hứng bất tận

Về bộ phim Nhật Bản « Cha nào, con nấy », Le Monde khen tặng : « Thực hiện một bộ phim nói về vai trò, vị trí của người cha và người mẹ trong một gia đình không đơn giản. Đề cập đến chủ đề đó qua cái nhìn của trẻ thơ lại càng là một nhiệm vụ khó hoàn thành. Tài nghệ của đạo diễn Nhật Bản, Kore-Eda nằm ở chỗ ông đã đạt được mục tiêu đó ».

Tại liên hoan điện ảnh Cannes hồi tháng 5/2013, đạo diễn người Nhật này đã đoạt giải thưởng của ban giám khảo nhờ bộ phim « Cha nào, con nấy ».

Sau lễ bế mạc liên hoan, chủ tịch ban giám khảo Cannes là Steven Spielberg đã trực tiếp đề nghị với Kore-Eda để mua lại bản quyền để dựng lại phiên bản tiếng Anh.

Quan hệ gia đình là nguồn cảm hứng bất tận đối với Kore-Eda. Đến nay ông thường khai thác chủ đề này từ góc nhìn của đứa bé. « Nobody Knows » (2004) là câu chuyện của hai đứa bé bị mẹ bỏ rơi phải tự tìm đường sống.

Với « I Wish » (2011) Kore-Eda theo chân hai anh em một nhà, phải sống xa nhau khi cha mẹ chúng ly dị. Cả hai chỉ mơ đến ngày được trở về cùng sống lại dưới một mái nhà.

Đến dự liên hoan Cannes năm nay với « Cha nào, con nấy » Kore-Eda nêu ra một câu hỏi rất khó trả lời : Thế nào là một người cha ?

Bộ phim xoay quanh câu chuyện của cặp vợ chồng Nonomiya, với một đứa con trai 6 tuổi. Anh chồng là một kỹ sư nhiều tham vọng, đầu tư hầu hết thời gian cho công việc.

Hạnh phúc tưởng chừng không có gì lay chuyển được của gia đình nhỏ bé này bỗng chốc tan vỡ khi hay tin Keita không phải là giọt máu của cặp vợ chồng Nonomiya. Đứa con trai của họ đã bị đánh tráo khi nó vừa chào đời ở nhà bảo sinh.

Con đẻ của vợ chồng Nonomiya hiện đang sống với gia đình Saiki, một cặp vợ chồng bán chạp phô.

Đứa nhỏ 6 tuổi này là anh cả của hai đứa em. Với ba đứa con nhỏ của mình Yudai Saiki là một ông bố hết sức trìu mến, kiên nhẫn và tếu lâm.

Danh vọng, tiền tài thì Saiki không thể sánh được với Nonomiya. Nhưng trong vai trò làm bố thì ông chủ hiệu chạp phô lại hơn hẳn ông kỹ sư.

Từ bức tranh xã hội đó, nhà làm phim người Nhật, Kore-Eda đề cập đến mối quan hệ phức tạp trong quan hệ cha con.

Các nhân vật của Kore-Eda phải cân nhắc giữa một bên là mối quan hệ huyết thống và bên kia chỉ đơn giản là tình thương yêu, mà một người nhận lấy vai trò làm « cha », dành cho kẻ ông gọi là « con ».

Bản thân tác giả là bố của một cô con gái 5 tuổi và ông tâm sự với Le Monde : ông làm phim để nói về xã hội Nhật Bản ngày nay.

Nhiều cặp vợ chồng chỉ muốn có một con, để có nhiều thì giờ chăm sóc cho đứa trẻ. Đó là một điểm son. Nhưng gia đình thu hẹp đó có khuynh hướng khép kín hơn với chòm xóm, anh em, họ hàng và kể cả ông bà.

Thế giới của một đứa bé như vậy chỉ giới hạn ở bố, mẹ và nó không được hưởng cũng như không biết chia sẻ tình yêu thương với những người chung quanh. Đó là điều đáng tiếc, trong mắt nhà làm phim Nhật Bản, Kore-Eda.

« Con sói phố Wall »

Từ bộ phim này đến một bộ phim khác : cũng Le Monde xem « Con sói phố Wall -The Wolf of Wall Street » của đạo diễn Mỹ, Martin Scorsese là bộ phim ấn tượng nhất của những ngày cuối năm 2013 vừa được công chiếu tại Pháp kể từ hôm nay.

Một lần nữa Scorsese phơi bày mặt trái của « The American Dream - Giấc mơ của Mỹ ». Đó là một thế giới như gắn liền với tình, tiền và ma túy.

Nhưng trong tác phẩm mới nhất này, ông như thám hiểm sâu hơn vào « niềm đau, tội lỗi và cõi chết ».

« Con sói phố Wall » được dựng từ một nhân vật có thật ngoài đời đó là tay môi giới chứng khoán Jordan Belfort.

Vào những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 trong chớp mắt hắn trở thành triệu phú nhờ lập công ty ma để lừa đảo, làm giàu bất chính. Belfort dường như sinh ra chỉ với mục đích làm giàu. Vơ vét tiền của được nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Hắn không hề nghĩ đến bất kỳ điều gì, bất kỳ một ai khác ngoài bản thân.

Lòng tham không đáy là cái bẫy Belfort tự mình tạo ra. Trong mỗi bước thăng tiến của Belfort đều có mầm mống của sự thất bại. Lời thoại của bộ phim tuyệt vời. Nam diễn viên Leonardo DiCapio thủ vai Jordan Belfort hết sức xuất sắc.

Le Monde thậm chí còn cho rằng, tài nghệ của DiCaprio vượt bực khi anh làm việc với ông phù thủy của làng điện ảnh Hoa Kỳ, Scorsese.

Đây là lần thứ 5 Scorsese điều khiển ngôi sao điện ảnh DiCaprio.

Những điều cần biết về Noel

Ngày Giáng Sinh nói chuyện Noel : tờ báo phát không 20 Minutes trong ấn bản internet được cập nhật vào trưa nay trả lời những câu hỏi liên quan đến Ông Già Noel : Ông từ đâu đến ? Quanh năm suốt tháng ông sống nơi nào ?

Ông có họ hàng gì với Thánh Saint Nicolas cũng phát quà cho trẻ nhỏ tại một số quốc gia vào ngày 6 tháng 12 ?

Làm sao ông có thể phát quà cho trẻ con trên toàn thế giới khi biết rằng nội đêm 24 tháng 12, ông lão áo đỏ, râu tóc trắng như tuyết này phải đi vòng quanh trái đất, trao quà cho từ ba đến bốn trăm triệu trẻ thơ ?

Tờ báo khẳng định Ông già Noel là một « siêu nhân ». Mỗi năm Ông Già Noel chỉ làm việc có 31 giờ và trong khoản thời gian ngắn như vậy, ông phải dừng xe, trèo qua ống khói, đặt quà cho mỗi đứa trẻ trong nhà dưới chân cây thông xanh. Và nữa : Ông già Noel không mấy khi đưa nhầm quà cho trẻ thơ !

Tờ Le Parisien trên mạng thông báo cổng tìm kiếm thông tin Google năm nay có dịch vụ mới, cho phép chúng ta « trực tiếp » theo gót chân Ông Già Noel.

Nói cách khác bất kỳ lúc nào, ai cũng có thể biết được ông đang ở đâu, đang phát qua cho nhà nào và ông còn cách xa nơi mình ở bao xa.

Le Figaro ít thơ mộng hơn khi cho biết « 6 người Pháp trên 10 sẵn sàng bán lại những món quà Giáng sinh » họ vừa được tặng đêm hôm qua.

Theo nghiên cứu của OpinionWat/PriceMinister-Rakuten ngày càng có nhiều người Pháp sẵn sàng bán lại những món quà họ không vừa ý. Cách nay hai năm, chỉ có 30 % những người được hỏi coi đấy là một chuyện bình thường.

Năm nay tỷ lệ đó đã nhân lên gấp đôi. Trong số đó có tới 42 % cho rằng « thời buổi khó khăn » bán lại món quà mình vừa được người khác tặng cho là điều hợp lý.

Chỉ có 18 % những người được tham khảo ý kiến coi đó là một việc làm không thể chấp nhận được. Vì quà tặng không chỉ có giá trị vật chất mà trước hết đó là một món quà tinh thần, một cử chỉ tỏ lòng yêu thương, người khác dành tặng cho mình.

Đương nhiên theo tác giả bài báo, người ta chỉ bán lại những món quà không vừa ý. Đó có thể là một món quà mà họ đã có, hay là một món quà « vô dụng ».

Tuy vậy có đến hơn 80 % những người được viện thăm dò OpinionWat/PriceMinister-Rakuten liên lạc đã từ chối trả lời câu hỏi tế nhị này.

Báo Le Monde thực tế cũng không kém gì Le Figaro khi nhắc nhở độc giả cảnh giác trước những rủi ro ngộ độc thực phẩm vì đồ ăn kém tươi, hay dị ứng.

Không tiệc tùng lúc nửa đêm, không đi dự Thánh lễ, không trưng cây thông trong nhà thì không có lo gì bị dị ứng hay ngộ độc.

Nhưng nói như thế thì còn gì không khí mùa lễ Giáng Sinh ? Đóng lại các trang báo, kính chúc bạn nghe đài những khoảng khắc thật đầm ấm và hạnh phúc với gia đình.



Switch mode views: