Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-12-2013

 Pháp : Tình trạng làm 'chui' gia tăng

Paris-Bokinhte-Taichanh

Trụ sở Bộ Kinh tế và Tài chánh Pháp ở khu Bercy (Paris).
AFP / Loic Venance


Chủ đề thời sự được các báo Pháp chạy tít mở đầu bản tin hôm nay 05/12/2013 khá tản mạn từ Haiti, nơi công cuộc tái thiết sau trận động đất năm 2010 vẫn còn rất chậm chạp.

Theo báo La Croix, cho đến hồ sơ Trung Phi với việc Pháp chuẩn bị can thiệp khiến Libération chạy tựa « Một sen đầm ở Châu Phi », hay trở lại hồ sơ thuế ở Pháp trên Le Monde. Đáng chú ý hơn cả có lẽ là đề tài lao động « đen » (không khai báo) bùng nổ ở Pháp đã được Le Figaro nêu bật.

Le Figaro không ngần ngại báo động trước hiện tượng đang « bùng nổ ở Pháp » : Lao động đen – tức là không khai báo - đã lên đến mức rất cao.

Theo tờ báo, 1/3 người Pháp cho biết họ đang hay đã từng làm việc chui mà không khai báo. Gần 20% công việc không phải là « đen » mà là « xám », tức là chỉ khai báo một phần. Với thuế gia tăng, hiện tượng này còn sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều khu vực kinh tế.

Trên đây là các số liệu năm 2013 trong báo cáo của Market Audit, vừa được công bố. Le Fìgaro tỏ vẻ e ngại trước đà gia tăng mạnh mẽ này và so sánh với số liệu năm 2008, khi đó chỉ có 13% người Pháp công nhận có làm việc ‘đen’, trong lúc người làm việc ‘xám’ chỉ có 2% .

Tờ báo e ngại là với các sắc thuế gia tăng, nhất là thuế trị giá gia tăng TVA, từ 7% lên 10%, hiện tượng này sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm 2014 tới đây.

Le Figaro nêu ví dụ trong lãnh vực xây dựng, với mức thuế từ 5,5% sẽl ên đến 10%. Điều này sẽ khuyến khích các bên, khách hàng và người cung cấp dịch vụ càng ngày càng muốn ‘thỏa thuận với nhau’.

Dĩ nhiên khu vực mà hai bên dễ thỏa thuận nhất lãnh vực giúp việc nhà, giữ trẻ em, dậy kèm... Hai bên đều có lợi, cho dù đối với người chủ thuê mướn, việc làm chui hàm chứa nguy hiểm, vì có thể bị người được thuê kiện lại là hành động phi pháp, và chắc chắn sẽ bị thua.

Người làm chui tuy nhiên cũng có phần thiệt thòi, thu nhập khai báo ít hơn sẽ ảnh hưởng đến tiền hưu, hay khả năng đi thuê nhà ở, đi vay tiền…. Trong ngành xây dựng chẳng hạn, nhũng người lao động không khai báo sẽ không được bảo đảm trong trường hợp tai nạn.

Trở lại nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người tránh né luật và các quy định về thuế, theo Le Figaro, đó là do tình hình khủng hoảng, thuế nặng thêm, vả tâm lý nơi một số người không còn sợ hiện tượng gian lận thuế nữa.

Le Figaro nhìn thấy đó đang trở thành ‘cung cách xoay sở, ứng biến’ trong tình hình khủng hoảng khó khăn hiện nay. Nhiều người không che giấu việc làm không hợp pháp này. Một chủ tiệm bán thịt đã công nhận rằng ông đã thuê một người thợ hồ làm chui cho ông và trả công bằng... thịt bò !

Trong bài xã luận trang nhất, tựa đề : « Thuế, cuộc tháo chạy tán loạn », Báo Le Figaro ghi nhận không vui : Trước đây, người ta cho là tránh thuế là môn thể thao dành riêng cho người Hy Lạp hay người Ý, được liệt vào danh sách những người trốn thuế kinh niên.

Thế nhưng bây giờ có lẽ người Pháp sẽ phải quét tước trước cửa nhà mình, vì ở Pháp lao động chui « cũng rất khỏe, có lẽ phải nói là ngày càng khỏe hơn ». Trọng lượng của kinh tế ngầm được ước tính từ 4% đến 10% GDP Pháp

Tuy không có số liệu thống kê để đo lường hiện tượng, nhưng trước số giờ làm việc được khai báo giảm sụt, thuế thu được ít đi hơn mặc dù có thêm rất nhiều thuế mới, và trước việc 1/3 người Pháp công nhận làm việc trái phép năm nay, thì đã đến lúc phải mở mắt.

Le Figaro tỏ vẻ bực tức trước chính sách thuế hiện nay, và khuyên chính phủ cánh tả là hãy bắt đầu lại từ đầu : Giảm thuế để người Pháp có thể làm việc mả không phải trốn tránh.

Học sinh Pháp kém cỏi trên bảng xếp hạng Pisa : Lỗi tại ai ?

Cũng trên bình diện xã hội, báo Pháp hôm nay trở lại hồ sơ giáo dục ở Pháp sau bản xếp hạng Pisa về thành quả học tập của học sinh trong khối OCDE, theo đó, học sinh Pháp có nhiều thiếu sót.

Le Monde nhấn mạnh trên một nguyên nhân mà Pisa nêu lên : Tính chất « thiếu bình đẳng » của trường học ở Pháp.

Những cuộc điều tra trước đây ở Pháp cho thấy rõ khoảng cách giữa học sinh ‘giỏi’ và ‘kém’ ngày rộng thêm, con em giới cán bộ, nhà giáo thì thành công, nhưng con em giới bình dân, thợ thuyền thì không.

Le Monde trích lời nhà xã hội học Pierre Merle, quy trách nhiêm cho các trường cấp 2 : chính sách đa dạng hóa chương trình với nhiều hướng chọn lựa giúp các phụ huynh tập trung vào một số trường, dẫn đến sự phân biệt xã hội rõ rệt : hiện nay có quá nhiều trường tập trung học sinh kém thuộc tầng lớp bình dân, thợ thuyền, một số khác thì tập trung con em gia đình khá giả. Trong lúc đó, theo ông Merle, ai cũng thấy là sự hòa hợp các tầng lớp tại học đường, hòa hợp học sinh trình độ khác nhau là điều có lợi, nó khuyến khích các em kém vươn lên mà không ảnh hưởng đến những học sinh giỏi.

Trên hồ sơ này, Le Figaro đăng ở trang ý kiến bài nhận định của cựu bộ trưởng Pháp Luc Ferry, phản bác phần nào kết luận của Pisa. Trong hàng tựa là câu hỏi : Pisa : Lỗi của học đương hay gia đình ?

Bài nhận định trước tiên nêu bật là Pisa đánh giá về khả năng các học sinh 15 tuổi - tức là ngay trước khi giai đoạn học vấn bắt buộc kết thúc - và trên hiểu biết của các em về toán, khoa học, khả năng đọc hiểu.

Nhiều người đã cho đấy là đánh giá về chất lượng hệ thống giáo dục của Pháp. Điều đó, theo ông Ferry hoàn toàn sai, vì điều tra của Pisa không chú ý đến việc tuyền chọn giáo sư mà ông Ferry cho là rất tốt, hay tính chất thích ứng của chương trinh, phương pháp hay số lượng học sinh từng lớp.

Tóm lại Pisa không chú ý đến nhiều yếu tố khác của một hệ thống giáo dục, trong đó phải xem trước tiên là tình trạng xã hội và nhất là các gia đình.

Bài viết nhắc lại là phải phân biệt giữa học vấn và giáo dục. Học vấn là ở nhà trường, giáo dục là ở gia đình, là của cha mẹ. Và nếu không có sự giáo dục trong gia đình, thì không thể dạy dỗ ở trường học được.

Ông Ferrry kết luận là nếu gia đình không làm tròn công việc giáo dục con em mình, thì các nhà giáo không thể làm tròn trách nhiệm giảng dậy của họ. Nhìn kết quả Pisa và đổ tội cho hệ thống (giáo dục) là bỏ qua cho các phụ huynh công việc của họ mà họ không làm.

Giải mã vụ dượng rể Kim Jong Un bị cách chức

Châu Á hôm nay hầu như chỉ được La Croix chú ý, với bài báo tìm hiểu vụ cách chúc ở thượng tầng nhà nước Bắc Triều Tiên, tít trên trang thế giới.

Theo La Croix, đây không phải lần đầu tiên ông Jang Song-Thaek, 67 tuổi, vừa bị cách chức, chịu số phận ngược đãi.

Bài báo nhắc lại việc chú dượng của Kim Jong Un, người vốn được xem là nắm thực quyền sau khi Kim Jong Il qua đời, đã từng biến mất năm 2004, có lẽ bị quản thúc hay bi đưa đến trại cải tạo lao động. Ông xuất hiện trở lại vào năm 2006, dẫn đầu phái đoàn đến Bắc Kinh đàm phán trên việc phi hạt nhân hóa bán đảo.

Từ tháng 12/2011, sau cái chết của Kim Jong Il, ảnh hưởng của nhân vật được xem như một nhà cải cách, mở của kinh tế theo mô hình Trung Quốc, được cảm nhận rõ trong quân đội cũng như về kế hoạch kinh tế.

La Croix nhận định nếu việc cách chức thực sự diễn ra thì đó là một sự thay đổi sâu sắc trong đường hướng chinh trị, kinh tế Bắc Triều Tiên, mà nhiều người nghĩ là chế độ đang đi dần dần trên con đường mở cửa, tự do hóa kinh tế phần nào. Sự tự do hóa phần nào này đã được chứng kiến ở các thành phố lớn : báo chí cho thấy hình ảnh các trung tâm thương mại, nhà hàng, cửa hiệu v.v..

La Croix nêu giả thuyết, nếu vì lý do sức khỏe mà ông Jang Song-Thaek phải rời khỏi sân khấu chính trị, thì ông vẫn giữ được ảnh hưởng của mình, còn nếu vì bất đồng ý kiến với Kim Jong Un về đường lối chính trị hay kinh tế, thì sẽ diễn ra sự thay đổi chính trị quan trọng nhất ở Bắc Triều Tiên từ khi Kim Jong Un lên thay cha nắm quyền.

Ukraina dưới ngọn cờ châu Âu

Về thời sự quốc tế, cuộc đấu tranh của đối lập Ukraina tiếp tục được theo dõi sát. La Croix nói đến một phong trào ‘quốc gia dưới ngọn cờ Châu Âu’, vì đám đông biểu tình lấy lá cờ Châu Âu làm biểu tượng, một biểu tượng cho tự do, dân chủ..., và tố cáo chế độ độc tài của Tổng thống Ianoukovitch.

La Croix trích lời một người biểu tình tóm lược nguyện vọng chung : « Điều chúng tôi muốn ở đây, là sống trong một đất nước văn minh. Chính quyền phải tôn trọng chúng tôi. »

Le Monde nhìn thấy trong cuộc đọ sức hiện nay, các tập đoàn thống trị kinh tế Ukraina chống lại Châu Âu vì họ không được lợi lộc gì, mà còn bị mất mát nhiều trong việc xích lại gần Châu Âu. Tờ báo trích dẫn một bản nghiên cứu gần đây cho thấy là các doanh nhân thân cận chính quyền, đã mở rộng ảnh hưởng của họ một cách chưa từng thấy.

Le Figaro cho là chính quyền ở Kiev đang đánh cuộc trên một cuộc chiến cân não. Hiện nay phe đối lập giành được hậu thuẫn đáng kể trong nước : 3 cựu Tổng thống Ukraina nối tiếp nhau từ ngày nước này độc lập vào năm 1991 - Leonid Kravtchouk, Leonid Koutchma, Viktor Ioutchenko - đã bày tỏ sự đoàn kết với những người biểu tình trong một bức thư ngỏ.

Le Figaro cũng công nhận là Ukraina không dễ gì có được quyết định dứt khoát vì một mặt dư luận chia rẽ, một mặt khác, nước này luôn trong thế yếu trước mặt Nga.



Switch mode views: