Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á: Giải pháp cho tranh chấp Biển Đông ?

2013 09 25 HOANG SA 1Trong hai ngày 19-20/09/2013, một cuộc hội thảo khu vực về Biển Đông đã diễn ra tại Phnom Penh với chủ đề « ASEAN và Biển Đông : Những thành tựu, các thách thức và hướng đi tương lai (ASEAN and the South China Sea Achievement, Challenges and Future Direction) ». Hội thảo do Viện Cam Bốt vì Hòa bình và Phát triển CICP (Cambodian Institute for Cooperation and Peace) tổ chức, đã quy tụ một số chuyên gia đến từ các nước ASEAN cũng như từ Trung Quốc, Canada và Úc.

Đáng chú ý tại cuộc hội thảo này, có tham luận của giáo sư Carlyle A.Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc : « Kết hợp một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông COC vào Cộng đồng Chính trị an ninh của ASEAN: Con đường trước mặt (Incorporating a Code of Conduct for the South China Sea into ASEAN’s Political-Security Community: The Road Ahead) ». Điểm nổi bật trong tham luận là đề nghị theo đó khối ASEAN nên sớm đúc kết một « Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á », một văn kiện có khả năng trở thành phương tiện tốt góp phần mang lại ổn định cho vùng Biển Đông.

Trong tạp chí hôm nay, RFI sẽ giới thiệu một số nét chính trong đề nghị về Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á đã được Giáo sư Thayer nêu lên trong tham luận trình bày tại Phnom Penh, một ý kiến mà chính ông cũng thừa nhận là còn được tiếp nhận một cách thận trọng.

Trả lời phỏng vấn nhanh của RFI hôm 20/09 sau khi báo cáo của ông được trình bày tại cuộc hội thảo ở thủ đô Cam Bốt, Giáo sư Thayer cho biết :

« Trong phiên họp cuối cùng Đại sứ Pou Sothirak (Giám đốc Điều hành Viện Cam Bốt vì Hòa bình và Phát triển) đã gián tiếp nói rằng đề nghị của tôi quá chung chung và không thể đạt được. Nên tập trung vào đề nghị của Việt Nam về việc không sử dụng vũ lực trước tiên.

Việt Nam đã đề nghị là ASEAN và Trung Quốc cùng đồng ý rằng không ai trong số họ sẽ là bên đầu tiên sử dụng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông. Đây sẽ là một cam kết của tất cả các bên theo đó, khi xảy ra sự cố, họ sẽ tự kiềm chế và không dùng đến vũ lực. Đấy sẽ là một biện pháp xây dựng lòng tin quan trọng. »

Xin nhắc lại là ý tưởng về một thỏa thuận « không sử dụng vũ lực trước tiên » giữa Hiệp hội Đông Nam Á và Trung Quốc đã được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đề xuất tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ngày 07/05/2013 ở Brunei. Sau đó ít lâu, ý kiến này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Singapore tỏ ý ủng hộ tại Hội nghị An ninh châu Á – tức Đối thoại Shangri-La - ngày 02/06/2013.

Đối với Giáo sư Thayer, nếu Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á trở thành hiện thực, Việt Nam sẽ tránh được tình trạng khối ASEAN mất đoàn kết trên vấn đề Biển Đông như đã từng xẩy ra trong quá khứ, có hại cho đối sách của Việt Nam nhằm chống lại tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh. Tuy nhiên, về phần mình, Việt Nam cũng phải điều chỉnh một số yêu cầu. Giáo sư Thayer giải thích :

« Hiệp ước sẽ gắn kết toàn bộ các nước ASEAN vào vấn đề an ninh trên biển. Việt Nam sẽ được độc lập nhiều hơn (không bị lệ thuộc) vào vấn đề quan điểm thống nhất của ASEAN. Thế nhhưng Việt Nam sẽ phải điều chỉnh lại đường cơ sở của mình ở khu vực đông nam cho phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của mình, bao gồm cả việc phân biệt rõ ràng các thực thể địa lý như bãi đá, độ cao thủy triều lúc xuống thấp, hải đảo.

Khi nhìn vào bản đồ vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam, có một chỗ phình ra trông thấy - hoặc là phần mở rộng được gọi nôm na là ‘người phụ nữ mang bầu’ – tại vùng bờ biển phía đông nam, để bao gồm cả khu vực bãi Tư Chính ( hoặc Vạn An Bắc theo phía Trung Quốc). Đây là một yêu cầu quá mức. Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cần được quy định theo đường cơ sở vẽ thẳng từ bờ biển.

Khi dự thảo Luật Biển của Việt Nam được chuyển lên Bộ Chính trị, giới chuyên gia về biển đã đề nghị làm cho các tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế. Đề nghị này đã bị từ chối với lý do là Việt Nam sẽ phải đàm phán với Trung Quốc vào một thời điểm nào đó trong tương lai và yêu sách quá mức về vùng đặc quyền kinh tế đó là điểm khởi đầu cho cuộc đàm phán. »

Dẫu sao thì công việc hình thành một Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á không thể được thực hiện trong một sớm một chiều, đặc biệt trong bối cảnh giữa một số nước ASEAN, các tranh chấp biển đảo đã có từ rất lâu. Trên các khó khăn này, Giáo sư Thayer ghi nhận :

« Đây là một dự án phải mất ít ra là 10 năm mới thực hiện được, nhưng nó có thể là đầu mối để xây dựng một Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN.

(Cái khó là) có một số tranh chấp hàng hải nhất định đã tồn tại từ lâu đời và một số nước Đông Nam Á cảm thấy nên duy trì nguyên trạng, vì hướng tới một hiệp ước sẽ khơi lại những vết thương cũ. »

Cần tiến tới Hiệp ước Hàng hải vì COC bị Trung Quốc trì hoãn

Trong bản báo cáo khoa học của mình, Giáo sư Thayer đã nêu bật nguyên do chính thúc đẩy ông nghĩ đến giải pháp « Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á ». Đó là triển vọng được ông cho là còn rất xa vời của Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, chủ yếu xuất phát từ thái độ trì hoãn của Bắc Kinh.

Trong phần đề cập đến cách thức đạt được COC, ông ghi nhận là từ trung tuần tháng Chín 2013, quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu mở tham vấn về COC. Tuy nhiên, đối với với Giáo sư Thayer, ngay từ khởi điểm, Bắc Kinh đã đặt ra một số điều kiện làm cho khó có thể tiến nhanh đến một bộ Quy tắc Ứng xử. Ông giải thích :

« Trung Quốc nhấn mạnh rằng hai tiến trình (thực hiện) bản Tuyên bố Ứng xử DOC và (xây dựng) bộ Quy tắc Ứng xử COC tương quan chặt chẽ với nhau, và chỉ có thể được thúc đẩy, một khi đạt được tiến bộ trong việc tiến hành các hoạt động hợp tác được liệt kê trong bản Tuyên bố DOC. Tuy nhiên, cùng một lúc, Trung Quốc lại xác định rằng thỏa thuận nhanh chóng trên bộ Quy tắc COC là điều không thực tế.

Để có thể đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, ASEAN cần phải tách biệt các cuộc thảo luận về DOC ra khỏi thảo luận về COC. Vào tháng 08/2013, tại cuộc họp đặc biệt Trung Quốc – ASEAN, Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Anifah Aman đã cho rằng ‘công việc tham vấn về COC phải được bắt đầu càng sớm càng tốt và không nên gắn liền với việc thực thi DOC, cả hai tiến trình nên được thực hiện song song với nhau’.

Để cho các cuộc đàm phán về việc thực thi bản Tuyên bố DOC có thể bắt đầu, thì Trung Quốc phải làm rõ các đòi hỏi chủ quyền của mình tại Biển Đông như là một điều kiện tiên quyết cho việc khởi sự các hoạt động hợp tác ở Biển Đông. »

Đồng thuận khó khăn về COC vì bị Bắc Kinh phá quấy

Một khó khăn khác trong việc tiến tới bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông là tìm được sự đồng thuận ngay trong nội bộ khối ASEAN về bản dự thảo COC của riêng mình để có thể trình bày với phía Trung Quốc. Công việc tìm kiếm đồng thuận này lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh Trung Quốc không ngần ngại gây chia rẽ giữa các nước ASEAN.

« Tiến trình tham vấn/đàm phán ASEAN - Trung Quốc về DOC/COC là cần thiết nhưng chưa đủ để có được một Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc.

ASEAN bám sát trọng tâm đàm phán về COC với Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng cho dù đây là một mục tiêu an ninh quan trọng, về cơ bản đó là một ưu tiên không đúng chỗ. Các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về COC đã làm cho ASEAN bị chia thành hai nhóm - có tranh chấp và không tranh chấp - làm cho việc thông qua một chính sách chung vô cùng khó khăn.

Cách tiếp cận đó cũng cho phép Trung Quốc khai thác sự khác biệt giữa các thành viên ASEAN và trì hoãn không chỉ thảo luận về các biện pháp hợp tác trong khuôn khổ bản Tuyên bố DOC nhưng trên cả việc xây dựng COC. Điều đó cung cấp cho Trung Quốc thời gian để củng cố sự hiện diện của họ, tức là quyền kiểm soát trên vùng biển đảo tại Biển Đông. »

COC còn bị giới hạn về phạm vi áp dụng

Riêng về bộ Quy tắc Ứng xử COC, Giáo sư Thayer cho rằng phạm vi áp dụng của văn kiện này còn quá hạn chế về mặt địa lý, không bao trùm toàn bộ các vùng biển Đông Nam Á.

« Thảo luận ASEAN-Trung Quốc về bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông COC không bao gồm các vùng biển Đông Nam Á bên ngoài Biển Đông. Trong thực tế, như các khó khăn nẩy sinh trong việc đàm phán với các cường quốc hạt nhân để họ gia nhập Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân từng cho thấy, không hề có thoả thuận về những gì tạo thành khu vực địa lý được gọi là Biển Đông.

Lĩnh vực hàng hải của Đông Nam Á bao gồm không chỉ Biển Đông và Vịnh Thái Lan mà còn là các vùng biển xung quanh các quốc gia ven biển và quần đảo. Khu vực rộng lớn bao trùm các vùng đặc quyền kinh tế của toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á (gồm cả Đông Timor)…

Vùng biển Đông Nam Á rất thiết yếu cho giao thông vận tải, và giao dịch thương mại của các nước trong khu vực cũng như các cường quốc bên ngoài. Tóm lại, vùng biển Đông Nam Á quan trọng đối với con người, lương thực và an ninh năng lượng. Những vấn đề đó liên quan chặt chẽ với nhau.

Các quốc gia ven biển trong ASEAN đang gặp phải khó khăn trong việc phát triển các nguồn tài nguyên nằm trong vùng EEZ của họ do việc yêu sách chủ quyền nằm trong bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc bao trùm khoảng 80% Biển Đông. Cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ có thể làm khu vực bất ổn thêm, trong lúc việc khai thác tài nguyên Biển Đông thêm khó khăn. »

Theo giáo sư Thayer, vì tất cả các lý do kể trên, do nguy cơ thảo luận ASEAN - Trung Quốc về COC rất có thể sẽ kéo dài vô tận, ASEAN cần phải có phương án giải quyết riêng. Đó là vừa đàm phán với Trung Quốc về việc tách hai cuộc thương thuyết về DOC và COC thành hai tiến trình riêng biệt, vừa yêu cầu Bắc Kinh làm rõ chính sách về các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ DOC.

Trong nội bộ, ASEAN phải bắt đầu đàm phán giữa các thành viên về một Hiệp ước Hòa bình, Hợp tác và Phát triển vùng biển khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á). Theo giáo sư Thayer, Hiệp ước này dựa trên hai tiền đề :

« Trước hết, sự an toàn của vùng biển toàn Đông Nam Á là một thể thống nhất đối với tất cả các thành viên ASEAN, cho dù đó là nước thuộc khối ven biển hoặc trên lục địa. Hiệp ước sẽ làm cho tất cả các thành viên ASEAN có liên can như nhau với vấn đề biển. Điều này sẽ khắc phục tình trạng phân cách hiện nay giữa các nước ASEAN có tranh chấp và không có tranh chấp tại Biển Đông.

Thứ hai, luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, được áp dụng đồng đều trên toàn vùng biển Đông Nam Á và không đơn thuần là Biển Đôn, và được áp dụng cho tất cả các nước. Việc thông qua Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á sẽ củng cố bản chất tập thể và pháp lý của ASEAN và tăng cường khả năng đối phó của khối với các cường quốc bên ngoài. Nó sẽ cung cấp cho ASEAN một đòn bẩy cần thiết trong đối sách với Trung Quốc. »

Giải quyết tốt tranh chấp trong nội bộ ASEAN để tôn cao vai trò khu vực

Theo Giáo sư Thayer, Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á phải là một phần không thể tách rời của Cộng đồng Chính trị- An ninh ASEAN. Văn kiện pháp lý này cần được thiết kế để giải quyết rất nhiều vấn đề biên giới trên biển và tranh chấp lãnh thổ trên biển chưa được giải quyết giữa các nước Đông Nam Á, từ đó lôi kéo toàn bộ các tác nhân khác cùng tham gia kết ước.

« Tranh chấp trên biển trong khu vực liên quan đến cả vấn đề đòi chủ quyền đối với các đảo và các thực thể địa lý, cũng như quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ở vùng biển và thềm lục địa. Mục đích của Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á là giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nói cách khác, ASEAN có thể khẳng định tốt vị trí của mình bằng cách dọn dẹp ngôi nhà riêng của mình trong địa hạt tranh chấp lãnh hải giữa các thành viên. Điều đó sẽ tăng cường đoàn kết và sự gắn kết của ASEAN và giúp toàn khối phát huy quyền tự chủ và vai trò trung tâm của ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực. »

Vấn đề then chốt, theo Giáo sư Thayer, là toàn thể các thành viên ASEAN có mặt tiền nhìn ra biển phải phân định rõ cái gì là của mình.

« Tất cả các nước ASEAN cần điều chỉnh đòi hỏi chủ quyền trên biển của mình sao cho phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt chú ý đến việc từ bỏ các đường cơ sở quá mức. Các quốc gia sau đó phải phân định lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các quốc gia cần phân biệt rõ ràng đảo với đá để phân định hải phận cho đúng…

Các quốc gia cần chỉ rõ những vùng lãnh thổ và thực thể địa lý khác mà họ đòi chủ quyền ở ngoài biển…

Một khi tiến trình đó hoàn tất, tất cả các nước nên tiến hành đàm phán để giải quyết các tranh chấp nổi bật nơi các vùng biển chồng lấn, hoặc tại nơi có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Các quốc gia cần đồng ý trên một thời hạn (đàm phán) để cho sau đó, nếu tranh chấp chưa được giải quyết, thì các nước chấp thuận quyền tài phán của Hội đồng Tối cao ASEAN, hay trong khuôn khổ các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS (Tòa án Quốc tế về Luật Biển hoặc Tòa án Công lý Quốc tế), hoặc theo thủ tục khác đã được thoả thuận.

Tất cả các bên tham gia Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á cần cam kết phi quân sự hóa các đảo, đá mà họ đang chiếm đóng, trong đó có việc cấm triển khai một số loại vũ khí cụ thể, chẳng hạn như tên lửa chống hạm bắn đi từ đất liền… »

Mở rộng Hiệp ước đón các đối tác đối thoại

Nội dung Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á do Giáo sư Thayer đề nghị còn bao gồm nhiều yếu tố khác, nhưng ý tưởng quan trọng chính là phạm vi áp dụng cũng như tính chất mở của Hiệp định này.

Theo ông Thayer, Hiệp ước phải bao trùm toàn bộ vùng biển trong khu vực Đông Nam Á – chứ không chỉ Biển Đông mà thôi - tương tự như phạm vi của Khu vực Tự do Hòa bình và Trung lập (1971), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (1976) và Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (1995). Bên cạnh đó, ngoài mười thành viên ASEAN hiện hữu và thành viên tương lai như Đông Timor, Hiệp ước cần phải được mở rộng cho các đối tác đối thoại của ASEAN và các cường quốc hàng hải khác tham gia.

Theo giáo sư Thayer trước thái độ trì hoãn cũng như các động thái chia rẽ ASEAN của Trung Quốc nhằm củng cố sự hiện diện của họ tại Biển Đông, ASEAN cần trang bị cho mình những công cụ hữu hiệu hơn để đối phó. Điều đó có thể được thực hiện bằng cách hình thành một Hiệp ước Hàng hải Đông Nam Á.

 

Switch mode views: