Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-08-2013

 Bắc Kinh điều chỉnh chính sách kinh tế

PUDONG SHANGHAI

Thượng Hải, thủ phủ kinh tế của Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 12/12/2012.
REUTERS/Carlos Barria/Files


Trong hồ sơ kinh tế, báo Les Echos hôm nay đặc biệt chú ý đến nền kinh tế Trung Quốc qua bài viết : « Trung Quốc : Chính quyền đứng trước một ngã rẽ kinh tế khó khăn ». Êkíp lãnh đạo mới muốn lèo lái nền kinh tế bằng cách đầu tư ít hơn và thúc đẩy tiêu thụ, tránh cho mức tăng trưởng rơi xuống dưới ngưỡng 7%.

Theo báo Les Echos, Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tuần trước cho biết chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường không hề che giấu tính phức tạp của hoàn cảnh hiện tại. Hai nhà lãnh đạo đều đang trong tình trạng hết sức khó khăn.

Vào lúc tăng trưởng chậm lại, cả hai đang lật sang một trang mới và củng cố thế lực của họ, thể hiện qua việc chống nạn tham nhũng như vụ án Bạc Hy Lai và vụ bắt giữ 4 lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK) tại Hoa Lục, do những cáo buộc hối lộ các quan chức chính phủ. Cả hai đang muốn củng cố quyền lực của họ bằng cách ra lệnh tổng kiểm toán tài chính công.

Theo các nhà kinh tế học của ngân hàng Pháp Société Générale, từ sau lần kiểm toán gần đây nhất vào giữa tháng 11, nợ của các chính quyền địa phương đã tăng từ 10.700 tỷ lên 17.500 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2.130 tỷ euro)

Hai lãnh đạo tối cao của Trung Quốc cho biết mức tăng trưởng dưới 7% là sẽ không chấp nhận được (tỷ lệ này là 7,5% trong quý II). Theo nhận định của một chuyên gia, đây là một thời kỳ chuyển tiếp cơ cấu quan trọng đối với lãnh đạo Trung Quốc, với việc cần phải tái cân bằng các chi tiêu đầu tư theo hướng kích thích tiêu thụ các hộ gia đình.

Báo Les Echos nhận định giảm đầu tư thì dễ, nhưng tăng tiêu thụ nội địa thì rất khó. Mặc dù nhịp độ tăng trưởng yếu, lãnh đạo Trung Quốc vẫn không muốn có sự thay đổi quá lớn và sẽ ưu tiên các giải pháp nhỏ, đặc biệt là giúp các công ty vừa và nhỏ (PME) để tránh sự bất cân bằng.

Lựa chọn này được giải thích bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất là dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Do có ít thanh niên bắt đầu gia nhập thị trường lao động, nên không cần phải hành động tức khắc. Thứ hai là rủi ro về tài chính đang thực sự đè lên các doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty này đang bị nợ quá khả năng chi trả và nguy cơ phá sản tăng. Trước tình hình này, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã giảm bớt mức cấp tín dụng.

Sắp tới, lãnh đạo Trung Quốc cần đưa ra phương hướng quản lý kinh tế phù hợp cho thập niên tới.

Kết nối trên internet và giám sát

Tiết lộ của Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) về các chương trình theo dõi công dân nước này đặt ra những vấn đề về tôn trọng đời tư. Báo La Croix hôm nay dành hai trang cho hồ sơ này.

Vụ Snowden cho thấy, với các công cụ hiện đại và thông qua internet, cả thế giới đã bị giám sát không chỉ vì động cơ an ninh.

Tờ báo nhận định, cư dân mạng hoàn toàn ý thức được vấn đề không bảo vệ được đời tư khi đăng các dữ liệu cá nhân lên mạng. Thế nhưng, họ vẫn chấp nhận đưa thông tin lên internet. Giải thích về điều này, báo La Croix lấy ví dụ từ các trường hợp cụ thể.

Do các biến chuyển trong xã hội, ngày nay mọi hoạt động gần như thông qua internet. Người kết nối đôi khi phải đăng thông tin cá nhân khi đặt phòng khách sạn, tìm kiếm một quán ăn ngon hay tra cứu hộp thư điện tử hoặc gia nhập các trang mạng xã hội như Facebook. Dữ liệu cá nhân do vậy đã bị thu thập và nhất cử nhất động của bạn được cả thế giới biết.

Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ NSA nắm đầy đủ các thông tin, nhưng họ chỉ truy cứu khi tình nghi bạn có dính líu đến một âm mưu khủng bố hay một vụ việc bất chính nào đó cần được điều tra, bằng không thì thông tin cá nhân bạn chẳng làm họ quan tâm. Ngoài ra, thông qua các trang mạng xã hội, NSA không chỉ nắm về thông tin của bạn, mà còn nắm được các mối quan hệ của bạn, từ đó, mở rộng tầm kiểm soát.

Một số cư dân mạng biết là không thể bảo mật thông tin cá nhân khi tham gia các trang xã hội, nhưng họ vẫn quyết định sử dụng phương tiện này, bởi vì họ nghĩ rằng, mình chẳng làm điều gì sai trái nên không lo bị theo dõi.

Trung Quốc : Kiểm duyệt gắt gao mạng internet

Nhìn sang Trung Quốc, nơi mà internet vốn bị chính quyền kiểm soát gắt gao, báo La Croix cho biết cả người Trung Quốc và người ngoại quốc sống tại đây đều ý thức được mình bị theo dõi. Do đó, họ sử dụng những biện pháp giảm thiểu kiểm soát của chính quyền về các hoạt động của họ trên mạng.

Tờ báo kể lại, sân bay Bắc Kinh cho kết nối miễn phí mạng internet không dây, nhưng hành khách nào muốn truy cập mạng phải scan hộ chiếu qua một cái máy nhỏ trước khi nhận được mật mã kết nối mạng.

Trong các quán cà phê Internet, người sử dụng phải trình giấy chứng minh nhân dân. Chính sách này chính thức được dùng để chống truy cập các đề tài mang tính chất khiêu dâm, giờ đây cho phép Trung Quốc kiểm tra các nhà bất đồng chính kiến.

Báo La Croix lấy ví dụ của Agathe Bergel, một sinh viên Pháp đã học tại Trung Quốc năm 2010-2011. Cô muốn thử nghiệm xem chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt cỡ nào. Trong một cuộc đối thoại từ xa trên Skype, cô thử nói từ « cách mạng hoa lài » thì lập bị mất kết nối internet và 5 phút sau thì mạng tiếp tục hoạt động lại.

Vào thời điểm đó đang nổ ra phong trào « mùa xuân Ả rập », với « cách mạng hoa lài » tại Tunisia trở thành biểu tượng của cách mạng dân chủ. Do đó, Trung Quốc kiểm duyệt để tránh liên tưởng đến sự kiện Thiên An Môn, phong trào đấu tranh dân chủ năm xưa.

Trước sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền Trung Quốc, giải pháp thường được các kiều dân ngoại quốc và một số người Trung Quốc dùng là cài đặt trên máy tính của mình một Mạng ảo riêng (VPN = Virtual Private Network). Đây là một mạng dành riêng để kết nối các máy tính của các công ty, tập đoàn hay các tổ chức với nhau thông qua mạng Internet công cộng.

Ngoài ra, công cụ này bảo đảm tính vô danh của người truy cập và tính bảo mật, cho phép vào các trang bị cấm truy cập tại đất nước cư trú. Các công ty nước ngoài thường trang bị hệ thống này. Tuy nhiên, đối với cá nhân thì Trung Quốc vẫn có thể theo dõi được, bởi hệ thống kiểm duyệt biết ai sử dụng VPN.

Agathe Bergel, sinh viên Pháp tại Trung Quốc nhận định rằng một khi đã quyết định đến Trung Quốc, tức là biết rằng mình phải sống trong chế độ độc tài và người dân bị kiểm soát gắt gao. Thế nhưng, ngày nào chưa bị gõ cửa thì vẫn tiếp tục sử dụng mạng.

Anh và Tây Ban Nha hục hặc nhau vì lãnh thổ Gibraltar

Báo Le Figaro hôm nay quan tâm đến căng thẳng giữa Anh và Tây Ban Nha quanh vụ tranh chấp lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh nằm ở cực nam Tây Ban Nha.

Gibraltar bị quân Anh chiếm từ năm 1704, và được sáp nhập vào Anh qua một thỏa ước ký năm 1713. Lãnh thổ bé tẹo này có diện tích chưa đầy 7 km2, dân số 30.000 người, nhưng giữ vị trí chiến lược quan trọng, kiểm soát lối vào Địa Trung Hải và Bắc Phi từ Đại Tây Dương.

Theo tờ báo, Tây Ban Nha phản đối vụ cơ quan hành chính của Anh tại Gibraltar thả 70 khối bê tông xuống ven bờ biển Gibraltar để tạo thành đá ngầm nhân tạo, nhằm cản trở việc đánh lưới rê và thu hút cá. Madrid phản đối vì cho là các tảng bê tông gây khó khăn cho các tàu cá Tây Ban Nha.

Sau đó, Tây Ban Nha muốn áp mức phí 50 euro/người qua biên giới đến Gibraltar, hạn chế các chuyến bay đến sân bay Gibraltar, tăng cường biện pháp kiểm soát xe cộ kéo dài gần 6 giờ vào tuần trước...

Giải thích cho biện pháp này, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo phát biểu : « Chúng tôi bắt buộc phải kiểm soát gắt gao nạn buôn lậu, rửa tiền và giao thông trái phép ».

Tờ nhật báo Tây Ban Nha El País châm chọc, cứ như thể Gibraltar là một « sào huyệt cướp biển, hang ổ buôn lậu và thiên đường của những kẻ gian lận ».

Anh gọi các biện pháp của chính quyền Tây Ban Nha là « không cân xứng ».

Đại học Pháp : Xét lại quyền mang khăn choàng Hồi giáo

Báo Le Monde hôm nay đặc biệt quan tâm đến việc có nên cho phép người Hồi giáo tiếp tục đeo khăn trùm đầu ở trường đại học hay không ?

Theo báo Le Monde, trong một văn bản đáng lo ngại, Hội đồng Nhập cư của Pháp yêu cầu cấm mọi dấu hiệu tôn giáo tại trường đại học, vì nhận thấy rằng có nhiều người đã vi phạm nguyên lý thế tục tại Pháp, mà đặc biệt là các sinh viên Hồi giáo đeo khăn trong lớp học.

Sau khi đạo luật cấm đeo khăn trùm kín mặt hay khăn choàng Hồi giáo được ban hành, 80% người Pháp cũng muốn cấm người theo đạo Hồi đeo khăn khi đi làm ở công ty.

Báo Le Monde đã phỏng vấn một số thanh niên theo đạo Hồi tại Pháp để xem họ cảm nhận thế nào về sự việc này.

Đối với Marwa, một phụ nữ theo đạo Hồi, 25 tuổi, thì không nên cấm đeo khăn tại chỗ làm vì việc đeo khăn tại công sở giúp loại bỏ thành kiến « phụ nữ đeo khăn là người lo việc nội trợ gia đình ». Một cô gái khác nhận định : Khi cô tháo khăn choàng đầu ra thì có cảm giác như đang trần truồng và cô không hiểu tại sao người ta lại muốn thấy tóc của cô.



Switch mode views: