Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ - Trung cố thu hẹp bất đồng về thương mại và an ninh mạng

chine US

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (P) và phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tại vòng đối thoại chiến lược song phương, Washington, 10/05/2011 (Reuters)


Hôm nay, 10/07/2013, tại Washington, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ mở cuộc đối thoại thường niên trong hai ngày, với hai chủ đề chính: trao đổi thương mại và an ninh mạng.

 Washington và Bắc Kinh sẽ cố gắng thu hẹp bất đồng trên những vấn đề này, nhưng không ai chờ đợi sẽ có những bước đột phá trong cuộc đối thoại năm nay.

“Đối thoại chiến lược và kinh tế” là cuộc họp thường niên giữa các lãnh đạo hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia lưu ý rằng bốn nhân vật chính của cuộc đối thoại năm nay đều là những người mới nhậm chức ( như trường hợp của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ), cho nên họ sẽ khó mà lấy các quyết định quan trọng.

Để chuẩn bị cho cuộc đối thoại hôm nay, ngày 08/07 vừa qua, lần đầu tiên hai nước đã mở cuộc họp riêng về an ninh mạng, một trong những vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung.

 Một nhà ngoại giao Hoa Kỳ thông báo với hãng tin AFP là Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đưa ra những “đề nghị cụ thể”, nhưng không cho biết chi tiết.

 Về phần Tân Hoa Xã thì khẳng định là hai nước đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh mạng.

Cho tới nay Washington và Bắc Kinh vẫn tố cáo lẫn nhau về các vụ tấn công tin học và gián điệp mạng.

An ninh mạng cũng đã là một trong những đề tài chính trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung vào đầu tháng trước tại California.

Cuộc thảo luận giữa tổng thống Barack Obama và chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ thân thiện, nhưng lãnh đạo Hoa Kỳ đã yêu cầu đồng nhiệm Trung Quốc ngăn chận những hoạt động gián điệp mạng, mà Bắc Kinh khẳng định mình cũng là nạn nhân.

Nhưng các tiết lộ gần đây của cựu tư vấn cơ quan tình báo Edward Snowden về những chương trình theo dõi thông tin liên lạc của Hoa Kỳ đã đẩy phái đoàn Mỹ vào thế yếu, vì phía Bắc Kinh sẽ dùng chuyện này để phản bác cáo buộc của Washington về việc Trung Quốc không tôn trọng sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đôla mỗi năm cho các doanh nghiệp Mỹ.

Trong cuộc đối thoại lần này, các nhà thương thuyết Hoa Kỳ sẽ một lần nữa yêu cầu Trung Quốc mở cửa hơn nữa thị trường cho cạnh tranh nước ngoài.

Bắc Kinh cũng vẫn bị chỉ trích là duy trì giá trị đồng nhân dân tệ ở mức thấp để tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc.

Trong một bức thư, các dân biểu hàng đầu về chính sách kinh tế của Quốc hội Mỹ, thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trách Bắc Kinh là đã không thực hiện đúng những cam kết đưa ra vào năm ngoái, nhất là về mặt sở hữu trí tuệ.

Cuộc “Đối thoại chiến lược và kinh tế” năm ngoái tại Bắc Kinh đã không diễn ra suôn sẻ do vụ nhà đối lập Trần Quang Thành đang bị quản chế đã trốn khỏi nhà để vào tỵ nạn trong đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh ngay trước khi Ngoại trưởng Hillary Clinton đặt chân đến thủ đô Trung Quốc. Sau đó, ông đã được sang định cư tại Hoa Kỳ do sự dàn xếp giữa hai nước.

Tham gia cuộc đối thoại năm nay, Ngoại trưởng John Kerry dự tính sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, đặc biệt là quy chế của các sắc tộc thiểu số, như người Tây Tạng.

Từ năm 2009 đến nay đã có hơn 110 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp của Bắc Kinh.

 Các tổ chức Tây Tạng lưu vong vừa cho biết là hôm thứ bảy tuần trước, lực lượng an ninh Trung Quốc đã nổ súng vào những người Tây Tạng đang làm lễ mừng sinh nhật lãnh đạo tinh thần của họ, Đức Đạt Lai Lạt Ma.



Switch mode views: