Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-07-2013

Vì sao người Ai Cập lại xuống đường ?

EGYPT-PROTESTS 5


Biển người đòi tổng thống Morsi rời khỏi quyền lực. Reuters


 

Năm 2011, Mùa Xuân Ả Rập đã đi qua Ai Cập khi mà làn sóng xuống đường của người dân đã lật đổ được tổng thống Mubarak.

Mười tám tháng sau đó, quyền lực nằm trong tay quân đội. Rồi đến tháng 6/2012, nước này đã có tổng thống mới là ông Mohamed Morsi. Tưởng rằng Mùa Xuân Ả Rập tại Ai Cập đã kết thúc như vậy, thế nhưng, giờ đây người Ai Cập lại xuống đường đòi tổng thống từ chức.

Ngày 30/06/2013, thủ đô Cairo và các thành phố lớn của Ai Cập lại nóng lên khi người dân rầm rộ xuống đường phản đối Morsi. Đây là chủ lớn trên các tờ báo Pháp.

Nhật báo Le Monde chạy tựa lớn trên trang nhất : «Đường phố Ai Cập lại nóng lên », nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng đăng tựa trên trang nhất : « Biểu tình lịch sử đòi tổng thống Morsi ra đi », nhật báo cánh tả Libération cũng dành trang nhất chạy tít : «Quảng trường Tahrir tỉnh giấc ». Báo cộng sản Pháp L’Humanité cũng chạy tít trên trang nhất : «Cách mạng sông Nil đòi phe Hồi Giáo cực đoan phải ra đi ».

Còn báo kinh tế Les Echos thì đăng bài : « Người Ai Cập đổ xô xuống đường phản đối Morsi ». Các tờ báo đồng loạt đăng ảnh biển người biểu tình tại Ai Cập ngày 30/06/2013 với các khẩu hiệu phản đối Morsi và hình ảnh gương mặt ông Morsi bị gạch chéo.

Hàng trăm ngàn người đã xuống đường phản đối Morsi ở quảng trường cách mạng Tahrir, ở khắp thủ đô Cairo và ở các thành phố lớn của Ai Cập.

Phe ủng hộ cũng triển khai lực lượng, nhưng qui mô nhỏ hơn. Đụng độ giữa hai phe đã xảy ra. Tổng thống Morsi thì tuyên bố không nhượng bộ. Người biểu tình thì yêu cầu tổng thống từ chức, và đòi tổ chức bầu cử trước thời hạn. Tình hình Ai Cập đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng.

Trong số nhiều thất bại trong điều hành đất nước của ông Morsi, các tờ báo đặc biệt nhấn mạnh đến hai thất bại. Trên bình diện chính trị, tờ báo cho rằng, tổng thống Morsi đã thất bại trong tư cách là « tổng thống của tất cả người Ai Cập », tức là ông chỉ tạo ra hình ảnh là « tổng thống của phe Huynh Đệ Hồi Giáo ».

Nói cách khác, ông Morsi đã không đủ tầm cỡ để dung hòa các phe phái chính trị.

Thất bại thứ hai của ông Morsi là trên bình diện kinh tế. Ông Morsi tiếp quản chính quyền sau 18 tháng quân đội điều hành đất nước. Khi ấy, tình hình kinh tế đã khó khăn. Rồi sau một năm cầm quyền, ông và phe của ông đã chưa đưa ra được kế hoạch phát triển kinh tế hiệu quả nào. Thất nghiệp ở nước này đang tăng nhanh, đời sống thì đắt đỏ hơn nhiều so với thời ông Mubarak.

Lực lượng đối lập là ai ?

Các tờ báo cho hay, trong hàng ngũ người biểu tình không chỉ có những người không thích ông và phe Huynh Đệ Hồi Giáo, mà còn có cả những người trước đây từng ủng hộ và bỏ phiếu bầu ông. Thế nhưng, ông Morsi sau một năm điều hành đất nước đã làm cho họ thất vọng, mà trong đó nổi lên hai việc chính đó là : Đất nước chia rẽ sâu sắc và đời sống người dân không ngừng tuột dốc.

Lực lượng phản đối Morsi rầm rộ nhất hiện tại là phong trào mang tên Tamarrud (tức Sự nổi dậy). Phong trào này đã đứng ra kêu gọi và tổ chức cuộc biểu tình  dưới sự trợ lực của phe đối lập tại quốc hội Ai Cập.

Tamarrud đã thu thập chữ ký của những người phản đối Morsi để gửi lên tòa án hiến pháp tối cao của nước này.

Lúc đầu chỉ dự định là 15 triệu chữ ký, nhưng rốt cuộc đã có trên 22 triệu chữ ký được thu thập, cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của phe phản đối Morsi. Con số này có tính chất biểu trưng cao vì nó vượt xa số phiếu ủng hộ ông Morsi ở vọng một bầu cử tổng thống năm ngoái là 13,5 triệu.

Bên cạnh đó, các tờ báo còn cho biết, trong hàng ngũ nói dậy có không ít bóng dáng của những người thuộc chế độ cũ. Nhiều quan chức thời Mubarak bị xét xử theo kiểu nửa vời và đã được trả tự do. Phe Huynh Đệ Hồi Giáo tố cáo rằng những thành phần này đã ngấm ngầm kích động quần chúng xuống đường phản đối Morsi.

Quân đội Ai Cập ở đâu ?

Trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, quân đội Ai Cập ở đâu ? Theo các tờ báo, thì quân đội nước này đã cho triển khai lực lượng và cả xe tăng ở các khu vực nhạy cảm để đề phòng bạo động và tránh việc người quá khích đập phá các công trình công cộng. Quân đội tuyên bố sẽ can thiệp khi cần thiết tránh để đất nước bị ngập chìm trong xung đột.

Các tờ báo chỉ cho biết vậy thôi chứ chưa nói rõ là quân đội đứng về bên nào. Thế nhưng, có một động thái khiến người ta phải suy nghĩ, đó là trong khi các tờ báo đều đưa số lượng chính thức người xuống đường hôm qua là « vài trăm ngàn người », đồng thời cũng nói thêm rằng, thống kê của quân đội Ai Cập lên đến « hàng triệu người ».

Một chuyên gia về tinh hình Ai Cập thì cho tờ Libération biết là, quân đội Ai Cập đang « trong thế thủ » để quan sát tình hình trước khi có quyết định cuối cùng.

Quan hệ Mỹ-Âu trong cơn bão táp gián điệp

Một hồ sơ nóng khác được các báo Pháp tập trung khai thác , đó là việc quan hệ Mỹ-Âu đang gặp sóng gió khi có thông tin cho biết Châu Âu đã bị Mỹ nghe lén thông tin.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng bài : «Gián điệp Hoa Kỳ và cơn thịnh nộ của Liên Hiệp Châu Âu (EU) ». Libération thì đăng tựa trên trang nhất : «Châu Âu nổi giận vì đã bị nghe lén ». Tờ L’Humanité mỉa mai : «Ông Barroso đàm phán còn ông Obama thì lắng nghe » và đương nhiên là «Châu Âu đòi Mỹ giải thích », tựa của tờ Les Echos.

Các tờ báo đều nhắc lại việc vừa rồi, tuần báo Der Spiegel của Đức công bố thông tin từ cựu viên CIA và NSA (Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ) đang bị truy tìm ráo riết là Edward Snowden, theo đó, mật vụ Mỹ đã dùng đủ cách để nghe lén thông tin của các nước Châu Âu, mật vụ Mỹ đã đặt máy nghe lén và hacker các máy tính để khai thác thông tin của văn phòng EU tại Washington, ở trụ sở Liên Hiệp Quốc, và thậm chí là ở các Bruxelles.

Nước Châu Âu bị « nghe lén » nhiều nhất là Đức. Các tờ báo cho biết, mỗi ngày trên lãnh thổ Đức, mật vụ Mỹ « theo dõi » đến 20 triệu cuộc điện thoại và 10 triệu thông tin trao đổi qua Internet. Trong những ngày có nhiều việc, con số 10 triệu nói trên có thể lên đến 60 triệu.

Ngoài Đức, thì Pháp, và cả lãnh đạo EU cũng đã lên tiếng đòi một lời giải thích từ phía Mỹ. Báo chí Pháp hôm nay dẫn lại nhiều phát biểu của nhiều lãnh đạo các nước Châu Âu với những lời chỉ trích hết sức gay gắt việc Mỹ theo dõi Châu Âu như : «Đó là cách làm của thời chiến tranh lạnh » 

Châu Âu cho rằng Mỹ không nên theo dõi đồng minh như vậy. Có quan chức Châu Âu còn kêu gọi đình chỉ đàm phán về hiệp định tự do mậu dịch với Mỹ trong khi chờ Mỹ có lời giải thích rõ ràng.

Hàn Quốc cũng trong xì căn đan gián điệp

Một vụ rùm ben liên quan đến mật vụ cũng đang ập đến Hàn Quốc. Tuy nhiên, mật vụ nước này bị tố cáo không phải vì đi nghe lén nước khác, mà là vì « nghe lén » trong nội bộ Hàn Quốc. Nhật báo Le Monde nhìn về sự kiện này qua bài viết : «Mật vụ Hàn Quốc bị dính vào nhiều vụ xì căn đan chính trị ».

Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) bị nghi ngờ đã ngầm ủng hộ bà Park Geun-hye trong cuộc tranh cử tổng thống mà bà giành chiến thắng vừa qua.

Hôm 14/06/2013, một cuộc điều tra về vụ việc đã xác nhận rằng, cơ quan này có trách nhiệm trong việc giúp bà Park đánh bại đối thủ Moon Jae-in bằng cách cung cấp thông tin tạo xì căn đan gây mấy uy tín cho ông này. Giám đốc NIS khi ấy đang bị điều tra.

Chưa hết, hôm 24 vừa qua, NIS lại đột nhiên công bố đoạn ghi âm cuộc thương thảo năm 2007 giữa tổng thống Hàn Quốc khi ấy là ông Roh Moo-hyung và cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-il.

Cuộc thương thảo năm ấy liên quan đến việc xác định hải phận giữa hai nước. Theo đoạn ghi âm công bố của NIS, ông Roh khi ấy nói rằng : « Không có cơ sở pháp lý và lô gích để xác định đường ranh giới này ».

Thế là những lời chỉ trích đã rộ lên cho rằng, ông Roh đã phản bội lợi ích quốc gia. Ngay ngày hôm sau khi đoạn ghi âm được ông bố, đương kim tổng thống Park đã lên tiếng cho rằng : «Chúng ta không được quên rằng có nhiều người lính trẻ đã hy sinh máu xương để bảo vệ ranh giới này ».

Thế nhưng, phe đối lập thì cho rằng, có thể đoạn ghi âm được công bố là không đầy đủ, và rằng NIS đã cố tình công bố trong thời điểm này để đánh lạc hướng dư luận về vụ NIS đã ngầm ủng hộ bà Park trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua.

Theo một thăm dò, thì có đến 53% người dân nước này cho rằng vụ NIS ngầm ủng hộ bà Park nói trên là « một xì căn đan ».

Croatia gia nhập EU một cách không kèn không trống

Bắt đầu từ hôm nay, ngày 01/07/2013, Croatia chính thức là thành viên thứ 28 của Liên Hiệp Châu Âu. Đây cũng là một chủ đề được nhiều tờ báo đăng tải.

Nhật báo Le Figaro có bài: “Croatia gia nhập EU”, Les Echos đăng dòng tựa gây chú ý: “Croatia, một trong những nước nghèo nhất Châu Âu, gia nhập EU”. Còn Le Monde thì chú ý đến chủ đề: “Nông dân Croatia lo lắng về việc gia nhập EU”.

Croatia trở thành thành viên thứ 28 của EU trong bối cảnh khối này đang bị ngập chìm trong khủng hoảng nợ công, trong khi đó Croatia lại là nước chưa khắc phục xong hậu quả chiến tranh, kinh tế còn èo uột, đời sống người dân còn nghèo khổ. Bởi vậy mà, Croatia hiện không thể trông cậy nhiều trong việc “chia sẻ” sự giàu sang với EU, còn EU thì lại phải gánh thêm một nền kinh tế nghèo khổ.

Trong một bối cảnh như vậy, hai bên đón tiếp sự kiện có thêm thành viên mới một cách khá hững hờ. Các tờ báo cho biết không khí “không kèn không trống” của ngày EU có thêm thành viên mới hôm qua. Không khí thiếu hồ hởi này hiện diện ở cả trụ sở của EU tại Bruxelles và cả ở đất nước Croatia.

Báo chí Pháp thì có vẻ không tha thiết nhiều về sự kiện này và đôi khi không dấu được thái độ lạnh lùng như trường hợp chạy tựa nói trên của tờ Les Echos: “Croatia, một trong những nước nghèo nhất Châu Âu, gia nhập EU”.

Diện mạo mới của khủng bố ở phương Tây

Trên hồ sơ khủng bố quốc tế, La Croix chạy tựa lớn trên trang nhất: “Những thanh niên bị lôi kéo bởi chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan”, phác họa gương mặt mới của khủng bố tại các nước phương Tây.

Tờ báo cho biết, thế hệ khủng bộ mới nổi lên gần đây ở Mỹ và một số nước Châu Âu có một số đặc điểm sau: Trẻ, sống bên lề xã hội, không có công ăn việc làm, tự tìm hiểu về Hồi Giáo cực đoan trên Internet, không hiểu nhiều về Hồi Giáo dù tự xưng là Hồi Giáo.

Pháp: Trộm cắp gia tăng

Liên quan đến nước Pháp, nhật báo Le Figaro đăng thông tin đáng chú ý: “Nạn trộm cấp bùng phát”.

Trộm cắp ở đây xảy ra ở nhà riêng, ở các trung tâm thương mại, và liên quan nhiều nhất đến các món đồ trang sức.

Le Figaro cho hay, chỉ trong vòng 12 tháng, nạn trộm cắp tại Pháp đã tăng trên dưới 10%.

Trong năm 2012, nước Pháp thống kê đến 352 600 vụ . Các vùng nông thôn ở Pháp cũng sống chẳng yên bình khi mà từ 5 năm nay, nạn trộm cắp không ngừng tăng lên. Trộm cắp ở đây là trộm cắp gà, cừu, bò, gỗ, dây điện…


Switch mode views: