Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đàm phán Mỹ - Việt kẹt vì dệt may


WASHINGTON DC (NV).- Tuy muốn kết thúc đàm phán thỏa hiệp thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (viết tắt là TPP) nhưng có vẻ đang bị kẹt vì quan điểm khác nhau đối với hàng dệt may mà Việt Nam muốn xuất cảng sang Mỹ.

VN-DetMay


Công nhân tại một xí nghiệp may sản xuất quần áo ở Sài Gòn để xuất cảng. Khác biệt quan điểm về xuất cảng hàng dệt may sang Mỹ đang là trở ngại để Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

 

Đây cũng không phải là vấn đề mới vì từng bị kẹt khi Việt Nam và Hoa Kỳ thương thảo trong các hiệp định thương mại song phương hoặc để Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại thế Giới (WTO) những năm trước đây.

Hoa Kỳ cho biết muốn kết thúc đàm phán với các đối tác trước cuối năm nay về Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP (Trans-Pacific Partnership) với các đối tác nhưng phía Việt nam cho hay hai bên còn khác biệt quan điểm rất xa đối với các loại hàng dệt may và giày dép xuất cảng sang Mỹ.

“Đề nghị mới nhất của phía Mỹ vô cùng khó khăn cho chúng tôi chấp nhận”. Nguyễn Vũ Tùng, phó đại sứ CSVN tại Hoa Thịnh Đốn cho hay giữa tuần qua trong một cuộc thảo luận tại The Wilson Center, một trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại.

Trừ phi hai bên vượt qua được bế tắc “Tôi rất lo cho triển vọng Việt Nam kết thúc đàm phán thành công để gia nhập TPP.” Ông Tùng nói.

Trở ngại đã có từ hàng chục năm qua vì sự chống đối của kỹ nghệ dệt may Hoa Kỳ muốn bảo vệ thị trường và khối công nhân.

Thời thập niên 1970, Hoa Kỳ có hơn 2 triệu công nhân sống trong ngành này nhưng hiện còn chưa tới 300,000 người.

Trong khi thuế quan đánh vào phần lớn các loại hàng hóa nhập cảng thấp hơn 2%, riêng hàng dệt may bị đánh thuế quan trung bình 11.1%, thậm chí có loại gần tới 30%.

Việt Nam là một trong những nước xuất cảng hàng dệt may và giày dép vào Mỹ nhiều nhất thế giới nên muốn Mỹ giảm dần thuế quan, tương tự như Mỹ ép Việt Nam bãi bỏ thuế quan nhập cảng đánh vào nông sản của Mỹ và các loại hàng hóa chế biến khác.

Hoa Kỳ cũng muốn Việt Nam bỏ ưu đãi cho các xí nghiệp quốc doanh, mạnh tay bảo vệ tác quyền trí tuệ, bảo vệ quyền lợi công nhân cũng như bảo vệ môi sinh, bên cạnh việc cho nước ngoài tham gia đấu thầu các dự án mua sắm hay xây dựng của Việt Nam.

“Tuy có những thứ rất khó cho chúng tôi chấp nhận nhưng chúng tôi thuận theo với những cái đó vì chúng tôi thấy chấp nhận những điều kiện khó khăn sẽ giúp cho nền kinh tế của chúng tôi.” Ông Tùng nói.

Ở những dịp thương thuyết thương mại với các nước khác, như Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ năm 1992, Hoa Thịnh Đốn đã nhấn mạnh đến những điều kiện rất chặt chẽ về nguồn gốc vải sợi của quần áo nhập cảng để biết chắc là Trung quốc không hiện diện nhưng lại hưởng lợi.

Hoa Kỳ đòi quần áo nhập cảng vào Mỹ phải được sản xuất với vải hay sợi do chính nước xuất cảng sản xuất hoặc từ một trong các đối tác của hiệp định (mà trong trường hợp này nhiều phần hiểu ngầm là Hoa Kỳ).

Hoa Kỳ dùng điều khoản này để bán hàng tỉ đô la vải và sợi dệt đến các nước Châu Mỹ La Tinh khi đàm phán mậu dịch với khu vực này hầu họ có thể bán quần áo sang Mỹ.

Hiện Hoa Kỳ cũng muốn tránh trường hợp Việt Nam nhập cảng vải sợi giá rẻ từ Trung Quốc để xuất cảng quần áo sang Mỹ và được miễn thuế quan.

Dù vậy, nhiều nhà sản xuất vải sợi Mỹ đang sợ rằng chính phủ Hoa Kỳ giảm bớt các điều kiện về nguồn gốc vải sợi của quần áo đối với Việt Nam khi đề nghị cho Việt Nam nhiều khoản miễn trừ mà đúng ra không nên.

Ở vòng đàm phán TPP gần đây nhất tổ chức ở Peru, Hoa Kỳ đã đưa ra một danh mục 170 thứ không bị hạn chế bởi khoản nguồn gốc vải sợi.

Tuy nhiên, phía ông Tùng thì cho rằng cái danh sách đó “quá nhỏ để chúng tôi chấp nhận” vì chúng chỉ bao gồm chừng 5% quần áo xuất cảng. (TN)

Switch mode views: